Bát gốm đen thời Lý Trần dưới góc nhìn của tác giả Trần Khánh Chương
Bát gốm đen thời Lý Trần |
Theo tác giả Trần Khánh Chương, bát gốm đen là một trong những kiểu thức đặc biệt của gốm hoa nâu, vì chúng có màu sẫm hơn, thiên về đen bánh mật. Qua bẩy, tám trăm năm dưới lòng đất, lớp màu nâu đen trở nên đen bóng hơn và bề mặt lỳ hơn. Không rõ người ta sẽ dùng chúng để ăn cơm hay đựng thức ăn gì, hoặc chỉ để uống rượu, như ta thường thấy trong các phim lịch sử Trung Quốc.
Loại bát gốm đen lòng nông, màu đen bôi chừng 2/3 phía trên, còn phía dưới để mộc vốn phổ biến từ Trung Quốc tới Việt Nam, có lẽ từ khoảng thế kỷ 10. Nếu không được tạo hình đẹp, chúng chỉ là loại bát thông thường rẻ tiền, dễ vỡ, giống hệt như bát đàn thế kỷ 18, do làng Bát Tràng sản xuất.
Loại bát gốm đen có tính nghệ thuật hoặc chân thắt nhỏ, miệng loe rộng, có thể vuốt chìm thành từng khía như cánh hoa súng trong thành bát, hoặc chiết trung từ dáng chiếc bát hình thuyền thời Hán Đường và dáng chiếc âu miệng rộng. Hai loại bát này người ta hoặc bôi đen toàn bộ, hoặc trang trí hoa văn chân chim có màu trắng, do cạo bớt màu nâu đi, để lộ xương gốm. Việc trang trí hoa văn chân chim được làm tinh xảo tới mức, người ta có cảm giác một con chim nào đó vừa đi qua, dẫm lên chiếc bát và để lại những dấu chân.
Cùng là một dáng, đáy thắt nhỏ, miệng loe rộng, nhưng phủ men ngọc khác hẳn với bôi đen. Bát men ngọc có sự nhẹ nhàng, tinh nhã, gợi ý cho việc đựng đồ ăn ngọt, hay yến sào. Bát gốm đen chắc khỏe, có vẻ trầm ấm, hợp với việc cầm vò rượu đổ vào đấy những bát đầy. Cách mà các tráng sỹ thời cổ muốn tỏ sức mạnh của mình trong ẩm thực, gọi là Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu (Uống rượu gặp người tri kỷ thì ngàn chén cũng ít). Bát gốm đen chiếm lượng nhỏ trong đồ gốm Việt, và sau này hình như nó không còn được ưa chuộng nữa, nên tự nó là hiếm hoi và đặc sắc.
Thời xa xưa, người phương Đông thường làm những chiếc bát gỗ quét sơn đen và đỏ son. Lớp sơn ta có khả năng chống thấm, dùng nhiều nước sơn bóng và nhẵn. Đây có lẽ là gợi ý cho loại bát gốm đen sau này. Màu đen, tùy từng thời đại, cũng là màu được ưa chuộng, ở trong chất vải, chất gỗ và chất gốm nó gợi nên cảm giác trang trọng, đơn giản và thượng võ. Khi sang Đại Việt, vào thời Trần (1226 – 1400), sứ Tầu đã ghi lại: dân tình thường mặc đồ đen trông như một bầy quạ, ra đường thường không mang binh khí và thích đấu võ tay không. Ta hình dung con người thời đó mạnh mẽ cương trực, lại có độ khoan dung của những Phật tử, họ dùng những bát gốm đen lớn để uống rượu, ăn cơm và rau bằng những chiếc bát men ngọc thanh nhã. Bát đũa tuy là đồ dùng thường nhật nhỏ mọn, nhưng cái thường nhật lại thể hiện mức độ văn hóa rõ nhất. Nhìn vào đồ gốm Lý Trần thấy rõ đây là thời võ công thịnh trị, thời mà văn minh Việt có được sự tập trung, dưới ánh sáng của tinh thần Phật giáo, có được cái mà vua Trần Thái Tông đã viết trong Khóa hư lục: “Chớ có cắm cổ nhai cơm, mà uổng phí cả đời người”.
(Theo Hoangthanhthanglong.vn)