A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một người trò cũ

...Ông giáo Oánh rất buồn. Suốt buổi họp hôm ấy đầu óc ông cứ để ở đâu đâu. Ông tự hỏi, không nhẽ mới chỉ có hơn tám năm đi chiến trường mà mình đã già đi, đã thay đổi đến nỗi học trò cũ cũng không còn nhận ra được nữa ư? Trong khi đó ông vẫn nhớ như in người học trò ấy, cứ như thầy trò vừa mới xa nhau thôi.

Sau giải phóng miền Nam vài năm thì ông giáo Oánh được chuyển ngành về phòng giáo dục huyện.

Một hôm phòng giáo dục có hội nghị mời các đại biểu phòng ban bên huyện sang dự. Ông Oánh đang đứng trước sân hội trường thì gặp một cán bộ còn trẻ bên huyện sang. Thoạt nhìn anh ta, suýt nữa thì ông giáo Oánh thốt lên "Quynh!". Nhưng anh ta lại tỏ ra không hề quen biết gì ông nên chỉ khẽ "chào anh!" rồi còn giơ tay ra bắt tay ông trước. Ông hơi khó chịu nhưng vẫn phải miễn cưỡng gượng vui giơ tay ra bắt tay vị cán bộ huyện ấy.

Ông chưa kịp nói gì thì ông trưởng phòng vừa trông thấy anh ta đã vồn vã bước nhanh đến chào và kéo vào phòng khách tiếp nước. Ông đứng chưng hửng.


Ông giáo Oánh rất buồn. Suốt buổi họp hôm ấy đầu óc ông cứ để ở đâu đâu. Ông tự hỏi, không nhẽ mới chỉ có hơn tám năm đi chiến trường mà mình đã già đi, đã thay đổi đến nỗi học trò cũ cũng không còn nhận ra được nữa ư? Trong khi đó ông vẫn nhớ như in người học trò ấy, cứ như thầy trò vừa mới xa nhau thôi.

Ðó là Quynh, một học sinh lớp ông chủ nhiệm năm cuối cấp trước khi ông lên đường nhập ngũ rồi đi B. Quynh là một học sinh rất ngoan, chăm chỉ, học giỏi lại nhanh nhẹn... nên ông đã cử cho làm lớp trưởng. Quynh cũng quý thầy lắm. Hôm tiễn ông lên đường, Quynh đã khóc như lũ con gái trong lớp. Quynh còn xin bằng được một tấm ảnh của thầy làm kỷ niệm. Thế mà, không biết giờ anh ta đã làm đến chức quan nào bên huyện mà anh ta đã quên mất thầy rồi? Lẽ nào địa vị, cấp chức lại làm cho người ta thay đổi đến thế?

Khi hỏi ra ông giáo Oánh mới biết anh ta làm ở bên phòng tổ chức huyện, chuyên phụ trách vấn đề biên chế cán bộ... Làm cán bộ tổ chức là oách lắm. Người đi, người đến. Kính thưa, kính gửi... Không trách anh ta lên mặt đến nỗi quên cả thầy giáo cũ của mình. Hay anh ta né tránh, sợ nhận thầy, thầy lại nhờ vả? Ngược lại hồi ở chiến trường ông đã chứng kiến bao nhiêu cảnh hết sức cảm động về tình thầy trò. Ông thấy có những người đã lên đến thiếu úy, thiếu tá hoặc hơn nữa mà vẫn nằng nặc đòi được khoác đỡ cho thầy giáo cũ của mình một khẩu súng, một bao gạo hoặc nhường cho thầy một bình tông nước, một phong bánh lương khô, một vài viên thuốc sốt rét... Rồi lúc nào cũng một tiếng thưa thầy, hai tiếng thưa thầy, cứ như vẫn đang là học sinh của thầy vậy... Lại còn có người đã là thủ trưởng của thầy giáo cũ của mình rồi, có lần gọi thầy là đồng chí mà cứ xuýt xoa xin lỗi mãi...

Ông Oánh buồn, nhưng không nói ra. Nói ra thì ông cảm thấy chính ông là người chịu hổ thẹn trước.

Mấy hôm sau phòng lại có hội nghị, lại cũng có mời các phòng ban bên huyện sang dự. Sợ lại đụng phải mặt người trò cũ ấy nên hôm nay ông giáo Oánh lặng lẽ ngồi dưới phòng chờ đến giờ mới lên. Ông pha nước uống một mình, lặng lẽ với nỗi buồn riêng của mình. Thế mà ông lại không ngờ chính người học sinh ấy đã hỏi thăm đến phòng ông và gõ cửa bước vào.

Lần này không thấy anh ta giơ tay ra bắt tay ông trước như bữa nọ, dù vẫn gọi ông là "anh". Ông Oánh không dám như một thầy giáo nọ khi gặp lại một học sinh cũ gọi mình bằng "anh" đã lạnh lùng nói "Anh nhầm, tôi không có một học sinh nào như anh...". Tuy hơi bị bất ngờ, nhưng ông Oánh vẫn cố gắng tỏ ra bình tĩnh. Ông lặng lẽ rót nước mời anh ta.

Anh ta lặng lẽ nhìn ông như nhìn một người xa lạ làm ông càng thêm khó chịu. Lâu lắm anh ta mới chậm rãi nói:

- So với ảnh thì anh không già đi mấy...

Ông Oánh không thèm hỏi "ảnh nào", vì ông thừa biết đó là tấm ảnh anh ta đã xin ông làm kỷ niệm ngày cả trường, cả lớp tiễn ông lên đường ra chiến trường. Ông nhíu mắt nhìn thẳng anh ta rồi khẽ hỏi:

- Anh là... anh Quynh, học sinh lớp 7A, lớp tôi chủ nhiệm hồi ấy chứ gì?

Anh ta cười! Lại còn cười! Học sinh đâu có học sinh thế! Rồi anh ta khẽ lắc đầu:

-Khổ, ai cũng cứ hay nhầm như vậy!

Ông trố mắt nhìn:

- Sao, anh nói sao?

- Dạ, ai cũng cứ hay nhầm như vậy... Em là Quỳnh, anh ruột của Quynh... anh ạ! Chúng em là hai anh em sinh đôi...

- Trời!... Thảo nào hai anh em giống nhau cứ như hai giọt nước...

Ông giáo Oánh bỗng thốt lên và chằm chằm nhìn anh ta như muốn xác minh điều anh vừa nói. Quỳnh thong thả nói tiếp:

- Vâng... chúng em là anh em sinh đôi. Hồi ấy nhà em túng bấn lắm, mẹ em lại ốn đau luôn... nên thầy mẹ em phải cho em lên ở làm con nuôi nhà ông cậu trên tỉnh... không được học ở quê như Quynh...

Ông giáo Oánh khẽ thở dài đánh sượt:

- Thế Quynh bây giờ?

Quỳnh bỗng buồn xỉu. Giọng anh ngậm ngùi:

- Nó... hy sinh rồi ạ... Hồi năm 1972... ở chiến trường Quảng Trị. Dạo ấy học xong cấp hai nó cũng viết đơn tình nguyện lên đường ngay. Nó bảo nó noi theo bước thầy chủ nhiệm. Nó còn nuôi hy vọng vào trong ấy sẽ được gặp lại thầy... Vậy là bây giờ thầy trò chẳng còn bao giờ được gặp lại nhau nữa...

Ðôi mắt Quỳnh đã đỏ hoe. Ðôi mắt ông giáo Oánh cũng hoe đỏ. Hai người cùng lặng lẽ cúi đầu buồn nẫu...

Một lúc sau Quỳnh quay mở cặp lấy ra một tấm ảnh nhỏ cỡ 3 x 4 khẽ đặt lên bàn trước mặt ông giáo Oánh. Liếc nhìn, ông Oánh đã nhận ra ngay tấm ảnh của mình tặng Quynh ngày đó.

- Nó treo tấm ảnh này của thầy rất trang trọng ở nhà. Hôm nọ gặp anh, về nhìn tấm ảnh hỏi mọi người em mới biết... Thôi, anh là thầy của em em thì cũng là thầy của em, từ nay xin anh cho em gọi anh bằng thầy ạ...

Ông Oánh đưa tay dụi dụi đôi mắt đã rưng rưng. Ông như thấy chính người học sinh thân yêu ấy đang hiển hiện trước mắt. Ông nhìn Quỳnh nghẹn ngào:

- Cám ơn! Cám ơn hai anh em... Vậy mà từ hôm nọ đến nay, tôi cứ... Thôi, xin thông cảm cho... Rồi hôm nào đến ngày giỗ của em nó tôi sẽ về thăm gia đình và để thắp cho em nó nén nhang...

Quỳnh đã có phần vui lên. Anh gật đầu:

- Vâng ạ! Gia đình em xin nhớ nhất định sẽ mời thầy... ở làng em cũng có rất nhiều học sinh luôn nhắc đến thầy đấy ạ! Mong thầy về chơi... gặp lại những học sinh cũ của thầy luôn thể!

Bỗng ngoài sân có tiếng ông trưởng phòng mời mọi người lên họp. Câu chuyện của ông giáo Oánh và Quỳnh cũng đành phải dừng lại đấy. Ông Oánh đứng nhanh dậy nắm tay Quỳnh cùng bước lên hội trường... Và lòng người nào cũng như còn trĩu nặng một nỗi nhớ về Quynh - người học sinh còn nằm mãi tại nơi chiến trường ấy...

Thanh Thản
 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu