A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyễn Thị Lộ-nghìn thu bạc mệnh một đời hoa (tiếp theo)

  HỒI HAI 

Cuộc trường kỳ kháng chiến chống quân Minh do Lê Lợi
chủ xướng và lãnh đạo được sự đồng tình của nhân dân cả nước

Tại sơn trại trong chiến khu Lam Sơn

Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thận, Nguyễn Thị Lộ và nhiều tướng lĩnh,quân sỹ…

- Lê Lợi:

Ta từ Lam sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình, ngẫm thù lớn há đội trời chung, căm giặc nước thề không cùng sống, đau lòng nhức óc trông đợi người tài, nếm mật nằm gai không quản. Trong lúc quân thù đang mạnh chí phục thù nung nấu thức ngủ khôn nguôi… Ngặt vì tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu. Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần, nơi biên ải hiếm người bàn bạc… Biết rằng trời thử lòng giao cho việc lớn, ta gắng trí khắc phục gian lao… Cuối cùng thì thần nhân thấu động, bốn phương sỹ tốt tụ về, tướng giỏi như hoàng thân Trần Nguyên Hãn chung gươm, hiền tài như Đình nguyên Hàn lâm học sỹ Nguyễn Trãi tâm phúc Bình Ngô hiến kế, sỹ phu như Bảng nhãn Nguyễn Mộng Tuân chung lòng đấu cật, dân chài lưới như Nguyễn Thận, nông phu như Lê Sát, sơn tràng, phố chợ, lại có cả văn nhân kiều nữ đất đế đô chẳng quản thân gái dặm trường, vượt suối băng rừng đạp bằng gai đá tới đây. Thật đầy đủ sỹ-nông-công-thương cả nước thì giặc kia dù cậy quân đông, ngựa hay, giáo tốt, mộc đồng ta nhất định đưổi được chúng đi, giành lại non sông Đại Việt!

- Trần Nguyên Hãn:

Tôi là con cháu Trần vương, đã không giữ nổi công nghiệp của tiền nhân, để cho vương triều suy đốn, muôn dân thống khổ, đất nước tan hoang! Thân làm tướng chẳng lẽ dân khổ không biết lo? Nước nhục không biết thẹn? Nhìn lũ sói ngựa dày xéo quê hương không biết căm? Để giặc vơ vét tài nguyên quốc gia không biết tức?... Gia thanh sao khỏi mang tiếng nhục muôn đời! Nay nguyện một lòng dâng gươm báu của cao tổ Chiêu Minh vương thuở trước để Lê vương bình định non sông. Thân này dù phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa mà được xả thịt lột da quân giặc thì cũng thỏa lòng.

- Lê Lợi:

Ta sở dĩ cất quân đánh giặc không phải là có lòng tham phú quý hoặc ham ngôi báu, chỉ là muốn cho người ngàn năm về sau biết ta không chịu làm tôi giặc tàn ngược mà thôi! Nay ta thật lòng cảm động ghi nhận tấm lòng thành của tướng quân, mong người hãy dùng thanh gươm gia bảo lập chiến công hãn mã làm kinh hồn giặc Minh như tổ phụ đã phạt muôn đầu giặc Thát vùi sâu trong bùn đen dưới lòng sông Cái! Còn ta được Trời tin tưởng trao cho gươm thần Thuận Thiên hành đạo, lẽ nào dám chối! Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong… Tướng lĩnh, ba quân hãy cùng ta hòa chung rượu với nứơc sông cùng hưởng!

- Nguyễn Trãi:

Thưa chủ tướng, vạn sự khởi đầu nan! Còn nhiều gian truân thử thách bởi sức mạnh của giặc chưa suy xuyển bao nhiêu và ý chí xâm lược của chúng còn hùng hổ lắm. Ta lấy ít địch nhiều ắt phải dùng đoản binh chống với trường trận, dần gây thanh thế từ nhỏ đến to. Từ tướng lĩnh tới binh sỹ phải sẵn lòng trường kỳ kháng chiến. Giặc tuy mạnh nhưng vô đạo, dân chúng sợ nhưng căm giận nên dù chúng ở giữa dân mà vẫn đói, có mắt như mù. Ta là chánh đạo nên hợp lòng người, tất có Trời phù trợ. Vũ khí sắc mạnh nhất của ta là lấy chí nhân thay cường bạo, lấy đại nghĩa thắng hung tàn khác chi lấy nước mà trị lửa!  

- Lê Sát:

Ông Thừa chỉ học sỹ nói sao khó nghe quá! Sự chinh chiến cốt ở sát phạt nhau một sống, hai chết, phải chém giết tơi bời không cho đứa nào thoát hết! Mối thù ở núi Chí Linh, Đô tổng quản Lê Lai phải liều mình cứu Chúa, bao nhiêu vợ con của các quân nhân, gia đình quyến thuộc tuớng lĩnh đều bị giết không còn một ai, máu chảy thành suối, chân núi là nấm mồ chung đêm đêm còn nghe tiếng rú vọng kêu than ai oán lẫn trong tiếng gió lùa hun hút của bao đàn bà con trẻ. Gia đình chủ tướng tan tác thảm thương: Trưởng phu nhân Trịnh thị bị bức hại đến phải tuẫn tiết! Mồ mả tiền nhân bị khai quật xương phơi trắng núi rừng cho ác thú lôi đi! Tiểu nữ mới chín tuổi đầu bị bắt mang về Tàu làm thị tỳ con ở!… Thì sao còn nói đến điều nhân nghĩa với loài lang sói ấy?!

- Nguyễn Trãi:

Nói điều nhân-nghĩa là xét cái gốc của việc làm. Giặc diệt chủng ta là vô đạo. Ta đuổi diệt chúng là hợp đạo. Nhưng khi nó đã kinh sợ quy hàng mà ta vẫn giết là bất nhân. Tháng chín năm ấy, để trả thù ông đã chỉ huy một cuộc phục kích ở Mường Một, dùng bẫy và tên tẩm thuốc độc diệt gần hết đám quân đi truy lùng của Lý Bân? Luỡi đao tử thần của ông và tướng quân Lê Ngân đã chặt đầu hàng trăm tên giặc Ngô bất kể kẻ bị thương hoặc nhát gan vứt giáo mộc quy hàng?

- Lê Ngân:

Ấy là chủ tướng không cho phép chứ chúng tôi định thừa thắng xông lên truy đuổi về tận thành lũy giặc chủ quan không người phòng bị để giết sạch sành sanh đám vợ con cha mẹ của chúng vẫn chưa hả giận!

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa tướng quân, cho phép tiện nữ được phép lạm bàn…. Kinh nhà Phật dạy: Lấy ân trả oán, oán ấy tiêu vong. Lấy oán trả oán, oán ấy trùng trùng. Ta dù đánh giặc lâu dài nhưng vẫn có ngày ngưng chém giết. Thiện chí hiếu hòa từ lúc này sẽ là cái căn để con cháu ta mai sau được sống trong cảnh yên bình. Kẻ chiến thắng là nguời biết khoan thứ, ấy là cái nhân cho trái ngọt về sau.

- Lê Sát:

Đem chữ nghĩa chữ nhân ra đánh giặc có khác chi đem sách kinh ra giảng giữa chợ trời. Giữa bút và gươm thứ nào làm rơi được đầu quân giặc?

- Lê Lợi (giải hòa):

Bấy nay ta vẫn suy nghĩ để vị nữ lưu này làm việc gì hợp với cách văn nhân?

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa chủ tướng! Tiện nữ vốn chữ nghĩa chẳng là bao và từng quen việc chân lấm tay bùn. Từ ngày vào đây tiện nữ đã cùng các bà các chị chăm lo bữa ăn chốn ở cho anh em binh sỹ. Xứ Thanh ta đồng cói bạt ngàn, dân Nga Sơn khéo tay dệt chiếu như bản quê Hải Hồ tiện nữ. Quân sỹ ngày càng đông, việc chăm lo bữa ăn chốn ở cần làm thật tốt để binh sỹ chú tâm luyện tập… Nuôi quân ba năm mới dụng một ngày. Tiện nữ đang góp tay cùng bà con dệt thật nhiều chiếu cói.

- Lê Thận:

Da kia liệu chịu được mấy ngày dầm trong nước mặn gió Lào? Bàn tay kia liệu có chịu nổi với cỏ dao không? Hay lại phải cử thêm người coi sóc!... (Nhìn Nguyễn Trãi) Và liệu ông Thừa chỉ có thuận lòng không?

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa chủ tướng! Như hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị quen việc tầm tang nhưng cũng giỏi nghề cung kiếm chẳng kém nam nhi. Tiện nữ không dám sánh mình như thế nhưng cũng thề học đòi Người làm theo lời thề sông Hát: Một xin đuổi sạch giặc thù. Hai xin đòi lại giang sơn vua Hùng!

- Lê Lợi:

-Ta giao nàng cho tướng quân Ngô Từ xếp đặt. 

Lê Lợi và Nguyễn Trãi đăm chiêu bàn bạc 

- Lê Lợi:

-Ta muốn ông Thừa Chỉ nói rõ cho nghe về kế chinh phạt tâm công với cả lòng dân và lòng giặc? 

- Nguyễn Trãi:

Thưa chủ tướng! Dù là vua chớ nên nghĩ rằng dân đã dưới quyền mình thì nói gì cũng phải nghe, bảo gì cũng phải làm. Dân có là của vua hay không, chỉ lòng dân biết. Giậu có xô thì mới biết mục, lúc ấy đã muộn rồi. Trong đạo trị quốc, Khổng tử đã dạy: Được dân chúng thì được nước. Mất dân chúng thì mất nước. Như tiền triều Trần, lúc đầu mạnh thế bởi vua quan thương dân như con, hòa mục. Nỗi lo của dân đã có bề trên trách nhiệm công tâm nên được dân tin và hưởng ứng, việc khó mấy cũng xuôi. Nhưng hậu triều mục ruỗng, vua quan đua nhau hưởng lạc, thu vén cho mình, chiếm đoạt đất đai nhà cửa, lạm dụng địa vị để vơ vét tiền bạc của dân hoặc ăn hối lộ, đưa kẻ chân tay họ hàng thân tín vào những nơi hưởng mát ăn bát vàng để cùng chia nhau lợi lộc, đẩy người trung lương cương trực vào chốn ngục tù hoặc ra nơi biên ải để dán miệng bịt mắt thần dân. Trước nỗi khổ của trăm họ, bề trên ngoảnh mặt làm ngơ. Đạo thánh hiền chỉ nói suông thành những lời sáo rỗng, chẳng ai nghe và làm theo nữa. Miệng nói quan là công bộc của dân nhưng thực ra chỉ là lũ đầy tớ ăn cắp như ranh, lưu manh hại nước. Chỉ một Hồ Qúy Ly khuynh đảo, cả một vương triều sụp đổ! Hồ Qúy Ly dù là một người tài, xắp xếp giỏi giang mọi việc nhưng làm chỉ với mục đích thoán đoạt ngôi vua là điều trái đạo, dân chúng không ai theo nên cha con ông ta đơn thương độc mã thì làm sao chống nổi giặc Minh cuồng bạo!… (Nhìn người nghe thăm dò)

- Lê Lợi:

Ông Thừa chỉ cứ nói đi.

- Nguyễn Trãi:

Huống chi chủ tướng lúc này, tuy hành đạo thuận thiên nhưng dân chúng còn nhìn vào những việc làm của mình để mà xem xét, sỹ tốt cũng nhìn vào chủ tướng để đặt niềm tin. Vì thế, muốn thắng giặc trước tiên phải chiếm được lòng người. Tướng lĩnh tiên phong, thương yêu sỹ tốt. Binh sỹ chiến đấu để bảo vệ dân nên cần có kỷ luật thật nghiêm minh, mỗi việc làm nhất nhất vì dân, tới đâu ở dân thương, nói dân tin, đi dân nhớ thì dân sẽ nuôi mình, làm tai mắt cho mình, cho con cháu theo mình tất càng đánh, quân ta càng đông, càng mạnh, đánh bao lâu cũng được, giặc nào chẳng tan? Điều này nói thì dễ nhưng làm không dễ, trên dưới phải đồng tâm hy sinh vì mục tiêu tối thượng là nước và dân.

- Lê Lợi:

Việc này ta đã nghĩ tới nhưng chỉ coi là những điều cần nhắc nhở sỹ tốt mà chưa nâng lên thành kế sách hàng đầu. Còn với giặc nếu không có đường thương mũi kiếm thì làm sao nó chịu?

- Nguyễn Trãi:

Thưa chủ tướng! Cũng là lính nhưng tên lính đi xâm lược  đánh nhau khác xa với người lính chiến đấu bảo vệ tổ quốc của mình. Đạo thánh hiền trải khắp nhân gian, điều phải-trái ai cũng biết. Vì những mục tiêu ích kỷ của giới cầm quyền họ có thể nhất thời kích động dân chúng trong một nước chém giết tàn hại lẫn nhau huống chi với người ngoại chủng xa xôi. Giặc viễn chinh bao giờ cũng muốn đánh chớp nhoáng, thắng cấp kỳ nhưng phải được cung cấp chu toàn. Ta chủ trương trường kỳ kháng chiến là để nản dần ý giặc. Ta kêu gọi dân chúng bỏ nhà không đồng trống, xa lánh giặc là để cô lập nó ra, cùng với việc triệt đường lương thảo là để cho nó không chịu được khổ mà ngãng ra kiếm cớ lui binh. Ta đánh giặc khi nó hung hãn giết hại dân lành nhưng lại mở lòng khoan dung nhân từ để cho chúng thấy việc làm của chúng là bất nhân bất nghĩa mà giảm đi tính khát máu, không còn thiết tha với việc đánh nhau. Đồng thời ta ra sức đánh sâu vào lòng địch bằng đường địch vận và ngoại giao sẽ làm cho giặc hoang mang không tin vào khả năng chiến thắng.

- Lê Lợi:

Không cần đánh giặc cũng phải tan?

- Nguyễn Trãi:

Thưa chủ tướng, điều quyết định vẫn là ở chiến trường, ta bất ngờ đánh vào những nơi trọng yếu làm giặc thua to, trận sau đau hơn trận trước, càng đánh ta càng thắng lớn. Vậy là mũi gươm với ngòi bút cùng xung trận, yểm trợ cho nhau, làm tan rã dần ý chí xâm lược từ đám lính viễn chinh tới triều đình chính quốc buộc chúng phải nghị hòa. Ta là nước nhỏ chống lại một nước lớn, đừng nên trông chờ vào một thắng lợi hoàn toàn mỹ mãn. Như thế thì giảm được xuơng máu cho binh sỹ của ta, giảm được sức dân đóng góp mà ta vẫn đạt được mục tiêu cuối cùng là phục hồi lại non sông Đại Việt.

- Lê Lợi:

Trong trướng ta có mưu sĩ cao thâm như ông Thừa chỉ, ngoài sa trường lại có những hổ tướng trung thành như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lê Vấn, Lê Sát, Lê Ngân… và binh sỹ tuy ít mà tinh thì làm sao mà không đuổi được giặc kia ra khỏi bờ cõi nước ta, phục hưng dân quốc.

- Nguyễn Trãi:

Thưa chủ tướng! Hiền thần, dũng tướng phải có minh quân dẫn dắt mới làm nên nghiệp lớn. Trời đã giao cho chủ tưóng sứ mệnh lớn lao này, chúng thần một lòng phục vụ. 

Tướng Nguyễn Thận vào, tay cầm mấy chiếc lá đa 

- Nguyễn Thận (giơ ra chiếc lá):

Thưa chủ tướng, mấy tên lính trinh sát trở về trình lên sự lạ (đưa cho Lê Lợi xem chiếc lá).

- Lê Lợi (nhìn chiếc lá lầm rầm đọc rồi đưa cho Nguyễn Trãi):

Ông Thừa chỉ thấy việc này thế nào?

- Nguyễn Trãi (đỡ lấy tờ lá, chau mày đọc, hỏi Nguyễn Thận):

Binh sỹ trình với tướng quân họ lượm được những chiếc lá này từ đâu?

- Nguyễn Thận:

Chúng lượm được từ hạ nguồn những con sông vùng Thanh –Nghệ và dân chúng đang kháo ầm lên lan tới cả thành Tây đô, Nghệ An, chắc là đã tới kinh kỳ. Lê Lợi vi vương. Nguyễn Trãi vi thần. Cùng với việc vớt được chiếc kiếm Thuận Thiên từ dưới đáy sông lên lại khớp với chiếc chuôi kiếm lượm được trong vườn là những điềm báo ứng lành cho sự nghiệp của chủ tướng ta.

- Nguyễn Trãi:

Trời giúp là cho ta trí khôn để nhận ra điều phải trái, cho ta óc sáng suốt để nhận ra bản chất của sự vật, cho ta thời cơ để biết mà dùng, cho ta người hiền để giúp việc, cho ta tướng giỏi để đánh giặc, cho ta sức để hành sự cũng như cho ta đất tốt để trồng cây, cho ta thời tiết thuận hòa để mùa màng tươi tốt… Thành bại vẫn do ta có năng nổ làm việc hay không, có khôn ngoan biết sức giặc sức mình mà đánh hay không, có gắn kết với nhau không và có quyết tâm hy sinh đánh giặc tới cùng không mới là điều quyết định. Còn đây chỉ là chiếc lá đa, chữ do người viết.

- Nguyễn Thận:

Nhưng là ai viết? Có mục đích gì?

- Nguyễn Trãi:

Người viết có mục đích rõ ràng ủng hộ chúng ta nên tướng quân cũng chẳng cần mất thì giờ truy xét.

- Nguyễn Thận:

Ông Thừa chỉ nói điều chi cũng chí lý qúa (nhìn Lê Lợi lắc đầu). Không có điều chi qua mắt được ông ta!

Nguyễn Thận raNguyễn Thị Lộ vào 

- Nguyễn Thị Lộ:

Tiện nữ xin trình diện trước Chủ tướng và ngài Thừa chỉ.

- Lê Lợi:

Kìa nữ nhân. Ta thật không ngờ tấm thân liễu yếu đào tơ lại làm được nhiều việc hữu ích cho ba quân như thế.

- Nguyễn Thị Lộ:

Đa tạ chủ tướng quá lời khen. So với anh em binh sỹ đổ mồ hôi trên bãi tập, đổ máu nơi sa trường thì việc làm của tiện nữ không đáng kể chi.

- Lê Lợi:

Chiếc chiếu đôi nữ nhân chế ra, quân ta gọi là chiếu vợ chồng, vừa để nằm vừa để đắp che sương gió muỗi mòng làm cho binh sỹ bớt nhiều bệnh tật. Đi đâu ta cũng thấy binh lính khỏe mạnh hát hò vui vẻ... Nữ nhân là người nội tướng đảm đang lại tài hoa nữa! Ngoài việc ruộng đồng, canh cửi, vá may, thơ phú, còn đàn ngọt hát hay, mấy ả đào phố thị thua xa! Nàng nói khéo thế nào mà binh sỹ của ta tranh đua nhau tăng gia sản xuất, chỉ để mong được nghe tiếng đàn tiếng hát của nàng trong ngày hội mùa thu hoạch. Ta đã tận mắt nhìn thấy các nhà kho đầy thóc, vật nuôi chật đất, cá đầy ao, vườn nương rau củ quân ăn không hết còn san sẻ cho dân nữa.

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa chủ tướng! Đó là tiện nữ thừa lệnh của Ngô Từ tướng quân. Thực túc binh cường. Binh sỹ vừa đánh giặc vừa sản xuất chứ không thể hoàn toàn ỷ vào dân thì có khi đói như ở Lư Sơn, Khôi huyện phải giết voi, giết ngựa, hái lá cây, nhổ cỏ để ăn, còn sức đâu mà đánh giặc.

- Lê Lợi:

Ông Thừa chỉ hãy căn dặn nữ nhân những việc cần làm!

(Ra)

- Nguyễn Trãi (đưa ra chiếc lá cho Thị Lộ xem):

Ta nhận ra nét chữ của nàng!

- Nguyễn Thị Lộ (sợ hãi):

Thưa là… em… em… chỉ muốn…

- Nguyễn Trãi (tiếp lời):

Làm cho người ta yên tâm mình cam phận bề tôi chứ không có ý tranh ngôi chủ tướng và không còn dòm dỏ nghi kỵ nữa!

- Nguyễn Thị Lộ (tươi lên):

Em được biết chính tướng Nguyễn Thận bày ra chuyện dâng gươm báu Thuận Thiên trước khi tướng quân Trần Nguyên Hãn dâng gia bảo kiếm.

- Nguyễn Trãi:

Con người ấy nhiều mưu mẹo. Đánh giặc thì được nhưng…  

- Nguyễn Thị Lộ:

Em lo cho đại nhân… Hình như ở đây có lòng đố kỵ! Làm sao để họ hiểu mình? Tình cờ nghỉ dưới gốc cây đa, em lượm chiếc lá rơi, lấy cây gai ghi lên mấy chữ. Chú Ba thấy hay, nảy ra ý bảo em viết thật nhiều rồi chú lấy mỡ bôi lên, đem bỏ bên tổ kiến… thành ra nét chữ như thần!... Rồi chú mang lên thượng nguồn sông thả xuống. Việc này chỉ hai người biết thôi! 

- Nguyễn Trãi:

Nàng bắn một mũi tên mà trúng hai đích đó!… Bây giờ dân chúng càng tin cuộc chiến đấu của Bình định vương do Trời xếp đặt nên thắng lợi là chuyện tất nhiên rồi.

- Nguyễn Thị Lộ:

Có mừng có vui thật nhưng trong lòng em vẫn cứ lo…

- Nguyễn Trãi:

Có nàng ở bên lòng ta thấy nhẹ đi nhiều bởi có người chia sẻ. Thật ra nếu không gặp lúc vận nước suy vi thì ta chẳng có mặt ở đây. Đó cũng là lý do ta chần chờ suy nghĩ mãi. Nhưng đến lúc phải dấn thân thì đừng so đo luyến tiếc cho riêng thân mình nữa, lấy đại nghiệp giang sơn làm trọng. Hãy coi như đứng trước mũi tên ngọn giáo của kẻ thù. Ta dù ngã xuống ở đâu cũng phải như Thái sơn sụp đổ chứ không thể nhẹ tựa hồng mao!… Bởi có Trời hiểu cho ta, nàng hiểu cho ta! 

Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn và tướng lĩnh ba quân 

- Lê Lợi:

Cuộc kháng chiến trường kỳ của chúng ta bước sang giai đoạn cuối. Đã đến lúc ta cần dốc hết sức lực ra đánh thẳng vào dinh lũy cuối cùng của giặc, giải phóng Đông Đô – kinh đô Thăng Long thiêng liêng của quốc gia Đại Việt. Trên đất nước này sẽ sạch bóng quân thù!

- Trần Nguyên Hãn:

Lúc này Thuận Hóa ta đã thu về, chỉ còn hai nơi hiểm yếu là thành Nghệ An và Tây Đô nhưng giặc như chó nằm trong cũi. Trong khi ở phía Bắc, các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Đinh Liệt… đang tung hoành khắp miệt trung du và châu thổ sông Hồng. Quân giặc trong thành Đông Quan run rảy ngồi nhìn không dám ra tiếp ứng và trông chờ cứu viện. Ta tiến quân ra Bắc trước hết chung sức với các tướng sỹ dọn thêm nhiều đồn giặc, mở rộng vùng giải phóng, cô lập Đông Quan và khi viện binh của giặc kéo sang thì ta đã sẵn sàng đối phó. 

- Nguyễn Trãi:

Toàn bộ phía Nam coi như ta làm chủ, là hậu phương rộng lớn. Dân chúng đất Bắc bấy lâu mỏi cổ ngóng trông quân Bình định vương ra giải phóng. Được dân, được đất là nguồn cung cấp vô tận sức người sức của, sỹ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh. Trong khi bên Minh triều, hoàng đế Vĩnh Lạc băng hà, tên nhãi ranh Tuyên Đức lúng túng điều quân trong lúc triều đình phe chiến phe hòa lủng củng. Ta đem quân ra lúc này khác chi cơn gió to quét sạch lá khô, tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ, buộc chúng phải dồn về cố thủ ở  Đông Quan. Ta một mặt vây thành, một mặt cho hổ tướng tinh binh chặn các nơi hiểm yếu chờ đánh một trận giập đầu quân cứu viện. Chưa lúc nào tinh thần giặc hoang mang như bây giờ, đây là lúc tốt nhất để ta phối hợp mưu phạt tâm công, không cần đánh mà giặc phải lui .

- Lê Lợi:

Đông Quan đang yếu lắm, Trần Trí xin Nghệ An ra cứu. Phương Chính để thành cho Thái Phúc và đem quân xuống thuyền đi gấp. Lê Bôi, Lê Linh ở lại hãm thành, ta thân chinh cùng ông Thừa chỉ đuổi theo quân giặc, Trần Nguyên Hãn đi theo đường bộ, tới Tây đô hợp quân công thành, hạ được thành thì tốt, nếu không ta để lại người vây hãm và kéo đại quân ra Bắc. Việc quân lúc này khẩn như cứu lửa…  

Nguyễn Thị Lộ vào cùng một bé gái chừng 8 tuổi cõng một thằng bé chừng 5 tuổi. 

- Thằng bé (tay cầm cây kiếm gỗ vung lên):

Cha ơi!

- Nguyễn Thị Lộ (nhắc nhở):

Hoàng tử Nguyên Long phải nói tâu Đại vương mới đúng!

- Lê Lợi:

Ta đi chuyến này quyết trả thù cho mẹ Ngọc Trân của con đã bị quân cuồng Minh giết hại khi con trai của ta đang cần sữa mẹ! Nếu không chiến thắng ta quyết không về!

- Thằng bé (dướn người lên vung kiếm):

Đại vương cho con đi theo đánh chết hết lũ giặc chó đi!

- Nguyễn Thị Lộ (dỗ dành):

Hoàng tử đừng làm bận lòng Đại vương giữa lúc việc quân bề bộn.

- Thằng bé:

Ứ ừ! Anh Tư Tề cũng là Hoàng tử sao lại được cưỡi ngựa đeo gươm theo cha đi đánh giặc? Vậy Đại vương thương hoàng tử nào hơn?

- Nguyễn Trãi:

Hoàng tử đừng hỏi thế. Là vương gia càng cần phải giữ nghiêm tôn ty trật tự!

- Thằng bé (giận dỗi):

Lão già khó tính thế? (Thúc kiếm vào sườn, con bé ngả nghiêng) Ôi… Con ngựa này yếu quá!

- Nguyễn Thị Lộ (giơ tay đỡ thằng bé nhưng nó gạt ra):

Hoàng tử nên thương bé Bình chớ. Bé cũng mồ côi mẹ và cha bé là tướng Ngô Từ cùng theo Đại vương ra chiến trận

- Lê Lợi (đến bên Nguyễn Thị Lộ):

Con trai ta ngỗ nghịch quá. Việc quân bận rộn không lo được chuyện tư gia, ta phó thác cho khanh như người bảo mẫu nuôi dạy nó nên người!

- Nguyễn Thị Lộ (âu yếm vuốt ve Nguyên Long):

Muôn dân cả nước đang lầm than trông đợi một đại vương. Muôn quân chỉ chờ lệnh của Đại vương để xông lên giết giặc. Thần thiếp lẽ nào dám không làm tròn việc Đại vương ủy thác.

- Thằng bé (nhảy tưng sang lưng Thị Lộ):

Vậy thì ngươi cõng ta chạy đua với ngựa của Đại vương đi!

- Lê Lợi:

Từ lâu ta đã có ý định rồi nhưng mải rong ruổi lại quên đi. Nhân dịp này ta tác hợp khanh với quan Thừa chỉ. Trai tài gái sắc, tài tử văn nhân, quá đẹp đôi. Ở đây đã có tướng quân Nguyễn Nhữ Soạn và Trần Nguyên Hãn thay mặt gia đình hai bên nội ngoại đằng trai. Tướng quân Ngô Từ sẽ thay mặt gia đình bên gái. Ta giao cho các ông đứng chủ hôn. Làm ngay tối nay, coi như lễ hội xuất quân, cùng khao tướng sỹ. Bây giờ uống tạm một bát, mai ta sẽ đến uống liền mấy hũ rượu mừng!

(Mọi người đều bưng bát rượu lên ngửa cổ uống, Lê Lợi rót xuống nền đá nhìn xem rượu có sủi bọt lên không đã rồi mới ừng ực uống, rượu tràn ra hai bên mép)

-Nguyễn Thận:

Cũng là đi kháng chiến mà ông Thừa chỉ có số bọc điều, mũi tên hòn đạn không chạm tới được một sợi lông chân mà thuyền quyên với anh hùng hoan lạc!

(Lời tung hô của tướng sỹ vang lên át hết đi) 

Hậu phương hướng ra tiền tuyến

Người già, đàn bà, trẻ con tấp nập nhộn nhịp bao công việc… Thoáng cảnh bà Lộ vừa lo việc chung vừa dạy Nguyên Long học… Lúc lúc lại có người mang loa rao tin chiến thắng truyền về

- Mõ truyền tin:  

Loa… loa… loa… loa…

Nghe đây! Nghe đây!

Đại quân Bình định vương trên đường ra Bắc, đi tới đâu giặc chạy như ruồi, dân chúng bày hương án đón mừng tân vương xuất thế. Minh đế vội cử Vương Thông sang cứu khốn nhưng khốn lại càng khốn, Mã Ánh sang giải nguy nhưng nguy lại càng nguy. Quân ta thừa thắng ruổi dài. Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi đã mất vía. Lý An, Phương Chính tìm đường thoát thân. Tháng 10 năm Bính Ngọ (1426) trận Tụy động giặc chết đầy nội. Trần Hiệp bị bêu đầu, Lý Lượng đành bỏ mạng. Vương Thông chạy thoát đóng chặt cổng thành. Quân vương hạ trại bên ngoài, thu cơ man thuyền lương thảo và binh khí của giặc… Gậy ông ta lấy đập gãy lưng ông!

Loa… loa… loa… loa…

(Dân chúng hò reo)

- Mõ truyền tin:

Loa… loa… loa… loa…

Nghe đây! Nghe đây!

Thế giặc ngày càng suy yếu. Không đánh mà thắng, quân vương chinh phạt tâm công. Quân sư Nguyễn Trãi thảo hịch kêu gọi tướng sỹ địch ra hàng sẽ được bảo toàn tính mệnh chờ ngày cho về hương quán. Thái Phúc ở Nghệ An, tự trói mình hàng. Thôi Tụ ở Diễn Châu dâng thành nộp mạng. Vương Thông xảo kế xin hòa nhưng lần lữa việc giao thành. Bình định đại vương đem quân đóng ở Bồ Đề chỉ huy đánh giặc.

Loa… loa… loa… loa…

(Những tiếng reo vui)

- Mõ truyền tin:

Loa… loa… loa… loa…

Nghe đây! Nghe đây!

Giặc lừa ta bày kế trá hàng nhưng ngầm cầu binh cứu viện. Đại vương đi guốc vào bụng chúng, tương kế tựu kế, bài binh bố trận thư hùng. Đinh Mùi (1428), tháng chín, Liễu Thăng đem binh từ Quảng Tây kéo xuống đánh cửa Ba Luy. Tháng mười Mộc Thạnh từ Vân Nam kéo sang đánh cửa Lê Hoa. Quân ta trước đã điều binh thủ hiểm chặn mũi tiên phong, sau lại sai tướng chẹn đường tuyệt nguồn lương thực. Ngày 18, trận Chi Lăng Liễu Thăng thất thế. Ngày 20, trận Mã Yên Liễu Thăng cụt đầu. Ngày 25 bá tước Lương Minh đại bại tử vong. Ngày 28 thượng thư Lý Khách cùng kế tự vẫn. Đánh một trận sạch không kình ngạc. Đánh hai trận tan tác chim muông. Lạng Sơn, Lạng Giang thây chết đầy đường. Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước. Bị ta chẹn ở Lê Hoa, quân Vân Nam khiếp vía mà vỡ mật. Nghe Thăng thua ở Cần trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau để chạy thoát thân. Suối máu Lãnh Câu nước sông rền rĩ. Thành Đan Xá thân chết chồng lên như núi, cỏ nội đầm đìa máu đen. Cứu binh hai đạo tan tành quay gót chẳng kịp. Quân giặc các thành khốn đốn cởi giáp ra hàng. Tướng giặc bị cầm tù như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng. Thể lòng trời không giết hại, Đại vương mở lòng hiếu sinh. Ngày 12 tháng 12 Vương Thông ký hòa ước lui quân. Ngày 17 tháng 12 lễ đưa tiễn quân Minh về Tàu. Nước Đại Việt lại về với người Đại Việt như châu về Hợp Phố. Mã Kỳ, Phương Chính cấp cho 500 chiếc thuyền ra đến biển vẫn hồn xiêu phách lạc. Vương Thông, Mã Ánh phát cho vài ngàn cỗ ngựa về đến Tàu còn tim đập chân run. Họ đã ham sống sợ chết mà hòa hiếu thật lòng. Ta lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức. Mưu kế diệu kỳ xưa nay chưa có. Xã tắc từ nay bền vững. Giang sơn từ nay đổi mới. Càn khôn bỉ mà lại thái. Nhật nguyệt hối mà lại minh. Muôn thuở nền thái bình vững chắc. Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu. Âu cũng là nhờ có trời-đất-tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy.

Xa gần bố cáo. Ai nấy đều hay.

Loa… loa… loa… loa…

Ồn ào nhốn nháo khóc cười hò hét. Người ta vứt bỏ đi mọi thứ, cuống cuồng không biết làm gì.Nổi lên đủ mọi lời bàn:

- Hòa bình rồi! Hết chết rồi!

- Về nhà làm ăn đi!

- Chân cụt, tay què biết làm gì bây giờ?

- Gái góa phu. Trai góa phụ. Rổ rá cạp lại làm được việc chi?

- Quá lứa nhỡ thì lấy ai? Rồi thành bà cô, ông mãnh!

- Kéo nhau ra kinh kỳ mà ở, khổ mãi rồi, phải sướng bù!

- Kéo cả xứ Thanh – Nghệ này ra phố phường ở cho vui!

Người ta tay bị tay gậy, đội thúng, gánh gồng kéo nhau hướng ra kinh kỳ. Lẫn trong đó có bà Nguyễn Thị Lộ hai vai hai bị, lưng cõng Hoàng tử Nguyên Long, tay dắt tiểu thư Ngô Thị Bình con tướng Ngô Từ. Mỗi đứa trẻ tay cầm cuốn sách.

- Nguyên Long:

 Ngựa phóng nhanh lên cho ta kịp gặp phụ vương xin cái thủ cấp kẻ đã giết mẹ yêu ta!        

- Nguyễn Thị Lộ:

Hoàng tử không nghe hịch của Đại vương sao? Nó đã ham sống sợ chết mà xin hàng. Ta thể lòng hiếu sinh mà tha mạng. Muốn sống yên bình phải biết hiếu hòa. Từ nay Hoàng tử càng phải siêng học nhiều hơn để thấu hiểu đạo thánh hiền, sống khoan thứ và coi trọng điều nhân-nghĩa.

Nhạc chiến thắng vang lừng 

(Còn nữa)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu