A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyễn Thị Lộ-nghìn thu bạc mệnh một đời hoa (tiếp theo)

 

HỒI BA

Cuộc kháng chiến trường kỳ do Lê Lợi lãnh đạo kéo dài 10 năm. Đất nước được giải phóng. Lê Lợi chủ động hiếu hòa với Nhà Minh, chấp nhận làm phiên quốc, nộp triều cống hàng năm miễn là giữ nguyên bờ cõi, đất nước bình yên. Chủ tướng lên ngôi báu, hiệu là Lê Thái Tổ, thâu tóm quyền bính, bình trị thiên hạ, nghi kỵ sát hại công thần. Nguyễn Trãi bị thất sủng. Lê Lợi trị vì được 6 năm. Con trai thứ là Nguyên Long nối ngôi vua lúc 11 tuổi, hiệu là Lê Thái Tông. Các quan cận thần đa phần ít học, tranh công, vơ vét, lộng quyền, sàm tấu. Vua trẻ tư chất thông minh nhưng ương ngạnh, đam mê sắc dục. Triều chính bất yên, luôn xảy ra nhiều vụ thanh trừng tàn bạo để loại trừ mưu đồ thoán nghịch.  

Triều đình nhà Hậu Lê sau khi thắng giặc Minh 

Đại tư đồ Lê Sát và Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ. 

- Lê Sát:

Khá khen bà Lễ nghi học sỹ mưu sâu, tâu sao để Hoàng thượng vừa lòng cho ta dẹp được cái nạn lăng loàn của đám cung nhân chứ không thì nơi triều chính chẳng khác gì chốn hậu cung… Không còn giữ được kỷ cương gì nữa! 

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa quan Đại tư đồ! Được Hoàng thượng cho hưởng ân sủng bổng lộc thì hạ quan phải đêm ngày suy nghĩ làm sao cho xứng với sự tin cậy của Đức Ngài. Có điều là với những cung nhân lỡ dại ấy, đại quan hãy rộng lòng khoan thứ trả về nguyên quán, có bậc phụ huynh giáo huấn dần thì chúng sẽ hiểu ra và tự sửa mình, biết đâu sau này chúng còn nhớ tới tấm lòng quảng đại của đại quan. 

- Lê Sát:

Các người lúc nào cũng nói tới khoan dung khoan thứ mà liệu cái thân mình có giữ được mãi không? Xem ra bà Lễ nghi học sỹ có duyên lắm mới làm siêu lòng được Hoàng thượng chớ như các quan Thiếu bảo, Hữu bật thừa lệnh triều đình vào hầu giảng sách, bệ hạ bỏ đi không thèm nghe. Viên quản lĩnh thị vệ thấy bệ hạ bỏ học đi bắn chim, có ý can ngăn, Ngài dùng cung bắn vào người ấy làm hậu cung náo loạn lên. Đến như đức Hoàng thái hậu và các bậc Thần phi, Huệ phi tiền triều vào khuyên nhủ mà Ngài còn sập cửa lại không thèm tiếp… Thì ra giai nhân thời nào dù trẻ hay già đều có cái thần uy với cả bậc đế vương lẫn khách tao nhân chớ nói chi là kẻ… phàm phẩm hàm bổng lộc làng nhàng! 

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa đại quan! Hạ quan lúc nào cũng giữ đúng theo lễ nghi phép tắc của kẻ bầy tôi trước Ngôi cao. Có thế mới dám thừa lệnh Đức ngài giáo hóa lũ cung nhân biết điều lễ nghĩa khi được gần ngôi Thiên tử. 

- Lê Sát:

Hoàng thượng ta mình rồng không được cường kiện như đấng tiên vương. Đám cung nhân cứ kiếm dịp lại gần, Đức ngài lại dễ cả thương nên ngọc thể khó bảo toàn mà cả triều đình không ai dám nói.   

- Nguyễn Thị Lộ:

Từ thuở đấng tiên vương còn gian nan nơi trận mạc đã giao hoàng thượng cho hạ quan chăm lo từ bữa ăn giấc ngủ đến chuyện sách đèn nên hạ quan hiểu ý Ngài, biết liệu lúc liệu lời thưa lại. Hoàng thượng ta tuy tuổi còn niên thiếu, dù bồng bột nhưng có cách suy nghĩ của bậc đế vương. 

- Lê Sát:

Bởi Đức tiên vương ta biết cái công ấy của quan Thái phó và cũng nhờ tài khéo biết ý lựa lời của bà mà quân Hầu mới được đại xá cho toàn mạng sống. Trên đời này mấy ai có được người nội tướng như bà. 

- Nguyễn Thị Lộ:

Đại nhân tôi được đại xá và cho phục chức trước hết là nhờ tấm lòng nhân đức cao sâu của đấng tiên vương, sau là nhờ các vị đại quan đồng liêu thương mến đã hết lời tâu xin. Chúng tôi ghi lòng tạc dạ mãi ân sâu ấy.  

- Lê Sát:

Ta nghe nói bà Lễ nghi học sỹ quá bận việc nơi cung cấm,  không nỡ để đức lang quân phòng không gối lẻ nên đã cho một cung nhân thay mình hầu hạ ngày đêm? 

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa đại quan, người đàn bà có thể xa chồng bao lâu cũng được nhưng người đàn ông xa vợ thì khó giữ lắm. Đấy là hạ quan lo trước cho chồng, chứ khi đã có phẩm trật đứng giữa triều đình thì phải biết tránh mọi điều thị phi tai tiếng mới được trên yêu dưới kính. Hạ quan không dám dùng người của triều đình tuyển dụng làm việc riêng tư. Cô gái đó là Phạm Thị Mẫn, theo giúp việc hạ quan từ lâu nên biết thị là người nết na hiền thục, giỏi giang. 

- Lê Sát:

Liệu quan Hành khiển có chịu đổi nàng Tây Thi lấy một đứa quê mùa nhạt nhẽo mà nhan sắc và tài năng đức hạnh làm sao được như bà? 

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa… đòi hỏi tài năng đức hạnh ở mỗi thứ bậc khác nhau. Phận tỳ thiếp không giống một phu nhân, kẻ đầy tớ khác là ông chủ, viên quan châu quận không thể so sánh với bậc đại thần. Mỗi người biết ngôi bậc của mình để làm tròn phận sự ấy là biết coi trọng phẩm giá của mình.  

- Lê Sát (thở dài):

Cung hoạn lộ của quan Hầu không được như ta nhưng cung thê thiếp của ta không bằng ông được! (Ra) 

Nguyễn Trãi vào 

- Nguyễn Thị Lộ (kính cẩn):

Thưa phu quân… có việc vào Triều? 

- Nguyễn Trãi:

Ta bây giờ như một phế nhân. Sự có mặt của ta cũng bằng thừa. Lời nói của ta cho người khó nghe, mà không nói thì lại mang tiếng khinh mạn triều thần. Việc đời đáng rơi nước mắt, không thể nói ra lời! 

- Nguyễn Thị Lộ:

Em thật mắc lỗi với phu quân nhiều quá… Không thể luôn ở bên mình để được chia sẻ với phu quân những lúc vui buồn hoặc chăm sóc người những lúc cô đơn khó ở. Xin phu quân tha lỗi cho vì lòng em cũng ngổn ngang trăm mối mà không biết hỏi ai… 

- Nguyễn Trãi: 

Ta hiểu và rất thương nàng. Để được lòng vị hoàng đế trẻ thông minh nhưng đam mê nhiều thứ lại nhẹ dạ, tính khí thất thường mà trong hậu cung luôn có những mưu mô, dòm dỏ, xầm xì… Nàng làm tròn phận sự đã là qúa giỏi nhưng ta e dễ mang họa vào thân. Đến như ta cũng chán cảnh triều chính lúc này! 

- Nguyễn Thị Lộ:

Giá như em được cùng phu quân về chốn điền viên thôn dã, vui với trăng-gió-núi-sông, ru êm lòng mình trong tiếng chày giã gạo, trong tiếng suối reo, thả hồn vào mấy vần thơ, lúc buồn có bà con với các em cháu cùng chia sẻ… Nhưng lúc này chính sự nhiều điều rối rắm, mà phu quân đa mang vào thì khó, quay mặt đi thì không được… Cứ như người muốn đi mắc núi, trở lại mắc sông…                 

                                                       

Nguyễn Mộng Tuân vào 

- Nguyễn Mộng Tuân:

Được hoàng đế vời vào tham nghị mà sao đại huynh nét mặt không vui?  

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa đại quan! Giá như phu quân tôi có được nửa phần thảnh thơi như đại quan thì tôi sung sướng biết chừng nào? 

- Nguyễn Mộng Tuân:

Làm quan là phải lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ chứ lại thảnh thơi sung sướng là đắc tội. 

- Nguyễn Trãi:

Đệ Nguyễn Mộng Tuân! Có lúc ta trộm nghĩ giá như ngày ấy mọi người không vì thương ta mà can gián thì ta đã được thảnh thơi vui cùng các đệ Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo để lòng khỏi phải như đeo đá lúc này. 

- Nguyễn Mộng Tuân:

Cái sống, cái chết là lẽ tự nhiên, nó đến nó đi lúc nào mặc nó. Cái chết sẽ đến với huynh thật khó và cũng dễ biết bao… Nhưng nó không thể chìm nghỉm dưới sông như Trần đệ của chúng ta hoặc như ông Khuất Nguyên nước Sở được đâu. 

- Nguyễn Trãi:

Tả tướng quốc trầm mình xuống dòng sông Lô sau khi lập nhiều công trạng lớn để khai nghiệp một vương triều oanh liệt! Tam lư đại phu trầm mình dưới dòng Mịch La dù hết lòng phò một vương triều đang hồi suy thoái! Một thiên niên kỷ rưỡi rồi mà câu hỏi Thiên hạ ai say, ai tỉnh? ai đục, ai trong? còn treo lơ lửng giữa đời! 

Hoàng đế Lê Thái Tông vào có các đại thần theo sau

Chúng thần quỳ mọp tung hô vạn tuế 

 

- Vua Lê Thái Tông:

Ta nghe các ngươi đang bàn cái gì như là sự tỉnh-say-trong-đục? 

- Nguyễn Trãi:

Tâu Hoàng thượng… Chúng thần đang nói về cái chết của quan Tam lư đại phu nước Sở. 

- Vua Lê Thái Tông:

Cái ông nhà thơ nói câu Thiên hạ say một mình ta tỉnh – Thiên hạ đục một mình ta trong ấy phải không?... Vậy thì ai say, ai tỉnh? Ai đục, ai trong?

- Nguyễn Mộng Tuân:

Tâu… Đấng Thiên tử là cha của trăm họ, mẹ của muôn nhà thì bao giờ cũng tỉnh, lúc nào cũng trong. 

- Nguyễn Trãi: 

Tâu Hoàng thượng… Trong trường hợp này thì người xa lánh đời vẫn tỉnh và mãi mãi là cái bóng trong veo cho đời ngưỡng vọng dù nước Sở sau đó không còn! 

- Vua Lê Thái Tông:

Khá khen cho câu trả lời bạo dạn. (Hỏi Nguyễn Mộng Tuân) Khuất Nguyên là người thế nào?  

- Nguyễn Mộng Tuân:

Tâu Hoàng thượng… sách sử nói ông là người thông minh uyên bác, học rộng nhớ lâu, thấu rõ lẽ loạn trị, thạo việc giấy tờ, yêu nước thương dân, bị người ghen ghét với tài năng của ông tìm cách gièm pha hãm hại. Nhìn cảnh triều chính rối loạn, bách tính điêu linh mà đành phải bó tay, ông đã không chịu nổi ! 

- Vua Lê Thái Tông (hỏi Nguyễn Trãi):

Theo khanh Khuất Nguyên có đức tính gì? Tốt hay là xấu? 

- Nguyễn Trãi:

Tâu… đức tính của quan Tả đồ Sở quốc là: Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo hèn không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục… Việc coi là tốt hay xấu tùy theo tâm thế của người đời. 

- Vua Lê Thái Tông:

Ta cảm phục bộ óc với đôi mắt rồng của Đức tiên vương lúc sinh thời đã chọn khanh làm người giáo huấn cho ta khi còn chập chững… Ta vẫn nhớ lời quan Thái phó: Dân chúng chỉ yêu quí những ai sống đúng đạo làm người. Như nước có thể nâng thuyền lên mà cũng có thể dìm thuyền xuống, thì dân chúng cũng có thể nâng đỡ hay lật đổ ngôi cửu ngũ như thế được. Ta sẽ không bao giờ là Sở Hoài vương đâu…  Các khanh nhớ lấy! 

(Tất cả triều thần lại quỳ mọp xuống tâu: Thánh thượng vạn tuế… vạn vạn tuế!)

 

- Vua Lê Thái Tông (hướng về Thị Lộ):

Khanh Lễ nghi học sỹ cho ta biết những cung nhân gọi là nữ nghịch tặc kia, xử tội thế nào? 

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu bệ hạ, thần chỉ bày kế dọn sạch chúng ra khỏi cung êm thấm mà thôi. Còn việc xử tội thế nào là quyền của quan Đại tư đồ Lê Sát. Tuy nhiên thần đã thưa với đại quan xá tội cho chúng về nhà có cha mẹ bảo ban, bởi chúng chỉ là những kẻ có chút nhan sắc nhưng phần lớn sinh trưởng ở chốn quê nghèo, ít học. Nhân bất học bất chi lý – Ấu bất học lão hàn vi. Kẻ bất học dễ bảo mà khó dạy. Có thể dùng làm việc nghĩa, cũng có thể dùng vào việc bất nhân, điều nhân-nghĩa dễ đi khó ở, là người bất trắc! Nếu được giao việc lớn thì làm hỏng mà không biết, tai nghe như điếc, mắt nhìn không thấy thì không hiểu được điều sai, gây hại lớn, triều đình mang tiếng dở! Nếu giao cho việc nhỏ lại nghĩ mình tài, vênh vang áp chế kẻ dưới, xu nịnh người trên, dân tình than oán! Thời trẻ không chịu học, lúc già lại giàu sang, chỉ có làm những điều bất chính, nước non loạn trị! Kiếp cung nhân tưởng là vinh hạnh mà cay đắng nên dễ sinh lòng ngỗ nghịch hận đời …

- Vua Lê Thái Tông (nhìn Nguyễn Thị Lộ hài lòng):

Trẫm khen khanh đã giúp triều đình làm được việc nhỏ tưởng dễ mà lại khó. Bây giờ ta giao cho khanh chấn chỉnh mọi việc ở nội cung… Việc này càng khó lắm thay!... Khanh có thể lui về với công việc của khanh đi.

 

 

(Nguyễn Thị Lộ bái tạ đi ra)

 

- Vua Lê Thái Tông (nhìn Lê Sát):

Những cung nhân ấy ngươi đã chia cho các quan thân thích, bán cho những kẻ giàu làm nô tỳ rồi, có không? (Giận) Ta nghe nói quan Tể tướng hay tư tình, hiếu sát! Ngươi có sai hình quan tra xét tội nhân tại điện đình rồi lôi ra chém ngay phải không? 

- Lê Sát:

Muôn tâu Thánh thượng… Hạ thần giữ cái uy của Thánh thượng với những kẻ coi thường phép nước! 

- Vua Lê Thái Tông:

Phép trị nước phải giữ cái uy và đức. Nhưng điều nào cần hơn…. Quan Thiếu phó? 

- Nguyễn Trãi:

Một xã hội thịnh trị, đem những điều nhân ra để răn người, gọi là đức trị. Nếu có đức mà không có uy thì làm sao giữ được nước? Nhưng có uy mà thiếu đức thì làm sao giữ được dân? Muốn có đức thì từ đấng quân vương đến các triều thần trước hết phải tỏ rõ ra cái đức hạnh của mình. Nếu chỉ biết ép dân làm theo quân luật mà các bậc bề trên chia nhau hưởng lạc, giúp nhau giữ lấy ghế vị thì nước không yên được. Thánh hiền đã dạy quan là phụ mẫu chi dân, cũng như cha mẹ yêu thương con, sống chết vì con, chứ có bậc cha mẹ nào đẩy con vào chỗ khó, giành hết phần của con đâu? Thánh hiền cũng dạy quan là công bộc chi dân, như kẻ đầy tớ tận tụy trung thành chứ không phải là những con sâu mọt đục khoét của dân… Nếu thấy không làm theo được những điều ấy thì đừng nhận việc, không vua nào bắt tội, dân chúng chẳng thể chê cười. 

- Vua Lê Thái Tông:

Vì sao mà Trời-Đất mấy năm nay có nhiều điềm lạ, hết sao chổi quét lại gấu ăn trăng, mây mờ ám khí, sương độc hại mùa, chốn kinh thành như biển nước, thiên tai liên tiếp? Trong triều các quan lục đục, đua nhau ăn của đút lót, chia chác công điền công thổ, xà xẻo đến cả tư thổ tư điền nối đời của người ta, bóp nặn túi dân? Các quan được cử đi làm sứ thần lo việc bang giao cũng chê bai khích bác nhau, nói xấu quốc gia, xin xỏ lẫn lộn riêng chung, bán buôn tư túi… không còn nghĩ tới điều quốc thể! Dân chúng bất bình, rối loạn trị an, trộm cắp xảy ra ở khắp mọi nơi, ngày đêm lúc nào cũng có. Con người ngày nay hung hãn, côn đồ, xảo trá, buôn bán thánh thần như bán buôn chức tước? Hay là Trẫm mỏng đức thiếu tài không biết gì để dạy, không nết gì để theo? Hay là các khanh đã quên hết những lời Tiên vương ủy thác ta? Hay là các khanh đã quáng mắt theo người, đam mê giàu sang hưởng lạc, thờ ơ với bao công lao xương máu của các đấng tiền hiền tiên liệt đổ xuống để giành lại non sông Đại Việt này? Tệ nạn trên lừa dưới, dưới dối trên, huyênh hoang khoe mẽ, vừa tị hiềm vừa tâng bốc lẫn nhau làm cho quả nhân có tai như điếc, có mắt như mù… Hỏi đâu là bến bờ cho dân cho nước?  

(Cả triều thần lặng xuống… )

                                                         

Tan triều – Các quan gặp Nguyễn Thị Lộ ở hành cung

 

- Lê Thận:

Bà học sỹ tâu lên Hoàng thượng chuyện mấy lão gia này nhận mấy đứa cung nữ thải đi ấy thì còn gì là… lễ nghi nữa chứ? 

- Nguyễn Trãi:                        

Có nhận thì việc gì phải giấu! Bậc quân tử biết phân biệt điều đúng-sai. Kẻ tiểu nhân chỉ cần biết điều gì lợi-hại cho mình.  

- Nguyễn Thị Lộ:

Đại quan Tham nghị hiểu lầm rồi! Tiểu quan như tôi làm gì, nói gì nhất nhất đều theo lệnh của thượng quan. Ngài thường gần với Cơ mật viện thì bất kể việc gì to nhỏ nội ngoại triều đình mà không biết? Tai vách mạch rừng lan nhanh như sóng triều bể động, làm sao bịt được miệng thế gian? 

- Nguyễn Thúc Huệ (cự Nguyễn Trãi):

Là quân tử sao ông Thừa chỉ không nhận mấy quân trộm cướp ấy về nhà, lấy điều nhân-nghĩa mà cảm hóa? Cớ sao còn can thiệp vào pháp luật của triều đình để làm cho chúng lờn với phép nước! 

- Nguyễn Trãi:

Thế sao các ông đòi sửa bản tâu cầu phong của vương gia gửi vua Ngô? Ta không sửa. Ai muốn sửa thì viết bản khác đi. Ngồi ở Cơ mật viện thì ông biết nhiều. Một ông quan tham đẻ ra một trăm tên trộm vặt, mà quan tham thì nhiều, bắt chẳng thấm đâu lại chiếu đủ điều cho nhẹ tội, thế thì bắt sao hết trộm? Lại đưa chúng vào khung luật hình thật nặng chẳng lẽ pháp luật của triều đình bất minh lắm ru? 

- Nguyễn Thúc Huệ:

Ông còn bênh Bùi Ư Đài, xin cho y được gọi về triều và cho phục chức là coi chúng tôi chả ra cái thể thống gì. 

- Nguyễn Trãi:

Nóng lòng trước việc nước có nhiều bất ổn, Bùi Ư Đài dâng sớ xin chọn những bậc hoàng huynh quốc cữu cao niên từng trải được nhập thị để khuyên răn nhắc nhở cho Bệ hạ chẳng là việc nên làm lắm sao? Xin vua đặt thêm chức Sư phó để làm cột đá cho nước, giúp vua chỉ huy trăm quan chục viện, chẳng là không hợp lẽ sao? Can vua không để cho các viên quan từng bị Tiên đế trừng răn ghép tội lưu đồ nay trở về làm quan coi trị quân dân là điều hữu lý! Vậy mà các ông đổ cho là lập kế ly gián vua tôi, nằng nặc đòi đem ra xử trảm! May là vua ta tỉnh sáng, chỉ xử cho lưu đày viễn châu. Người như thế là ngay thẳng, không vụ lợi thì gọi về triều là hữu ích chớ sao? 

- Lê Sát:         

Trời làm thiên tai giáng họa, cớ sao ông đổ lỗi cho bọn bề tôi? Chẳng qua là có ý đổ lỗi cho Bệ hạ, cho quan Tể tướng… Sao ông qúa lắm thế! 

- Nguyễn Trãi:

Bọn ấy chỉ có tài nhỏ nhắm mắt đi vơ vét thuế thật nhiều, không quan tâm gì đến nỗi khó khăn của dân về mùa màng, thế sự, chỉ mong có công với triều đình mà không thấy là thuế khóa nặng nề lê dân càng khốn khổ. Cuối cùng là dân thì than oán mà vua thì ngồi tận cửu trùng đài đâu có biết chi. Chỉ bọn nịnh thần sống chết mặc bay thì hưởng lộc đơn lộc kép, tiến chức thăng quan rầm rầm. Tôi nói ra nặng nề là với ý đó.  

- Nguyễn Thị Lộ: 

Các vị đại quan ơi! Việc nước bề bộn, chỉ nên nói ít và làm thật nhiều điều thiết thực. Các vị đều nhiều công lao và tài giỏi cả, không ai chịu ai đâu. Thánh hiền dạy: Bậc quân tử vì muôn dân làm trước nói sau và đòi hỏi ở mình trước đã. Kẻ tiểu nhân chỉ đòi hỏi ở người mà chẳng làm điều ích gì cho ai cả. Xin quí vị hồi gia, các quí mệnh phụ phu nhân đang đỏ mắt chờ. 

- Lê Thận:

Hứ… Chồng tung vợ hứng tài thật đấy!  

 

Tại tư dinh Nguyễn Trãi

 

- Nguyễn Trãi (đi lại ngâm thơ Khuất Nguyên):         

                        Chúng chen chúc trên đường vụ lợi

                        Tấm lòng tham, tham mãi tham hoài

                        Đem dạ mình đo bụng người

                        Sinh tình ghen ghét, đặt lời gièm pha

                        Mồi phú quý không ngừng đeo đuổi

                        Mà lòng ta có phải thế đâu

                        Đem thân cầu cạnh bon chen

                        Còn đâu giữ được thơm tho tính trời 

- Nguyễn Mộng Tuân (vào):

Nghe như Tam lư đại phu đang ở đây? 

- Nguyễn Trãi:

Mộng Tuân… Nếu ta thật là Khuất Nguyên thì khốn khổ thay cho nước Đại Việt này! 

- Nguyễn Thị Lộ:

Đại quan tới đúng lúc phu quân tôi mong có người tri kỷ. 

- Nguyễn Mộng Tuân:

Xem ra Hoàng thượng không nỡ dứt tình mà sao huynh lại khăng khăng cố chấp xin về chí sỹ?

- Nguyễn Trãi:

Ta cảm cái ân sâu của Hoàng thượng và biết rằng Đức ngài tuy có bồng bột khác thường nhưng là người sáng trí và quả đoán. Ngài đã nhìn ra những nguy cơ và sẽ tới lúc nắm lấy quyền bính. Nhưng… đệ có nhớ không, khi ta lần lữa chưa muốn vào Lam Sơn thì chính đệ, tướng quân Trần Nguyên Hãn và cả phu nhân ta có ý trách ta? 

- Nguyễn Mộng Tuân:

Nhưng trước cảnh giặc xâm lăng lùa binh gây hấn, tội ác chất chồng đã mấy mươi năm đến côn trùng cây cỏ cũng không chịu nổi… Nếu người quân tử không biết quên mình vì nghĩa thì nhân dân có tấm gương nào để noi theo? 

- Nguyễn Trãi:

Ta không ân hận về những ngày nằm gai nếm mật cùng Đại vương và các quan kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bởi máu xương của bao người đổ ra không uổng. Nước Đại Việt đã là của người Đại Việt. Vua là vua ta, quan là quan ta cai trị dân ta. Ruộng đồng, rừng, biển là của ta… Nhưng có ai ngờ những cái được đó lại làm cho ta đau lòng đến thế! Có những kẻ không gặp cảnh nước non vong biến chưa biết họ sẽ làm gì. Nhờ vào may mắn hoặc sự khôn ranh mà thoát được mũi tên hòn đạn thì họ công một kể mười, bổng lộc đầy nhà dục vọng còn chưa thỏa, không chịu tu thân, không rèn trí-đức, bạc tình chiến hữu, quên ơn những người từng che chở cưu mang, làm quan là để vinh thân phì gia, nghênh ngang kênh kiệu... Đừng nghĩ rằng quân Ngô thua chạy rồi thì muôn đời chúng sẽ không trở lại. Khi các bậc bề trên chỉ lo cho ngôi vị của mình, lại kết bè đảng tị hiềm hãm hại nhau, người dân đói không ai thương, đau không ai xót, nói không ai nghe, kêu không ai cứu, khổ vẫn hoàn khổ thì giang sơn này ai giữ?! 

- Nguyễn Mộng Tuân:

Nước non là của chung, một mình huynh giữ có nổi không? Hay là huynh chết trước khi nước mất! 

- Nguyễn Thị Lộ:

Chết nơi sa trường đánh giặc là cái chết oanh liệt vẻ vang, nhiều người thương tiếc. Nhưng chết vì tay kẻ ác tâm dối người giả danh hành thiện thì âm thầm oan uổng lắm. Đục trong khó biết, thời gian xoá dần dấu tích, người ta chóng quên đi. Đời sau dù xót thương muốn thanh minh cho người trung chính hiền lương cũng khó. 

- Nguyễn Trãi:

Quả thật khôi hài biết bao. Danh thì hão mà khổ đau là có thực. Người tín trung lại bị đám đông ganh ghét tị hiềm… Lỗi ấy từ đâu? Có liên can gì tới kẻ hậu sinh không?  

- Nguyễn Thị Lộ:

Ngày xưa Tể tướng Quản Trọng lúc lâm chung tiến cử hiền tài, tâu với Tề vương: Người yêu điều thiện thì được chứ ghét điều ác quá thì không ai chịu được… Ông Bão Thúc Nha là người biết xử như thế nên để danh thơm. 

- Nguyễn Mộng Tuân:

Sao huynh không mặc kệ nó đi, lặng lẽ chờ thời? 

- Nguyễn Trãi:

Ngơ đi làm sao được khi thấy các bậc hiền tài, những kẻ trung ngôn bị hãm hại hoặc loại trừ dần đi! Khi lũ gian thần cậy quyền bênh nhau ức hiếp chiếm đoạt ruộng vườn nhà cửa của dân để con cháu họ nghênh ngang coi thường phép nước! Khi đứng giữa triều đình nhìn các quan đồng triều không biết tin tưởng vào ai được! Khi câu chữ thánh hiền biến thành gươm giáo hại nhau! Khi một câu thơ biến thành điều oan nghiệt! Khi chốn pháp đình không còn là nơi trông cậy của những kẻ bị hà hiếp oan khiên! Khi ông thầy không là người tải đạo! Khi sử quan bóp méo đi sự thật! Khi những kẻ chưa thông đạo thánh đứng làm chủ thí! Văn bằng mua được, chức sắc bán được thì giá trị quan còn có nghĩa gì!... Người coi trọng điều liêm sỷ làm sao chịu nổi?! Ta đợi chờ lâu rồi nhưng ngày càng tệ hại và cảm thấy có những ma lực đang liên kết lại để hãm hại ta. 

- Nguyễn Mộng Tuân:

Người như huynh cho về chí sỹ thì triều đình mang tiếng không trọng dụng hiền tài tuấn kiệt, bạc đãi công thần. 

- Nguyễn Trãi:

Ta dâng biểu tạ ân Hoàng thượng thương thần, mặc quần ngôn lắm kẻ gièm pha, thánh ý cứ bền tín nhiệm, với công thần xếp cùng hàng liệt, lại ban quốc tính để rạng tông môn… Cảm mà chảy nước mắt. Mừng mà sợ trong lòng! 

- Nguyễn Mộng Tuân:

Chẳng lẽ Hoàng thượng chịu cho huynh mắc nợ? 

- Nguyễn Trãi:

Hoàng thượng giao cho ta cùng với Lương Đăng làm nhạc. Nhưng hắn chỉ là viên hoạn quan học lỏm. Giữa triều nước Đại Việt nghe nhạc lễ tấu lên như đang ở giữa triều Ngô, Sở! Người mình từ lâu đã có những khúc tấu riêng lúc vui, buồn, nghiêm, nghỉ nghe như tiếng suối, tiếng gió, tiếng chim, tiếng sóng… từng nghe từ lúc lọt lòng tới khi về với đất vậy. Ta vẽ ra khánh đá trình Ngài và tâu: Thần vâng chiếu làm nhạc không dám không hết lòng hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảnh thanh luật khó được hài hòa. Vua khen nhận, giao cho thợ làm theo, cho ta về Côn Sơn làm việc tại gia, khi Ngài gọi phải có mặt ngay ở triều đình.  

- Nguyễn Thị Lộ:

Em cũng đã tâu trình xin bệ hạ cho cùng về với phu quân nhưng Ngài truyền không thể bỏ nội cung được một ngày. 

- Nguyễn Mộng Tuân:

Mong huynh nhớ cho, dù có về ở ẩn nhưng vẫn là mối lo của nhiều người. Tuổi đã cuối chiều mà kẻ trong cánh cửa người ngoài chân mây, đệ xin chia sẻ… Nhưng lòng đệ không biết lo hay mừng cho huynh?… Xin bái biệt! (Ra) 

- Nguyễn Trãi (với Thị Lộ):

Hoàng thượng dù có yêu ta nhưng bên Ngài còn nhiều thế lực đen tối cản ngăn mà Ngài chưa thể vượt qua. Ngài nhắc ta một lời trong Kinh dịch: Những biến cố sắp đến trùm cái bóng của nó tới trước. Ta linh cảm có điều gì lớn sẽ xảy ra. 

- Nguyễn Thị Lộ:

Phu quân được về chí sỹ mà em cảm thấy như người một mình chèo thuyền ra giữa biển khơi… Còn em như sống trong ngôi nhà không có nóc. 

- Nguyễn Trãi:

Ta lo cho bản thân ít mà lo cho phu nhân nhiều lắm. Mọi rối rắm của triều đình đều từ nội cung mà ra… Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn – Pha lão tằng vân ngã diệc vân  

- Nguyễn Thị Lộ (dịch thơ):

Người đời biết lắm họa nhiều

Lão Pha cùng nghĩ một điều như ta 

- Nguyễn Trãi:

Ta sẽ buồn biết bao những lúc không có nàng cùng ngâm vịnh. Thể thơ lục-bát và chữ Nôm của người Đại Việt ta không thua gì Sở từ đâu! 

 

(Còn nữa)

 

                                                                       

 

 

                                                           

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu