A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Buổi trưa im ắng

Ngày cầm tờ giấy báo trúng tuyển, nó đã khóc. Không phải nó khóc vì hạnh phúc hay tự hào, mà vì lo sợ: lấy tiền đâu ăn học bây giờ? Mà đi học thì ai ở nhà phụ mẹ xay bột tráng bánh? Ai đi giao hàng cho mẹ? Em nó ốm đau liên miên, người gầy rạc như que củi, chẳng giúp được gì. Nhà thiếu mất trụ cột quan trọng nhất là người bố. Giờ chỉ có ba mẹ con, toàn đàn bà con gái. Nhiều khi kéo cối xay bột cho mẹ, nghe tiếng kẽo kẹt nó tự nhủ: bố còn mà kéo cối thì nghe sướng tai chứ đâu rầu rầu buồn bã thế này!

Một chiều đi cày về, bố đang thong dong dắt trâu thì nghe trong nhà bà Han có tiếng kêu ré lên rồi thấy bà ta chạy vọt ra. Bố buông thừng trâu, nhảy bật qua bờ giậu tre vào trong sân. Bà Han lắp bắp: "ra... ắn..." rồi ngồi thụp xuống níu tay áo bố, mặt cắt không một giọt máu, đôi mắt nhìn trừng trừng vào trong nhà khiếp hãi. Bố gỡ tay bà, bước lên bậc cửa. Trong nhà, thằng bé con nằm ngủ say trên giường. Bố nhìn thấy một con rắn mình đen sì, to cỡ bằng nửa cổ tay, dài nhằng đang ngúc ngoắc bò trên thành giường. Không kịp suy nghĩ, bố nhảy vào, túm đuôi con rắn quăng mạnh. Nhưng con rắn thì dài mà ngôi nhà hẹp quá, vòng vung không hết, con rắn bất thần ngoắt đầu lại, bố cảm giác có vật gì đập vào ngực rất khẽ. Bố chạy ra sân, vung tay quật mạnh con rắn vào tường. Con rắn thõng mình rũ xuống. Rồi bố bất tỉnh. Bà Han vừa lay gọi bố vừa thét gọi hàng xóm. Ông Ngãi lật bố nằm ngửa, đưa tay lên mũi bố, lắc đầu: "Tắt thở rồi". Mọi người đứng đó sững sờ. Những nốt răng nhỏ tí đều đặn in hằn trên ngực bố. Con rắn mổ một nhát trúng ngực, độc chạy thẳng vào tim, làm bố chết ngay. Mẹ than khóc vật vã bên thi hài của bố. Nó nấc nghẹn lay bố dậy mà bố vẫn nằm im lìm. Ðứa em gái chưa đầy hai tuổi cứ ngó vào bố, rồi ngó mẹ, bập bẹ đòi ăn cơm.

Kinh tế nhà nó sa sút dần. Sức khỏe của mẹ không được tốt, trái gió trở trời lại đau nhức. Bây giờ một mình mẹ phải gồng mình gánh vác. Buổi sáng mẹ làm bánh tráng bán, buổi chiều đi làm đồng. Mẹ không đủ sức làm bánh đa nữa. Làm bánh đa cần người có sức vóc thì mới vác được những phiên bánh dài gấp đôi người, nặng trĩu. Nó còn nhỏ quá, bê nửa phên bánh cũng chẳng nổi nói chi cả phên bánh dài như vậy. Lại còn khi nắng khi mưa lấy ai chạy bánh.

Ðêm nào mẹ cũng dậy từ ba giờ sáng, kẽo kẹt kéo cối xay bột, rồi nhóm lò xào hành mỡ, tráng bánh, pha nước chấm và chuẩn bị gồng gánh đi chợ. Nó ở nhà phải dỗ em rồi đưa đi gửi trẻ, xong mới tới lớp học. Khó khăn, nhưng mẹ nhất định cho nó đi học. Mẹ bảo: "Cố học lấy cái chữ, sau này làm gì cũng dễ. Không có chữ trong đầu như mẹ, quần quật quanh năm có hết khổ đâu". Có hôm cô giáo trách, sao nộp chậm tiền học, nó về nhà bảo không muốn đi học nữa. Mẹ bỏ cơm, lặng lẽ đứng lên không nói gì. Sớm hôm sau, trước khi đi chợ, mẹ đưa tiền cho nó: "Con chịu khó học, khổ mấy mẹ cũng nuôi được con ăn học tử tế". Câu nói ấy đến giờ còn in hằn trong lòng nó. Nó nhớ như in ánh mắt và giọng nói của mẹ. Cái giọng nói buồn buồn mà nghe cứng cỏi lạ thường. Chính câu nói ấy đã nâng đỡ nó đứng dậy nhiều lần.

Chiều nào đi học về nó cũng xách giỏ đi bắt ốc, bắt cua hay đi tát cá. Ðược bao nhiêu nó để lại một ít cho bữa cơm của ba mẹ con, còn mang ra chợ bán. Số tiền bán cua, bán ốc, nó đưa hết cho mẹ, chẳng giữ lại một đồng. Nhìn những đứa trẻ trạc tuổi mình ngậm những cái kẹo đủ màu xanh đỏ, nó thèm ứa nước dãi, định ghé quán mua một hai cái, nhưng lại nhớ tới hôm muốn mua quyển vở viết, mẹ lộn túi trong túi ngoài vẫn không đủ tiền, nó lại thôi, cắm đầu đi thẳng.

Lớn thêm chút nữa, nó giúp mẹ xay bột. Tầm cao tay xay cao tới ngực, nó phải bắc thêm gạch mà đứng lên mới kéo được. Những hôm trời nắng, bán hàng còn tiện. Hôm nào mưa, nhìn mẹ với gánh hàng nặng trĩu bước đi trong mưa, nó buồn ghê gớm. Hôm ấy thế nào mẹ cũng sẽ về rất muộn vì hàng ế, phải gánh đi rao các ngõ xóm. Có hôm quá trưa mẹ gánh hàng về, ba mẹ con lại ăn bánh thay cơm. Nó nuốt chẳng trôi mà miệng vẫn phải cười khen ngon để dỗ cho em ăn và để mẹ đỡ buồn.

Nó là đứa học trội nhất lớp. Lên lớp 9, nó được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Tới hôm đi thi, nhìn bộ quần áo nhàu nhĩ với cái bút máy tỏe hết ngòi viết vừa tắc, vừa rách giấy, nó ngập ngừng xin với cô giáo rút khỏi đội tuyển. Cô giáo ngạc nhiên hỏi tại sao, nó im lặng một hồi rồi trả lời rằng tại nó không giỏi như cô tưởng. Thưa cô, tất cả những bài văn em viết toàn là đi chép. Nó nghĩ nói thế, cô giáo sẽ thất vọng và không muốn cho nó tham gia nữa. Nhưng cô giáo chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn nó rồi bảo nó cứ về nhà đi. Nó bước từng bước nặng nhọc. Con đường mọi hôm dài là thế, hôm nay nó chỉ muốn con đường này dài mãi mãi để nó không phải về tới nhà, không phải nói với mẹ rằng nó không tham gia thi học sinh giỏi nữa...

Nó xách túi ốc nặng trĩu vòng ra bờ ao rửa chân. Vừa tới trái nhà, thoáng nghe thấy giọng nói quen quen. Nó ghé mắt nhìn qua bức tường nứt trét đất, chợt há hốc miệng, chân tay run rẩy. Cô giáo đang ngồi nói chuyện với mẹ. Vậy là nó không giấu được mẹ nữa rồi. Nó chạy vội ra vườn, chạy tắt ra cánh đồng lúa mênh mông xanh ngát. Nó ngồi thụp xuống bờ ruộng khóc nức nở. Ước chi bố còn sống, nhà mình sẽ không khổ thế này. Mình sẽ có cái bút hẳn hoi để đi học. Mình sẽ tự tin mà đi thi... Nó càng nghĩ, lòng càng ngập đầy nỗi buồn cực.

Buổi tối, mẹ không nói gì về chuyện cô giáo tới nhà. Mẹ vẫn ngồi ăn và dỗ em từng thìa cơm giữa những cơn ho quặn ruột và kể chuyện buổi sáng đi chợ như mọi hôm. Nó băn khoăn không biết cô giáo đã nói những gì với mẹ. Ăn cơm xong, mẹ gọi nó ra ngoài hiên ngồi hóng mát. Ba mẹ con ngồi trước hiên, bóng trăng chênh chếch chiếu vào làm khuôn mặt mỗi người như bừng sáng hơn. Mẹ móc trong túi lấy ra một cái gì đó hơi lấp lánh dưới ánh trăng, đưa cho nó. Nó cầm cái vật nhỏ bé đó trong tay. Lớp nhôm mát rượi. Nó tròn mắt nhìn không chớp vào lòng bàn tay mình. Ðó là một chiếc bút máy mới tinh. Nó định quay sang hỏi mẹ thì mẹ đã lên tiếng, mặt hướng lên nhìn vầng trăng tròn vành vạnh. "Hồi chiều cô giáo con đến nhà...". Nó lặng người theo từng lời mẹ nói. Khi nghe nó nói xin ra khỏi đội tuyển, cô rất bất ngờ. Sau đó, cô mới biết hoàn cảnh gia đình nó khó khăn tới mức nào. "Ðừng làm cô giáo buồn con ạ". Mẹ chỉ nói nhỏ, rồi đứng lên bế em vào nhà. Nó ngồi im dưới bậc hiên, tay nắm chặt cái bút máy mát lạnh. Từng đợt ho của em từ trong nhà dội ra nghe quặn thắt. Nó ngước nhìn vầng trăng sáng tự nhủ: nếu mình đoạt giải, sẽ được phần thưởng, sẽ có tiền mua kẹo bạc hà cho em ngậm đỡ ho.

Ngày cầm bút làm hồ sơ thi đại học nó đã khóc. Nó bảo với mẹ hay là nó không thi nữa. Chẳng biết thi có đỗ đạt gì không lại chỉ thêm tốn kém. Mẹ ngồi nhìn nó trân trân: "Mẹ đã nuôi con ăn học được tới bây giờ, chẳng lẽ con lại không thương mẹ thêm một lần". Mẹ nói vậy, nhưng nó biết trong câu nói ấy là cả một niềm hy vọng lớn lao. Nó học miệt mài. Và cuối cùng nó đã đỗ đại học. Cầm tờ giấy báo trúng tuyển trong tay, mắt nó nhòe đi. Nó giấu mẹ tờ giấy báo. Ngày nào mẹ cũng thắc thỏm ngóng ra cổng chờ người đưa thư: "Sao không thấy ông đưa thư qua nhỉ? Những đứa thi cùng với con có giấy báo cả rồi đấy". Nó lầm lũi và cơm, miệng đắng nghét.

Một hôm đi chợ về, vừa đặt gánh hàng xuống mẹ đã gọi nó. Nó vội dụi tắt bếp chạy ra. "Mày đỗ rồi. Anh Thương học trên đó, anh xem điểm cho mày. Nhưng sao không có giấy báo về nhỉ? Ðể mẹ ra bưu điện điện thử xem sao". Nó thấy tai mình ù đi. Khi bóng mẹ khuất ở cuối ngõ, nó mới giật mình chạy đuổi theo: "Mẹ ơi đừng đi...". Mẹ nó khựng lại đứng im, mãi lúc sau mẹ mới quay lại. Nó cúi gằm tránh ánh nhìn của mẹ. Mẹ bước lại gần nó nhẹ nhàng như sợ cái điều nó vừa nói sẽ vụt bay mất. "Con nói sao?". Nó bật khóc: "Con biết mẹ mong cái giấy báo đó. Nhưng nhà mình làm gì có tiền để cho con đi học. Con đi học, ai ở nhà giúp mẹ xay bột... Con đi học mà mẹ khổ vậy thì con đi làm gì?...". Nó òa lên tức tưởi. Hai tay bưng mặt. Mẹ đặt đôi bàn tay chai sần lên vai nó, ôm chặt nó vào lòng. Mẹ khóc. Bóng dừa chênh chếch nằm im trên mặt hồ trong vắt. Gió lặng. Buổi trưa im ắng lạ thường.

Hôm ấy mẹ khoác ba-lô lên vai cho nó: "Con gắng học cho tốt, sau này có công việc, có đồng lương, đỡ vất vả. Ðời mẹ khổ là đủ rồi. Tiền học thì nhà nước cho vay hằng tháng. Con đừng lo".

Nó nhập học được một tháng thì xin đi làm thêm. Mới đầu nó nhận đi phát tờ rơi. Buổi trưa học xong, nó vội vàng chạy tới các điểm xe buýt. Phát hết số tờ rơi được giao thì nó cũng đói lả. Nó ngồi gặm cái bánh mì khô nhách mà lo hôm nay mẹ có bán hết hàng không? Nhưng rồi ngày nào cũng đi giữa trưa nắng như thế, nó ốm. Nằm một mình trong ký túc vắng ngắt, nó ước được về nhà, ăn miếng bánh tráng thơm mùi hành mỡ mà ngày trước nó từng ngao ngán.

Nó xin đi gia sư. Nó phải đạp xe bảy, tám cây số, mỗi buổi cũng chỉ được năm chục ngàn. Nhưng với nó như thế đã là tốt lắm rồi. Mẹ nó ở nhà đi chợ, cả vốn lẫn lãi may ra cũng được chừng ấy. Nhìn các bạn xúng xính ăn diện, vui vẻ đi chơi, nó cũng muốn đi cùng. Nhưng rồi nó lại ôm sách lên thư viện ngồi. Mẹ mình ở nhà mấy năm trời có cái áo nào mới đâu, mà cái nào cũng vá chằng vá đụp.

Dần dà, nó cũng tiết kiệm được chút ít, thỉnh thoảng gửi về cho mẹ. Hồi đầu mẹ lo cuống lên vì sợ nó làm gì dại dột nên mới có tiền như thế. Nhưng sau anh Thương bảo nó chỉ đi gia sư cho con nhà người ta thôi, anh cũng từng đi gia sư như vậy, mẹ nó mới yên tâm.

Dạo này em nó lên cơn hen suyễn luôn, người gầy xọp, da dẻ xanh le xanh lét. Những lần trước, số tiền vay của ngân hàng chính sách xã hội dành cho sinh viên nghèo, nó cũng chẳng xin là bao. Bao nhiêu tiền được vay, mẹ cất đi, chỉ để mua thuốc cho em, nhấm nhắt rồi cũng hết. Hôm rồi mẹ gọi điện lên giục: "Con xin cái giấy xác nhận của trường nhanh nhanh để mẹ làm đơn xin vay vốn". Nó đăng ký làm giấy xác nhận với cán sự lớp. Hôm sau, khi phát giấy ký xác nhận, nó không có. Mặt nó tái mét, không nói được câu gì.

Nó gửi anh Thương tất cả số tiền ít ỏi dành dụm được nhờ mang về cho mẹ. Anh còn chưa kịp về tới, mẹ đã điện lên chỉ vẻn vẹn ba chữ: "Con về ngay". Nó vội vàng ra thẳng bến xe. Vừa chạy vào tới đầu ngõ, đã thấy người đông nghịt và tiếng khóc ầm ĩ trong căn nhà nhỏ bé có bức tường nứt trét đất. Mẹ nó đang khóc ngất bên giường!

Buổi sáng khi mẹ đi chợ, em vẫn cười tươi chào mẹ. Nhưng khi mẹ về tới nhà thì em đang ôm ngực thở khò khè và ho lên từng cơn quặn thắt. Cơn ho ngày càng dày và kéo dài hơn. Mẹ vội vàng lấy thuốc cho em. Nhưng thuốc chưa trôi khỏi cổ họng thì... Mặt mẹ trắng bệch. Em từ từ nằm xuống lòng mẹ!

Nó lay em giống như ngày trước lay bố. Nhưng im lặng. Cái im lặng mà nó sợ hãi nhất. Hai lần nó phải chứng kiến và nhận về cái im lặng đau đớn ấy. Nó gục vào ngực em bé nhỏ gồ ghề những xương. Nó còn chưa kịp mua cho em một hộp kẹo bạc hà thật to như đã hứa với em hôm nó lên trường nhập học. Ngay cả đến cái nhìn cuối cùng trong mắt em cũng không có nó. Nó không kịp nói với em câu nói mà ngày trước ở nhà, sáng nào nó cũng dỗ dành em: "Em ngoan! Chị yêu em nhất vì em không bao giờ khóc nhè!"

... Hôm bảo vệ luận văn tốt nghiệp, bước ra hành lang, nhìn bạn bè ai cũng đông đủ người nhà vây quanh, nó tủi thân ứa nước mắt. Nó được điểm tuyệt đối 10/10 với luận văn tốt nghiệp về đề tài bệnh hen suyễn. Cầm tấm bằng trên tay, nó run rẩy: "Giá như em vẫn còn, chị sẽ chữa lành bệnh cho em". Nó ngồi im lặng hồi lâu trên ghế đá cuối sân. Quả bàng rụng lộp bộp. Bỗng nó nghe như tiếng kẽo kẹt của cối xay bột đâu đây, và cả những cơn ho khan triền miên không dứt... Buổi trưa mùa hè im ắng lạ thường...

Vũ Thị Biên/ Theo Nhân Dân
 

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu