A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiếc gương

...Tôi ngộp thở trước khung cảnh và con người. Mười năm rồi đâu phải là ít. Anh tôi nói rất nhiều như để lấp đầy im lặng trong tôi. Anh tôi kể về cha tôi, về em tôi. Tự nhiên tôi không còn một chút thù hận với cha tôi nữa. Tôi thèm được về nấu cho ông những bữa cơm bình dị, xoa bóp lưng cho ông những lúc đau yếu, mười năm tinh thần và thể xác bị bào mòn chắc ông không còn vạm vỡ. Tôi thèm cảm giác ấm áp của chậu than hồng ngày đông có mùi sắn nướng. Tôi muốn về kịp ngày em tôi nhập học, nó lớn hơn tôi rồi...

Ngày mai tôi được tự do. Không phải ở trong tù lâu ngày tôi không được nói chuyện hay không biết nói chuyện với ai. Vậy mà mỗi khi tự nói với mình, hai từ "tự do" sao mãi không thể cất thành lời. Nó cứ nghẹn ứ nơi cổ họng, khiến tôi lại nhớ đến cái cảm giác nghèn nghẹn của cha tôi trong mỗi bữa cơm. Tôi buồn, một nỗi buồn trầy trợt...

Sáng hôm qua ông giám thị vào thật sớm. Ông đứng ngoài cửa sổ. Cả phòng vẫn ngủ, chỉ có tôi bao giờ cũng phải trằn trọc với thời gian thật sớm. Thấy trại trưởng đến tôi nằm nghiêng vờ ngủ, mãi lâu không thấy bước chân của ông ấy đi, tôi mở mắt. Ông vẫn đứng đấy dõi ánh nhìn về phía chúng tôi. Nhìn xuyên qua những song sắt chắc nịch đầy vô cảm, nơi mà lũ tù nhân chúng tôi đã cầm lấy, xoay xoay bàn tay lúc chiều về, hay mỗi bình minh thức giấc, cái khao khát tự do bức bách đã đẩy những bàn tay chà sát song cửa sắt đến nhẵn thín rồi. Giám thị đứng đó, bóng ông nhỏ bé hắt về phía hun hút, thăm thẳm cánh đồng. Văng vẳng nghe những nhịp sống từ con sông Thao tấp nập vào lúc chảng mảng mặt trời lên. Ông đứng nhìn rất lâu rồi lại đi, hai tay vắt ra sau, tôi cứ ngỡ trước mắt mình là lão Hạc của Kim Lân đang đi về phía những day dứt tốt đẹp. Day dứt của lòng người còn yêu thương lắm.

Khi chúng tôi tập trung chuẩn bị lao động, giám thị lại đến. Ông nhìn chúng tôi một lượt bằng ánh mắt không phân biệt nổi cảm xúc. Vẫn cái ánh mắt ấy từ khi tôi vào đến giờ, ánh mắt khiến người ta không hoảng loạn nhưng đủ đẩy người ta đến ranh giới của sự cảnh giác. Ông đi lại một lượt rồi dừng trước mặt tôi, ông lọt thỏm vào những chiếc áo tù nhân sọc đen sọc trắng. Ðặt tay lên vai tôi, ông nói:

- Cô biết gì chưa?
- Dạ chưa, thưa Ban!

Ông lại đặt tiếp bàn tay nặng trịch lên vai tôi, nói dõng dạc cho mọi người nghe:

- Ngày mai 28-8, cô Phan Khánh Ngọc sẽ được đặc xá. Ðược tự do.

Tất cả chúng tôi im lặng. Hình như tôi đã khóc, tôi cũng không biết nữa. Tôi đờ đẫn, đờ đẫn như khi tôi nghe Tòa kết án tôi. Những lời buộc tội bao vây vành móng ngựa, tôi cứ đứng chôn chân như thế. Rồi tôi nghe thấy có tiếng khóc, có tiếng cười, đó là những người bạn tù của tôi đấy, chắc họ mừng cho tôi, họ buồn cho họ. Tôi cũng đã bao lần như thế vì tôi đi tù 10 năm rồi còn gì nữa... khi tôi vừa tròn 18 tuổi.

Ở trong bốn bức tường, tôi cũng thấy mình như bị đóng đinh, phía trước là chiếc gương chỉ để đủ nhìn thấy toàn bộ thân xác tôi. Một chiếc gương đa năng nó biết tái hiện quá khứ, mỗi khi gặp nỗi đau nó khóc, tôi rơi vào trạng thái vô thức thì bỗng nhiên nó cười, cười man dại. Có khi tôi thấy bóng dáng mẹ tôi, bà đang ngồi trong vườn rau chăm sóc cho từng sinh linh bé nhỏ. Và lúc ấy có lẽ tôi mới biết thuở nhỏ tôi đã được bà yêu thương chăm bẵm nhiều đến chừng nào. Tôi vui để rồi tôi lại buồn khi nhận ra mẹ ngày càng xa rời tôi và tách lập với mọi người. Hay là mẹ không còn tình thương với chúng tôi - những đứa con được bà sinh ra trên đồng ruộng. Không! Không phải thế. Bà có thể yêu cả những cây cỏ nhỏ nhoi, những con vật còm cõi thì tại sao bà lại không yêu những đứa con máu thịt của mình. Tôi cứ bỏ ngỏ tất cả những câu hỏi đó, để chúng treo lơ lửng vào cả những cơn mơ...

Sáng ra chúng tôi được quản giáo đưa đi lao động, học tập đủ thứ nghề. Mỗi nghề lại đưa tôi đến những miền liên tưởng. Khi tôi đi đập đá, hai bàn tay phỏng rát, tôi lại nhớ đến bàn tay của mẹ tôi khi múc nước bằng chiếc gầu được buộc sợi dây thừng to như ngón tay cái. Bàn tay bà chai dần, những đám chai lổm nhổm trong bàn tay ngoằn ngoèo những đường chỉ. Như số phận bà, những đường chỉ tay ấy cũng chai cứng đi. Ðến tận sau này tôi mới biết điều đó. Khi tôi cầm bàn tay bà lúc bà ra đi. Và đôi thoáng bâng quơ tôi đã nghĩ hình như cuộc đời mẹ và tôi chỉ giống nhau ở hai bàn tay ấy mà thôi.

Mẹ tôi, người đàn bà bị đồng ruộng hút hết sinh lực cơ thể tự lòng bàn chân tiếp đất. Hút cho đến khi những kẽ chân nẻ toác, rớm máu, rồi khô lại. Ðời mẹ chỉ biết cung phụng cho những sợi dây đã cột bà vào những mối quan hệ nhằng nhịt. Tôi đã luôn yêu và thương một người mẹ chỉ biết nhẫn nhục, cam chịu như thân cây, ngọn cỏ. Ðồng ruộng hay là tôi... không biết đồng ruộng hay là chúng tôi, những người thân yêu nhất đã bòn rút bà cả tinh thần và thể xác. Ðể khi người đàn bà kia xuất hiện làm xáo trộn cuộc sống thanh bình đến chìm đi vì nhàm chán mà mẹ tôi vẫn không hề chống cự. Bố tôi - cũng là người đàn ông được sinh ra từ đồng ruộng. Nhưng bố tôi đã hít khí trời của cả vùng đất này. Nên ông vạm vỡ, mắt sáng, giọng vang. Mười năm rồi, tôi vẫn nhớ rõ ràng như thế. Chính vì vậy mà người đàn bà chưa một lần chồng, bám theo ông nhưng ông mặc kệ. Tôi biết không phải vì ông thích nhưng ông không chống chọi. Bố tôi thế, mẹ tôi thế, còn người đàn bà ấy thì như cơn khát thèm trước sức hút của cha tôi. Ðến tận bây giờ tôi mới biết điều đó, chứ ngày xưa khi tôi mới mười tám tuổi, dù đã kịp nổi loạn những ý nghĩ trong mình nhưng quả thực không làm sao tôi hiểu nổi những cảm xúc yêu đương dục vọng trong mỗi con người. Chúng tôi tỏ thái độ quyết liệt.  Ðó là tôi, anh tôi, và cả đứa em út mới học lớp ba. Tôi đã chỉ tay tận mặt người đàn bà:

- Bà đừng làm xáo trộn cuộc sống gia đình tôi. Nếu không tôi sẽ không bao giờ để yên cho bà. Tôi sẽ giết bà!

Người đàn bà ấy không nói gì, chỉ ném lại tôi một cái nhìn sắc lẹm. Nhưng ngay lập tức bà ta phải cụp mắt xuống khi gặp phải ánh mắt có lửa của đứa em út tôi. Ánh mắt nó vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Anh trai tôi thì luôn bám theo cha tôi bất kể ông đi đâu. Rồi người đàn bà ấy cứ cố tình nhảy bổ vào từng bữa cơm, giấc ngủ của gia đình tôi. Chúng tôi, những đứa con được sinh ra vào một thế hệ khác buộc phải có nếp nghĩ khác, đã lao vào bà ta như loài hổ gặp kẻ thù. Biết sẽ không chống chọi được với ba anh em tôi, bà ta đã quay sang người phụ nữ cam chịu, yếu mềm là mẹ và chúng tôi càng lao vào bà ta bao nhiêu thì bà ta càng lao vào mẹ bấy nhiêu. Ðể kết quả là mẹ tôi bị hại ngay trước mặt chúng tôi mà không kịp phản ứng gì. Cái chết của mẹ là ngòi lửa châm ngòi tôi, tôi bùng cháy. Nhát chém bà ta khi ấy cũng đã chém trả lại tôi ngàn vạn nhát suốt mười năm qua.

Tôi cúi mặt khóc để không còn phải nhìn thấy chiếc gương ấy nữa. Tôi cứ tưởng mình là phiên bản của mẹ tôi, nhưng tôi đã lầm vì tôi chỉ giống bà đôi bàn tay nhưng lại khác bà tất cả. Bà cam chịu, còn tôi là mầm mống của sự trỗi dậy.

Tôi học nghề may trong tù. Tôi may những chiếc áo nhỏ ti cho đứa em học lớp ba. Tôi đã đi xa mười năm, mười năm em tôi sẽ lớn như tôi ngày xưa, nhưng kỷ niệm của tôi về nó thì chỉ là hình ảnh của cô bé có ánh mắt phát ra tia lửa vào kẻ thù của gia đình. Nó sẽ mạnh mẽ hơn tôi, chắc chắn là thế và còn xinh đẹp hơn tôi nữa. Tự nhiên buồn quá, vì mười năm qua tôi không hề soi gương, chiếc gương mà tôi sờ thấy được, chứ không phải chỉ là chiếc gương phản vào tôi trong tâm tưởng mỗi khi tôi bị đóng đinh lên bốn bức tường. Tôi không thể chịu được nếu như mỗi ngày tôi phải nhìn thấy tuổi xuân của mình bị bòn rút. Tôi sợ khi nhìn thấy thể xác mình yếu mềm thì lòng tôi sẽ yếu mềm như vậy. Tôi chưa bao giờ để mình len lỏi những ý nghĩ cam chịu, buông xuôi. Mẹ tôi vì thế mà phải chết, còn tôi thì phải vào đây. Tôi không phải là phiên bản của mẹ tôi, hoặc tôi là một phiên bản không toàn diện. Nên tôi cần phải sống.

Một vài hôm trước tôi có nhìn thấy đứa con của vị giám thị. Tôi sững sờ nhìn nó đến mức nó phải phát hoảng. Mười năm rồi còn gì, mười năm không phải ít. Tôi đã không nhìn thấy đứa trẻ nào trong suốt thời gian ấy. Em tôi đã không đến thăm tôi, mọi lý do tôi đều bỏ ngỏ. Ðứa bé con giám thị chắc cũng bằng tuổi em tôi mười năm trước. Nó bụ bẫm, trong ánh nhìn hoảng sợ ấy vẫn còn nét ngây thơ lắm. Khi tôi vồ vào ôm lấy nó, nó hoảng quá khóc và chạy đi, không dám nhìn lại một lần. Tự nhiên tôi trách mình và thương nó quá. Nó còn nhỏ, còn mỏng manh lắm, vậy mà tôi đã làm cho nó sợ. Ðêm về liệu nó có gặp những cơn mơ giật thót mình không. Ý nghĩ ấy đã khiến tôi bật khóc vì bỗng nhiên hình ảnh em tôi lại hiện về. Tôi xót xa cái ánh mắt có lửa của nó hôm nào. Ai? Ai đã gieo rắc vào đầu óc non nớt ấy những ý nghĩ thù hằn... Tôi khóc tức tưởi, tim tôi đau lắm, tôi bỗng lo sợ khi tôi đi xa bố tôi có chăm lo dạy bảo nó hay không, hay ông cũng mặc kệ những đứa con của mình như ông vẫn từng mặc kệ cuộc đời. Kể cũng lạ, những người nông dân không mặc kệ được củ sắn, cây rau mà lại mặc kệ với máu thịt của mình. Tôi không muốn lý giải vì tôi đang rất nhớ em tôi, cả anh trai tôi nữa. Tôi vẫn luôn tin anh sẽ chăm lo cho bé út để đừng bao giờ ánh mắt hôm nào cũng cầm dao tự chém vào cuộc đời mình như tôi. Tôi khóc, tôi ân hận. Lần đầu tiên tôi thấy mình sai, tôi vẫn thấy buồn.

Tôi về phòng, chiếc gương lại hút tôi về phía nó. Tôi kiên quyết không nhìn, lần đầu tiên tôi thấy mình thanh thản.

Bạn bè làm một bữa cơm mừng tôi ngày được trở về gia đình. Bữa cơm vẫn những món giản dị ngày thường. Chỉ có món chả quấn lá lốt là lâu lắm rồi tôi không được ăn, bữa cơm có người cười, người khóc. Mai tôi được tự do, tôi sẽ về nấu bữa cơm bằng bếp củi, thay mẹ chăm sóc cha tôi lúc về già. Sông Thao vẫn chảy êm đềm, bức tường tù đã lấp liếm cảnh vật, con người ở ngoài. Nhưng tôi dường như vẫn nghe thấy ngoài kia cây lá hát lời của gió êm đềm lắm. Cỏ cây sau mỗi ngày mưa đã một khác rồi. Tôi nhớ những đồi cọ trải dài, có những bàn tay khổng lồ vươn theo để ôm trọn tất cả những con người vùng quê hương ấy. Liệu nó có đón tôi trở về sau một lần lầm lỡ hay không?

Tôi đã thù hận cha tôi nhiều lắm, tôi luôn nghĩ ông là người đàn ông nhu mì không biết bảo vệ gia đình. Ðó là ai? Là người vợ vắt kiệt cả sức mình cho ông, cho gia đình, cho đồng ruộng. Là tôi, là đứa con gái như vầng trăng khuyết đang đầy. Tôi đã cố gạt những ý nghĩ ấy ra khỏi đầu nhưng tôi đã không thể, tôi không thể...

Sáng nay giám thị lại đến sớm, rất thầm lặng và quay gót cũng thầm lặng thế. Khi tất cả phạm nhân tỉnh dậy, hình như tất cả đều buồn, kể cả tôi. Hôm nay tôi được tự do? Tôi sẽ trở lại cuộc sống đời thường chỉ bằng hai bàn tay và một trang tiểu sử đầy tội lỗi? Hôm nay liệu có ai đến đón tôi không? Hôm qua tôi đã nhắn điện cho anh trai rồi, mà vẫn sợ anh không đến.

Hôm nay tôi đứng đầu hàng, không quay lại phía sau nhưng sao có cảm giác thật nhỏ bé. Trại trưởng lại đặt mạnh tay lên vai tôi đến mức tôi phải giật mình:

- Cô đã tích cực cải tạo, đã được hưởng chính sách khoan hồng. Một lúc nữa thì cô sẽ được tự do, còn bây giờ thì theo tôi đi làm thủ tục.

Tôi không nói lời nào, cúi đầu theo sau. Những người ở lại tiễn tôi ở phía sau.

- Cô Ngọc ơi! Về lấy chồng nhé!

Ðấy là tiếng của Phương, nó trẻ như tôi ngày xưa, nó vừa vào tù năm ngoái. Nó quý và thương tôi lắm. Tôi biết đằng sau là nước mắt, nước mắt của những người tội lỗi đã gắn bó với tôi, còn phía trước tôi là những điều gì đang chờ đợi... Tôi không biết nữa. Nhưng tôi vẫn phải bước về phía trước, tôi vẫn không quay lại. Cho đến lúc có người nói:

- Cô có người đến đón đấy, thích đi bằng phương tiện gì, ô-tô nhé?

Hóa ra là anh trai đã đến đón tôi. Hai năm không gặp vậy mà không ngờ anh đã làm được nhiều như thế. Anh nhìn tôi cười, và khi ấy tôi mới đủ dũng khí quay lại phía những người bạn tù:

- Về nhé!

- Ừ! Về nhé!    

*
*   *

Tôi ngộp thở trước khung cảnh và con người. Mười năm rồi đâu phải là ít. Anh tôi nói rất nhiều như để lấp đầy im lặng trong tôi. Anh tôi kể về cha tôi, về em tôi. Tự nhiên tôi không còn một chút thù hận với cha tôi nữa. Tôi thèm được về nấu cho ông những bữa cơm bình dị, xoa bóp lưng cho ông những lúc đau yếu, mười năm tinh thần và thể xác bị bào mòn chắc ông không còn vạm vỡ. Tôi thèm cảm giác ấm áp của chậu than hồng ngày đông có mùi sắn nướng. Tôi muốn về kịp ngày em tôi nhập học, nó lớn hơn tôi rồi. Nó sắp bước vào cổng trường đại học để sống cho cả phần tôi đã một thời mơ ước, nên tôi chẳng muốn hỏi vì sao suốt mười năm qua nó không vào thăm tôi lấy một lần. Chiếc gương lại hiện ra trước mắt tôi, trong suốt. Nó phát ra tiếng nói cũng trong vắt như dòng suối "Tôi vẫn còn yêu thương lắm". Hình như tôi đang khóc...

Vũ Thị Huyền Trang/ Nhân dân


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu