A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơm nhà, cơm người

... Cũng làm như họ, cũng thức khuya dậy sớm mà chẳng hiểu sao năm nào cũng thiếu ăn. Ngày ba tháng tám, trong thùng lúa không còn một hạt. Rồi những chuyện xui xẻo này chưa qua, tự nhiên những chuyện khác lại kéo về...

Mẹ và chị dâu - đàn bà không nói làm gì. Nhưng cha và anh trai mỗi ngày cũng chỉ kiếm được hơn kém ba chục ngàn, có ngày thì không được đồng nào. Số tiền ít ỏi ấy may nhờ những ngày nông nhàn. Còn vào ngày mùa, cả nhà đều phải tất bật cho kịp với người làng. Cũng làm như họ, cũng thức khuya dậy sớm mà chẳng hiểu sao năm nào cũng thiếu ăn. Ngày ba tháng tám, trong thùng lúa không còn một hạt. Rồi những chuyện xui xẻo này chưa qua, tự nhiên những chuyện khác lại kéo về. Mẹ buộc lòng phải đi vay lãi để xoay xỏa công việc. Nhà đã đói lại càng khó khăn. Anh trai nghỉ học từ hồi lớp 2 cũng vì lẽ đó.

Em trai sau những chắt bóp, miệt mài của cả nhà cuối cùng cũng mang được tấm bằng đại học loại khá ra xin việc. Em trai làm việc trên thị xã. Lương ban đầu ba cọc ba đồng, chỉ vừa vặn cho việc ăn ở hàng tháng. Em trai chưa có xe máy, đi làm bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Cuối tháng cũng bằng chiếc xe ấy đạp về nhà. Mẹ nhìn em trai lúc nào về, chẳng kể mùa đông hay mùa hè, áo cũng ướt đằm mà lòng xa xót. Em trai ao ước có một chiếc xe máy để tiện việc đi lại. Hơn nữa, nhìn mọi người trong cơ quan ai cũng có xe máy, em trai cảm thấy tủi. Mẹ biết điều đó nhưng cũng chỉ biết khóc thút thít mà chẳng biết làm gì hơn.

Cha sức khỏe ngày một yếu. Hồi đi làm ngói cho hợp tác xã, không may bị máy dập mất bàn tay trái, chỉ còn lại ngón út yếu ớt và chênh vênh. Sau lần sang hàng xóm giúp cho lúa vào máy tuốt, bị một hạt lúa bắn vào mắt. Từ đó, con mắt trái của cha vĩnh viễn không còn nữa. Người ta gọi cha là “tàn nhưng không phế”. Cha vẫn đi cày, đi phun thuốc sâu cho những người đến thuê. Mỗi lần đi về, có tiền cha chỉ đưa cho mẹ một ít, còn lại cha mang đổi rượu. Hầu như ngày nào cha cũng say. Tuổi thơ của hai anh em bị những cơn say của cha ám ảnh. Em trai lớn lên, lúc nào cũng cảm thấy mặc cảm vì chuyện này. Vì thế mà em trai ít đàn đúm với bạn bè hơn. Nhưng người khổ nhất vẫn là mẹ. Mẹ đã chịu đựng cha rất nhiều. Nhiều lúc em trai nghĩ, hay sức phản kháng của mẹ đã triệt tiêu. Mẹ cứ cun cút như vậy, em trai thấy thương làm sao!

Người hàng xóm sang chơi, kể chuyện người nhà trong Vũng Tàu đang cần một người để chăm sóc cho ông bố bị liệt nửa người, phải nằm bất động trên giường. Ông ấy có con nhưng chúng còn mải kiếm tiền nên phải thuê người giúp. Mấy hôm liền, mẹ cứ băn khoăn về chuyện này. Hôm em trai về, có cả nhà đông đủ, chẳng biết mẹ đùa hay thật mà bảo: “Hay mẹ đi nha?”. Lúc ấy ai cũng chỉ cười mà không nói gì. Đột nhiên em trai vừa cười vừa bảo: “Hay mẹ thử đi một lần coi răng?”. Mẹ nói: “Tau đi, ở nhà lúa má ai lo?”. “Có anh trai với chị dâu rồi còn gì!”. Em trai làm phép tính cho mẹ. Một tháng kiếm được 2 triệu; một năm làm ruộng quần quật chưa chắc đã bằng được số tiền ấy. Mẹ chỉ cần đi dăm tháng là có đủ tiền trả nợ. Em trai vừa tính toán vừa mơ màng. Nhìn vào đôi mắt của em trai, chắc chỉ mẹ mới biết được em trai đang nghĩ gì…

Lúc ấy, cha và chị dâu không nói gì. Anh trai thì “Tùy mẹ!”. Có chuyện gì, anh trai cũng chỉ cộc lốc như vậy, hiếm khi anh trai nói một câu nào đó thật dài. Việc học đứt đoạn, anh trai về nhà một buổi chăn trâu còn một buổi kiếm cá. Cứ thế mà lớn lên, người săn chắc, da ngăm đen. Nhà nghèo, khi anh trai lấy được vợ, mẹ thở phào nhẹ nhõm. Mẹ cũng thương anh trai, lúc nào cũng bảo anh “Số trâu bạc, khổ không để mô cho hết!”.

Hôm sau, đang ăn cơm, mẹ lại bảo: “Ừ thôi, để mẹ đi một lần coi răng. Mẹ cũng chưa biết Vũng Tàu nằm chỗ mô…”. Như hôm trước, cha và chị dâu cùng im lặng. Em trai chỉ mong mẹ đồng ý nhưng đừng cố cam chịu kiểu như mẹ đã từng làm như từ trước tới giờ. Nghĩ đến việc để mẹ đi chăm sóc một người nằm liệt giường mà em trai áy náy. Nhưng hoàn cảnh… Biết làm sao được…

Lúc đó, anh trai đặt bát cơm xuống rồi nói: “Mẹ nỏ phải đi mô hết. Ở nhà mọi người rau cháo có nhau”. Ngừng một lát, anh trai nói tiếp: “Mẹ đã nuôi chúng con lớn như ri, chừ mẹ già rồi chúng con nỏ chăm sóc cho mẹ được thì thôi, lại để mẹ đi chăm sóc cho một người dưng”.

Nói rồi, anh trai đứng dậy đi ra ngoài. Mẹ ngồi lặng, bát cơm vẫn còn nguyên trên tay, hai khoé mắt nhoè đi. Em trai ngồi ngơ ngác. Bỗng thấy cay cay nơi sống mũi. Lần đầu tiên, em trai nghe được anh trai nói những câu dài như vậy…

Sáng hôm sau, em trai chào cha mẹ và anh chị rồi dắt xe ra, lóc cóc đạp lên thị xã cho kịp buổi làm việc chiều nay. Mẹ chạy mãi ra đầu ngõ, đứng như thế nhìn em trai đạp xe, càng lúc càng nhỏ dần…/.

 Hồ Huy Sơn/ VOV


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu