A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người đàn bà trong hẻm nhỏ

...Tổ dân phố vẫn đăng ký xây dựng tổ văn hóa mặc dù cuộc tranh luận về chị 3A vẫn liên tục diễn ra, lúc công khai, lúc bí mật. Nghe nói, số người tin chị là người có văn hóa ngày một nhiều hơn…

Nhà 3A ở gần đầu hẻm. Một ngôi nhà cũ kỹ, nhếch nhác từ bên ngoài cho tới bên trong. Đây là ngôi nhà duy nhất trong hẻm không được tôn tạo, sửa chữa từ nhiều năm nay. Không những thế, chủ nhà lại là người lười biếng quét dọn và hầu như không chú ý đến trang trí nội thất. Nếu chủ nhà là một người đàn ông sống độc thân, người ta có thể hiểu và thông cảm được.

Nhưng chủ nhà lại là một phụ nữ tuổi “bốn” có dư, cái tuổi lẽ ra phải chín chắn, cẩn trọng và tỉ mỉ. Một người đàn bà tràn trề sinh lực, xum xuê tươi tốt, như cây mít, cây xoài ở miệt vườn Mỹ Tho, Tiền Giang... vóc dáng không cao, không thấp, đầy đặn nhưng không nặng nề, cái gì cũng to, trừ bụng và miệng.

Minh họa: A.Dũng

Cái duyên của chị phô diễn màu sắc, hương vị, kích cỡ của loại cá chép chiên xù. Đa số đàn ông thích. Đa số đàn bà không ưa, bảo chị vô duyên lắm, chưa thấy người đã thấy tiếng. Hơi tí là cười, cười như ngựa hí.

Có người thiện tâm muốn giáo dục, giúp đỡ chị nên nhắc nhở đàn bà phải thế này, thế nọ. Chị cười khanh khách, cặp vú to tròn hơi xệ rung lật bật như mắc chứng kinh giật. “Đúng quá rồi còn gì! Tôi thuộc loại ruột thẳng của loài ngựa, không cười như ngựa thì cười như thứ gì. Lúc nào tôi cũng thấy đói, đói mọi thứ, cười cho đỡ đói mà”.

Không hiểu sao chị hay nói về những cái xấu của mình một cách hồn nhiên. Ngay cả chuyện muốn lấy chồng là điều phụ nữ thường kín đáo, ý tứ, chị bô bô nói ra với tất cả những từ ngữ sống sượng, thô bạo nhất. Nào là thèm chồng, khát chồng, mót chồng... Chị rêu rao khắp nơi rằng, mình tìm chồng theo cách quảng cáo dầu gội đầu trên ti vi, chứ không làm theo kiểu tìm bạn trăm năm trên báo chí.

Sự khác người này càng khiến cho mọi phụ nữ trong hẻm khó chịu, bực tức. Và như người xưa thường nói “không ưa thì dưa có dòi”. Riêng đối với giới phụ nữ, đã không ưa thì nước uống tăng lực loại tê giác húc cũng có dòi chứ đừng nói đến dưa. Các bà, các chị đua nhau nói xấu chị. Lại có người nói chị là loại phụ nữ sát phu, chuyên gây họa cho đàn ông, cấm chồng hoặc con trai đến gần chị.

Chị đã trải qua ba đời chồng. Mỗi đời để lại một đứa con. Đứa gái lớn nhất đã 17 tuổi. Đứa trai nhỏ nhất đã lên 6. Hồi lấy chồng đầu tiên, chị ở trên Gò Vấp, làm y tá ở bệnh viện. Do đời sống kinh tế khó khăn, chồng chị đi lao động ở Đức rồi định cư, lấy vợ đẻ con bên đó, không về nữa.

Người chồng thứ hai là một nhân vật đặc trưng của con người làm ăn phát đạt nhanh thời kỳ bắt đầu mở cửa, làm ăn theo kinh tế thị trường. Đang là một quản đốc phân xưởng, ông ta rời bỏ xí nghiệp ra dân làm ăn, thành lập một công ty vật liệu xây dựng. Đã giàu sang rồi, ắt phải đổi mới gia đình. Và ông ta đã ly dị bà vợ già, kết hôn hợp pháp với chị.

Căn nhà đang ở là nhà của ông ta mua để xây dựng tổ ấm mới. Ở với chị được hai năm, chưa kịp nhìn thấy mặt đứa con gái, ông đã chết đột ngột vì bệnh nhồi máu cơ tim. Người chồng thứ ba là một gã đàng điếm lưu manh tính người thì ít, tính thú vật thì nhiều, được bao bọc bên ngoài lớp vỏ trí thức thời thượng, biết nói tiếng Anh, mặc đồ xịn, thắt cà vạt và đeo đồng hồ mạ vàng.

Gã làm môi giới du lịch và vì những đồng đô la, gã môi giới luôn cả vợ mình cho một khách du lịch nước ngoài. Phát hiện ra âm mưu và thủ đoạn đê tiện ấy, không cần kêu công an, chị lôi cổ gã từ trong khách sạn ra đường đánh một trận nhừ tử. Tên lưu manh này có nhiều thủ đoạn, nhưng tố chất đàn ông rất ít nên hầu như không biết chống đỡ ra sao, chỉ biết ôm đầu chịu đòn.

Chị nói với những người qua đường: “Đây là con chó dại, mọi người nhìn kỹ mặt nó, chớ để nó cắn!”. Sau đó, chị lôi gã tới các cơ quan công quyền yêu cầu bắt gã đi cải tạo và hủy bỏ mọi mối quan hệ với gã.

Có người khuyên chị: “Chuyện xấu xa nhơ bẩn ấy không nên làm ầm ĩ”. Chị làm dữ, hét ầm lên: “Nếu được lên ti vi, tôi còn nói nhiều nữa. Cái chuyện bẩn thỉu nhơ nhớp như vậy cần được loan báo rộng rãi cho mọi người được biết để phòng tránh”. Chị lồng lộn như người điên suốt mấy tháng trời.

Chị làm đủ thứ nghề để kiếm sống, thiên hạ có 100 thứ nghề lao động giản đơn, chị làm tới 70-80 nghề. Từ phụ hồ, người giúp việc nhà, chạy bàn ăn, y tá, hộ lý, nhặt phế liệu, chạy xe Honda ôm, bán hàng rong... Hiện tại chị làm một lúc ba việc trong một ngày.

Sáng sớm, từ lúc 5 giờ đến 10 giờ chị đến một quán ăn nổi tiếng phụ giúp người ta làm bếp và chạy bàn. Từ 10 giờ rưỡi đến 5 giờ chiều chị làm lao công tạp vụ cho một khách sạn ở gần đó. Từ 6 giờ chiều cho tới 9 giờ tối chị đến phụ giúp một phòng mạch tư, làm công việc y tá. Mỗi tháng chị bán máu một lần. Phường có ý định đưa chị vào diện nghèo để hỗ trợ, chị kiên quyết từ chối.

Trong số những người ghét chị, bà tổ trưởng dân phố là người ghét nhất. Tất cả những gì xấu xa, tội lỗi xảy ra ở trong hẻm bà đều đổ lên đầu chị 3A. Ví như vụ rác năm ngoái. Khoảng cuối chiều gần tối, khi mọi người đi làm về thấy rác rưởi tràn lan, những vỏ cơm hộp, bịch ni lông nước đá, nước ngọt, cơm thừa, khăn giấy, giẻ rách vứt tùm lum trước cửa nhà. Bà tổ trưởng nổi máu nóng, réo gọi chị 3A bắt phải dọn dẹp ngay lập tức.

Bà bảo chị là thứ người mất vệ sinh nên các loại rác thải bừa bãi trong hẻm là từ chị mà ra. “Trời không rơi xuống, đất không mọc lên, thì chỉ có từ nhà chị tuồn ra mà thôi!”. Bà tổ trưởng nạt nộ. Súng đại bác phát nổ còn thua. Chị đang chuẩn bị làm ở phòng mạch tư, xí xóa, phân bua: “Ở đâu ra em không biết, nhất quyết không phải từ nhà em. Xin cho em đi làm, còn như bắt em dọn, em nhận, nhưng phải để tối về em mới dọn được!”.

Chị mềm mỏng. Bà tổ trưởng với sự giúp sức của hai bà khác càng lấn tới. Sự bình tĩnh cũng có giới hạn. Đến lượt chị 3A nổi cơn thịnh nộ. Chị có sức khỏe hơn ba người kia, tiếng nói của chị vang rền hơn, dữ dằn hơn: “Đừng có ép người quá! Chưa chắc các người đã sạch sẽ hơn tôi đâu”.

Chắc chắn xô xát, đánh lộn sẽ xảy ra nếu không có người nói ra sự thật: “Các chị nghi oan cho người ta rồi! Rác này không phải từ nhà chị ấy ra. Đây là rác thải của đội công nhân vệ sinh công cộng ăn trưa trong hẻm để lại, rồi bọn chó mèo giành giật làm vương vãi tùm lum!”.
Bà tổ trưởng, một công chức cấp quận nghỉ hưu, đẫy đà phốp pháp vẫn khăng khăng bảo: - Loại đàn bà dâm tặc ăn luôn miệng nói luôn mồm ấy nhất định phải có nhiều rác thải. Bà còn lôi ra bằng chứng hai bao cao su đã qua sử dụng do bà nhặt được ở đầu hẻm, kết tội: - Của nhà chị ta thải ra đấy.

Lời nói của bà tổ trưởng nhanh chóng được chuyển đến tai chị 3A. Có hai loại người buôn chuyện này. Loại thứ nhất là quý bà nhận ra sự cực đoan vô lối của bà tổ trưởng, muốn gần gũi chị 3A để giúp đỡ. Loại thứ hai muốn mượn tay chị 3A để trừng trị bà tổ trưởng. Lạ thay, khi tiếp nhận thông tin từ hai loại người trên, chị 3A không hề nổi trận lôi đình hoặc cảm kích tri ân.

Vẫn cười hi hí, bảo: “Dâm tặc à, chỉ đúng một phần thôi. Tôi có dâm nhưng không tặc. Còn như hai cái bao cao su ở đầu hẻm, không phải của tôi. Không tin các vị cứ tra khảo xem nó khai ra của ai”. Rồi không khảo mà ra, chị bô bô tâm sự với các bà cùng hẻm về chuyện riêng tư của mình. Mới đây thôi, chị oang oác kể về mối tình thứ tám trong hai năm qua.

“Gã quen tôi ở nhà bác sĩ. Chắc cũng thuộc loại đại gia quen ăn nhà hàng và loại gái bia ôm. Da thịt bèo nhèo. Bụng phưỡn ra to đùng như đàn bà mang thai đến tháng thứ 6. Thoạt tiên, gã đối xử rất tử tế với tôi. Gã bị bệnh thấp khớp, mỗi lần tiêm xong, gã boa cho tôi một trăm ngàn. Tôi nhận chứ! Dại gì không nhận. Mình phải nuôi ba đứa con. Số tiền ấy đối với gã chỉ là cái lông chân rụng thôi.

Rồi gã đến nhà tôi, khen tôi đẹp người, đẹp nết. Tôi phì cười nói ngay: Ông anh khen quá lời, khen người tôi đẹp có thể nghe thủng lỗ tai, khen nết tôi đẹp là nói xỏ xiên, khác chi khen thầy chùa có bộ tóc đẹp. Gã lại bảo, gã muốn sống chung với tôi, vì gã thích những người đàn bà nồng nhiệt. Gã nghĩ rằng tôi là thứ đa dâm.

Tôi bảo gã: được thôi, vì tôi cũng đang cần có một thứ người gọi là chồng. Nhưng tôi có điều kiện. Anh phải ly dị vợ, rồi mang giấy ly hôn và giấy chứng nhận đã xét nghiệm máu không có HIV cùng 100 cây vàng đến đây, tôi gọi anh là chồng, anh gọi tôi là vợ. Sau lần ấy, gã biến mất, không thấy đến chích thuốc nữa”.

Cuối năm ngoái, tổ dân phố họp bàn đăng ký tổ dân phố văn hóa. Thuận hết. Chỉ vướng mỗi chị 3A. Bà tổ trưởng lo lắng bảo: Chị ta giống như bom nổ chậm. Nhiều người bảo, cơ bản chị ta là tốt, còn có thể giáo dục được. Một ông tiến sĩ già được cử tới làm công tác tư tưởng để chị 3A sống cho đúng với thuần phong mỹ tục.

Ông tiến sĩ thông kim bác cổ là thế vẫn không thuyết phục được chị 3A làm bản cam kết sống có văn hóa. Trước sau gì chị đều cười cười, nói nói, véo von như hát dân ca: - Nhà cháu không trộm cắp, cờ bạc đĩ điếm, không lừa gạt ai. Nhà cháu sống cũng lễ độ, biết kính trên, nhường dưới, con cái học hành tử tế, năm nào cũng có bằng khen. Nhà cháu đang chọn chồng, nhiều đàn ông đến xem mắt đâu có gì lạ. Nhà cháu sống vậy là có văn hóa rồi, khỏi cần làm cam kết nữa…

Cũng có lần chị buồn bã nói: - Các người nghĩ chuyện ăn nằm với nhau dễ dãi như vậy ư? Muốn đến mấy cũng phải có thời gian, điều kiện chứ. Các người thử nghĩ xem, tôi có nhiều thời gian, điều kiện để làm việc ấy lắm sao?

Người ta thấy ở đuôi mắt chị  ngấn nước.

Tổ dân phố vẫn đăng ký xây dựng tổ văn hóa mặc dù cuộc tranh luận về chị 3A vẫn liên tục diễn ra, lúc công khai, lúc bí mật. Nghe nói, số người tin chị là người có văn hóa ngày một nhiều hơn…

Trần Văn/ SGGP 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu