A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngón hoa

Giữa xô bồ đen trắng, những người thiệt thòi lặng lẽ tự thu xếp cuộc sống cho mình. Niềm vui, niềm hạnh phúc được họ chắt lọc, nâng niu và tận hưởng như món quà cuộc đời ban tặng. Viết về sự thua thiệt bằng giọng văn nhẹ nhàng, giản dị tác giả cho người đọc cảm giác bình yên.

1.

"Lương ơi, đến lượt cháu rồi này".

Tiếng bác Cảnh thường trực gọi vóng lên từ dưới nhà. Ðang chải tóc, cô vội quấn thành búi sau gáy rồi lần theo tay vịn, cẩn trọng đặt từng bước. Bác Cảnh đón cô ngay chân cầu thang: "Giường số 13, đàn ông đấy. Cháu làm cho chu đáo nhé".

Cô lẳng lặng đi vào phòng tẩm quất. Giường số 13 đã có người nằm, hơi thở nặng nhọc. Ðặt khẽ tay vào lưng, ông ấy rên khẽ. Hình như ông ấy bị đau? Rắc một lượt phấn rôm, cô lần tay theo từng bó cơ trên lưng. Tiếng rên lần này khẽ hơn và dài hơn. Từng múi thịt gồ ghề không đều, những chủy xương nhô cao. Ông ấy gầy và bị thương. Chỉ tổn thương phần mềm nhưng đủ làm cơ lưng và vai sưng tấy. Cô không dám mạnh tay. Vì khách ghì gối chặt, thở qua đằng miệng. Từng luồng hơi đi qua chân răng rít chặt. Cô biết cuộc sống ngoài kia nhiều hiểm trở và bất trắc, nhưng cô chưa từng chạm vào ai đau đớn nhường này. Các vị khách vào đây phần lớn là công chức đơn thuần và mấy chị tiểu thương. Họ mang theo vào phòng tẩm quất đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Họ thản nhiên tâm sự, hỏi han vì họ biết phục vụ họ là những người vô hại. Cả ngày đứng bên giường tẩm quất, các anh em ở đây cũng như cô, hầu như không hề biết mặt khách mà chỉ nhớ giọng nói, dẻ xương sườn, bả vai... Người đàn ông hôm nay là khách lạ. Chỉ nằm im chứ không hỏi chuyện. Ông ta khác với những vị khách no đủ, nhạt nhẽo hàng ngày. Ông ta đau. Lương mơn nhẹ từng ngón tay trên lồng ngực gầy, hõm sâu, nhờ vào trực giác hồ mơ qua mỗi đầu ngón tay, cố không chạm vào các vết thương. Cô sợ bàn tay mình lại làm ông đau thêm nữa.

2.

Mẹ gã đặt cho gã cái tên thô mộc: Lúa. Lăn lộn trong đám quân ô hợp ngoài bến cảng, miếng võ hiểm của gã đã giúp gã với lũ đàn em tung hoành như chốn không người. Cứng tuổi, gã trở thành bảo kê cho vũ trường Xanh, tháng một lần lên sàn vũ trường, đấm đá mua vui cho bọn trẻ ranh con nhà trọc phú ham vui. Gã đấu không đến nỗi tồi. Bọn đấu sĩ trẻ hùng hục sức lực, hiếu thắng. Nhưng cái chúng thiếu thì gã có. Gã dẻo dai, gân guốc và hơn hết là giỏi chịu đòn nên thường giành phần thắng. Vậy mà trận tối qua phải thua. Thua một thằng nhãi con chỉ vì nó muốn ra oai với bạn gái.

Ngấm đòn! Gã choáng váng, đầu óc u mê hỗn độn. Không người thân, không vợ con, chịu đòn quá nửa đời người, đánh người không ít. Nhưng trận đòn này gã tự nguyện và người khác đã sắp xếp mọi chuyện. Sau trận đấu, cơ thể ươn mỏi, rệu rã. Nhìn đồng hồ thấy còn sớm, gã phẩy tay gọi xe ôm đến trung tâm tẩm quất của Hội người mù. Hai năm nay, tháng nào gã cũng đến đây trước khi vào trận. Hiếm khi quay lại sau trận đấu. Lần đầu tiên gã gặp cô. Những lần trước đều do cậu Phượng hoặc cậu Thanh tẩm quất. Gã không mấy thích đàn bà động vào người, nhất là khi gã nằm trên giường, đánh độc một chiếc quần nhỏ. Nguyên do là vậy nên khi thấy cô chầm chậm đi xuống, gã đã định gắt bảo cô ra khỏi phòng. Nghĩ thế nào lại thôi. Nằm sấp trên nệm, úp mặt vào lần gối mỏng hỗn hợp mùi mồ hôi người, gã cay đắng nhận ra rằng đôi tay đang nhẹ nhàng vuốt dọc sống lưng gã là đôi tay xoa dịu nỗi đau cho người khác!

3.

Cô đã 29 tuổi. Ðiều đó chẳng nói lên điều gì. Ở thành Hội người mù và các quận, huyện hội cấp cơ sở có hàng trăm người con gái như cô. Họ sống mờ nhạt, lẻ loi trong bóng tối. Bóng tối đóng vai trò chứng kiến, đưa tiễn và là nấm mồ chôn cất tuổi thanh xuân với bao khát khao của họ. Cô tự biết mình không ngoại lệ. Cuộc sống được cô thu lượm qua đôi tai. Ðó chính là lối mòn do cô tự khai phá cho mình để dần từng bước hiểu rõ hơn về cộng đồng ngoài kia, một thế giới đầy biến động với biết bao lo toan, khắc nghiệt, biết bao niềm vui, nỗi buồn. Bao năm qua, cô chỉ là một cái bóng bên lề cuộc sống, gián tiếp đón nhận những âm hưởng đa chiều mà cuộc sống vô tình đẩy tới cô.

Người đàn ông bị thương hôm trước quay lại sau một tuần. Ông ấy là khách quen của anh Phương vì thường đến đúng ca anh trực. Cô va phải ông ta ngay hành lang. Nhỡ đà, cô túm lấy cổ tay ông, thoáng rùng mình nhận ra vết sẹo dài dọc trơn nhợt, nổi hằn trên cườm tay nhăn nhúm. Ông ta lẳng lặng giữ cho cô đứng vững. Buông tay khỏi vết sẹo dài, cô khẽ khàng xin lỗi rồi lần tường đi ra, tim đập mạnh...

4.

Sau lần thua trên võ đài, gã lầm lũi không mấy khi rời tầng hầm trừ khi vào ca trực. Trong mắt tay quản lý, gã là một con sói già, mà vật hay người gì thì khi già đều trở tính và khó quản. Nhiều lúc gã thấy thèm chút hạnh phúc bé mọn như của những người đàn ông mù gã vẫn gặp. Gã thấy họ cười, nụ cười có ánh sáng. Lần nào đến cũng chỉ nói về gia đình, vợ con vậy mà gã vẫn muốn nghe. Nghe để hiểu thêm về hạnh phúc, dù hạnh phúc của người mù chưa hẳn đã trọn vẹn mọi bề. Gã thích thú nằm dài trên chiếc giường đơn để những đôi tay của người tẩm quất mù nhịp nhàng đánh trên da thịt. Họ vừa kể chuyện gia đình vừa làm, mười ngón tay reo vui như chia sẻ.

Trung tâm tẩm quất cổ truyền của Hội người mù này chỉ có ba cô gái. Mấy lần chạm mặt, gã thấy ba cô gái khá giống nhau. Cô gái tẩm quất cho gã hôm thua trận cũng vậy. Tóc bện thẳng, áo sơ-mi trắng, khuôn mặt gầy, da xanh vì ít ra nắng và đôi tay nhỏ, ngón ngắn tròn trịa. Hôm ấy, vết thương nhức nhối. Gần bốn mươi năm lăn lộn giang hồ, hôm nay gã mới thực ngấm đòn kim tiền. Gã cay đắng nhận ra mình đã nhận mười triệu để đóng vai một anh hề. Cô gái hình như biết gã đau, chỉ dùng mười đầu ngón tay vuốt nhẹ làm các vết thương đỡ căng tức và dè dặt tìm từng huyệt đạo trên người hắn, ngón cái cong cong dồn lực xuống chính huyệt. Cô đã cố gắng không làm cho gã đau thêm nữa. Gã chợt thấy cảm kích. Món tiền mười triệu nằm trong túi quần gã treo ở cuối giường. Gã gồng mình nhận trận đòn sát thương để đổi lấy nó. Còn cô gái đứng suốt một tiếng đồng hồ cạnh giường gã đang cố làm dịu đi những vết thương ấy với số tiền công bằng một phần nghìn. Gương mặt cô thanh thản!

5.

Người đàn ông bị thương vẫn thường đến vào chiều thứ sáu. Lần nào xong việc anh Phương cũng theo ra, nói câu cảm ơn, lần sau anh đừng cho nhiều thế, em không dám... Cô nghe giọng đàn ông sang sảng, bỗ bã, chú cầm lấy về đưa cho cô thêm tiền mua sữa cho cháu, người lớn ăn kém một chút thì được chứ đừng để trẻ con thiếu sữa, thiếu chất... Hẳn ông ấy cho tiền anh Phương. Vậy ông ấy thật tốt. Nhưng sao ông ấy lại bị thương nặng thế. Tự nhiên cô rất muốn biết mặt ông. Mẹ bảo trông mặt mà bắt hình dong. Mà cô chỉ thấy một bóng người gầy mảnh, khuôn mặt khô, mái tóc cắt ngắn... cái gì cũng mờ mờ hết.

Tối thứ Bảy, Ngà xin phép nghỉ làm rồi vội vàng lên tầng trên tắm gội. Nó ríu rít khoe người yêu mua cho, hẹn hôm nay đến đón đi chơi rồi sẽ đưa nó về nhà. Ðồng hồ đánh tám tiếng. Ngà bật dậy, bảo có khi bạn em đến rồi. Xuống tới phòng khách thì cậu bạn ấy đến thật.

Cô căng tai lắng nghe. Người con trai dựng xe đạp rồi chậm chạp đi vào, bước chân vướng víu. Cô đoán chân cậu bị tật, vậy là mừng cho Ngà, may ra còn giữ được. Chứ đàn ông lành lặn tử tế chả ai thèm lấy con gái mù làm gì cho thêm nợ. Cậu bạn Ngà lễ phép xin bác Cảnh cho đón Ngà đi chơi và hứa sẽ đưa nó về nhà an toàn. Ngà chào bác, chào chị giọng hân hoan. Có tiếng gạt chân chống xe, tiếng xích líp quay rổn rảng.

Mười hai giờ đêm vẫn chưa thấy Ngà về, lòng Lương rối bời. Cậu con trai kia liệu có phải là người thực lòng không, nhỡ ra nó là đứa đểu cáng làm hại đời con bé. Nghĩ đến đây, Lương bất chợt thở dài, cô thấy giận mình và càng thương Ngà hơn. Nó cũng như cô, làm gì có tương lai! Bao năm nay, mong được sống có ích, sống vui vẻ đã khó rồi. Nó đang làm mọi cách để giữ được tình yêu cho mình cũng là điều chính đáng.

6.

Mấy tháng gần đây gã thấy mỏi mệt nhiều hơn. Gã chính thức đề nghị với giám đốc vũ trường xin nghỉ đấu võ đài hằng tháng.

Vợ Phương sinh con. Tuy không phải anh em ruột thịt gì nhưng gã vẫn thường cho thêm anh ta chút tiền sau khi tẩm quất. Số tiền không nhiều nhưng đủ làm cho người đàn ông mù cảm kích. Lần nào gã đến cũng vội thông báo tình hình của thằng con trai cho gã biết với vẻ hàm ơn và kính trọng. Những lúc ấy, gã thường im lặng hình dung thằng bé con qua lời bố nó.

Gã chăm chú nhìn những người đàn ông trong trung tâm, nhận ra rằng mình hèn kém. Dù tật nguyền nhưng họ vẫn gắng gỏi gánh vác một gia đình trong khi gã hủy hoại đời mình trong rượu và những trận đấu mua vui.

Cô gái ấy thường ngồi ngoài phòng khách khi gã đến, dáng vẻ chờ đợi ai đó. Cô không đẹp, nét mặt dìu dịu và còn khá trẻ. Nhiều lần gã định hỏi Phương về cô rồi lại thôi. Người mù thiệt thòi mười thì phụ nữ mù thiệt thòi gấp đôi thế. Gã thầm mong cô hạnh phúc.

7.

Ngà xin mẹ ở lại trung tâm qua đêm nhiều hơn. Có hôm nó đi tới sáng mới về, giọng nói, tiếng cười cũng khác. Cả trung tâm biết con bé đang yêu, thi thoảng lại trêu vài câu làm nó xấu hổ ngồi nín thở.

Ðang ngồi, Ngà xoay người lại, hạ giọng, mẹ em mà biết thì chết, mẹ thường bảo em, cố vui vẻ mà sống với bố mẹ, bố mẹ chết thì về ở với anh chị và các cháu. Em chả muốn thế tẹo nào, chả lẽ cả đời sống gửi, không thể có một gia đình của riêng mình hay sao hả chị?

Cô không trả lời được. Có thể lắm chứ, Ngà sẽ có một gia đình của riêng nó, dù cậu con trai kia không vượt qua nổi rào cản gia đình đi chăng nữa thì Ngà vẫn có thể có đứa con cho riêng mình. Lúc ấy, cô sẽ giúp Ngà, anh chị em trong trung tâm sẽ giúp Ngà. Và biết đâu ông ấy cũng sẽ giúp, như ông ấy vẫn giúp anh Phương nuôi bé Choắt đấy thôi. Cô khấp khởi hy vọng.

Rồi Ngà có thai thật. Cậu bạn trai đấu tranh quyết liệt để bố mẹ đi hỏi vợ cho con. Ðám cưới đơn giản, khách đến mừng toàn anh chị em trong hội và người thân. Ngà mặc áo dài hồng, líu ríu theo chú rể đi chào mọi người. Mẹ Ngà xăng xái chào mời khách, gặp ai cũng nói một câu, phúc nhà em còn lớn các bác ạ.

Cưới xong, Ngà nghỉ việc ở trung tâm về nhà giúp chồng trông coi lò bánh mỳ và dưỡng thai. Chiếc xe đạp giờ phải chịu tải những ba người, nó có vẻ vui, cứ cót ca cót két mãi theo từng vòng bánh xe quay.

8.

Gã đến khi cả trung tâm rủ nhau ra phố mua hàng, chỉ còn ông già trực cửa và cô gái mù. Gã nói với ông già gã không chờ được, liệu cô gái kia có thể làm vào lúc này được không. Gã hướng về phía cô, chờ đợi...

Bác Cảnh hỏi, Lương không trả lời mà vội vàng đứng dậy, lần tay đi vào phòng dành cho khách nam. Lần thứ hai cô tẩm quất cho người đàn ông này, những vết thương đã thành sẹo, có cũ có mới nổi đanh dưới tay cô. Ông ấy không bị thương như lần trước - một cảm giác an lành tỏa lan, đôi tay cô mạnh dạn trườn dọc thân thể khách. Những bó cơ săn chắc của người đàn ông trung niên mềm dần, thư thái. Chuông hết giờ, hai bàn tay cô cứ vầy nhau hậm hụi, vội vàng cất tiếng: "Ông... ông có muốn tôi mát-xa vùng mặt không?". Ðang lúi húi xỏ dép, gã giật mình: "Cảm ơn cô...! Nhưng hết giờ rồi". "Tôi có thể làm thêm mà không tính công. Thật đấy". Cô gái nói như sợ khách đi mất khiến gã buồn cười. Giọng nói nửa như đề nghị, nửa giống thỉnh cầu. Không nỡ từ chối, gã nằm xuống, trong đầu bộn những dấu hỏi.

Lương thực hiện các động tác tay. Bắt đầu từ đỉnh đầu, cô lân tay nhẹ xuống trán, qua ấn đường, lướt trên đôi lông mày rậm, hai hốc mắt đầy, cánh mũi dày hơi bạnh, gò má xương.... Chủ nhân của gương mặt đột ngột bắt lấy cổ tay cô: "Cô gái, cô nói thật đi. Cô muốn sờ mặt tôi làm gì?". Tiếng nói đanh và gằn làm cô rụng rời, lắp bắp không ra hơi: "Thưa ông, tôi... tôi... chỉ muốn... để ông dễ chịu chứ không hề có ý gì". "Hừ, cô mau nói lý do đi, nếu không tôi sẽ không bỏ qua đâu". Cô hoảng thật sự. Cổ tay vẫn bị kẹp cứng đau tê dại: "Tại sao? Cô muốn khoe tài sờ mặt người khác của người mù các cô sao?" - Vẻ chế giễu ẩn trong câu nói. Lương hít sâu, nói chậm rãi: "Tôi chỉ muốn cảm nhận gương mặt của con người. Sống trong bóng tối, tất thảy chỉ lờ mờ ảo giác. Tôi hy vọng nhận biết được người tốt kẻ xấu qua gương mặt họ". "Cô thấy tôi thế nào?". "Ðôi tay tôi mách bảo, ông là người tốt". Cánh tay cô thoát khỏi lực bóp chặt, rơi tự do lên mặt đệm. Mùi mồ hôi dần ra khỏi phòng. Bất giác, Lương đưa tay lên mặt mình

9.

Kể từ hôm ấy, cô không còn gặp lại người khách ấy dù vẫn có ý chờ. Anh Phương bảo, anh cũng muốn gặp ông để khoe thằng cò nhà anh đã biết gọi bố, mẹ và bác Lúa rồi. Thì ra ông ấy tên là Lúa. Anh còn bảo bác Lúa làm bảo vệ ở vũ trường hay bị đòn lắm mà chẳng có người chăm sóc. Hay là ông ấy ốm, cô vu vơ nghĩ.

Ngà sinh con trai, đang về ở cữ với mẹ đẻ. Cô xin phép bác Cảnh về sớm để đến thăm Ngà. Bác Cảnh gửi cô hai chục nghìn, bảo mua gì thăm Ngà giúp bác, nói bác mừng cho nó có mái ấm gia đình. Lương chào ông rồi cẩn thận dò từng bước trên hè phố. Ông già lần ra cửa, hướng theo tiếng chân cô rồi lẩm bẩm nói một mình: "Cả con nữa, con gái ạ. Nhất định rồi con cũng tìm thấy mái ấm cho mình".

Người xe ôm đón khách ở đầu ngõ chợ cô không quen nên cô cẩn thận mặc cả. Kiệm lời, anh ta bảo cô trả thế nào cũng được. Giọng nói đanh đanh khiến cô ngờ ngờ. Xe đi đến khúc quặt, phanh gấp làm cô đổ sấp mặt vào lưng người lái. Mùi mồ hôi khét nồng, cô buột miệng hỏi: "Có phải ông Lúa không ạ?". Người ngồi trước cô thoáng giật mình, cắm cúi lao xe đi trong mưa bụi. Ðắn đo một lúc, cô mạnh dạn đưa tay ra trước, khẽ chạm vào cườm tay trái đang cầm lái. Trượt trên năm đầu ngón tay cô là vết sẹo lồi dài trơn. Người đàn ông im lặng, cô cũng lặng im giữa phố đông người hối hả. Thực ra ông là ai, từng làm gì, tại sao lại bị thương... đối với cô lúc này đâu còn quan trọng. Những ngón tay đã mách bảo cô rằng ông là người tốt và sẽ luôn là người tốt.

Cô tin thế!

Phạm Vân Anh


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu