A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Như chùm mây trắng

Trên bức tường góc nhà, bà Thu bảo ông Đình ghim lọn tóc đen nhánh qua bao năm tháng không phai màu vào tấm bìa cứng lồng trong khung kính treo làm kỷ niệm. Bên cạnh, ông Đình bà “Su” chụp chung tấm hình, bà bồng bé Lan ở giữa, hai mái đầu bạc trắng, bồng bềnh như mây trôi trên dòng Châu Giang quê hương.

Nắng nhạt sóng sánh cánh ruộng vùng ngoại ô trong khung cảnh thanh bình. Những người tham gia giao thông chạy xe trên con đường ven đô cũng thanh thản, hình như họ tận hưởng khoảng không gian êm đềm của buổi chiều tháng tư này. Xa xa những bãi cỏ xanh mát cả tầm nhìn. Những con đường xương cá trải sỏi vào ấp nom đẹp như tranh. Bỗng chiếc xe Honda phân khối lớn do cậu thanh niên chừng mười chín đôi mươi cầm lái, chở cô bé choai choai, phóng ra tỉnh lộ. Họ cười nói với nhau. Cậu thanh niên đội nón bảo hiểm lòi những chùm tóc nhuộm màu “lông bò”.

Cậu ta quay lại đùa với cô gái ngồi sau, không làm chủ tay lái, hích vào đuôi xe của ông Đình, làm xe ông lao xuống mương nước. Cậu ta giảm ga nhìn lại thấy ông Đình lồm cồm bò dậy, cậu liền tăng tốc phóng vút đi gieo vào mảng nắng chiều thanh khiết một mảng khói đen. Cô gái cười: “Lão ta không bị thương đâu. Xe lao xuống mương nước mà”. Cô gái huơ huơ tay chào.   
 
Vài người đi đường dừng lại giúp ông Đình kéo chiếc xe từ mương nước lên đường. Quần áo ông Đình ướt nhẹp, người không bị thương. Một anh thanh niên ngoài ba chục tuổi chạy xe Honda chở cô gái mặc đồ công nhân, giúp ông lau bùn đất chiếc xe, nhưng khởi động máy không nổ vì bị ngấm nước.

Đoạn đường này không có tiệm sửa xe, một bên lưa thưa nhà dân, một bên là mương nước. Anh thanh niên ái ngại nhìn ông Đình tóc bạc trắng. Anh lấy phụ tùng từ xe của anh sửa xe giúp ông Đình. Anh mở bugi, lau chùi, khởi động, xe của ông Đình vẫn không nổ. Anh thanh niên hỏi:

- Bác đi đâu bây giờ?

Ông Đình chau mày nhìn ráng chiều, vầng trán của ông tạo thành những nếp nhăn như thước đo năm tháng ông có mặt trên cõi đời này:

- Cậu ta chạy xe ẩu quá, đáng lẽ va vào xe người khác thì dừng lại giúp, đằng này cô gái còn cười huơ tay chào nữa chớ.

Rồi ông Đình nói tiếp:

-Tôi được người bạn nói ở khu này có chùa Giác Trung hay Giác Trang nuôi trẻ mồ côi. Tôi tìm đến hỏi thăm, có đứa cháu mẹ nó chẳng may bị bệnh gửi ở đó.

Anh thanh niên nhìn cô bạn gái nói với ông Đình:

- Có chùa Giác Trung bác ạ. Cạnh nhà cô này. Cháu của bác bao nhiêu tuổi, tên gì?

- Thiệt tình tôi chưa biết mặt cháu, nó ba, bốn gì đó, tên là Lan hay Loan.

Anh thanh niên hỏi cô gái.

- Má của Ngân có biết cháu gái tên Lan hay Loan không?

- Má em nuôi, thỉnh thoảng có qua giúp má, nhưng tên Lan hay Loan có khi có.

Anh thanh niên nói, xe không thể nổ máy được, ông Đình lên xe, anh điều khiển xe Honda của mình chở cô Ngân và một chân đẩy xe của ông Đình chạy về phía chùa Giác Trung. Tới chùa thì đã hơn sáu giờ chiều. Ở khu nhà nuôi trẻ các cháu đã về phòng ngủ, bà má của Ngân cũng không còn ở chùa nữa. Ông Đình hỏi Ngân má cô tên gì, để ngày mai ông ghé hỏi chuyện và tìm thăm đứa cháu của bạn ông. Ngân nhìn người đàn ông da dẻ hồng hào, ánh mắt điềm đạm. Cô nói:

- Má con tên Thu. Mai bác đến gặp bà Thu người Bắc, bà làm việc lâu nhất so với mấy bà, mấy chị giúp việc ở đây.

Ông Đình cảm ơn rồi đành gửi chiếc xe không chạy được ở nhà chùa. Ông ra đường đón xe ôm về nhà.

***

Mười năm rồi, ông Đình được người cháu con ông anh đưa vào làm bảo vệ cho công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Lý, chuyên mua vật tư kỹ thuật phụ tùng động cơ máy thủy điện. Vừa rồi ông nhận được điện thoại của người bạn tên là Vui, ở tỉnh Thái Bình, nhờ tìm cháu gái tên Loan hay Lan gửi ở chùa Giác Trang, hay Trung hay Lung gì đó ở Hóc Môn.

Chả là ông Vui có con gái đi làm công nhân ở Hóc Môn, cô sanh con nhưng chẳng may dính vào căn bệnh thế kỷ, biết mình không còn sống được bao lâu, cô gửi đứa con vào chùa. Trước lúc lâm chung, cô viết mấy chữ nghệch ngoạc không rõ nét gửi về gia đình, nói còn đứa con gái hình như không bị nhiễm HIV.

Ông Vui đã vào thành phố tìm, nhưng sau nhiều ngày chưa thấy chùa Giác Trung hay Trang gì đó, ông bị bệnh phải trở về quê. Sau nhiều ngày dò hỏi tìm kiếm, ông Vui nhớ có người bạn thời chiến tranh là ông Đình đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Chiều nay ông Đình tìm ngôi chùa ở Hóc Môn, gần tới nơi thì xảy ra vụ xe của cậu thanh niên ủi xe ông xuống mương.

***


Sáng nay bà Thu xúc cơm cho con bé chừng ba, bốn tuổi ăn, bà nựng: “Nào Lan ngoan, nuốt cơm đi Lan”. Con bé ốm nhom, hai mắt tròn coi không được tinh nhanh. Nó ngậm miếng cơm bà Thu bón cho. Chung quanh bà hơn mười đứa bé gái, trai bảy, tám, chín tuổi bưng cơm ăn.

Ông Đình bước tới sau khi hỏi thăm một bà chạc ngoài bốn mươi đang quét dọn sân sau nhà chùa. Sau ngôi chùa có khoảng sân rộng, hai dãy nhà khang trang, thoáng mát, lối đi trải sỏi sạch sẽ. Bà Thu ngồi trên cái ghế nhựa nhỏ, tấm lưng thon thả, mái tóc bạc búi cao lộ cái gáy trắng hồng có ngấn của người có tuổi.

Ông Đình đứng lặng nhìn người đàn bà. Không lẽ người giống người. Ở cõi đời này con gái, đàn bà tên Thu có hàng trăm, nhưng với ông cái tên “Su”, hình ảnh cô gái ấy, ông mang trong tim suốt thời trai trẻ vào những trận đánh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ…

Bà Thu đứng lên dắt con bé chậm chạp đi vào nhà trẻ, ông thốt lên, ôi đúng “Su” rồi…

…Đêm ấy, trăng tháng sáu bên dòng Châu Giang nước trong xanh. Bãi mía ven sông lá nhọn như những lưỡi gươm tuốt trần chĩa lên trời kiêu hãnh. Đình nắm tay Su thì thầm, ngày mai anh lên đường vào chiến trường rồi, thế là chúng mình phải xa nhau. Su nép đầu vào ngực Đình. Hai người nghe tim mình loạn nhịp. Im lặng ngự trị trong không gian. Trăng trung tuần lung linh, hình như lúc đó có đám mây che khuất mặt trăng. Gió nhẹ vẫn vô tư đùa trên ngọn mía xôn xao. Thời gian như dừng lại. Lúc sau Su sửa lại mái tóc dài chấm gấu áo, hỏi:

-Anh đi có địa chỉ viết thư về cho em.

Đình ghì Su vào mình hôn lên đôi môi đắm đuối.

Su nói trong hơi thở:

- Mình về đi anh. Khuya rồi, mẹ em chờ cửa, tội cho cụ.

Đình vuốt mái tóc dài của Su nâng lên:

- Thương quá!

- Sáng mai mấy giờ anh vào ga tàu?

- Sáu giờ.

Hai người chia tay nhau ở đầu xóm Giếng. Tiếng gió đưa võng kẽo kẹt trong lũy tre.

Sáng hôm sau, Đình khoác ba lô ra cổng thì Su vừa đến, cô cười mà mắt rớm lệ.

- Chào Su.

-Anh vào ga, đơn vị đón ở đó hả?

- Chuyến tàu bảy giờ.

Su đặt vào tay Đình một gói nhỏ mềm và nhẹ, cô vội bước đi khỏi ngõ. Đình nhìn theo mái tóc đen mượt suôn dài trong ánh bình minh.

Đình nâng niu gói giấy, anh cẩn thận bỏ vào túi ngực áo bộ đội và cài cúc, rồi đi nhanh vào con đường làng đến nhà ga đúng bảy giờ sáng. Trên đoàn tàu chở đoàn quân vào chiến trường, Đình mở gói giấy Su tặng anh. Anh nhìn lọn tóc đen nhánh, mượt mà, cột chỉ đỏ đẹp như ngọn lá. Mảnh giấy nhỏ, Su viết bằng mực tím: “Em bên anh suốt đời. Em của anh, Su”.

***


Trong một trận đánh ở khu Bảy Núi An Giang, Đình bị thương vào đầu, lạc vào rừng và được bà con trong phum cứu chữa. Vết thương thành sẹo, nhưng Đình không nhớ mình là ai, đơn vị ở đâu. Ngày đất nước hòa bình, anh được bà con ở phum trả anh cho một đơn vị quân đội, nhưng anh không có giấy tờ, không nhớ cả tên của mình, trong túi áo ngực có một bọc ni lông gói cẩn thận lọn tóc đen nhánh, cột chỉ đỏ và mảnh giấy nhỏ có hàng chữ :”Em bên anh suốt đời. Em của anh, Su” nên họ đưa anh vào bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Sau mấy năm điều trị, trí nhớ của Đình dần hồi phục, đến một hôm chị bác sĩ ngồi nói chuyện hỏi bệnh nhân số 258:

- Anh có nhận ra cái này không?- Chị bác sĩ mở gói ni lông có lọn tóc dài khoảng hai mươi phân, cột chỉ đỏ và tờ giấy xé từ vở học trò có hàng chữ mềm mại, thì Đình reo lên mừng rỡ:

- Bác sĩ, bác sĩ, lọn tóc này là của Su tặng tôi trước lúc tôi lên tàu vào Nam chiến đấu. Cô Su người yêu tôi!

Sau đó Đình được điều trị, trí nhớ dần hồi phục. Đình được về quê sau hai chục năm từ ngày lên đường chiến đấu. Bố mẹ anh không còn, anh bước vào nhà mình mà người chị dâu chống nạnh hỏi, ông tìm ai? Đình quẳng cái túi nhỏ xuống nền nhà, nhìn trên bàn thờ có tấm hình của anh lúc trẻ, và bên cạnh là khung kính treo “Tổ quốc ghi công… Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Đình…”.

Đêm ấy tại gia đình Đình bà con đến thăm, đông vui, nhưng không có Su của anh…

Bỗng bàn tay của người đàn ông đặt lên vai Đình nói nhỏ:

- Ông vãng cảnh chùa hay đi khám bệnh?

Ông Đình giật mình quay lại cười ngường ngượng với người đàn ông tỉa cành trong khuôn viên nhà chùa.

- Dạ tôi xem bà Su cho mấy cháu ăn coi vất vả quá.

- Đó là bà Thu. Chồng bà là thương binh dùng thuốc nam ở đây cả chục năm, ông mất vài năm rồi. Ông quen bà Thu hả?

- Không, tôi bị hư xe tối qua gửi ở đây. Bà ấy ở đây lâu chưa?

- Tôi nghe người ta nói bà đi tìm người yêu không gặp nhưng gặp một anh bộ đội là thương binh người trong xã này. Hai người xây dựng với nhau, nhưng không có con. Vết thương cũ tái phát, chồng bà không dùng được thuốc tây, bà đưa chồng vào chùa khám và chữa thuốc nam ở đây. Khi chồng bà không còn, bà tình nguyện phục vụ các cháu ở chùa này. Bà Thu làm việc ở đây dễ đến chục năm có dư rồi. Bà cũng khổ, hai vợ chồng nhận nuôi một đứa con trai, một con gái, chúng cũng là trẻ mồ côi ở chùa này. Hồi chồng bà còn sống, ông bà chiều thằng con nuôi bây giờ nó quậy quá trời hà.

Chiều đó ông Đình chạy xe vào cửa căn nhà gần chùa Giác Trung, bà Thu ngồi gội đầu bên giếng nước. Thấy người lạ dừng xe cửa nhà mình, bà Thu nheo mắt nhìn người đàn ông tóc bạc, dáng coi khỏe mạnh cũng đang nhìn bà mặt tươi rói.

Ông Đình mỉm cười:

- Chào… Su.

Bà Thu đứng lên, ánh nắng buổi chiều rọi vào người bà sáng bừng lên.

- Ông hỏi ai? Sao lại biết…

Ông Đình trình bày tìm cháu bé tên Lan hay Loan, con của cô công nhân…

Bà Thu :

- Có phải con của chị Vẻ, công nhân…

- Đúng rồi. Nó là cháu ngoại của ông Vui bạn tôi.

Ông Đình nheo mắt nhìn bà Thu rồi chậm rãi mở túi áo ngực, vẫn cái áo bộ đội cũ, bạc màu lấy ra gói ni lông bọc cẩn thận trao cho bà Thu. Bà nhìn ông Đình và mở gói ni lông, trong gói tờ giấy xé từ vở học, bà nhìn nhúm tóc cột chỉ đỏ, bà kêu:

- Trời ơi, anh… Đình-Và bà khụy xuống.

Ông Đình đỡ bà đứng dậy dìu vào ghế ngồi, lúc đó tiếng xe Honda phân khối lớn trờ vào cửa nhà bà. Anh thanh niên tóc nhuộm “lông bò” dừng xe. Cậu ta nhìn bà Thu, nhìn người đàn ông hỏi:

- Chuyện gì vậy má?

Bà Thu hai tay vẫn nâng lọn tóc đen nhánh lấp lánh trong ánh nắng chiều.

Cậu thanh niên cầm nhúm tóc trên tay bà Thu cười khì:

- Ồ má có nhúm tóc đen quá trời đen-Và anh ta nhìn đầu bà Thu cười - tóc má bạc trắng.

Ông Đình nhận ra anh này chiều qua ủi xe ông lao xuống mương. Và anh ta cũng nhận ra ông.

Bà Thu nói nhỏ:

- Thằng An con… trai… em đó, nhưng…

An nhìn ông Đình, nhìn cái xe ….

***


Ba tháng sau ông Đình xin nghỉ việc ở Công ty Thiên Lý. Bà Thu năn nỉ ông về ấp Bàu Cỏ ở chung để bà có điều kiện chăm sóc ông lúc tuổi già. Trên bức tường góc nhà, bà Thu bảo ông Đình ghim lọn tóc đen nhánh qua bao năm tháng không phai màu vào tấm bìa cứng lồng trong khung kính treo làm kỷ niệm. Bên cạnh, ông Đình bà “Su” chụp chung tấm hình, bà bồng bé Lan ở giữa, hai mái đầu bạc trắng, bồng bềnh như mây trôi trên dòng Châu Giang quê hương.

Đứa con nuôi của bà Thu mỗi khi nhìn lọn tóc đen trong khung kính, cậu lại đỏ mặt xoa mái tóc lôm nhôm của mình.

Nguyễn Ngọc Mộc


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu