A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chị Diệu

Hàng xóm quý chị không chỉ vì chị sống tròn chữ hiếu mà còn có chữ tình. Nếu chữ tình của chị đối với xóm giềng là sự ăn ở phải đạo thì chữ tình với các bà chị là sự hy sinh khiến lối xóm phải xót xa nhói lòng.

Đến ấp Bào Hầm, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) muốn tìm hoặc hỏi về chị Nhan Thị Diệu, ai cũng biết. Nhưng chị là người cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều rất “dân thường” nên chắc chẳng mấy ai cần tìm. Và chị dẫu ngày xưa xinh đẹp thì nay ở tuổi tứ tuần chắc chẳng còn ai hỏi. Mà thôi, không ai tìm và hỏi thì tôi cũng... kể. Kể về một người cả đời “xanh quanh” với chữ hiếu chữ tình.   
 

Chị Diệu không biết mặt cha vì ông đã hy sinh trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân khi chị chưa tròn một tuổi. Chị Diệu sống với mẹ cùng ba chị gái. Cảnh nhà khốn quẫn, Út Diệu phải nghỉ học từ năm cuối bậc tiểu học. Tuổi chớm đôi mươi, nết na, sớm hôm tần tảo, được nhiều trai làng lăm le hỏi cưới nhưng trớ trêu thay cô Diệu phải nuôi đứa bé còn ẵm ngửa trên tay.

Không phải con của Út Diệu mà là con người chị thứ năm! Người ta ưng nhau, bỏ nhau tất nhiên không cần ý kiến của Út Diệu, nhưng khi chia tay nhau thì một hài nhi được trao tận tay đứa em gái thơ ngây! Diệu cực nhọc mưu sinh, thức khuya dậy sớm để chăm sóc cháu, không một lời than van.

Niềm vui của chị là nhìn cháu khôn lớn, cố gắng đem tình mẹ bù đắp cho đứa cháu có cha mẹ mà như trẻ mồ côi. Công việc chồng chất lên đôi vai bé nhỏ nhưng chị vẫn giữ được vẻ đẹp nền nã, vẫn có nhiều cơ hội lấy chồng nhưng chị ngại ngùng từ chối.

Chị Năm nói: “Con Diệu muốn ở vậy nuôi bà già, lỡ lấy thằng xấu cái thân lo không xong nói chi lo cho má”, và: “Con Diệu nó có hiếu với má tui lắm, nó chăm sóc má từ miếng ăn giấc ngủ. Tôi chưa làm được một nửa chứ nói chi bằng nó”. Chị Diệu nín thinh không nói gì. Mẹ ngày một già, không có con trai, nếu đi lấy chồng thì trước sau quạnh vắng, ai lo cho mẹ, ai nuôi cháu ngoại?!

Mẹ chị Diệu là một người hết sức gia trưởng, bà quyết định mọi chuyện, ít khi chịu lắng nghe lời phân tách thiệt hơn của các con. Mọi việc trong gia đình đều có bàn tay vén khéo của Út Diệu, nhưng chưa bao giờ chị có quyền tự quyết. Mua vật dụng rẻ tiền như cây chổi cũng phải phải xin ý kiến mẹ, tuân thủ mọi phán quyết có khi rất vô lý của mẹ.

Mặc chiếc áo đi đám tiệc, bà liếc ngang, nói thủng thẳng: “Tao thấy áo này mày mặc hổng vừa nghen!” - cũng chiếc áo đó mới vài ngày trước chị mặc thì bà không phản bác gì. Vậy là nhẫn nhịn đi thay chiếc áo khác. Có lần tôi hỏi nhỏ: “Khi mình không được làm những việc mình thích, chắc buồn lắm?”. Chị cười - nụ cười dễ thương khi đã ở cái tuổi ngoài 40: “Buồn chứ! Nhưng chăm sóc má chưa được tốt thì lòng còn buồn hơn!”. Thực ra tại lòng chị hiếu thuận, luôn cảm thấy mình chưa tròn bổn phận làm con.

Năm 2000, gia đình chị xảy ra tranh chấp đất đai làm cho má chị buồn bực. Bà đi khiếu kiện khắp nơi. Mỗi lần bà đi thì chị tất tả đưa mẹ ra tận bến đò, tất tả về lo hàng núi việc, rồi lại tất tả ra bến đò ngồi trông ngóng cho tới khi rước được mẹ về nhà dù bà hoàn toàn có thể tự đi. Thật vất vả! 8 năm nay chị thêm một công việc như vậy đó. Mẹ buồn một, chị rầu tỷ lần.

Chị rầu cho sức khỏe của mẹ, rầu cho nỗi buồn của mẹ... Chị nghĩ đơn giản: đi cùng trời cuối đất, vật chất có thể tìm nhưng làm sao tìm được mẹ mình. Chị tin rằng: một bông hồng đỏ thắm - vì còn mẹ - bao giờ cũng đẹp hơn triệu triệu bông hồng trắng côi cút.

Hàng xóm quý chị không chỉ vì chị sống tròn chữ hiếu mà còn có chữ tình. Nếu chữ tình của chị đối với xóm giềng là sự ăn ở phải đạo thì chữ tình với các bà chị là sự hy sinh khiến lối xóm phải xót xa nhói lòng. Dường như 21 năm nuôi con cho người chị thứ năm chưa đủ thử thách, nên sang năm 2008 đến lượt người chị thứ tư của Út Diệu đôi mắt bỗng lòa hẳn đi, giờ đây chị Diệu dìu từng bước đi, đút từng muỗng cơm cho chị mình.

“Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chị Diệu còn bán đời mình cho cái bếp của ông bà Táo. Rồi mỗi tháng, phải làm sao dành dụm một số tiền gửi cho đứa cháu học đại học năm cuối. Thằng bé là niềm vui lớn nhất của đời chị! Nó cảm nhận được những điều chị không nói, nhìn thấy những giọt nước mắt tủi cực âm thầm lăn trong lòng chị.

Ánh mắt hiền lành, nhẫn nhục, đầy u uẩn của chị chỉ sáng lên – sáng đến kỳ lạ - khi nói về đứa cháu mà chị nuôi khi nó chưa đầy một tuổi. Thằng bé thường ôm đôi vai của dì út và bóp nhẹ, đôi vai - nó nhớ ngày xưa rất thon - nay khô gầy vì gồng gánh chữ hiếu - chữ tình.

Sống trên đời, ai chẳng ước mơ. Đối với chị Diệu là: “Cầu xin cho mẹ sống đời với con”; là người chị mù lòa sống vui vẻ; là đứa cháu mà mình nuôi từ lúc bé thơ sẽ lập thân bằng cái nghề gắn với văn chương - nghề không “hái” ra tiền nhưng là nghề của tâm hồn.

Nếu gặp bà tiên, tôi xin bà hãy cho tôi một điều ước: ước cho chị Diệu luôn khỏe! Và hãy cho tôi thêm một điều ước: đó là có một bờ vai – dù muộn màng - để chị tựa vào!

Ai có về ấp Bào Hầm, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), hỏi thăm chị Nhan Thị Diệu thì trẻ già đều biết...

Chị Diệu là... dì Út của tôi!

 

Cao Minh Tèo


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu