A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hai người đàn bà

Người phụ nữ lúng túng giải thích. Bà Hằng giật mình, không tin vào những điều vừa nghe thấy. Người phụ nữ với thân hình gầy gò và nước da xanh tái run rẩy vịn hai bàn tay vào cánh cửa, đôi mắt mở to khẩn cầu và chờ đợi. Không hiểu sao, lúc ấy bà Hằng không nỡ lớn tiếng đuổi người phụ nữ ấy đi mà bà thất thần, chậm chạp mở cánh cửa sắt nặng nề ra. Người phụ nữ tên Hạnh vội vã bước vào như sợ chủ nhân của ngôi nhà đổi ý.


 Minh họa của Lương Xuân Đoàn

Bà Hằng từ từ mở mắt ra. Bên cạnh giường bà, ông Hoàng đang ngồi gục đầu lên hai cánh tay, dáng vẻ mệt mỏi và đau đớn. Nhìn mái tóc bạc pha sương của chồng, trong lòng bà Hằng bỗng trào lên một cảm giác vừa thương yêu, vừa đau đớn và chua xót. Bà khó nhọc nâng cánh tay lên, định chạm khẽ lên bờ vai của chồng nhưng rồi… bà đột ngột dừng lại.

Không, câu chuyện ấy là có thật. Nó không phải là một cơn ác mộng sẽ tan biến ngay khi thức giấc. Nó đã đến đây, đã hiển hiện trong ngôi nhà này và là bằng chứng của sự lừa dối. Mới nghĩ vậy, những giọt nước mắt đục ngầu đã chảy dài trên gương mặt bà Hằng. Mới sáng hôm qua thôi, khi bà đang quét lại mảnh sân đầy lá rụng trước nhà thì có tiếng người rụt rè gọi.

- Chào chị, chị ơi, chị làm ơn cho tôi hỏi một chút có được không ạ?

- Vâng, chào chị! Chị hỏi thăm nhà ai ạ?

- Dạ… tôi muốn hỏi đây có phải là nhà anh Hoàng không ạ? Anh Hoàng làm  ở Công ty cổ phần xây dựng... ấy chị.

- Vâng, đúng rồi. Nhưng chồng tôi về hưu rồi chị ạ! Có việc gì cần trao đổi chị cứ lên thẳng công ty gặp người lãnh đạo mới.

- Thế chị là vợ của anh Hoàng ạ! Chị ơi, chị mở cửa cho em vào nhà với. Em có chuyện… có chuyện cần nói với chị.

- Có chuyện muốn nói với tôi? Xin lỗi, tôi và chị đâu có quen nhau?

- Có đấy, có đấy chị ạ! Tôi là Hạnh. Nguyễn Thị Hạnh. Anh Hoàng chồng… chồng… chị… cũng là chồng tôi. Mà không, không phải, anh ấy không phải chồng tôi. Anh ấy là bố… bố của con trai tôi.

Người phụ nữ lúng túng giải thích. Bà Hằng giật mình, không tin vào những điều vừa nghe thấy. Người phụ nữ với thân hình gầy gò và nước da xanh tái run rẩy vịn hai bàn tay vào cánh cửa, đôi mắt mở to khẩn cầu và chờ đợi. Không hiểu sao, lúc ấy bà Hằng không nỡ lớn tiếng đuổi người phụ nữ ấy đi mà bà thất thần, chậm chạp mở cánh cửa sắt nặng nề ra. Người phụ nữ tên Hạnh vội vã bước vào như sợ chủ nhân của ngôi nhà đổi ý. Vừa bước vào trong phòng khách, người phụ nữ đã quỳ sụp xuống dưới chân Hằng, khóc nức nở.

-  Chị, chị Hằng. Chị tha lỗi cho em. Em thề với chị là em không hề có ý định giành anh Hoàng về phía mình. Em chỉ cần có một đứa con. Một đứa con để nương tựa lúc về già. Nhưng bây giờ thì không được, không được nữa rồi… Chị giúp em, chị…

- Kìa cô đứng lên đi! Có gì bình tĩnh nói tôi nghe nào. Nhưng cô có nhầm chồng tôi với ai không? Ở công ty... trước đây có nhiều người tên là Hoàng lắm.

- Không, em nhầm thế nào được ạ. Anh Hoàng có một cái nốt ruồi son bên ngực trái. Nghe mẹ em nói người đàn ông như thế là yêu vợ, thương con lắm. Mà đúng thế thật. Ơ kìa, chị làm sao thế?

-  Không… không … sao cả. Nhưng cô nói sao cơ, cô có con với chồng tôi? Bao giờ và khi nào?

-  Chị… chị đừng giận. Thằng cu Bin năm nay đã mười hai tuổi rồi. Trộm vía, nó giống bố lắm. Nhất là cái miệng. Không cười thì thôi, chứ cười là cứ giống y như lột chị ạ.

Nghe Hạnh huyên thuyên kể về con, Hằng thấy ngạc nhiên quá. Người đàn bà vừa bật khóc tức tưởi trước đó không lâu, giờ đôi mắt sáng lên, long lanh và ngời sáng niềm hạnh phúc. Ở Hạnh có sự chân thật đến kỳ lạ. Thế nên Hạnh mới hồn nhiên kể về đứa con riêng của ông Hoàng trước mặt vợ ông như vậy. Câu chuyện cứ thế đưa Hằng về ký ức của hơn mười năm trước...

Khi ấy, ông Hoàng trực tiếp xuống tham gia xây dựng ngôi trường cấp 3 của một xã miền núi. Hằng ngày, cũng như nhiều người khác, ông vẫn thường vào quán nước chè dưới gốc đa của Hạnh.

- Trưa nay có vẻ vắng khách,  cô Hạnh nhỉ?

- Vâng, nắng thế này, ngoài mấy bác đi làm xây dựng phải đi ra ngoài đường, còn không cứ ở nhà mắc võng ra giữa vườn làm một giấc cho nó khỏe.

- Cô đến là vui tính. Mà sao cô chưa lập gia đình đi. Bằng tuổi cô mà lấy chồng sớm là có cháu ngoại, cháu nội rồi chứ chẳng chơi!

- Thì đúng rồi. Cái Nụ xóm em ấy à, nó lấy chồng năm mười bảy, giờ đã có hai đứa cháu ngoại sinh đôi rồi. Nhìn đến là vui mắt.

- Còn cô thì sao? Cứ định ở không mãi thế à?

- Ở không thế nào được. Rồi đến lúc em  cũng phải lấy chồng chứ. Nhưng lấy ai thì em chưa biết được. Thế anh có cháu ngoại chưa?

- Chưa. Tôi đi bộ đội về mới lấy vợ. Mấy năm sau mới sinh cháu đầu. Mà bọn trẻ vẫn đang còn muốn học lên cao nữa, chưa đứa nào lập gia đình cả, cô ạ!

- Thế cũng là tốt rồi. Còn chị nhà thì làm ở đâu hả anh?

- Vợ tôi công tác ở ngành y tế. Cô ấy yêu trẻ con lắm!

- Thế là giống em rồi. Em cũng yêu trẻ con lắm.

Hạnh thành thật kể. Ông Hoàng lấy làm lạ trước vẻ tươi vui và thành thật của một người đàn bà không còn trẻ. Sự ngạc nhiên đã khiến ông muốn tiếp xúc nhiều hơn với người phụ nữ này. Nhưng trong thâm tâm ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phản bội vợ.

Thế nhưng, một buổi chiều mùa đông lạnh giá, Hạnh đã tìm đến ông. Hạnh bước vào, ngước đôi mắt lên, thẳng thắn và cương nghị, nhìn thẳng vào mắt ông Hoàng.

- Anh Hoàng, em đến đây là để xin anh một đứa con!

- Cô… cô… nói… gì cơ? Cô… không… bị làm… sao đấy chứ?

- Em không làm sao cả. Em hoàn toàn khỏe mạnh. Hoàn toàn bình thường. Em đã nghĩ kỹ rồi. Nên em nhất định phải đến đây. Và nếu không đạt được mục đích, em sẽ không trở về.

- Cô… cô đừng… đừng thế. Cô bình tĩnh lại đi. Cô Hạnh, cô còn trẻ. Mà không, tuy không còn trẻ nhưng cô vẫn có thể tìm cho mình được một gia đình hạnh phúc. Tôi được biết anh Long ở xóm bên, ngay cạnh chỗ trường cấp 3 tôi đang xây ấy, rất có cảm tình với cô. Hay là cậu Phước cũng được. Trẻ hơn cô vài tuổi nhưng xem ra cậu ấy cũng có vẻ đứng đắn, nghiêm túc. Hoặc…

-  Hoặc ông Năm góa vợ làng bên, anh Trung bị vợ bỏ và có hai đứa con riêng ở làng dưới? Không, em nói rồi. Em không cần một người chồng, em chỉ cần có một đứa con. Đứa con của một người đàn ông thành đạt. Để rồi sau này, con em cũng sẽ được hạnh phúc...


- Cô đừng đùa tôi nữa. Tôi ngần này tuổi đầu rồi, hơn nữa, tôi đã có gia đình. Tôi không thể… không thể làm gì có lỗi với gia đình mình được.

- Em biết. Nhưng em hứa với anh, đây là bí mật của hai chúng ta, em sẽ không bao giờ làm tổn hại đến gia đình của anh. Em sẽ không bao giờ đến làm phiền anh. Chỉ cần… em chỉ cần một đứa con thôi…

- Không được. Cô về đi, về ngay đi! Tôi không làm gì giúp cô được.

Ông Hoàng đẩy Hạnh ra ngoài. Nhưng Hạnh cứ đứng nguyên ở đó, không khóc, không kêu gào, chỉ lặng lẽ như một cái cây yếu ớt và mảnh dẻ cần bàn tay che chở. Bóng tối trùm xuống. Tiếng đồng hồ gõ từng nhịp đều đặn và chậm rãi. ông Hoàng đi đi lại lại trong căn phòng hẹp, không dám đi ra ngoài. ông nhìn lên đồng hồ. Đã mười hai giờ đêm. Đoán chắc Hạnh đã về, ông mở cửa. Và chỉ chờ có thế, Hạnh bước vội vào, giang rộng vòng tay và… ôm chặt lấy ông.

Bà Hằng đưa tay lên ôm đầu, cố cắn chặt môi để không khóc trước mặt người tình của chồng. Bà gượng cười.

- Thế bây giờ cô tính sao?

- Chẳng giấu gì chị, em tìm đến đây là muốn gửi bé Trung nhờ chị nuôi giúp. Còn em… em…

- Nhờ tôi nuôi giúp? Thế còn cô thì sao?

- Em sẽ đi, đi thật xa chị ạ! Em sẽ không đến tìm chị nữa đâu.

- Sao cô nói đơn giản vậy. Nếu thế, cô sinh thằng bé ra làm gì?

Hạnh lúng túng không biết trả lời thế nào. Đúng lúc ấy, ông Hoàng từ ngoài cổng đi vào, lẩm bẩm.

- Trời với chẳng đất, đang nắng lại mưa. Mà sao tôi gọi mãi mà bà không nghe thế. May sao tôi mang theo chìa khóa. Ơ, mà nhà mình có khách à bà?

- Vâng, có khách. Vợ và con trai ông lên tìm ông đấy.

- Bà lại cứ trêu tôi rồi. Chào chị… ơ, Hạnh. Hạnh có phải không? Trời ơi, sao em lại ở đây thế này? Con? Chúng ta có con trai à? Nó đâu rồi? Mà không, bà bình tĩnh lại đã. Bà nghe tôi nói đã. Ơ kìa bà, bà làm sao thế này?
Biết toàn bộ câu chuyện qua lời kể của Hạnh, bà Hằng vẫn hy vọng đó không phải là sự thật. Thế nhưng khi nhìn thấy thái độ cuống quýt của chồng, bà nhận ra, suốt hơn mười năm qua, mình đã bị lừa dối. Căn phòng bỗng nhiên chao đảo trước mắt, bà khuỵu xuống.

Khi mở mắt tỉnh dậy, bà thấy Hiền đang ngồi bên cạnh, gương mặt đầy lo lắng.

- Mẹ, mẹ tỉnh rồi ạ! Mẹ làm con lo quá đi mất!

- Bà… bà tỉnh rồi à?

- Hiền, con đỡ mẹ ngồi dậy với.

- Bà đang mệt, cứ nằm nghỉ ngơi đã. Dậy làm gì vội!

- Tất cả là do bố. Nếu bố không làm điều có lỗi thì mẹ đâu bị như thế. Con không ngờ, bố lại trọng nam khinh nữ đến thế. Chỉ vì muốn có con trai mà bố đã lừa dối mẹ, lừa dối chị em con suốt ngần ấy năm qua. Con thật thất vọng về bố.

- Tôi… tôi… xin bà. Bà tha lỗi cho tôi!

- Ông không có lỗi. Người có lỗi là tôi. Tôi mù, tôi điếc nên bị lừa dối suốt ngần ấy năm mà không hề hay biết. Tôi phải tự trách mình mới đúng.

- Kìa bà!

- Thôi, bố cứ xuống nhà đi! Mẹ vừa tỉnh lại, bố đừng để mẹ mệt hơn nữa.

Đợi ông Hoàng đi khuất, Hiền khép cánh cửa phòng lại. Bà Hằng vẫy tay ra hiệu cho con gái lại gần.

- Người đàn bà ấy đâu rồi con?

- Con đuổi về rồi. Người đâu mà trơ tráo, đã đi cướp chồng người khác lại còn đến đây mà xin xỏ này nọ. Rõ thật là…

- Cũng là do mẹ. Mẹ không biết cách giữ bố con, nên bây giờ mới ra cơ sự thế này. Người ta quá lứa,  lỡ thì thế nào mà chẳng ao ước vòng tay che chở.

- Thiếu gì người mà cứ phải đâm đầu vào đàn ông đã có gia đình thế chứ.

- Hiền này, con giúp mẹ, con tìm hiểu xem mẹ con cô ấy đang ở đâu. Cả thằng bé nữa, xem nó có khỏe mạnh hay không. Rồi về đây, báo lại cho mẹ!

- Ơ kìa mẹ! Việc gì mà phải tìm hiểu cho mất thời gian. Cứ đuổi họ đi là được. Mà nếu bố muốn đi theo thì cho đi luôn. Mẹ có chúng con rồi mà!

- Con còn trẻ, lại chưa có gia đình nên  suy nghĩ còn đơn giản. Với lại, mẹ thấy dường như  trong việc này còn có điều gì chưa ổn. Một người phụ nữ yêu con như cô ấy không dễ gì lại đến giao con cho người khác. Mà người khác đó lại là mẹ. Chẳng lẽ cô ta không sợ mẹ sẽ hành hạ thằng bé sao?

- Con không hiểu? Mà sao mẹ biết bà ta yêu con mới được cơ chứ?

- Mẹ là đàn bà! Mà trái tim đàn bà thì ai cũng như ai. Chẳng dễ gì mà rời xa con cái được đâu.

- Ôi dào, mẹ nghĩ làm gì nhiều cho mệt. Chẳng qua là bà ta muốn vòi của thôi mà. Với lại biết nhà mình có hai đứa con gái, chắc đến tranh quyền thừa kế. Xã hội bây giờ toàn người ghê gớm vậy đó mẹ!

- Ừ, nhưng nhìn cô ấy, mẹ không có cảm giác đó. Nghe lời mẹ, cứ dò hỏi xem thế nào con nhé!

Hiền đành miễn cưỡng nghe theo lời mẹ. Trong thâm tâm, cô thù ghét người đàn bà ấy. Nhưng Hiền chưa kịp đi tìm thì người đàn bà đã xuất hiện trước cửa nhà cô vào một buổi chiều muộn, mây đen ùn ùn kéo tới báo hiệu sẽ có cơn mưa lớn. Bên cạnh Hạnh là một cậu bé hơn mười tuổi, thông minh và lanh lợi. Vừa nhìn thấy Hiền, cậu bé đã nhanh nhẹn.

- Cháu chào cô ạ! Nhà cô to và đẹp thế! Mẹ cháu bảo cháu cũng sắp được về đây ở đấy.

- Cô với cháu cái gì. Đi chỗ khác chơi.

- Trung, không phải cô, mà là chị. Con chỉ gọi là chị thôi nhé.

- Bà đừng có nói linh tinh? Ai họ hàng, chị em gì với nhà bà. Bà hành hạ mẹ tôi như thế chưa đủ hay sao mà còn mò đến đây nữa.

- Cô... cháu không hiểu đâu. Cháu mở cửa để cô vào nhà, cô muốn nói chuyện với mẹ cháu.

- Có chuyện gì mà nói. Cô đi đi. Từ nay đừng đến đây, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình tôi. Còn thằng bé này, cô mang nó theo. Đẻ con ra được thì phải nuôi được chứ.

- Eo ơi, sao chị ấy đanh đá thế. Đã vậy, mẹ con mình càng không về. Cứ ở đây luôn, mẹ nhé!

Vừa lúc ấy thì bà Hằng xuất hiện.

- Hiền, nghe lời mẹ, mở cửa ra! Con dẫn em ra ngoài, mua kem cho em. Mời cô, cô vào nhà!

Giờ thì hai người đàn bà ngồi đối diện nhau trong căn phòng rộng. Bà Hằng quan sát gương mặt Hạnh, nhận thấy người đàn bà có vẻ mệt mỏi và yếu ớt hơn lần trước. Nhưng thật lạ, Hạnh vẫn không để lộ chút đau yếu và bệnh tật nào. Trong đôi mắt người đàn bà ấy vẫn lấp lánh niềm hy vọng, tin tưởng.

- Cô đang bị bệnh. Cần phải đi khám mới được!

- Sao chị biết?

- Tôi là bác sĩ mà. Chỉ cần nhìn nét mặt, nghe hơi thở là tôi biết rồi. Vì thế nên cô muốn gửi con lại chỗ tôi phải không?

- Không, chị nhầm rồi. Em không bị bệnh. Chỉ là em sắp đi đến một nơi xa, rất xa. Em sẽ không bao giờ trở lại nơi này nữa.

- Rốt cuộc cô bị bệnh gì?

- Ung thư giai đoạn cuối - Đến đây thì Hạnh phải thừa nhận - Em chẳng còn người nào thân thiết cả, nên em phải đến đây, phải làm phiền gia đình chị. Trăm ngàn lần em tạ tội với chị, với các cháu. Chị... chị làm ơn chăm sóc cháu nó giúp em.

- Cô... cô...  Thế anh Hoàng có biết chuyện này không?

- Không! Cuộc đời em đã đau khổ lắm rồi, em không muốn người khác thương hại mình. Ai mà chẳng có lúc phải nhắm mắt hả chị? Biết rồi, anh ấy chỉ dằn vặt mình hơn mà thôi. Chẳng thà cứ nghĩ em là người đàn bà khốn nạn, đang tâm vứt bỏ con mình còn hơn.

- Thế cô định đi đâu?

- Em chưa biết. Nhưng em sẽ không trở lại đây làm phiền anh chị nữa. Em... em xin phép chị. Nếu không, thằng bé trở về, em lại không thể...

Hạnh đứng lên, định bước đi. Trong thoáng chốc, Hằng cầm tay cô lại, nghẹn ngào:

- Cô cứ ở lại đây!

- Chị, tại sao chị lại tốt với em như thế? Chị không hận em ư? Không thù ghét em hay sao?

- Cô biết không? Tôi cũng là một đứa con rơi. Mẹ tôi mang thai tôi khi mới 17 tuổi. Khi sinh tôi ra, bà gánh chịu biết bao tủi nhục. Trước áp lực gia đình, bà đã phải mang tôi cho người khác. May sao người mẹ nuôi đã yêu thương và cho tôi một cuộc sống hạnh phúc.

- Chị nói thật? Chị không an ủi em phải không?

- Cô cũng có trái tim đàn bà, cô phải hiểu chứ. Cho nên cô hãy ở lại đây...

Bà Hằng cầm tay Hạnh, thật chặt. Người mẹ nuôi đã mở rộng trái tim để đón nhận bà. Và bây giờ trái tim bà lại đang mở rộng để đón nhận và làm vơi bớt một nỗi đau khác...

Thu Anh/ VNCA


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu