A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyễn Thị Lộ-nghìn thu bạc mệnh một đời hoa (tiếp theo)

 

HỒI BỐN

 


  Đền thờ Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ tại Khuyến Lương (Hà Nội)

Vua Lê Thái Tông mau trưởng thành, trực tiếp điều hành việc triều chính, thanh trừng quyết liệt những kẻ lộng quyền và lực cản. Cùng lúc nội cung càng rối rắm. Các phi tần câu kết với lũ giám quan tay sai của bọn gian thần, kẻ giành ngôi Thiên tử cho con, kẻ tham quyền cố vị. Nguyễn Thị Anh siêu lòng Hoàng thượng. Thái Tông cô đơn bối rối càng độc đoán độc quyền. Nguyễn Thị Lộ được vua tin cẩn và qua bà Nguyễn Trãi tấu trình lên ý kiến của mình. Bà trở thành mối thâm thù của nhiều thế lực. Mọi hành động của bà đều không qua những bóng đen bí ẩn thường xuyên rình rập.

 

Nội cung

 

Vua Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ

 

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu Hoàng thượng… Xin Người có thì giờ nghỉ ngơi để giữ mình rồng. Cả thiên hạ trông đợi ở Người !

- Vua Lê Thái Tông:

Lúc này ta thấy dù phải làm việc bao nhiêu cũng chưa đủ. Nhiều đêm ta được gặp Tiên vương. Người không phán bảo điều gì, chỉ nhìn ta nghiêm khắc rồi vỗ kiếm quay đi. Ta thao thức suy nghĩ mãi… Hình như lâu nay ta sao lãng công nghiệp của Người mà buông lỏng việc triều chính? Ta thật muôn vàn lần đắc tội với Người!

- Nguyễn Thị Lộ:

Tiên vương đã ủy thác bệ hạ cho những vị đại công thần trung thành tài giỏi…

- Vua Lê Thái Tông:

Đúng… Những tướng lĩnh anh hùng danh tiếng giỏi việc…  binh đao trận mạc! Nhưng lòng trung thành ở mỗi người một khác và không phải là nó không thể đổi thay. Từ ngày Tể tướng Lê Vấn mất đi, Đại tư đồ Lê Sát thay, cùng Đại đô đốc Lê Ngân phụ chính, để xảy ra nhiều điều lộn xộn. Ta là Hoàng đế mà những việc lớn trong triều không được tâu lên… Nó coi ta như đứa trẻ con! Không được! Khanh thấy ta có đáng bậc quân vương hay không?

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu Hoàng thượng… Được chọn lên ngôi cửu ngũ là ý của Hoàng thiên chứ người trần sao dám nghĩ tới. Tấm gương tày liếp của Hồ Quý Ly với Trần triều để cho thiên hạ soi chung. Bệ hạ còn trẻ nhưng chăm lo công nghiệp của Tiên đế, thông minh, trí lớn và quả quyết.

- Vua Lê Thái Tông:

Ta hỏi khanh bởi vì khanh gần ta từ tấm bé và cùng với quan Thái phó giáo dưỡng ta từ tuổi ấu thơ…

- Nguyễn Thị Lộ:

Trong chiếu phong ngôi Thái tử, Tiên vương đã nhìn rõ và gửi gắm niềm tin vào ngôi kế sẽ giữ được công nghiệp của Ngài và truyền cho muôn đời con cháu.

- Vua Lê Thái Tông:

Vậy mà nó chuyên quyền nắm giữ việc nước, ghen ghét hiền tài, hãm hại các bậc công thần, bịt miệng các gián quan bằng nhiều mưu kế khiến cho triều thần phải im hơi, coi ta như không có... Ta phải trừng trị thẳng tay!

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu bệ hạ… Quan Tể tướng là bậc quốc cữu. Nơi hậu cung, quận chúa Lê Thị Ngọc Dao đang là Nguyên phi.

- Vua Lê Thái Tông:

Ta là Hoàng đế! Không ai cản được ta. Bầy tôi mà khi quân là phải bêu đầu! Nguyên phi giáng làm thứ nhân!

(Đùng đùng bỏ đi)

 

Vua Lê Thái Tông và vương phi Nguyễn Thị Anh

 

- Nguyễn Thị Anh (nũng nịu đáng yêu):

Hoàng thượng ơi… Hoàng thượng quên thần thiếp rồi sao?

- Vua Lê Thái Tông:

Nguyễn Thị Anh… Ngươi xem lại coi… Trong số các cung phi, ngươi được ta ban nhiều ân sủng nhất… Đúng không nào?

- Nguyễn Thị Anh:

Bệ hạ bảo đúng ở chỗ nào?

- Vua Lê Thái Tông:

Khi ngôi Nguyên phi của Lê Thị Ngọc Dao trống, bà Lễ nghi học sỹ tâu giao cho Huệ phi Lê Thị Nhật Lệ theo thứ bậc nhưng Lê Thận tâu xin, ta đã quyết cho ngươi được vượt qua một bậc đó thôi?

- Nguyễn Thị Anh: 

Đại quan Lê Thận là bạn của đại huynh nên thương em… Bà Lễ nghi không thích em!

- Vua Lê Thái Tông:

Không phải thế đâu… Thời thơ ấu dù được dưới bóng Tiên vương ta nhưng để giáo huấn ta, cả hai người ấy đều nghiêm khắc lắm.

- Nguyễn Thị Anh:

Thiếp không thích cái kiểu giáo huấn ấy đâu… Nó làm cho thiếp buồn khổ lắm!

- Vua Lê Thái Tông:

Khanh buồn khổ cái nỗi gì? Nói trẫm xét cho…

- Nguyễn Thị Anh:

Ứ… ừ… Hoàng thượng ở ngôi cao quá nên chẳng biết gì… Cái em cần thì không cho mà lại cho cái ấy em ứ cần đâu!

- Vua Lê Thái Tông:

Ngươi hãy nói rõ ta coi?

- Nguyễn Thị Anh :

Là Nguyên phi thì bệ hạ phải đến với em nhiều hơn chứ sao lại đến với Huệ phi nhiều… Bà là Lễ nghi học sỹ thì phải biết điều đó để dạy cung phi chứ… Hay là bà muốn vừa lòng Đại quan Đô đốc?

- Vua Lê Thái Tông (làm trò xí xoá)

- Nguyễn Thị Anh (dỗi):

Thương thần thiếp thế này nhưng trong đầu bệ hạ đang nghĩ tới quận chúa Huệ phi đấy!

- Vua Lê Thái Tông (giận dữ, bật đứng dậy):

Phạm thượng! Ngươi phạm thượng!

- Nguyễn Thị Anh (quỳ mọp dưới chân):

Xin bệ hạ trừng phạt thần thiếp đi! Bệ hạ sẽ không tha một ai cả trừ cái đứa đã làm bùa phép hại bệ hạ mà không ai dám nói ra điều đó.

- Vua Lê Thái Tông (ngạc nhiên, đỡ Thị Anh dậy):

Ngươi nói sao? Ai dám làm bùa phép hại ta? Nói ngay!

- Nguyễn Thị Anh:

Có người tố cáo với thiếp rằng tại nhà quan Đô đốc Lê Ngân lập bàn thờ riêng thờ thần Phật, làm bùa ngải để quận chúa Nhật Lệ được bệ hạ yêu thương ban nhiều ân mưa móc để có cháu nối ngôi Hoàng đế… Chẳng nhẽ không ai biết chuyện này sao nên thần thiếp không dám tâu lên bệ hạ.

- Vua Lê Thái Tông (rất giận):

Ta phải làm cho ra nhẽ chuyện này

 

(Đùng đùng bỏ đi)

 

                                                Vua Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ

 

- Vua Lê Thái Tông (mặt giận):

Lễ nghi học sỹ… Ngươi biết chuyện gì mới xảy ra trong triều chư?

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu bệ hạ… Chuyện vệ sỹ khám nhà Đại quan Đô đốc Lê Ngân thì cả kinh kỳ đều biết hết.

- Vua Lê Thái Tông:

Trước đó ngươi hoàn toàn không biết?

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu bệ hạ… Công việc của thần ngày đêm quanh quẩn ở nội cung còn chưa hết việc và cũng không có quan hệ với ai ngoài các cung phi cung tần ra.

- Vua Lê Thái Tông:

Thế mà chuyện từ nội cung tố ra đó!

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu bệ hạ… Xin cho tra xét người tố ra thì sẽ rõ.

 

- Vua Lê Thái Tông:

Trẫm đã cho bọn thái giám và võ sỹ đến khám nhà. Các đồ thờ cúng lỉnh kỉnh là có thật. Cho quan hình sự tra xét, Lê Ngân cáo do thời trẻ theo Tiên vương bôn tẩu gian truân khó nhọc, về già đau yếu liên miên nên có bày đặt ra chuyện bói toán khấn cầu… Nhưng sao vẫn làm việc được mà không khải tấu lên? Rõ ràng là có điều khuất tất tà ý gì đây làm lòng ta khó yên.

- Nguyễn Thị Lộ:  

Tâu… Hoàng thượng tuy người hạ giới nhưng mình rồng, hồn linh thuộc về thiên giới, không thể có loài yêu ma nào tới gần Ngài được.

- Vua Lê Thái Tông:

Dù sao trẫm vẫn không tin! Ta không cho kẻ cậy công nhiều thành thần đâu. Cha có tội, con không thể yên, giáng xuống Tư dung là còn có lòng thương! Ta phong Nguyễn Thị Anh là Thần phi từ nay, giao cho khanh sắp xếp lại nội cung.

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu bệ hạ… Chiêu nghi Dương Thị Bí vẫn ở nội cung!

- Vua Lê Thái Tông:

Dương Thị Bí không xứng nữa. Tính y thị kiêu căng, hay để lòng tức giận, không kiêng nể gì ai kể cả các bậc vương phi của tiền triều, ta đã cách ngôi Thần phi mà vẫn không chịu sửa thì không xứng đáng ở hàng cung phi nữa, cho làm thứ nhân luôn.

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu đức Hoàng thượng… Còn Hoàng thái tử Nghi Dân?

- Vua Lê Thái Tông:

Mẹ vậy thì con chưa chắc đã là người tốt, không thể giao giữ ngôi báu được.

- Nguyễn Thị Lộ:

Xin bệ hạ minh xét!

- Vua Lê Thái Tông:

Ta đã hạ chiếu chỉ rồi. Phế luôn cả Tư Tề, không vương tướng gì nữa hết… Phạm thái phi không chịu giữ tiết, mưu việc phế lập thì cho chết tại vương lăng hầu Tiên đế .

- Nguyễn Thị Lộ:

Xin Hoàng thượng cho phép hạ thần được tấu?

- Vua Lê Thái Tông:

Ta cho phép…

- Nguyễn Thị Lộ:

Chẳng lẽ triều đình để trống ngôi Đông cung Thái tử?

- Vua Lê Thái Tông:

Ta không để triều đình phải lo đâu, các khanh yên tâm đi.

 

Vua Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ

 

- Vua Lê Thái Tông (mệt mỏi, vẫy Thị Lộ lại gần):

Ta hết sức là mệt mỏi!

- Nguyễn Thị Lộ:

Bệ hạ làm việc quá nhiều!

- Vua Lê Thái Tông:

Ta thiếu người tâm phúc. Các vương phi cũng không chia sẻ cùng ta… Giá như có được người như khanh (kéo Thị Lộ ngồi bên).

- Nguyễn Thị Lộ:

Được bệ hạ sai bảo là phúc của hạ quan, thần không quản khó khăn, nguy hiểm.

- Vua Lê Thái Tông (kéo Thị Lộ áp chặt vào mình):

Ai bảo làm vua là sướng? Ta muốn được sống lại những ngày tuổi thơ êm ái, vô tư…

- Nguyễn Thị Lộ (ngước lên trời):

Hoàng thượng thấy gì không?

- Vua Lê Thái Tông (nhìn theo):

Ôi… Trăng… Trăng của tuổi thơ ta… Nó ở tít trên cao có một mình!... Ngày ấy mẫu thân ta không còn mà phụ vương mải mê ngoài chiến trận. Chỉ còn có một mình ta! Một mình ta với ý nghĩ ta là quý tử, quý nhân. Mọi người phải chiều ta. Ta ngỗ nghịch làm các khanh khổ lắm phải không? Ta vẫn nhớ lúc nào khanh cũng dịu dàng tình cảm bên ta suốt ngày đêm… Khanh lúc đàn, lúc sáo và hát hay lắm… Lúc ấy ta còn bé quá chưa nhìn ra hết cái đẹp của khanh… Ôi khanh đẹp quá… Đẹp nhiều thứ lắm… Tuổi thơ ta thần tiên qúa! (âu yếm lả lơi).

- Nguyễn Thị Lộ:

Bệ hạ có thấy người trăng đang nhìn xuống đây không?

- Vua Lê Thái Tông (càng ghì chặt hơn):

Nhưng không làm gì được ta!

- Nguyễn Thị Lộ:

Họ không làm gì được nhưng cả thế gian này sẽ biết… Miệng thế gian như làn sóng biển... Bệ hạ biết không?... Kìa chiếc thuyền rồng của Hoàng thượng đang tròng trành nghiêng ngả trên biển mây, biển nước… Bệ hạ phải vững tay chèo (kéo tay vua ra làm động tác giữ chèo)

- Vua Lê Thái Tông (cùng cười…):

Hai người trên đấy một nam một nữ… Ai già? Ai trẻ?

- Nguyễn Thị Lộ:

Người nữ già hơn vì nàng đến ở cung trăng đã từ lâu lắm.

- Vua Lê Thái Tông:

Nam nữ sống nơi cung vắng mãi sao không ở với nhau?

- Nguyễn Thị Lộ:

 Vì người trời với người trần ở với nhau không được!

- Vua Lê Thái Tông:

Thôi… Ta không muốn nói chuyện trên trời… Nói chuyện dưới đất đi!

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu bệ hạ… Dưới trần gian này có một vị Hoàng đế anh minh giữ tròn đạo cương thường Quân-Thần-Phụ-Tử!

- Vua Lê Thái Tông:

Người đó là ai? Ở quốc gia nào?

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu… Vị minh quân đó hạ thần đang được theo hầu!... Bệ hạ từ tuổi thiếu niên đã biết đến công lao nhọc nhằn của Đức Tiên đế giữ gìn mở mang bờ cõi, đã tu chí dùi mài kinh sử, thông đạo thánh hiền, vun đắp công nghiệp của Tiên vương dầy vững dài lâu, chẳng phải là đại hiếu tử sao? Bệ hạ là đấng quân vương ngay chính đạo Quân-Thần, các bậc đại công thần tuổi tác chẳng đều thần phục đó sao?

 

- Vua Lê Thái Tông:

Ta nghe nói để lọt vào tai những lời tán tụng mãi sẽ không còn biết nghe những lời ngay thẳng nữa. Người tốt sẽ thành kẻ hợm mình. Minh quân sẽ thành bạo chúa!

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu… Hạ thần được theo hầu Tiên đế từ ngày công nghiệp còn mong manh trứng nước, đâu dám tâu lời xiểm nịnh hoặc làm việc chi bất cẩn. Vậy mà ngay tại nơi hậu cung tôn nghiêm này đang có những lời xầm xì về hạ thần nhưng lại làm mờ đi gương sáng tỏa ra từ Ngôi cao đó!

- Vua Lê Thái Tông:

Chúng nó xầm xì những gì? Dù là ai sàm tấu ta cũng không tha!

- Nguyễn Thị Lộ:

 Xin bệ hạ cứ cho tra xét.

- Vua Lê Thái Tông:

Ta sẽ giao cho Thúc Huệ và Lê Thận bên Cơ mật viện tra xét cho ra chuyện này!

- Nguyễn Thị Lộ:

Xin bệ hạ quên đi những điều phiền muộn ưu tư… Đêm trăng đẹp thế này, hạ thần xin được tấu lại bản nhạc trăng thời xưa vẫn tấu hầu bệ hạ mỗi khi ru người vào giấc mộng thần tiên (với cây tiêu, tấu lên bản nhạc du dương êm ái dưới ánh trăng mờ ảo, nước mắt bà tuôn chảy)

- Vua Lê Thái Tông:

Ôi… Tuyệt quá! Tiếng tiêu lan xa khắp đồng ruộng, núi đồi, sông biển của ta bao la bát ngát… Ôi… Tuổi thơ ta đẹp quá!... Ánh trăng kia dát vàng trên khắp non nước của ta… Ôi… Giang sơn ta đẹp qúa! (Nhà vua ngồi bên bà, ngây ngất, đắm say… Ngài mơ màng ngả đầu bên vai người thổi sáo, thả hồn vào giấc mộng… Một cô gái tha thướt trong bộ xiêm y trắng muốt e lệ ngập ngừng dần tiến đến… Bà ngưng thổi sáo, mỉm cười. Cô gái khép nép cúi đầu đứng đó đợi chờ)

 

 

 

- Nguyễn Thị Lộ:

Yêu thương, âu yếm vuốt ve vua, với cây tiêu tấu lên khúc nhạc du dương thánh thót dưới ánh trăng vàng mờ ảo. Nước mắt bà tuôn chảy… Một cô gái trẻ tha thướt trong bộ xiêm y trắng đến. Bà mỉm cười, ngưng đàn, chỉ nhà vua, nàng cúi chờ Ngài… Vua thức giấc, ngỡ ngàng trước người con gái trẻ đẹp và lộng lẫy…

- Vua Lê Thái Tông (dụi mắt, ngẩn ngơ trước vẻ đẹp lộng lẫy bất ngờ ấy. Ngài ngồi bật dậy):

Ai?... Nàng là ai?... Ta đang ở đâu đây? Nàng có phải là tiên không?

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu… Bệ hạ đang ngự trong cung cấm của Người.

- Vua Lê Thái Tông:

Vậy nàng là ai?... A!... Hình như ta đã gặp nàng ở đâu… từ lâu lắm rồi?

- Người con gái lạ (kính cẩn cúi đầu):

Thần thiếp khấu đầu bái tạ… Hoàng thượng vẫn không quên đứa con gái từ tuổi ấu thơ đã làm thân trâu kéo xe cho Hoàng tử trẻ, thân ngựa cho Hoàng tử ruổi theo Tiên vương ta đánh giặc trả thù cho Mẫu hậu.

- Vua Lê Thái Tông (bật dậy, ôm chầm lấy cô gái):

Ôi… Thị Bình… Ngô Thị Bình, con của tướng quân Ngô Từ… Sao bây giờ nàng đẹp thế? Bấy lâu nàng ở đâu?

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu bệ hạ… Bây giờ nàng là quận chúa Ngô Thị Ngọc Dao, ở trong kinh thành này, không lúc nào quên bệ hạ. Hôm nay quận chúa tới hậu cung thăm thần và xin được bái kiến Hoàng thượng.

- Vua Lê Thái Tông :

(Chỉ Thị Lộ) Lỗi tại khanh! Ta có bao giờ quên tuổi thơ đâu… (nhìn Ngọc Dao) Bây giờ khanh đã tới đây phải ở lại đây với trẫm… Cùng ta sống lại tuổi thơ… Nàng lại làm trâu, làm ngựa (ôm chặt lấy Ngọc Dao, nhìn Thị Lộ). Cho nhập nội cung. Ta phong ngay chức Tiệp dư (Bế thốc Ngọc Dao vào)...

 

                                               

                                                Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Thị Anh

 

                                       Tại sân trong hậu cung, dàn nhạc cung nữ

                                                 vừa đàn vừa múa hát tập dượt

 

- Nguyễn Thị Lộ (mải mê chỉnh sửa các động tác múa và các nhạc cụ tấu cho hài hòa, không để ý tới chung quanh)

- Nguyễn Thị Anh (theo sau là mấy cung nhân đi tới đứng xem ban nhạc đang tập dượt, vẻ giận lộ rõ ra)

- Một cung nhân (theo hầu bước tới gần bà Lộ):

Thưa quan Lễ nghi học sỹ… Đức bà Thần phi đứng xem từ nãy tới giờ!

- Nguyễn Thị Lộ (ra hiệu ban nhạc dừng lại):

Thưa… xin miễn chấp vì hạ quan không được biết có lệnh bà hạ cố tới đây! Đội nhạc của hậu cung chỉ để Hoàng thượng, các vương phi và hoàng thân quốc thích giải trí giây lát cho khuây khỏa… Cái chính là dù vui nhưng phải giữ đúng khuôn phép nơi cung đình nghiêm cẩn.

- Nguyễn Thị Anh:

Hay lắm! So với Ban nhạc của triều đình không thể hoành tráng bằng nhưng xem thấy thích thú, làm ta nhớ lại những ngày hội hát hò nơi sân đình hoặc ngoài đồng nội thời xưa chứ không như mấy trò hề nhàm chán hoặc mấy bản nhạc lạ tai ở giữa triều đình… Ta có ý sẽ gửi bà Lễ nghi học sỹ giáo hóa cho Nhi vương.

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa lệnh bà… Ban nhạc của cung đình đã được Hoàng thượng giao cho những vị sành điệu nghệ thuật, văn hóa thâm sâu để làm bộ mặt quốc gia. Bản quan không dám mạo muội lạm bàn. Còn việc giáo hóa Đông cung thái tử là công việc trọng đại quốc gia, do Hoàng thượng và triều đình xếp đặt chứ đâu phải là việc của tiểu quan hay ý muốn của một ai?

- Nguyễn Thị Anh:

Bà Lễ nghi học sỹ giỏi thật… Chẳng lẽ ta là mẹ mà không được quyền nghĩ tới tương lai của con mình sao? Khen thay con người sắc tài như thế, khôn ngoan rất mực, nói năng phải lời, thận trọng đón trước rào sau như thế… Hèn chi được Hoàng Thượng ta sủng ái là phải lắm!

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa lệnh bà… Hoàng thượng và Thái tử là người của quốc gia, dân chúng. Dù là ai cũng chỉ có một trách nhiệm tuân chỉ và phụng sự ý Người. Nếu thần dân có điều gì oan khiên vướng mắc thì tâu lên Người minh xét. Đức Phật dạy con người ta hôm nay là nghiệp quả của tiền duyên. Nó hiển lộ ra qua Thân-Ý-Khẩu. Nếu cái Thân ta sạch thì cái Y ta trong và cái Ngôn ta sáng. Chỉ cần qua một lời nói là hiểu hết được người ta.

- Nguyễn Thị Anh:                  

Lễ nghi học sỹ… Cũng may Trời không cho bà một đứa con để bà hiểu được nỗi lòng người mẹ!

- Nguyễn Thị Lộ:

Thần phi… Nỗi đau bao lâu ta nén chặt dưới muôn ngàn công việc, dấu nó sau những nụ cười, nuốt nó vào trong tâm khảm để khỏi tuôn ra thành những dòng nước mắt… Mà nay bà khơi quật nó lên! Thưa với bà… Dù không có con nhưng ta vẫn giữ được lòng trung trinh với đấng phu quân. Há chẳng như ai vùi sâu điều tiết hạnh để sinh ra một… điều tội lỗi nghìn thu không rửa sạch!

- Nguyễn Thị Anh (choáng váng):

Lễ nghi học sỹ! Bà định nói điều gì? Bà định nói về ai? Không! Ta không thể nào chịu được! Rồi xem ai sẽ hơn ai!

 

            (Cả hai người đàn bà đều trong cơn kích động, lả đi. Các cung nhân dìu ra mỗi người về một phía)

 

                                                Vua Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Anh

 

- Nguyễn Thị Anh (bế đứa nhỏ, khóc nức nở):

Khổ quá… con tôi mới năm tháng tuổi… Bang Cơ ơi… sợ điều chi mà khóc ngằn ngặt quá… Như là có điềm gì vậy con?

 

- Vua Lê Thái Tông:

Thần phi… Ta đã phong cho hoàng nam làm Thái tử rồi… Các người chưa vừa lòng sao, lại khóc?

- Nguyễn Thị Anh:

Mẹ con thần thiếp chỉ mong được làm thân trâu ngựa suốt đời hầu hạ bệ hạ thôi nhưng liệu Hoàng thượng có thương mãi cho không?

- Vua Lê Thái Tông:

Chiếu chỉ ta phán rõ ràng: Bang Cơ thể chất vàng ngọc, tư thái tinh anh, có dáng nên quân nên vương, phải chính danh là đích là quí. Cả hoàng triều còn ai hơn thế nữa?

- Nguyễn Thị Anh:

Nhìn tấm gương của Hữu tướng quân Quốc vương Tư Tề, của Đông cung Thái tử Nghi Dân thần thiếp sợ thay cho con lắm.

- Vua Lê Thái Tông (giận):

Vậy là nhà ngươi không tin trẫm?

- Nguyễn Thị Anh:

Thần thiếp được bệ hạ sủng ái bao nhiêu làm sao dám có ý khác. Dù cho thân này tan thành đất bụi vẫn một lòng trung. Thần thiếp chỉ xin bệ hạ thương cho đứa hài nhi này khỏi bị ai hãm hại .

- Vua Lê Thái Tông:

Kẻ nào dám hãm hại ngôi kế vị ta?... Ngươi nói ra đi.

- Nguyễn Thị Anh:

Tiệp dư mộng thấy Ngọc hoàng dắt Kim tiên tiểu đồng giao cho, liền được bệ hạ ban ân mưa móc và đã hoài thai. Vậy thì ngôi Thái tử của Bang Cơ làm sao giữ được?

- Vua Lê Thái Tông:

Hoàng thiên trao ngôi báu cho Tiên vương ta, Người giao lại cho ta và giao cho ai ngôi kế vị là quyền của ta.

- Nguyễn Thị Anh:

Có kẻ tố ngày trước Ngọc Dao và Nhật Lệ thân nhau, cùng thờ thần Phật ở nhà tướng Lê Ngân, cầu đảo xin bùa chú cho được nhà vua sủng ái. Đại quan Cơ mật viện Thúc Huệ biết hai đại công thần Ngô Từ, Nguyễn Trãi thân nhau, nên bà Lễ nghi học sỹ tiến vua. Ngọc Dao chưa một ngày vào cung đã được bệ hạ phong chức Tiệp dư ngay. Thật là con thánh mẹ thần thì còn ai làm gì được.

- Vua Lê Thái Tông (bật lên):

Tội đáng voi giày ngựa xé! Cho mẹ con nó cùng chết xem ai làm gì được ta nào? (Đùng đùng bỏ đi)

 

                                                Vua Lê Thái Tông và Nguyễn Thị Lộ

 

- Vua Lê Thái Tông:

Lễ nghi học sỹ! Có đúng là Tiệp dư đang hoài thai không?

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu bệ hạ… Quan ngự phòng tra sổ báo bào thai được 3 tháng 13 ngày, hợp với ngày được Hoàng thượng ban ơn mưa móc.

- Vua Lê Thái Tông:

Theo luật hình, Tiệp dư bị tội chết không toàn thây!

- Nguyễn Thị Lộ:

Thần được hình quan cho biết mà run cả chân tay, tai ù, hoa mắt, tưởng không đứng được.

- Vua Lê Thái Tông:

Ngươi thấy y thị có đáng tội vậy không?

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu bệ hạ… Phàm xét tội phải dựa trên chứng cứ rõ ràng, không thể dựa theo lời tố giác vu vơ mà chứng nhân thì không lộ mặt. Nếu quả đúng là như vậy thì hạ thần là người phải chịu tội nặng hơn.

- Vua Lê Thái Tông:

Khanh nhận xét Tiệp dư Ngọc Dao là người thế nào?

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu bệ hạ… Thần được Bệ hạ tin giao cho việc coi sóc nội cung ngày đêm chẳng dám sao nhãng. Mỗi sự thay đổi của các cung phi hạ thần nhất nhất tấu trình đúng như sự thật. Gia thế và quá khứ của Tiệp Dư bệ hạ rõ rồi. Học hành chăm chỉ. Công việc siêng năng. Cách đi đứng, nói năng, cư xử hàng ngày được mọi người trên dưới đều yêu mến. Bệ hạ cũng chưa một lần trách cứ. Còn như theo lời đồn đại dù hay cũng cần phải xem, dở cũng cần phải xét, huống chi để ghép vào đại tội cần được tâm phục, khẩu phục thì mới gọi là minh luật được.

- Vua Lê Thái Tông:

Ngôi cao ta đã giao cho Bang Cơ có kẻ nào dám thay đổi được không?

- Nguyễn Thị Lộ:

Hạ thần chắc rằng Trời cũng không đổi được ý của Hoàng thượng đâu… Thiên lý tại nhân tâm. Như một mạng của Tiệp dư cũng chẳng là gì, nhưng điều lớn hơn là cái bào thai kia mang dòng máu đế vương mà hủy hoại đi là chạm tới Hoàng thiên hậu thổ… Xin bệ hạ minh xét cho.

- Vua Lê Thái Tông:

Hay là khanh còn nặng với tình xưa?

- Nguyễn Thị Lộ:

Tâu bệ hạ… Hạ thần với phu quân từng theo hầu Tiên đế dựng nên nghiệp lớn ngày nay. Cơ đồ này chúng thần không dám sao nhãng, chỉ một lòng trung phò bệ hạ. Ngày xưa Đức Khổng tử là thầy của thiên hạ, làm quan tới chức Thừa tướng cho Lỗ vương. Được bốn năm nước Lỗ đã kỷ cương thịnh vượng. Tề vương lo sợ nước lân bang mạnh lên mới tiến cho vua Lỗ tám mỹ nữ múa đẹp hát hay làm cho Lỗ vương mê mẩn đắm say bỏ rơi Người. Nước Lỗ từ đó lại suy yếu đi…

- Vua Lê Thái Tông (suy nghĩ):

Ta không muốn thấy mặt của Tiệp dư trong nội cung nữa.

- Nguyễn Thị Lộ:

Hạ thần xin tuân ý chỉ!

                         

Nguyễn Thị Lộ một mình ngồi bên bàn

 

- Nguyễn Thị Lộ (cúi đọc thư, đau đớn dày vò):

                        (Lời thư vang lên day dứt như tiếng lòng bà)

Tác hợp bởi trời

Thuyền quyên gặp khách

Kết duyên tự chủ

Quân tử ghi ơn.

Thế nhưng…

Tình đời lắt léo

Lòng gái không thường

Có kẻ tình ngoại giết chồng,

                                    nào sợ trời xanh lồng lộng!

Có người mê chơi bỏ nghĩa,

                                    chẳng hay vầng nhật nguyệt sáng choang!

Giữa trần ai…

                                    ai biết người quân tử?

Trong đám ngọc…

                                    ai biết đá vũ phu?

Thân không chính lấy thân,

                                     khổ thay khi duyên, tủi phận!

Nghĩa chẳng còn là nghĩa,

                                     chỉ toan oán trời, trách người!

Việc ngày xưa đã đành

Chuyện ngày nay đáng trách

Một lần như thế, hai lần như thế

                                    ta đã thấy, ta đã nghe

Tam tòng là gì?

Tứ đức là gì?

Nàng nên làm

Nàng nên sửa

Thú Hằng Nga dù ai đắm đuối

Lòng Vĩ Sinh ta nên giữ gìn

Lời đinh ninh trọn đời phải giữ

Vậy xin có thơ rằng:

 

Trời cao đất thấp bốn mùa thành

Đáng trách ai kia đạo chẳng minh

Mặt kính tuy trong, bụi đã nhiễm

Lòng nhân vừa nhóm, dục còn ganh.

Đời Chu bắt chước lòng trung hậu

Thuở Hán nên theo nghĩa trọn tình

May gặp thời, người cùng giúp rập

Kìa xem xã tắc lại xuân sinh.

 

(Thị Lộ đứng dậy, ngửa mặt lên trời than)

 

Ức Trai phu quân ơi!… Thiếp không lo mình, chỉ thương người đau đớn. Thiếp ở đây, vì việc nước cũng có, vì người cũng có. Ức trai quân tử hơn người, chí lớn cũng hơn người. Đạo thánh hiền thông hiểu. Chữ nghĩa-nhân như lửa thử vàng càng tươi. Nghĩa đời vác nặng trên vai, tình riêng mang nặng trong lòng. Trí cao như thế, lòng rộng như thế bỗng như đại bàng gặp nạn, như rồng sa trong ao cạn… Nặng nỗi đau đời! Đáng trách kẻ tiểu nhân bỏ gai trên lối đi, rắc sạn trong cơm, gieo lời độc địa để phu quân ta nỗi lòng thêm rối…

(ngồi bên bàn thảo bức thư nước mắt ròng ròng... Bà mơ màng như đang thấy chồng trước mặt. Một người nữ khe khẽ bước vào đứng mãi bên bàn)

- Người nữ:

            Thưa phu nhân…

- Nguyễn Thị Lộ:

À… Em… Mẫn! Ta gửi em bức thư này… Em trình lại xong việc của Ngọc Dao ta sẽ về thưa với phu quân…

- Phạm Thị Mẫn:

(ghé bên tai bà Lộ nói nhỏ điều gì)

- Nguyễn Thị Lộ (nét mặt tươi lên):

Ta mừng cho em… lòng ta càng buồn. Không có được đứa con truyền lại cho đời dòng máu của chồng là ta có lỗi lớn với phu quân… Ta sẵn sàng đổi tất cả những gì ta có chỉ để được một tiếng đứa con gọi Mẹ!... Nhưng số kiếp ta cô đơn… Tất cả tình yêu thương ta dồn lại cho chồng…

 

(Buồn, tiễn Phạm thị ra)

 

(Còn nữa)

 

                                                           

 

 

 

                                                                       

 

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu