A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyễn Thị Lộ-nghìn thu bạc mệnh một đời hoa (hồi kết)

 

HỒI NĂM

 

           Vua Lê Thái Tông đi kinh lý vùng Đông Bắc ghé thăm nhà Nguyễn Trãi ở Côn Sơn và thảm án Lệ chi viên.


  Đền thờ Hai Cụ tại xã Tân Lễ tỉnh Thái Bình

 

 

                                                Nguyễn Trãi ẩn cư tại Côn Sơn

 

Nguyễn Trãi ngồi nói chuyện dưới gốc cây bên đường.

Ba người dân: một ông lão mù, một bà lão bưng mẹt bánh, một người đàn ông trung niên cụt một cánh tay.

 

- Nguyễn Trãi (hỏi bà già bưng mẹt bánh):

Chồng con bà đâu mà thân già còn vất vả thế này?

- Bà lão:

Bẩm đại nhân… Hai cha con nó đều chết trận, chỉ còn có một mình tôi!

- Nguyễn Trãi:

Bà có nhà cửa ruộng đất không?

- Bà lão:

Nhà thì một mình tôi ở thế nào chẳng được. Ruộng thì kể ra cũng có. Chiếu chỉ vua ban chia ruộng đất cho những gia đình nạn nhân cô quả… Những thượng đẳng điền màu mỡ thì quan lớn quan bé chia nhau hết cả. Phần dân chúng tôi chỉ được cấp loại hạ đẳng điền xa tít chân đồi mép biển thôi. Đồng chua đất sỏi bạc màu, cầy bật máu tay mà đất cứ trơ ra, gieo gì cũng không sống nổi.

- Nguyễn Trãi:

Ngày bà lão bán hàng có đủ sống không?

- Bà lão:

Được chăng hay chớ thôi đại nhân ơi. Hôm nào lén ngồi ở cửa đình, có đông người ta thì cũng sống được. Hôm nào ông trương tuần bắt gặp là bị đổ cả mẹt bánh xuống ao thì bụng đành chịu lép. Người ta bảo đình chùa là bộ mặt của làng, kinh kỳ là bộ mặt của nước, không được làm uế tạp Nhưng cái thời quân Ngô ở đây thì ai là người giữ sạch mặt làng, mặt nước? Tôi vò võ cái thân già, được chết là sướng. Như ông già này thì còn khốn khổ…

- Ông già mù:

Thời trẻ tôi có đôi lần được nhìn đại nhân ở chốn tư dinh quan Đại tư đồ, thấy người được học mà thèm nên cũng theo thầy võ vẽ dăm ba chữ. Lớn lên nghe danh đại nhân làm quân Minh cũng phải kinh hồn, tôi sung sướng lắm. Tài hèn sức mọn, tôi dạy lại mấy chữ cho trẻ trong làng vỡ ra điều nghĩa, bị quân lang sói khoét mắt cho tiệt đi mấy cái chữ Nôm là hồn của người Đại Việt. Bây giờ mù loà, tôi ngồi xem bói hoặc ai có gì oan ức muốn tố giác thì tôi bày cách, chỉ người viết ra. Ai ngờ đụng tới các quan, cột tôi vào tội đầu trò gây rối trị an, chuyện không phải của mình cũng xúi bẩy dân làng kiện tụng! Thà rằng không nghe thấy thì thôi, chứ nghe rồi lại ngứa cái mồm mới chết chứ! Thì ra là thằng giặc muốn mình mù để không nhìn thấy tội ác của nó. Quan ta lại muốn mình câm điếc để không nghe được lời than oán mà lên tiếng bênh nhau!

- Người cụt tay:

Đại quan có nhớ trận Mi Động vào năm  Đinh Mùi (1427) ở phía nam thành Đông Quan không? Ta thắng lớn, mải truy đuổi, coi thường giặc thua, gặp phục binh của Vương Thông đổ ra, quân ta bị giết khá nhiều. Voi của tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí bị sa lầy, hai ông bị bắt cùng đám hộ vệ chúng tôi. Ông Lễ chửi bới giặc thậm tệ, bị nó giết ngay. Ông Xí với mấy đứa sỹ tốt chúng tôi chờ lúc ban đêm mưa to gió lớn, dùng mẹo đánh lừa đám quân canh, chạy thoát. Tôi để lại một cánh tay này. Khi về ra mắt vua ở dinh Bồ Đề, Ngài rầy: Trời cho các ngươi sống lại đó! Ông Đinh Lễ đánh giặc giỏi nhưng vua vẫn khuyên: Trăm trận đánh được cả trăm không phải là tốt đâu. Chớ cậy lanh giỏi quen mui được luôn, trước sau cũng thấy thất bại… Nói rồi Ngài khóc (người này cũng khóc)

- Nguyễn Trãi (ngậm ngùi, xúc động):

Quan Nhập nội tư không Lê Lễ giỏi lắm. Ngài cầm quân thắng to ở trận Tốt Động, đậm ghi trong sử chiến… Trong chiến trận, ta có những mất mát không đáng có. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn đau.

- Người cụt tay:

Chiến đấu để bảo vệ giang sơn nòi giống mà chết hay bị thương, đau thật nhưng chấp nhận. Bây giờ không còn giặc ngoại xâm nữa nhưng vẫn chẳng được yên. Quan nha mà giàu lên nhanh chóng, đua nhau hưởng lạc thú thì thằng dân không còn cái khố! Dân ta còn khốn khổ với lũ… nội ma này. Chúng nó như đám âm binh, gặp thầy phù thủy cao tay thì nó độn thổ. Mấy ông thầy yếu bóng vía yểm bùa dởm trợ thêm cho nó… Không làm gì được… Nghĩ thế mới đau!

 

(Nguyễn Trãi ưu tư, chào bà con, bước chân nặng nề, lòng u uất)

 

Nguyễn Trãi ngồi trong thư phòng

Chăm chú đọc thư vợ

 

                                                (Lời trong thư tha thiết ngân lên)

-Thiếp đây:

Do âm dương biến hoá

Tự cha mẹ sinh thành

Học chữ tam tòng, càng học càng sáng

Nhớ điều tứ đức, càng nhớ càng vui

Nết tựa lá đào xum xuê

Đức như gót lân nhuần nhị

Bỗng gặp chàng đó:

Tướng mạo đàng hoàng

Nói năng hoạt bát

Chí hướng dồi dào

Nức lòng hâm mộ

Sức ngang trời dọc đất còn ai?

Tài vượt chúng siêu quần mấy kẻ?

Ý đã hài hòa

Lòng càng gắn bó

Chỉ xin chàng nên:

Lấy quân tử làm lòng

Lấy thánh hiền làm đạo

Đọc kinh sử thông kim bác cổ

Lấy trung thứ suy ta ra người

Chớ nghĩ ai quên mối tình xưa

Chớ lo ai nhạt lời thề cũ

Còn gì liệu đáng băn khoăn?

Phải chăng tự mình chuốc lấy!

Phép có chính thì lẽ mới thuận

Nhà có hoà thì việc mới thành

Vậy cũng xin có thơ rằng:

Lòng son khẩn khoản việc mau thành

Ai bảo cương thường đạo chẳng minh?

Ngày nắng lo chi mây chút gợn

Cây cao há phụ sắn bìm ganh!

Anh hùng gắng sức anh hùng chí

Phận gái đào tơ phân gái tình

Phúc đượm duyên trời cầm sắt hợp

Nghiệm xem con cháu thánh hiền sinh

 

(Nguyễn Trãi đứng dậy, ngửa mặt lên trời than)

 

Ức Trai ơi! Ngươi thường tự coi mình là người quân tử, thông đạo trời, hiểu luật đời, bước qua hư danh, khinh cái tình đời nhỏ mọn. Nhưng ngươi lại không hiểu nổi người vợ hiền đức hạnh đang vì ngươi mà sống giữa nơi hang hùm nọc rắn để vun đắp cho sự nghiệp ngươi còn bỏ dở… Cậy chí lớn mà để xiêu lòng vì mấy lời đơm đặt của lũ tiểu nhân, thua trí đàn bà! Phu nhân ơi… Trí nàng lớn thế, tâm nàng sáng thế, vương quan đại nhân phải nể, lũ tiểu nhân không dọa nổi người. Thế mới biết dạ ai sắt hơn ai. Thế mới biết gan vàng mấy kẻ. Phu nhân ơi… Xin đại xá cho Ức Trai này! (hướng về phía nam xa)

 

                                                            Tại nhà Nguyễn Trãi

 

Dưới gốc cây trong vườn, một chiếc khánh đá, một bộ đàn đá. Nguyễn Trãi đi lại quẩn quanh.  Vua Lê Thái Tông đi tới

 

- Nguyễn Trãi:

Tâu Hoàng thượng… Nơi thôn dã vườn hoang nhà trống, những tiếng côn trùng nỉ non rên rỉ làm kinh động khiến Người không an giấc hay là ngọc thể có điều chi?

- Vua Lê Thái Tông:

Không đâu, Côn Sơn rừng tre rung rinh xa mút mắt, đồi núi trập trùng, chuông chùa gióng giã, tiếng chày giã gạo liên hồi khác gì nơi tiên cảnh. Tuy nhiên trong người ta hơi khó ở có lẽ vì mấy ngày qua vào nơi chướng khí kiểm tra việc luyện quân và thăm thú nơi phên giậu. Quan ngự y bốc thuốc, ta thấy có bớt. Đêm nằm trằn trọc nghĩ nhiều mối lo, ta tới xem thư phòng của khanh, tình cờ thấy quyển sách Dư địa chí mà theo lệnh của Tiên vương khanh viết ra cho hoàng gia xem. Tuổi thơ ta đã xem qua. Nhưng cùng một cuốn sách, mỗi thời xem một khác, có thể thấy hay hơn và cũng có thể dở hơn. Nhưng cuốn sách này ta xem không thấy chán…

- Nguyễn Trãi:

Thần vô cùng cảm kích và tri ân với lời khen của Bệ hạ!

- Vua Lê Thái Tông:

Than ôi… Đức thánh tổ ta kinh dinh bốn phương, dấu chân đi khắp trong thiên hạ, quạt gió, uống mưa, nằm chống gối giáo, thật cũng gian nan thay. Khanh đã giúp đức Thần khảo ta thay trời làm việc sánh được với Thượng đế. Đến sách này lại muốn bắt chước đời Ngu, đời Hạ. Khanh hãy giúp ta tiến tới như Nghiêu như Thuấn, thật kỳ vĩ lắm thay.

- Nguyễn Trãi (cung kính):

Tâu… Hoàng thượng nói như thế thật là sự may mắn cho nước nhà vậy.

- Vua Lê Thái Tông (nhìn bộ đàn đá):

Chiếc khánh ta đã cho thợ lấy đá tốt làm theo bản vẽ, để ở trong triều nhưng chưa ai biết dùng vào việc gì.

- Nguyễn Trãi:

Bộ đàn đá này mang về từ Chiêm quốc, nó gắn với cuộc đời của công chúa Huyền Trân. Tổ ngoại hạ thần được Bộ Lễ giao lại. Các nước bắc phương, tây phương chưa thấy có. Âm vực cao nghe thánh thót xa xăm. Âm vực trầm nghe như dội vào vách đá. Trong ngũ âm nó thuộc âm giốc hay xang, tức là thần. Hạ thần muốn biết tính triết lý của nó, từ viên đá tự nhiên, tưởng thô thiển, biết lựa chọn, đẽo gọt có thể thành một nhạc cụ phát ra những âm thanh sang, đẹp. Dùng với loại đá nào và cách đẽo gọt thế nào? Tại sao lại có sự giống nhau giữa chiếc khánh của người Đại Việt với bộ đàn đá của người phương nam? Phải chăng là có sự tương tri tiền định!

- Vua Lê Thái Tông:

Trí tuệ khanh thật lớn, thông kim bác cổ. Việc làm nhạc ở triều đình vẫn chưa đâu vào đâu cả.

- Nguyễn Trãi:

Tâu Bệ hạ… Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy.

- Vua Lê Thái Tông:

Ta muốn biết yếu tố then chốt của một chính quyền?

- Nguyễn Trãi:

Tâu Bệ hạ… Một là triều đình phải liêm chính mà trước hết người đứng đầu phải liêm khiết vô tư. Hai là chọn đúng người giao việc. Lão Tử dạy: Người ta đến lúc chết lưỡi vẫn còn vì mềm mà răng rụng hết vì cứng. Mềm khắc cứng. Ai cũng biết nhưng đã mấy ai làm được! Ba là chi tiêu thận trọng, phô trương hoang phí, coi tiền của dân như cháo cửa chùa thì làm sao khoan thư được sức dân? Đây không là việc nhỏ. Bốn là phải giữ kỷ cương, vua sáng, tôi hiền, quan liêm, dân chính, phép nước công minh không chừa một ai. Mỗi người thực hiện đúng bổn phận của mình sẽ được dân phú nước cường, vững ngôi Thiên tử.

- Vua Lê Thái Tông:

Một nhà nước mạnh cần gì?

- Nguyễn Trãi:

Tâu bệ hạ… Khổng Tử dạy ba điều: Một nền quốc phòng mạnh – lương thảo đủ đầy, có của ăn, của để – Và lòng tin của nhân dân. Trong đó lòng tin của nhân dân là quyết định vì một chính quyền mà dân chúng không tin nữa rồi sẽ đổ vỡ thôi.

- Vua Lê Thái Tông:

Chọn người thế nào?

- Nguyễn Trãi:

Tâu… Điều này không dễ vì đời này vô thường, con người luôn bị chi phối bởi áp lực chung quanh và đòi hỏi của chính mình, mỗi lúc khác nhau. Cổ nhân có cách xem xét người thật hay: trước hết nhìn những người mà họ giao du. Với người giàu thì xem những người được họ đối xử hào phóng là ai. Với người có quyền chức thì nhìn vào những người được họ cất nhắc. Với người đang trong cảnh khó hãy xem những điều họ không chịu làm. Với người nghèo, để ý những gì họ không chịu nhận. Sau là cần xem họ đến với ta bằng cách nào và khi đã giao việc phải tin họ, tạo điều kiện cho họ làm nhưng phải thường xuyên dòm ngó đến.

- Vua Lê Thái Tông:

Khanh nhìn nhận một viên quan thế nào là tốt?

- Nguyễn Trãi:

Thần không dễ xác tín vào những lời tâu bẩm, những bản tấu trình. Đời sống của người dân nói lên tất cả. Ruộng lúa nương dâu tươi tốt? Mái nhà là cái tổ ấm êm? Mâm cơm đủ no lòng? Nhà nhà hòa thuận? Người người lương thiện? Nói tới quan lòng dân tôn kính? Tiên trị kỳ gia. Hậu trị kỳ quốc. Quan không dạy bảo được vợ con thì quân pháp ắt không minh, còn ai tin nữa! Đành rằng quan không thể sống như dân nhưng quan sướng quá thì của cải lấy ở đâu ra? Nếu không móc túi dân thì phải ăn chặn của triều đình! Dân khổ, nước nghèo là ở đấy.

- Vua Lê Thái Tông:

Có bao giờ ý chỉ của Trẫm không thuận ý Trời gây nên những điều khốn khó cho dân?

- Nguyễn Trãi:

Thời Nghiêu, Thuấn thịnh trị là nhờ minh quân cũng có và nhờ tôi hiền cũng có. Vua không thể biết đến từng nhà, không thể hiểu hết lòng người. Nhưng là quan các cấp thì phải hiểu. Một khi ý chỉ Vua ban không thuận thì bá quan phải vì thương dân mà đồng lòng tâu bẩm lên tận tường và vua biết nghe để sửa. Đức Khổng tử dạy: Dân vi thượng. Quân vi thứ. Không có dân thì sao có vua? Lấy đời sống của muôn dân làm khuôn vàng thước ngọc đo triều thịnh trị. Nếu các quan chỉ vì cái mũ cao áo rộng, sợ uy ngôi cao mà ngậm miệng làm ngơ để cho dân tình thống khổ triền miên thì có khác chi phường giá áo túi cơm đâu? Lòng trung quân ái quốc mỗi thời một khác. Khi có giặc xâm lăng thì dám xả thân vì nước. Khi đất nước yên ổn là biết thương dân, vua tôi hòa mục chung lo cho non nước thái bình. Ngôi thiên tử sẽ vững như bàn thạch.

- Vua Lê Thái Tông:

Thuở khai quốc, nước non còn nghiêng ngả, người tốt-xấu khó đo lòng dạ. Tiên vương ta vì việc lớn có khe khắt trong việc ưu đãi công thần. Nhưng người còn sáng suốt dành khanh lại để giúp ta gây dựng vững vàng nghiệp đế. Như ở nước Đại Việt ta và nước Trung Hoa thì triều đại nào mạnh nhất?

- Nguyễn Trãi:

Triều đại nào có mạnh mới lên chấp chính và có yếu thì mới mất đi. Không triều đại nào sống mãi. Người để mất không ai khác là người ngồi ở Ngôi cao. Như ở Trung Hoa, chưa triều đại nào mạnh bằng nhà Tần và cũng không triều đại nào ngắn ngủi với kết thúc thảm hại như thế. Mạnh bạo lực khuất phục được người chốc lát nhưng để tiếng oán muôn đời! Như ở Đại Việt ta, triều Trần thật hiển hách nhưng rồi cũng không còn bởi vua chỉ lo ngai vàng điện ngọc, quan thì chăm áo mũ xênh xang, khi gặp họa dân chúng không còn ủng hộ. Muốn giữ được dài lâu, trách nhiệm trước tiên thuộc đương triều. Thuận thiên giả tồn – Nghịch thiên giả vong…  Tâu bệ hạ!

- Vua Lê Thái Tông:

Ta muốn sống yên với người phương Bắc được không?

- Nguyễn Trãi:

Bắc quốc tôn đạo Khổng còn hơn quốc đạo. Họ dùng đạo Khổng để trị quốc và xuất dương nó để thần phục các tiểu quốc lân bang. Nước Lỗ của Khổng Tử bị nuốt chửng nhưng ông được tôn lên bậc đại thánh! Ta học đạo Khổng để an bang nhưng không thể tin người. Ta cương là cái cớ để họ động binh. Ta nhu họ vẫn như tầm ăn rỗi ngoài biên cương và gây rối nội tình. Họ càng mạnh càng là mối lo của ta. Ta rối rắm là cái mầm mất nước… Tâu bệ hạ.

- Vua Lê Thái Tông:

Ta nghe Khổng tử sống ở thời Xuân Thu thiên quốc, nạn cá lớn nuốt cá bé nay hợp tung mai liên hoành điên đảo. Vậy những điều nhân-nghĩa-lễ-trí-tín người quân tử có giữ được chăng?

- Nguyễn Trãi :

Bệ hạ từng nghe Ngài dạy: Chữ tín mà bị ép thì không cần giữ. Như chữ nhân có thể giữ được không khi ta bị người bức hại? Chữ nghĩa sao giữ được nữa khi kẻ kia phản phúc… Có thường có biến. Lại có câu Dĩ bất biến ứng vạn biến là thường – Cái bất biến hiểu là lẽ phải, là sự tồn tại chính đáng của mỗi con người, của mỗi quốc gia.

- Vua Lê Thái Tông:

Như triều ta nay, khanh thấy việc gì cần làm trước nhất?

- Nguyễn Trãi:

Tâu… Đáng mừng là Hoàng thượng đã bắt tay vào điều hành công việc, lao tâm khổ tứ rất nhiều. Còn để ngạch hoạn quan triều chính còn rối rắm, nội tình nghi kỵ hiềm khích nhau. Trước hết là không cho tham chính. Lập Hoàng thái tử là điều hệ trọng. Phế trưởng lập thứ vạn bất đắc dĩ nhưng phải sáng suốt, minh bạch, công tâm để tránh hậu họa nồi da sáo thịt. Việc học phải làm cho nghiêm, không thể ăn sổi ở thì, quý hồ tinh bất quí hồ đa.

- Vua Lê Thái Tông:

Chưa bao giờ ta nóng lòng muốn bắt tay vào công việc như hiện nay. Ta sẽ triệu khanh về triều ngay. Tháng ba rồi, trẫm giao cho khanh chức quan Độc quyển kỳ thi Hội đầu tiên của tân triều, chọn được hơn ba chục nhân tài. Khanh thông minh uyên bác, thạo việc văn thư chính sự, vừa làm Hàn lâm viện sỹ kiêm Quốc tử giám quan, vừa cùng Bộ Hình, xem xét xưa nay của nước Đại Việt ta và của đại quốc Bắc phương, soạn thảo bộ luật hình dùng trong triều đình lẫn ngoài dân chúng. Trong ấm thì ngoài mới êm. Có khanh giúp việc triều chính, nơi hậu cung có Lễ nghi học sỹ trông coi, ta yên dạ được những người tâm phúc.

- Nguyễn Trãi:

Bệ hạ xét cho… Hạ thần như ngựa đến tuổi già đâu còn ham rong ruổi, như thông qua năm rét thân rạn tuyết sương…

- Vua Lê Thái Tông:

Trẫm đã phán rồi, ngươi tuân ý chỉ!

                                                           

                                                            Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ

 

- Nguyễn Thị Lộ:

Việc của Ngọc Dao em đã lo xong. Nàng đã hạ sinh một Hoàng nam bảy ngày trước khi Bệ hạ xuất giá vi hành. Em đã tấu trình lên, Ngài vui, cho tên húy là Hiệu, danh vương tử Tư Thành. Nàng hiện tạm lánh tại một ngôi chùa dưới tỉnh Đông, vua truyền cho xa giá đón về cung. Hoàng thượng đã để nhiều tâm lực lo việc triều chính…

- Nguyễn Trãi:

Những việc phu nhân làm được ta không làm nổi… Nàng như báu vật Trời dành thưởng cho ta.

- Nguyễn Thị Lộ:

Lúc này em không muốn xa phu quân nữa!

- Nguyễn Trãi:

Ta đã nếm cảnh danh suông vạ thực thật đáng cười nhưng ở thế tiến thoái lưỡng nan… Tướng quân Trần Nguyên Hãn một mực xin về chí sỹ thế nào? Nước Đại Việt ta không mênh mông như nước Tàu mà noi gương ông Phạm Lãi bôn tẩu xứ xa, như ông Trương Lương không ai biết tịch cốc nơi nào!

- Nguyễn Thị Lộ:

Em lo lắm, người như phu quân tính lại cương trực, không biết mưu mô, làm sao không mắc bẫy của bọn người tuy ít học nhưng lắm xảo kế nhiều kẻ tay sai…

- Nguyễn Trãi:

Ta đã cùng Nguyễn Thận năm lần vào thành Đông Quan nghị hòa với Vương Thông. Y bày mẹo thám tử thăm dò tin tức rất tài. Thái tử Tư Tề và Lưu Nhân Chú làm con tin ngay ở trong thành cũng không nắm được gì. Sau ngày tan giặc, lại bày ra trò trao trả kiếm thần ở hồ Lục thủy thật là được việc. Trong nước lòng dân càng sùng kính vua, bên ngoài Minh triều cũng hả hê yên được mối lo phương Nam quậy phá. Con người ấy ở bên Thúc Huệ như cá thêm vây. Lại có bọn hoạn quan Lương Đăng, Tạ Thanh… miệng như rắn rết!

- Nguyễn Thị Lộ: 

Em hiểu lòng phu quân… Người cũng đang mắc kẹt vì chữ Nhân, chữ Trí như Khổng Tử với Dương Hổ vậy… Khó thay đây lại là đấng quân vương.

- Nguyễn Trãi:

Nàng đã hiểu lòng ta như thế thì dù gặp bao tai họa ta cũng thỏa lòng.

 

(Tiếng gà gáy sáng)

 

- Nguyễn Thị Lộ:

Đã đến giờ Đức Hoàng thượng hồi loan. Để thuận giờ nước thủy triều dâng, Quan Ngự tiền trung quân Trịnh Khả cho động thuyền khối ngự lâm quân đi trước cùng với thuyền Rồng. Các thuyền tùy tùng tiếp tục theo sau.

- Nguyễn Trãi:

Phu nhân hộ giá về cung, ta trở lại Đông và Bắc đạo, bàn giao việc xong sẽ lai kinh.

- Nguyễn Thị Lộ:

Phu quân ơi!… Sao chân em không muốn bước đi? Sao lòng em như mách bảo điều gì?… Làm sao bây giờ?… Phu quân ơi!… Đời mình đành giao cho số phận!

 

(Tiếng gà gáy càng dồn dập như thúc giục. Nguyễn Trãi dìu vợ ra phía cổng. Hai người bước đi một bước giây giây lại dừng)

 

Nguyễn Trãi cùng gia nhân thu xếp hành trang hồi kinh

 

- Phạm thị (bụng bầu):

Thưa đại nhân… Người vừa đi kinh lý miền rừng núi xa xôi trở về mệt nhọc… Sao không nghỉ lại ít ngày…

 

 

- Ba (người hầu):

Ôi… Chuyện quốc gia đại sự đàn bà biết chi mà nói! (Tới gần Phạm thị nói vụng) Ở nhà ra vào nhìn cái trống này… Lỡ gõ dùi vào là bị thủng… Càng mang vạ!

 

(Nguyễn Trãi đi lại bồn chồn… Một nữ nhân áo sống tả tơi, mặt mày lem luốc chạy vào nằm sóng xoài ngất xỉu giữa nhà… Mọi người cuống cuồng lên…)

 

- Ba (hốt hoảng kêu lên): 

Thị Gái?... Phu nhân làm sao?

- Thị Gái (ngồi dậy, hốt hoảng):

Sao không chạy đi?… Chết hết bây giờ!

- Ba (quát lên):

Ai chết?... Làm gì mà chết?

- Thị Gái:

Đức Vua … băng rồi!... Hoàng thượng… chết rồi!

 

(Tất cả lặng đi)

- Ba:

Ta xẻo lưỡi mi!... Thế nào là băng?... Thế nào là chết?

- Thị Gái:

Tới Lệ chi viên, Vua than mệt vào cung nghỉ, có phu nhân theo hầu. Đến khuya nghe tiếng phu nhân kêu thất thanh, mọi người đổ đến, thấy vua máu từ mũi miệng trào ra… Phu nhân gào khóc thảm thiết. Thị vệ tới lôi người đi…

- Ba:

Thế vua chết chưa?

- Thị Gái:

Không biết!... Phu nhân bị trói gô ném ở góc phòng. Tôi lừa thị vệ lẻn vào. Người bảo: Đại họa rồi!... Trốn về mau… Báo cho đại nhân biết lánh đi ngay!... Trời ơi… Đứt hơi chết mất!

- Nguyễn Trãi (Đứng rũ ra, lặng hồi lâu, hai tay giơ cao, gào lên):

Hỡi Hoàng thiên!... Phu nhân ta tội tình gì? (lặng đi rồi chợt tỉnh, tức thời ra lệnh) Về kinh ngay!... Lấy ngựa cho ta!... Về kinh ngay!... Ngựa cho ta!... Về kinh ngay!

- Ba (ôm lấy chủ):

Không được đâu… nguy hiểm lắm… Đại nhân ơi!

 

- Phạm thị (quỳ xuống lết):

Đại nhân… Xin người bảo trọng!... Người không thể…

- Nguyễn Trãi:

Không! Ta không thể để nàng gặp nạn một mình!

 

                                                (Chạy ra… Ba chạy theo chủ)

 

- Thị Gái (nói với Phạm thị):

Chị Mẫn… Bà bảo chị phải trốn đi mau… Trốn thật xa… Mai danh ẩn tích!

 

(Phạm thị cuống lên, té lên té xuống chạy đi)

 

Pháp trường ảm đạm thê lương

 

Nhiều người chen chúc trong đó có quan bạn Nguyễn Mộng Tuân, Ba, người thương binh cụt tay dắt ông già mù, bà già bán bánh.

 

- Bà già:

Người như thế không bao giờ làm việc ác!

- Ông lão:

Người như thế không thể nào chết được!

- Người thương binh cụt tay:

Người tài như thế giặc không giết được nhưng đám nội ma này giết được!

- Nguyễn Mộng Tuân:

Án này mờ ám! Tại sao phán quan tra án chỉ hỏi nữ nhân một câu: Ngươi có nhận lệnh của chồng tiến độc dược hại vua không? Tại sao bốn nữ tỳ theo hầu và ba viên thái giám tâm phúc của hậu cung cùng bị tống giam ngay vào ngục tối? Tại sao Thượng thư Bộ Hình Lê Nguyên Sơn bị rạch mặt, xẻo mũi, xẻo tai, cắt lưỡi, tống khỏi kinh thành chỉ vì có khuôn mặt quá giống nhi vương? Còn ai nữa sẽ bị tội vì liên lụy? Chỉ hậu thế mới đủ công tâm đưa thủ phạm ra ánh sáng. Cái chết sẽ không từ một ai. Người anh hùng hào kiệt thi nhân còn sáng danh trong sử sách. Nhưng một nữ thi nhân tài hoa đức hạnh chịu điều oan khuất hậu thế biết chăng?! 

- Tiếng loa (vọng ra):

Loa loa loa loa… Loa loa loa Loa… Loa loa loa loa!

Nghe đây!... Nghe đây!

Hoàng đế Lê Nhân Tông – Niên hiệu Đại hòa thứ nhất.

Xét rằng tội phạm tên là Nguyễn Trãi, 62 tuổi, người làng Nhị Khê tỉnh Hà Đông, âm mưu phản loạn, phạm tội thí quân. Xét rằng tội phạm Nguyễn Thị Lộ, 42 tuổi, người làng Tân Lễ tỉnh Thái Bình, đồng lõa sát hại Thiên tử tại Lệ chi viên, tỉnh Bắc Ninh ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất khi Người đi kinh lý đạo Đông về. Xét rằng sát hại Thiên tử là tội nặng nhất trong Thập tội đại ác. Nhiếp chính Tuyên Từ Hoàng thái hậu thừa lệnh Hoàng thượng chuẩn y hình phạt của Tòa Đại hình ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Tuất tuyên phạt :

Nguyễn Trãi chịu tội hành hình cùng chu di tam tộc. Tỳ thiếp Nguyễn Thị Lộ cùng chịu tội hành hình. Toàn bộ gia sản của các bị can đều bị sung công và những di  cảo, thơ phú, văn bình, nhạc khúc đều bị thu gom thiêu hủy. Khâm thử

Loa loa loa loa! Loa loa loa loa!

Bản án được thi hành giữa thanh thiên bạch nhật vào đúng giờ Ngọ ngày hôm nay 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất. Loa loa loa loa!                                                      

- Nguyễn Mộng Tuân (kéo Ba lại nói):

Ngươi về ngay Côn Sơn, tìm tất cả văn, thơ, sách của Người và của phu nhân đem giấu kỹ đi. Đấy là những gì ta làm được để tên tuổi các Người còn mãi.

- Ba:

            Thưa… Thư tịch của đại quan thì còn. Nhưng giấy tờ, sách vở của phu nhân để hết cả trong cung, không có bản nào ở nhà đâu… Con biết chắc! (Chạy đi)

- Nguyễn Mộng Tuân:

            Thật là oan nghiệt… Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa!

 

 

Tất cả lặng đi khi đoàn tù chân tay xiếng xích, gông cổ dẫn ra. Đi đầu là 4-5 đứa trẻ chừng 5-10 tuổi, Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi và hàng chục anh em con cháu… Đoàn tử tù dừng lại…

 

- Nguyễn Thị Lộ (giơ tay xiềng lên nói cho trời đất biết):

Nguyễn Trãi không giết vua! (tiếng vang vọng mãi)

- Nguyễn Trãi:

Nguyễn Thị Lộ không giết vua! (tiếng vang vọng tiếp theo)

 - Tiếng kêu than ai oán của những tử tù lớn bé:

            Ai giết chúng tôi?

            Tiếng chiêng trống khua lên lạnh lẽo, bi thương

            Mọi người quỳ xuống vái mọp đầu như thế mãi.

 

- Nguyễn Mộng Tuân (đứng đấy, thay lời lịch sử):

Trời sinh ra Nguyễn Trãi để nhìn ra Nguyễn Thị Lộ từ đám chúng nhân. Trời cũng sinh ra Nguyễn Thị Lộ để đền bù cho con người tài ba lỗi lạc không được hưởng sự công bằng. Hai con người ấy không ai chết vì ai. Họ chết vì nhau. Khi lũ ma quỷ làm người thì chỉ có quỷ ma sống được. Nỗi oan này nghìn thu không rửa sạch. Tội ác này trời đất chẳng dung tha.

                       

(hết)

                                                                       

                                                               Thành phố Hồ Chí Minh, tháng cuối năm 2008

Nguyễn Văn Thịnh

 

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu