A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyễn Thị Lộ-nghìn thu bạc mệnh một đời hoa -Kịch nói

LTS: 16 tháng Tám âm lịch (04/10/2009) là ngày giỗ Anh hùng Dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi và Lễ nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Cùng với việc giới thiệu cuốn sách “Nguyễn Trãi –Hợp tuyển thơ” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Trung tâm Văn hóa Tràng An và Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi –Nguyễn Thị Lộ do Nhà giáo tâm huyết Hoàng Đạo Chúc làm Hội chủ, phối hợp xuất bản, tạp chí Quê Hương trân trọng giới thiệu nội dung vở kịch nói “Nguyễn Thị Lộ - nghìn thu bạc mệnh một đời hoa” của tác giả Nguyễn Văn Thịnh. Xin coi đây là một nén nhang thắp trên bàn thờ hai Cụ.

NGUYỄN THỊ LỘ - Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa

(Kịch nói năm hồi)

* Các vai:

- Lễ nghi học sỹ NGUYỄN THỊ LỘ

- Đình nguyên NGUYỄN TRÃI

- Hoàng đế LÊ THÁI TÔNG – Nguyên Long

- Hoàng đế LÊ THÁI TỔ – Lê Lợi

- Bảng nhãn NGUYỄN MỘNG TUÂN

- Thần phi NGUYỄN THỊ ANH

- Nguyên phi NGÔ THỊ NGỌC GIAO

- BA, người hầu của Nguyễn Trãi

* Một số nhân vật phụ:

- Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn

- Tể tướng Lê Sát

- Đại đô đốc Lê Ngân

- Đại tư đồ Lê Thận

- Đại tư đồ coi Cơ mật viện Thúc Huệ

- Bố chánh Hoàng Phúc

- Pham Thị Mẫn, Thị Gái…

- Mấy người dân

 

Dù thịt xương đã tan hòa trong đất
Bụi thời gian đã phủ khuất công, tài
Chẳng nề chi sự quá muộn màng
Đời chia sẻ ngậm ngùi chiêu tuyết
Cho người đàn bà đức hạnh tài hoa

* Chân thành cảm ơn: 

Hội những người yêu NGUYỄN TRÃI - NGUYỄN THỊ LỘ và ông Hội trưởng, Nhà giáo ưu tú HOÀNG ĐẠO CHÚC đã cung cấp tư liệu về một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử của dân tộc để chúng tôi có điều kiện tiếp cận với sự thật lịch sử, từ đó hiển lộ ra một nữ nhân tài hoa đức hạnh bấy lâu bị che khuất bởi những bất công oan trái mà thời gian là người bạn đồng hành vô tâm.



Tượng hai cụ ở đền Lệ Chi Viên

HỒI MỘT

Mượn cớ giúp Nhà Trần, đại quân Minh tràn qua Đại Việt. Hồ Qúy Ly là người tài giỏi nhưng làm điều trái đạo nên không được dân chúng ủng hộ. Việc phòng thủ thành Đông Đô và Tây Đô là công trình trí lực, hao tốn nhiều công của, dù kiên cố công phu, nhưng đều mau chóng bị vỡ thành. Cha con họ Hồ bị bắt giải về Tàu. Nước Đại Việt bị xóa sổ, phiên chế thành châu huyện của Nhà Minh. Dù đã nhiều lần bị xâm lăng nhưng chưa lần nào người dân bị đày đọa trước họa diệt chủng tàn độc tới mức không thần dân nào chịu nổi như với lũ giặc cuồng Minh này.

Nhà Nguyễn Trãi ở nam thành Đông quan,
nơi ông bị quân Minh quản thúc.

Ngoài đường lạnh lẽo thê lương, chốc chốc những phụ nữ trẻ con hoảng loạn, những người đàn ông bị bắt trói kéo lê đi dưới những làn roi của đám lính Minh… Nguyễn Trãi ngồi đứng không yên. Cuốn sách để mở trên bàn.

- Viên Đội Tàu:

Cái đám man di mọi rợ này bất trị! Đứa nào ương ngạnh cứ đánh dập đầu. Chúng nó chết đất nhà Minh ta càng rộng!

(Nguyễn Trãi bồn chồn day dứt…)

- Nguyễn Thị Lộ (quảy gánh dừng lại trước cổng, ngó nghiêng hớt hải rồi  chạy thẳng vào sân):

Đại nhân... có nhà không?

- Nguyễn Trãi:

Kìa… Thị Lộ!

- Nguyễn Thị Lộ (xúc động):

Đại nhân ơi!

- Nguyễn Trãi:

Nàng từ đâu đến đây giữa lúc nguy hiểm thế này?

- Nguyễn Thị Lộ:

Em đi tìm đại nhân!                                                       

- Nguyễn Trãi:

Gia quyến nàng bất an chăng?

- Nguyễn Thị Lộ (ngậm ngùi thổn thức):

Tan tác chim muông hết cả!

- Nguyễn Trãi (thở dài, lắc đầu, nhìn gánh hàng):

Nàng không bán chiếu nữa sao?

- Nguyễn Thị Lộ:

Nước mất… nhà tan... Còn chỗ nào đâu mà trải chiếu? Thưa đại nhân!

- Nguyễn Trãi:

Giờ nàng đi bán hàng chi đây?

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa em bán… cháo!

- Nguyễn Trãi (bước tới gần đôi quang gánh):

Xứ  Thái Bình thiếu chi gạo mà nàng phải đi bán cháo?

- Nguyễn Thị Lộ:

Giờ cơm ăn chẳng đủ còn hạt gạo nào đâu! Đàn ông thì nó bắt bớ, giết chóc, tù đày, phu phen tạp dịch. Đàn bà thì nó giở trò ô trọc không ai dám rời khỏi nhà một bước chân… Cói khô, dâu héo, cửi canh tan nát, đồng ruộng hoang hóa tiêu điều, cỏ nhiều hơn lúa…

- Nguyễn Trãi:

Ta muốn xem nàng bán cháo gì đây?

- Nguyễn Thị Lộ:

Em bán cháo… hoa cho người ta đỡ đói lòng sống cầm hơi thôi... Dân tình lúc này xác xơ… tiền đâu?

- Nguyễn Trãi (Nhấc gánh lên nhẹ tếch):

Ta vô duyên quá!

- Nguyễn Thị Lộ (dậm chân):

Bọn Tàu chó má… Bất chợt gặp tụi nó em lánh đi không kịp… Thế là chúng vồ lấy như đồ chết đói, tranh nhau húp sùm sụp sạch sành sanh… tranh nhau húp sùm sụp sạch sành sanh… Đã ăn quỵt lại còn dở trò sàm sỡ!

- Nguyễn Trãi:

Đứa nào sàm sỡ được với nàng? Cái tài chữ nghĩa ứng đối của nàng nó phải tôn là sư đấy!

- Nguyễn Thị Lộ:

Cái chữ bây giờ có ai trọng đâu. Ngay cả người có chữ cũng quên đi điều nghĩa nên chẳng còn đáng trọng.

- Nguyễn Trãi:

Nàng nói sao?

- Nguyễn Thị Lộ:

Thì có ai giỏi chữ như cha con ông Hồ Qúy Ly đâu mà vẫn  làm điều bất nghĩa cho lòng người oán hận để đến nỗi đất nước tan đàn sảy nghé thế này!

- Nguyễn Trãi:

Cha con ông ấy làm điều phản loạn thì phải chịu cảnh lưu đày và gửi nắm xương tàn nơi xứ người xa lạ!

- Nguyễn Thị Lộ:

Lại còn những ông quan lớn quan nhỏ mang tiếng nho gia mà cam chịu thân phận hàng thần vào luồn ra cúi người ta.

- Nguyễn Trãi:

Nàng đọc Tam quốc hẳn biết chuyện gian hùng đa nghi như Tào Tháo cũng có lúc rộng lòng không xử tội những người bỏ rơi ông giữa lúc kẻ thù đang quá mạnh đó sao?

- Nguyễn Thị Lộ:

Nhưng Tào Tháo còn biết làm gì cho Viên Thiệu yếu dần đi thì ông ta mới chiếm lại được cơ đồ chứ!

- Nguyễn Trãi:

Thế nàng bảo bây giờ phải làm gì?

- Nguyễn Thị Lộ:

Em không biết phải làm như thế nào nhưng em tin rằng đại nhân thì đang nung nấu trong đầu…

(Mấy tên vệ binh Tàu gươm trần hùng hổ kéo vào, xấn đến kéo tay Thị Lộ)

- Tên lính Tàu (xông tới Thị Lộ):

Con nhãi ranh đây rồi!

- Nguyễn Trãi (đứng chặn lại):

Ở đây ta là chủ!

- Tên lính Tàu:

Dưới gầm trời này đều là đất của nhà Đại Minh ta. Lũ Giao Chỉ là dân vong quốc!

(Thị Lộ nép sau Nguyễn Trãi… Giằng co… Tên quan lớn Tàu đường bệ bước vào… Mấy tên lính Tàu dừng lại, khúm núm)

- Nguyễn Trãi (bước lên nghiêng mình):

Kính chào quan Hoàng Bố chánh!

- Tên lính Tàu:

Bẩm đại quan… Con này chống lệnh thiên triều chạy vào đây!

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa đại quan! Kẻ tiện dân làm ăn lương thiện! Từ ngày quan quân Minh triều qua đây, mùa màng thất bát, gia cảnh bần cùng, kẻ tiện dân phải bỏ làng quê và người thân thích lên chốn phố chợ kinh kỳ lần lữa kiếm ăn mà cũng chẳng được yên. Vừa rồi cả một gánh cháo đầy chưa bán đã bị mấy người lính này của thiên triều ăn cướp không hết lại còn định bức ép, tiện dân phải chạy, cùng đường đành tấp vào đây…

- Bố chánh Hoàng Phúc:

Ngươi có biết đây là nhà ai không?

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa… ở đất Đông quan này ai mà không biết ngài Hàn lâm học sỹ Nguyễn Trãi, nổi danh thông kim bác cổ, hiếu đạo, nhân từ và liêm chính thì dù ngài ở chốn lầu son gác tía hay dưới mái nhà tranh đìu hiu cô quạnh thế này… dân chúng tôi vẫn nhớ!

- Bố chánh Hoàng Phúc (đắc chí):

Hà hà! Bậc quân tử thì dầu lúc lên xe xuống ngựa hay nón mê chân đất vẫn nuôi mộng hải hồ!... Ông quan Ngự sử có biết người này không?

- Nguyễn Trãi:

Tôi biết rõ từ lâu rồi… Gia cảnh cô khốn khó. Phụ thân là nhà nho nghèo chỉ biết dạy chữ thánh hiền. Mẫu thân cô gánh lúa nặng nhọc sinh rơi giữa đường nên mới có tên là Lộ. Nhưng xinh đẹp từ bé nên có tên là Gấm. Không may song thân khuất bóng lúc tuổi còn thơ, phải theo bà con lên Tây hồ bán chiếu. Người Hải Hồ miệt tỉnh Đông làm chiếu gon rất đẹp. Dân chúng tôi ai được Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới là sung sướng lắm... 

- Bố chánh Hoàng Phúc:

Ông Hàn lâm thông thái biết nhiều vậy mà còn quên đấy! Cô gái sắc nước hương trời này còn là một thi nhân bẩm sinh nữa phải không?... Người thế này phải về đây xướng họa với ông Đình nguyên mới xứng chớ sao cứ lảng vảng nơi bờ sông bến chợ giao du với những phường bất hảo? Nhớ rằng bọn giặc ở phương nam thường cho người ra kinh kỳ do thám!

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa… đại quan! Khi quảy gánh cháo bán rong thì dù nơi xó chợ đầu đường chỗ nào cũng tắp vào và gặp ai cũng phải vui vẻ chào mời mới có khách ăn chứ đâu kén chọn được người!... Còn như tiện dân là kẻ quê mùa, ít học, võ vẽ dăm ba chữ thánh hiền đâu dám sánh với người đạo cao đức trọng như đại nhân đây.

- Bố chánh Hoàng Phúc:

Ông Hàn lâm học sỹ đã thấy chưa, tại sao ông không chịu hợp tác với bản triều, vừa được hưởng phú quý vinh hoa lại vừa được thoả chí tang bồng hồ thỉ?

- Nguyễn Trãi:

Thưa ngài Bố chánh! Đã mang danh kẻ sỹ, để mất nước mà không dám chết theo thì phải biết hổ ngươi chớ sao còn dám giơ mặt ra trước bá quan thiên hạ, có khác chi hạng tiểu nhân đâu mà mong được quý quan hậu đãi?!

- Bố chánh Hoàng Phúc:

Ta không muốn mời ông ra làm quan vì ta có dịp qua làng quê tổ phụ của ông và thấy rằng đất Nhị Khê đoản mệnh, làm quan dám mắc đại họa chu di… Ta muốn ông nhận chức Học sỹ giáo hóa cho dân Giao Chỉ thoát vòng tối tăm ngu dốt. Vậy là ta và ông đều được việc.

- Nguyễn Trãi:

Đa tạ tấm lòng rộng của đại quan. Kẻ sỹ hèn này đã quen nơi thanh vắng, ngày nghe tiếng gió ru, đêm nghe tiếng dế nỉ non, nhìn trăng sao mà chỉ mong phận mình được như con đom đóm đã thỏa lòng. Lúc nhớ sách thì dậy trẻ ê a dăm ba chữ… Thế là lòng đã thảnh thơi...

- Bố chánh Hoàng Phúc:

Ta để cho ông thêm thời gian suy ngẫm và… giao cho ông bông hồng có gai này (chỉ Thị Lộ và ghé tai nói nhỏ). Tài tử giai nhân đêm ngày xướng họa xem ra sẽ ý hợp tâm đầu… Ha ha!... Nhớ rằng nó chưa hẳn là người luơng thiện đâu, nhờ ông giáo hóa… Thế là ta xử thật đã hết lòng với ông, nếu có sao thì chớ trách! (Cùng đồng bọn bỏ đi)

- Nguyễn Trãi (hỏi Thị Lộ):

Bấy lâu nay nàng ở đâu?

- Nguyễn Thị Lộ:

Bây giờ em tứ cố vô thân, sống vô gia cư, chết vô địa táng. Em biết chỗ ở của đại nhân từ lâu rồi nhưng quanh đây lúc nào cũng có loài cú vọ dòm ngó rình mò, cả em nữa chúng cũng đánh hơi dò xét.

- Nguyễn Trãi:

Nó giao nàng cho ta là để dễ dàng kiểm soát cả hai… Thật là một công đôi việc! Nàng có sẵn lòng ở lại tệ xá của ta chăng?

- Thị Lộ:

Nếu đại nhân rộng lòng thương cho em được làm người trông nom nhà cửa trong ngoài, hầu hạ đại nhân lúc nắng lúc mưa, bữa ăn, đèn sách… là điều đời em chẳng mong ước gì hơn.

- Nguyễn Trãi:

Nhà cửa chẳng có gì phải công lên việc xuống ngoài mấy luống rau ra. Có thằng giúp việc đi về mang từ quê lên gói mắm, nắm gạo xuyềnh xoàng. Nàng cứ lo việc của mình, giờ rảnh thì giúp ta dạy mấy đứa nhỏ quanh đây học con chữ, học điều hiếu nghĩa nhất là trong lúc nước non vong biến thế này, nhân tâm giao đảo, điều lành dữ, hay dở khó phân minh. Nhà nghèo mới biết con có hiếu. Nước loạn mới rõ tôi trung.

- Nguyễn Thị Lộ:

Em sẽ không phụ lòng tin cậy của đại nhân!

Nguyễn Trãi lúi húi ngồi đọc sách. Từ phía sau nhà vang lên lời dạy của Nguyễn Thị Lộ và đám học trò đọc theo:

Quốc tuy mỵ chỉ
(Nước dù bất ổn)
Hoặc thánh hoặc bĩ
(Vẫn có thần và dân)
Dân tuy mỵ hô
(Dân tuy không đông)
Hoặc triết hoặc mô
(Vẫn có người hiền tài)
Hoặc túc hoặc ngải
(Vẫn có người bụng ngay dạ sáng)
Như bỉ tuyền lưu
(Như suối kia vẫn trôi)
Như lý bạc băng
(Không thể chìm  mất đi)

(Sau đó là tiếng reo vui của bầy trò tan lớp học. Nguyễn Thị Lộ từ nhà sau bước ra trong khi Nguyễn Trãi chăm chú viết)

- Nguyễn Thị Lộ (đứng sau, sụt sùi)…

- Nguyễn Trãi:

Nàng có chuyện chi buồn?

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa đại nhân… (nghẹn ngào)

- Nguyễn Trãi:

Buồn làm chi bầy em của lũ ma quỷ ấy. Đời nào cũng vậy! Nơi đây giáp kinh kỳ, nửa quê nửa tỉnh, thế sự đảo điên, ngoài chuyện giặc giã nay sống mai chết ra, người ta làm quần quật tối ngày vẫn chẳng đủ ăn thì thiết gì điều lễ nghĩa, nói chi chuyện dạy răn con cháu. Mình khuyến trẻ con người lớn làm điều lương thiện ấy là làm cho cái chữ của mình thành có nghĩa đấy.

- Nguyễn Thị Lộ:

Em ghi lòng tạc dạ lời dạy của đại nhân… Nhưng em buồn vì thương lũ trẻ, lại giận mình là phận nữ nhi…

- Nguyễn Trãi:

Nàng đa sầu đa cảm quá!

- Nguyễn Thị Lộ:

Hôm nay em mất hai đứa học trò!

- Nguyễn Trãi:

Học trò bỏ học là chuyện thường, nhất là thế sự lúc này. Nhưng ta sẽ lại tới nhà khuyên nó. Nếu nó nghèo khó quá thầy trò cả lớp cùng chia sẻ…

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa không!... Một đứa có cha đi tải lương cho quân Minh, vì đói quá không vác nổi bao hàng nên bị đánh chết, xác thảy trôi sông!... (ôm mặt khóc rưng rức)

- Nguyễn Trãi (đứng dậy, mím môi):

Chúng nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn!

- Nguyễn Thị Lộ:

Còn một đứa bị lũ chó sục vào nhà lôi mẹ nó ra định làm điều đồi bại, hai chị em nó bấu chặt sau lưng mẹ giằng co liền bị xiên một mũi kiếm xuyên suốt mình hai đứa nhỏ!

- Nguyễn Trãi (mạnh chân đi từng bước):

Vùi con đỏ dưới hầm tai họa!

- Nguyễn Thị Lộ:

Đại nhân! Chẳng lẽ chịu để cho nó hủy diệt giống nòi mình hết sao?!

- Nguyễn Trãi:

Không! Nước Đại Việt ta từ Đinh, Lê, Lý, Trần đã cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên làm chủ một phương! Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau nhưng hào kiệt không đời nào thiếu! Vừa rồi nhân họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán hận, quân cuồng Minh thừa cơ gây hấn, bọn gian tà bán nước cầu vinh… nên nỗi dân tình xơ xác, nỗi nước tan hoang!... Theo nàng thấy sức giặc này có mạnh lắm không?

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa, theo thiển ý của em loài lang sói nào cũng hung bạo mà tổ tiên ta không chỉ một lần từng đánh đuổi chúng đi. Giặc hành trái đạo ắt chẳng ai ưa mà ta thì chính đạo ắt được lòng người. Mỗi lần địch quân một khác thì vua tôi ta lại có một phương kế làm giặc bó tay, tham mà nuốt không trôi. Giặc từ xa tới, ta thì tất cả nam nữ từ trên xuống dưới, từ trẻ đến già đồng tâm hiệp sức, có gì đánh nấy, nghĩ ra muôn mưu nghìn kế mà đánh, đánh hoài, đánh mãi, không nản chí, không ngừng nghỉ thì giặc nào chịu nổi?

- Nguyễn Trãi:

Nàng giỏi lắm, thật xứng đáng con cháu bà Trưng, bà Triệu, nối chí vua tôi nhà Trần diệt giặc Nguyên-Mông. Ý của nàng trùng với ý của ta trong Bình Ngô sách! Giặc càng hung ác bạo tàn, ta càng dễ đánh. Ta kháng chiến lâu dài, càng đánh càng mạnh… Chỉ cần có được minh quân với các hiền thần, quân tinh, tướng dũng, anh em hòa mục, cả nước đồng lòng đấu sức lại mà đánh sẽ không kẻ thù nào chịu đuợc!

- Nguyễn Thị Lộ:

Em không dám sánh phận con tằm của mình với chí lớn của đại nhân như chim hồng chim hộc. Nhưng em nguyện sẽ làm hết sức mình để kế sách của đại nhân được đem ra vận dụng cứu đời.

- Nguyễn Trãi:

Nhún nhường là một nết hay… Nhưng dù có là thân tằm thì cũng nhờ đó mà nên lụa là gấm vóc làm cho đời thêm đẹp đẽ cao sang. Từ ngày nàng về ở đây ta nhận ra nàng không chỉ là người tài hoa mà đức hạnh đáng là tấm gương cho bậc nữ lưu.

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa… đại nhân dòng dõi các bậc công hầu khanh tướng nhà Trần mà sao người lại dửng dưng với những cuộc chống giặc của các bậc đế như Giản Định, Trùng Quang?

- Nguyễn Trãi:

Tuổi thơ ta đã chia sẻ nỗi đau với ông ngoại là hoàng thân Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán khi nhìn thấy cơ đồ của tiên vương đang tan nát mà bất lực. Vua quan chỉ đam mê lạc thú để việc triều chính cho gian thần lũng đoạn, gây bè kết đảng, hãm hại trung thần, để mặc dân tình đói khổ kêu than. Bây giờ mấy người mới tỉnh ra thì dù có cầm gươm đánh giặc là để chiếm lại cái ngai vàng đã mất chứ không phải lấy lại nước cho dân. Chuyện quá muộn rồi. Muôn dân hỏi rằng họ đánh giặc cho ai và rồi đất nước lại rơi vào tay ai nữa thì biết nói sao để mong có sự dốc sức đồng lòng của trăm họ được nữa?!

- Nguyễn Thị Lộ:

Thưa, người ta đồn rằng có bậc trượng phu ở phương nam đang phất cờ tụ nghĩa bốn phương…

- Nguyễn Trãi:

Ta có biết… Nhưng gửi gắm thân phận mình cho ai cần phải xét suy cho kỹ. Có là minh chúa thì nghiệp lớn mới thành mà mình mới được thỏa chí bình sinh...

Ba – người hầu trai, hai vai hai bị chạy vào nhìn chủ mếu máo

- Ba:

Thầy ơi!... Cô ơi!... Chết hết cả rồi!... Tuyệt tự mất thôi!

- Nguyễn Trãi (bàng hoàng):

Sao? Ai chết? Ai tuyệt tự? Bà con họ mạc làng xóm có còn không?

- Ba:

Còn sống nhăn răng cả… Nhưng rồi sẽ chết… Rồi cũng không còn người để chết nữa đâu… Thầy cô ơi!

- Nguyễn Thị Lộ (đưa ra chén nước):

Đường xa vất vả còn lo lẩn tránh hết lũ chó rừng lại đến chó nhà… Mệt mỏi quá sinh ra hoảng loạn… Hãy nghỉ ngơi để bình tâm lại đã.

- Ba:

Không… Con tỉnh như sáo đây! Ai thấy việc này thì dù đang mê cũng phải tỉnh để tìm đường mà chạy khỏi cái họa tuyệt chủng này đi.

- Nguyễn Trãi:

Con bình tĩnh nói rõ ta nghe!

- Ba:

Thầy ơi! Giống Tần Thủy hoàng này hiểm độc lắm. Ở các vùng quê, bọn nó gom hết đàn ông lại, người già biết chữ nó chọc cho mù mắt để không còn dạy học được ai, người trẻ thì nó đè ngửa ra thiến như ta vẫn thiến chó thiến gà… Quan lính Minh nghênh ngang lùng sục tối ngày từ xó bếp đến phòng the… Thế là nảy nòi ra lúc nhúc lũ con lai! Đàn ông Đại Việt chỉ còn biết một việc còng lưng làm nuôi người tàn phế, nuôi đám nhóc con không gốc rễ giống nòi để lớn lên nó phản!

- Nguyễn Thị Lộ:

Dối trời lừa dân, gian manh đủ muôn nghìn kế. Quan quả khốn cùng chẳng một ai được yên ổn cả!

- Nguyễn Trãi:

Bại nghĩa thương nhân, thần người đều căm giận, Trời Đất chẳng dung tha!

- Ba:

Thầy ơi! Ở chung với lũ quỷ này trước sau rồi cũng chết! Con xin phép thầy từ biệt nơi này!

- Nguyễn Thị Lộ:

Ngươi định đi đâu?

- Ba:

Ai dám chống lại nó thì con góp cả chân lẫn tay, dẫu chết cũng cam!... Việc đầu tiên là con phải về quê giúp chị em ta sanh ra thật mau, thật nhiều cái giống Lạc Hồng như con để còn có người đánh đuổi chúng nó cút khỏi xóm làng.

- Nguyễn Thị Lộ:

Ngươi chớ làm càn!

Nguyễn Trãi đi lại suy tư. Thị Lộ ra vào nóng lòng đợi ai… Nàng chạy vọt ra ngoài cổng vẫy gọi người đang ngấp nghé ở một nơi khuất

- Nguyễn Thị Lộ:

Nhanh lên!

(Một người đàn ông áo tơi nón lá chạy thụt vào nhà… Rỡ áo nón ra)

- Nguyễn Trãi:

Bảng nhãn Nguyễn Mộng Tuân!

- Nguyễn Mộng Tuân:

Huynh!

- Nguyễn Trãi:

Đệ từ đâu về… đã lâu chưa và sống ở đâu?

- Nguyễn Mộng Tuân:

Lâu nay đệ vẫn quanh quẩn ở Đông Quan… Trà trộn với đám phu phen nơi bến sông xóm chợ.

- Nguyễn Trãi:

Để làm gì?

- Nguyễn Mộng Tuân:

Thứ nhất là theo dõi mọi hành vi của giặc. Đệ biết thằng Bố chánh Hoàng Phúc bằng mọi cách vừa cô lập vừa mua chuộc vị Hàn lâm Ngự sử tiếng tăm. Thứ hai là liên hệ với các sỹ phu yêu nước và những ai không đội trời chung với giặc thì mời vào chiến khu kháng chiến.

- Nguyễn Trãi:

Họ cô lập ta nhưng không mua chuộc được ta. Ta còn đắn đo bởi xét tài như Phạm Tăng chỉ một sự vội vàng đi theo Hạng Võ để sự nghiệp tan tành, uổng phí công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, công đèn sách dùi mài kinh sử của mình đến phải ôm hận lúc xuống suối vàng! Ta liệu có xứng với lòng trông đợi của phụ thân nơi xa xứ đau đáu đêm ngày nữa chăng?!

- Nguyễn Mộng Tuân:

Chủ soái Lam Sơn từng nói: Trượng phu sinh ở đời phải cứu nạn lớn, lập công lớn, để tiếng thơm ngàn năm, sao lại chịu hèn nhát để cho người ta sai khiến? Há chẳng đáng là đấng anh hùng hào kiệt để ta đến tụ dưới cờ sao?

- Nguyễn Trãi:

Ta đã từng tận mắt nhìn con người ấy. Trán cao, mắt sáng, miệng rộng, giọng nói như chuông, dáng đi như hổ, oai phong lẫm liệt, sử dụng gươm giáo giỏi, uống rượu như trâu uống nước, cách ăn cách nói cũng như lúc đứng ngồi chung chạ có bản lãnh của vị tướng quân hợp với thời loạn. Xem ra, con người ấy chung họa thì được chứ chung phúc thì khó… Không phải bậc minh quân thời thịnh trị!

- Nguyễn Mộng Tuân:

Tướng quân Trần Nguyên Hãn nhận xét vị chủ tướng tinh thông binh pháp, rành rẽ địa dư, biết liên kết những người dũng cảm bốn phương… Hỏi huynh còn chờ vị minh quân đến bao giờ? Đinh Tiên Hoàng xuất thân từ trẻ mục đồng. Lê Đại Hành là một võ tướng. Lý Thái tổ là một nhà sư. Trần Thủ Độ là người thuyền chài đã phò tiểu vương tám tuổi Trần Thái Tông dựng nên một vương triều hiển hách. Hành vi của chính mình tạo nên duyên nghiêp. Đất nước cần giải phóng, phải tạo nên thủ lĩnh. Đó là chân đạo. Kẻ sỹ lòng nào chịu thân vong quốc chỉ vì chưa tìm ra minh chúa? Phải chăng huynh không nỡ dứt tình với viên Thái thú nham hiểm này ư?

- Nguyễn Trãi:

Khi nước đã mất, nhà cũng tan, vong gia thất thổ… Là thân nô lệ thì dù vua, quan, tướng lĩnh, trí giả, văn nhân sao giữ được điều liêm sỉ nữa! Còn mong chi sự trọng nể của ai huống chi là với kẻ ngoại nhân cai trị?

- Nguyễn Thị Lộ:

Nước Đại Việt đã bị chia ra thành nhiều châu phủ của nhà Minh. Chúng bắt đàn ông để tóc dài kết bím, đàn bà vận áo ngắn quần dài, cấm tục nhuộm răng ăn trầu, đốt sách và thu lại những mộc bản lưu truyền, làm theo những lễ nghi tập tục của người Hoa…

- Nguyễn Mộng Tuân:

Chúng bắt đem về Tàu những người hay chữ, những thầy thuốc giỏi, những nhà sáng chế, những nghệ nhân tài hoa, vơ vét những sản vật quý để cho nước mình nghèo nàn kiệt quệ không bao giờ ngóc đầu lên được nữa!

- Nguyễn Trãi:

Ý muốn không bao giờ thay đổi của người Tàu là làm sao hủy diệt toàn bộ dấu vết quá khứ của chúng ta!

- Nguyễn Thị Lộ:

Đại nhân còn nghĩ tới lời nhận xét về tổ quán Nhị Khê? Viên Bố chánh này là ngươì tinh thông lý số!

- Nguyễn Trãi:

Người Việt đang bị nó tru di từ mạng sống tới cội nguồn gốc rễ, cả nền văn hóa, lịch sử, phong tục, tín ngưỡng… thì còn nghĩ tới mệnh của riêng mình làm chi nữa?!

- Nguyễn Mộng Tuân:

Huynh sống khổ hạnh, không ham quyền qúy cao sang, không vương vấn nợ thê nhi, không đam mê rượu ngon, con hát… Chỉ mang mối thù nhà nợ nước trĩu nặng hai vai gánh mãi tới bao giờ?

- Nguyễn Thị Lộ:

Giặc bạo cuồng gây binh kết oán chốc đà hơn chục năm trời, thần dân không chịu nổi… Chẳng lẽ ta chịu ngồi yên nhìn lũ dê chó bắt nạt mãi sao, thưa đại nhân?

- Nguyễn Trãi:

Ta đi thì nàng sẽ về đâu?

- Nguyễn Thị Lộ:

Chẳng lẽ đại nhân thấy em không xứng là con cháu bà Trưng, bà Triệu nữa? Giặc đến nhà đàn bà phải đánh. Đại nhân không cho đi, em cũng quyết theo, giữ lời đã hứa làm hết sức mình để kế sách của đại nhân được đem ra trả nợ nước rửa thù nhà.

- Nguyễn Trãi:

Có nàng cùng đi ta vui được bạn đường!

(Nguyễn Trãi đi lại suy tư. Ông kéo hai người lại nói nhỏ điều gì. Khách Nguyễn Mộng Tuân khoác áo tơi, đội nón vội đi. Thị Lộ chạy vào trong. Nguyễn Trãi cuốn sách Bình Ngô đeo lên vai, ngập ngừng quyến luyến… Ba chạy ra dẫn  thầy đi) Màn kéo lại. Từ sau màn vọng ra tiếng học trò ê a đọc… lúc một to:

Góc thành nam, lều một gian
No nước uống, thiếu cơm ăn
Con đòi trốn, dường ai quyến
Bà ngựa gầy, thiếu kẻ chăn
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
Nhà quen xuế xoá ngại nuôi vằn
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải
Góc thành nam, lều một gian
      

Hai tên mật thám rình mò nghe ngóng… và chúng bỏ đi…   

(còn nữa)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu