A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những bài học từ một người thầy

Trong cõi nhân gian, khi nói về cơ duyên, người ta thường nghĩ tới “số trời” do sự huyền diệu của siêu tự nhiên mang đến. Thực ra, cũng không hẳn là vậy. Cơ duyên đôi khi còn do người trần thế mang tới. Như người nằm dưới ngôi mộ bình dị này đã tạo duyên cho tôi gặp rất nhiều bạn cũ ở chiến trường hay tao ngộ gặp nhau trên khắp nẻo đường đất nước. Người này, sống se duyên, tạo duyên, chết rồi vẫn tạo duyên, se duyên. Mộ ông là một địa chỉ để chúng tôi gặp nhau trong tiết thanh minh hay những ngày giáp tết. Chúng tôi là học trò của ông. Ở nghĩa trang này, duy nhất có mộ ông trên bia mộ có khắc danh xưng “Thầy giáo”. Ai biết ông cũng gọi ông là thầy giáo. Cho dù người ta không học ông một ngày nào, một chữ nào.

Chúng tôi thân thiết với nhau từ thầy. Nhiều người nên vợ nên chồng từ thầy. Cuộc đời ngắn ngủi của thầy như câu dân ca buồn rười rượi “Dòng đời xuôi ngược, bao gió mưa con thuyền trôi...”. Người đời có thêm cái để nhớ lại, nhìn đi...

Thầy là người Hà Nội gốc, là người thầy đầu tiên của tôi. Năm 1959, cha tôi từ quê ra Hà Nội tìm việc làm. Hồi đó, ở Hà Nội có chủ trương cho kinh tế tư nhân phát triển. Nhiều xí nghiệp tư nhân được thành lập. Cha tôi làm kế toán cho một xí nghiệp sản xuất ống tiêm. Tôi theo cha ra Hà Nội. Một phần để chia đỡ miệng ăn ở nhà. Một phần để cha tôi dạy tôi học. Cha tôi được chủ cho ăn ngủ ngay tại xưởng ở khu phố gần ga Hàng Cỏ.

Do nhà nhỏ, đặt 4 bệ kéo ống tiêm và một cái bàn để cha tôi làm việc đã chật chội đến mức thường phải đi nghiêng để tránh đụng chạm làm vỡ các ống tuýp. Tôi sống ở hè phố là chính. Hồi ấy, phố tôi ở là nơi làm ăn buôn bán nhộn nhịp vào bậc nhất ở Hà Nội. Hè phố rộng rãi, thông thoáng. Các cây bàng là nơi vui chơi ưa thích nhất của tôi. Mùa hè chơi trong tán lá xanh, hái bàng chín. Mùa đông gom lá bàng khô nhóm lửa sưởi ấm quanh gốc. Trong các thứ quả, màu vàng và vị ngọt của bàng chín đối với tôi là đẹp nhất, ngon nhất.

Một chiều mùa thu, khi tụt xuống gần tới gốc, tôi bị té ngã. Người đỡ tôi dậy là thầy. Thầy vừa trong lớp học đi ra. Một người đàn ông đã có tuổi, mặc đồ sang trọng. Chiếc kính trắng gọng vàng càng làm cho khuôn mặt ông tĩnh lặng hơn. Dường như những đường nét, màu sắc của sự cô đơn, suy tư đã có trong ông từ lúc mới ra đời. Thầy xem xét khắp người tôi, rồi hỏi - Có đau ở trong không?

Cú ngã không là gì đối với tôi cả. Tôi leo trèo nhiều, bị ngã cũng lắm. Tôi tò mò hỏi lại: - Đau trong là sao?

Thầy vỗ đầu, xoa ngực tôi nói: - Là đau trong đầu, đau trong ngực ấy... Tôi bảo không đau rồi định đi. Thầy giữ tôi lại hỏi chuyện nhà, chuyện vì sao không đi học. Tôi tình thực kể hết. Thầy bảo, mai đến lớp thầy học. Thầy dạy lớp 3 ở trường tư thục gần lối ngõ chợ Khâm Thiên. Tôi về nói với cha tôi chuyện đi học. Cha tôi bảo: Học phí cao lắm. Không học được đâu! Hoàn cảnh gia đình tôi lúc bấy giờ chồng chất khó khăn. Tôi thương cha tôi làm việc vất vả, tối về còn phải gò lưng cặm cụi dạy tôi học trên chiếc bàn gỗ nhem nhuốc đầy vết mực và cặn nước trà. “Cứ đến thử xem, nếu phải đóng học phí thì thôi!”, tôi nói vậy. Cha tôi dặn: - Phải hỏi học phí trước khi vào học. Hai giờ chiều hôm sau tôi đến lớp. Thấy tôi xớ rớ rụt rè ngoài cửa, thầy gọi: - Vào lớp đi chứ! Tôi hỏi: - Bố con dặn phải hỏi thầy tiền học phí bao nhiêu ạ! Thầy dắt tôi vào lớp, bảo: - Em không phải đóng học phí.



Minh họa: A. Dũng 

Tôi có ngờ đâu, câu hỏi của tôi đã gây khó khăn và thiệt thòi cho thầy. Sau này tôi mới biết, sáng hôm ấy, thầy nói với ông chủ trường, tôi là cháu họ của thầy ở quê ra nên xin miễn học phí. Chủ trường bảo, nếu là người thân thì được. Trong lớp học có con của chủ trường. Nó mách với bố nó, tôi không phải là cháu của thầy. “Đã là người nhà, không ai hỏi như vậy”. Thằng nhóc bằng tuổi tôi nhưng xem ra láu cá hơn tôi nhiều. Ông chủ trường không chịu miễn học phí cho tôi. Thầy đành phải bảo ông ta trừ tiền học phí của tôi vào lương của thầy.

Tôi không biết vì yêu nghề hay vì cái gì đó, khi đứng lớp dạy học, thầy là con người khác hẳn. Vẻ tĩnh lặng tư lự buồn phiền biến mất. Thay vào đó là sắc diện uy nghiêm sắc lạnh, giống như tượng thần canh giữ cổng đình, chùa, miếu mạo. Thầy khắt khe bắt lỗi bọn nhóc chúng tôi từng li, từng tí. Mỗi lần bắt lỗi, thầy đều “hừm” một tiếng, gõ thước kẻ xuống bàn, lạnh lùng hỏi: “Phải làm sao cho nhớ đây?”. “Barem” hình phạt của thầy được viết to treo trên tường. Ngồi vẹo lưng: phạt một thước vào vai. Vở bẩn lem mực: một thước vào tay phải. Không thuộc bài: hai thước trái phải vào mông. Bọn nhóc không dám lười học vì sợ thầy. Viết chữ cẩn thận, làm tính cho nhanh, cho đúng cũng vì sợ thầy.

Cũng lạ, sợ vẫn sợ nhưng chúng tôi học rất hào hứng. Thầy kích thích tinh thần thi đua trong bọn nhóc. Trước khi vào học, bao giờ thầy cũng gióng giả huấn thị: “Các trò phải cố gắng học để trở thành người tốt. Muốn làm người tốt phải làm việc tốt. Muốn làm việc tốt phải biết viết, tính toán đúng và nhanh. Nhanh mà không đúng là hỏng. Đúng mà không nhanh cũng hỏng nốt. Các trò phải nhớ kỹ lời thầy: “Đúng và nhanh”. Chúng tôi phải tập trung cao độ và rất phấn chấn viết chính tả, làm tính đố cho đúng và nhanh. Tốc độ đọc chính tả của thầy tháng sau bao giờ cũng nhanh hơn tháng trước. Các phép tính cộng trừ nhân chia cũng lần lần tăng lên. Đúng và nhanh thầy chỉ khen mỗi câu: “Được!”. Không đúng hoặc không theo kịp mọi người trong lớp, thầy cũng chỉ nói một câu: “Không được!”. Lời phán xử “Không được!” của thầy còn đau hơn hình phạt bị đánh đòn.

Bao năm qua đi, bài học “Đúng và nhanh” của thầy đã theo tôi trên mọi nẻo đường. Thầy đã khai sáng, mở lối cho chúng tôi. Sống, chết cũng từ “đúng và nhanh”. Thành công cũng từ “đúng và nhanh”. Tuy nhiên, bài học về việc làm người do thầy dạy vẫn là bài học thấm thía nhất, sâu đậm nhất.

Một ngày nọ, đứa con trai của ông chủ trường không hiểu sao lại “đái dầm” trong lớp. Thằng nhóc láu cá này cố tình làm đổ chai nước lên quần để phi tang vụ việc. Thầy phát hiện ra, kéo tai nó đứng lên, “hừm” một tiếng, rồi nói: “Trò tinh ranh quỷ quái lắm. Có khôn nhưng chưa có ngoan. Tại sao trò không xin phép ra ngoài. Ta đâu có cấm. Mà nếu như đã lỡ đái rồi, cứ thành thực báo lại, ta đâu có trách phạt. Ta phạt trò hai thước về tội che giấu hèn nhát. Hèn nhát vốn đã có mùi, che giấu hèn nhát càng nặng mùi hơn, rõ chưa!”. Giọng thầy không cao, không thấp. Không nhỏ, không to. Người nghe thấy như tiếng nói của thầy cho riêng mình. Tiếng của thầy không cho mọi người, dành cho riêng từng người.

Cuộc đời của thầy là một bi kịch mang màu sắc cổ điển Á Đông. Một chuỗi dài đau khổ, dằn vặt. Thầy là một cậu ấm sinh ra trong nhà giàu nhưng đơn độc. Nhà chỉ có một mình thầy. Hai lần lấy vợ đều đổ vỡ. Lần thứ nhất, hai năm vợ không sinh con bị mẹ thầy đuổi đi. Lần thứ hai vợ sinh con trai nhưng lại ngoại tình với một tay buôn chuyến. Trước khi giải phóng Hà Nội, vợ thầy đem con cùng gã buôn chuyến trốn vào Nam. Mẹ thầy lên cơn huyết áp cao, chết không kịp đưa tới bệnh viện. Lúc ấy, thầy vẫn như một đứa trẻ to xác, không nghề nghiệp. Nửa năm trời, thầy như người mất hồn. Suốt ngày đi lang thang trên phố tìm con. Hai lần bị xe đụng, một lần tự rơi xuống sông Hồng. Lần nào thầy cũng được trẻ em cứu chữa đưa về.

“Đó là số phận. Tôi phải sống để nuôi dạy trẻ em!”. Thầy nói vậy và xin chính quyền làm nghề dạy học. Lúc bấy giờ, người có bằng Díp nôm trường Pháp như thầy không có nhiều. Nhưng do thầy chưa qua lớp sư phạm và cái chính là lý lịch (vợ con đi Nam) nên các trường công lập không nhận thầy. Thầy phải dạy ở trường tư. Khi tôi vào học, thầy dạy được một năm.

Năm 1960, tôi từ biệt thầy về quê. Cũng trong năm đó, các trường tư thục không còn nữa. Những tưởng sẽ không bao giờ gặp lại thầy. Nhưng dường như có duyên nợ với thầy. Khi biết chuyện thầy phải trả tiền học phí cho tôi suốt một năm học, cha tôi dẫn tôi đến nhà thầy để trả tiền và tạ ơn. Thầy kiên quyết không nhận tiền, nhỏ nhẹ khoan thai nói với tôi: “Thầy sống một mình, buồn lắm, có dịp lên Hà Nội em đến thăm thầy là được rồi!”.

Có lẽ trong cõi nhân gian này, hiếm có người nặng lòng với học sinh như thầy. Không được đứng lớp dạy học, thầy có thể làm công chức hay những công việc khác ở ngành văn hóa thông tin, nhưng thầy năn nỉ xin làm lao công ở trường cấp 1.

Không một lao công, tạp dịch nào mẫn cán và say mê với công việc như thầy. Không một người nào yêu quý học sinh như thầy. Gặp đứa trẻ mặc áo rách, thầy giữ lại khâu vá áo cho nó. Đứa nào thiếu áo ấm, sách giáo khoa, thầy về bán đồ đạc ở nhà lấy tiền mua cho chúng. Đứa nào dép hư thầy sửa giùm. Thầy lấy các tập vở cũ, ngâm nước gạo cho mực viết nhạt đi để cho những học sinh nhà nghèo thiếu tập vở. Đứa nào học yếu thầy dạy kèm. Cách dạy của thầy rất hiệu quả. Có đứa từ kém nhất lớp, sau ba tháng thành giỏi nhất lớp. Thầy luôn đeo bên mình hòm thuốc gia đình. Trẻ nào bị ngã, đau bụng hay trúng gió đều được thầy chăm sóc tận tình...

Tôi biết về thầy cũng chỉ đến vậy. Năm 1970, trong kỳ nghỉ phép 5 ngày trước khi đi B, tôi đến thăm thầy. Ở tuổi 50 nhưng thầy già và hom hem như người 70. Nhà thầy trống rỗng. Sập gụ, tủ chè, bàn khảm xà cừ, tủ gương, giường tây... lớp thì bán, lớp thì cho không còn nữa. Tài sản của thầy lúc đó chỉ còn ngôi nhà 1 trệt 1 lầu, chiếc tủ thờ, chiếc giường cá nhân và chiếc radio chạy pin to như thùng cắt tóc. Thầy buồn rầu nói: “Có ở nhà đâu. Thầy vẫn giữ trường chờ học sinh sơ tán trở về”. Ít khi thầy nấu cơm ăn. Ngày nào cũng ăn mì luộc. Mỗi ngày hai nắm, ăn với canh rau do thầy trồng ở trường.

Tôi tặng thầy chiếc áo ấm, đôi giày cao cổ Trung Quốc. Thầy tặng tôi cuốn truyện “Những vì sao” của Anphôngxơ Đôđê, bảo: “Cuốn sách này giúp em khám phá thế giới và khám phá chính mình. Làm người anh hùng đã khó, làm người nhân hậu còn khó hơn. Thầy chỉ mong em làm người nhân hậu”.

Tôi muốn ngủ lại trong nhà thầy một đêm. Thầy nói: - Thầy phải đến trường. Quen rồi, chỗ lạ không ngủ được.

Hỏi trên thế gian này, còn nỗi buồn nào sâu nặng hơn nỗi buồn nhà của mình là nơi xa lạ. Nước mắt tôi ứa ra. Tự nhiên thế. Thầy cười bảo: - Con trai thầy bằng tuổi em. Nếu cơ duyên đưa đẩy em gặp nó, hãy nói với nó cuộc sống chỉ có ý nghĩa nếu có ích cho người khác. Sống vô ích thì chẳng nên sống làm gì...

Tôi không ngờ, đấy là lần cuối cùng tôi gặp thầy. Năm 1972, trong trận bom B52 của Mỹ rải thảm, ngôi trường bị phá nát, vùi thầy trong gạch vụn. Thầy chết, trong tay vẫn nắm chặt chiếc bánh mì luộc đang ăn dở. Nghe nói, đưa tiễn thầy tới nghĩa trang có rất đông trẻ em đi theo quan tài khóc lóc thảm thiết.

Sau ngày 30-4-1975, đất nước hòa bình, thống nhất, Hội phụ huynh học sinh và hàng xóm trong khu phố làm đơn đề nghị Phòng giáo dục đưa thầy vào danh sách thầy cô giáo đã hy sinh trong chiến tranh. Không đợi ngành giáo dục trả lời: Khi cải táng làm “nhà mới”, mọi người khắc bia mộ, ghi danh “thầy giáo” cho thầy.

Đã có rất nhiều người tìm kiếm tung tích vợ, con thầy. Nhiều năm trôi qua vẫn không thấy dấu vết gì. Dường như họ đã biến mất khỏi trần gian khi rời khỏi Hà Nội năm ấy...

Trần Văn Tuấn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu