A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góc phố người dưng

Nửa đêm khó ngủ, vì cúp điện nóng bức, vì lo sóng gió trong lòng Tuấn, tôi trở dậy thấy phần ăn tối của anh vẫn còn nguyên trên bàn. Chưa kịp thở dài, tôi đã ghe bước chân lẹt xẹt sau lưng. Tuấn đang cầm cây đàn ghi-ta thân thuộc, vẫn cái hất hàm kiểu đàn anh, vẫn giọng khàn khàn cũ kỹ.

Từ khi cô gái ấy dọn đến căn hộ đối diện thì không khí trong căn hộ chúng tôi cũng thay đổi. Sự thay đổi không phải đến từ phía tôi, mà thay đổi nhờ phẩm chất lãng mạn tiềm ẩn của gã đàn ông cư ngụ cùng tôi, bỗng dưng thức dậy. Biết giới thiệu thế nào về Tuấn nhỉ? Tôi gặp Tuấn khoảng 12 năm trước, ngày ấy tôi là một cậu sinh viên báo chí, còn Tuấn là một nhân viên bán hàng, chúng tôi cùng trọ tại một địa chỉ nằm bên cạnh Cầu Sơn và quen biết nhau. Thời gian cứ bằng bẵng, thoáng cái mọi thứ đã trôi vèo. Mỗi người đều tất bật làm lụng nên ít liên lạc. Cách đây một năm, tôi đến mua trả góp căn hộ ở chung cư này, dọn vào sống chưa được mấy ngày thì cố nhân giáp mặt. Anh cũng có một căn hộ trong chung cư này hơn ba năm trước. Chỉ vừa hỏi thăm lớt phớt mấy câu, dù hơn kém cả chục tuổi, nhưng vẫn xưng ông xưng tui như thuở nào, Tuấn đề nghị bằng sắc thái nhuốm màu mệnh lệnh: “Tui với ông đều độc thân, ở riêng rất phí. Ông qua ở với tui. Căn hộ của ông cho thuê, lấy tiền để dành phòng thân. Cái nghề viết lách của ông mưa nắng lắm, có lúc cao hứng chữ nghĩa tuôn ào ào, có lúc chẳng đẻ được một chữ thì lấy gì mà ăn!”. Vậy là tôi trở thành khách trọ không phải mất trả bất kỳ loại chi phí nào trong căn hộ do Tuấn đứng tên chủ sở hữu!
Thời xóm trọ Cầu Sơn, Tuấn cưu mang tôi như thế nào thì bây giờ cũng đối đãi như thế ấy. Tôi nhận thấy ở anh một tấm lòng rộng rãi và một tính cách nghệ sĩ. Thế nhưng, có lẽ vì anh nghèo và không được bảnh trai nên chưa bao giờ tôi thấy anh cặp bồ với ai. Mười năm trước tôi đã xưng tôn anh là “người lãng mạn cuối cùng của thế kỷ” khi chứng kiến anh tán tỉnh một cô gái. Do mấy người bạn sinh viên Đà Lạt muốn có thêm thu nhập trang trải học hành, nên nhân dịp 8-3 chở hoa xuống Sài Gòn bán lẻ. Cuối ngày, hoa còn cả mớ. Nhìn vẻ mặt đám bạn hắt hiu, tôi ngỏ lời nhờ Tuấn giúp. Tuấn bảo: “Còn bao nhiêu bó lại hết, tui mua. Nhưng ông phải làm tài xế chở tui đi tặng hoa cho nàng!”. Tuấn ôm hơn hai chục bông hồng, ngồi sau xe cười tủm tỉm. Trớ trêu thay, cô tiếp viên mà Tuấn đang si mê có thèm nhận hoa đâu, cứ bỏ mặc anh đứng lơ ngơ ngoài đường. Vướng tình trạng bẽ bàng, tôi nì nằm kéo tay, Tuấn vẫn không chịu về. Anh cứ ôm bó hoa và ngước mắt nhìn lên ánh đèn hắt ra từ cửa sổ phòng cô tiếp viên, cho đến khi có một gã đàn ông chễm chệ bước vào nhà và ánh đèn tắt hẳn!

Khi đã dọn qua ở ké căn hộ của Tuấn, có lần tôi thăm dò tại sao bao nhiêu ngày tháng qua anh vẫn chưa lấy vợ. Giọng anh tếu táo: “Ông biết không, tui yêu cô nào thì ít lâu sau cô ấy lên xe hoa. Chỉ tiếc chú rể không phải là tui!”. Tôi bật ra cười: “Thế thì ông mở công ty môi giới hôn nhân cho những phụ nữ lỡ làng. Cứ cô nào sắp ế thì ông chịu khó yêu cô ấy. Bảo đảm công ty sẽ đông khách!”. Nói rồi mới biết đùa quá trớn, nhìn cái ánh mắt cụp xuống của Tuấn, từ đó tôi không nhắc chuyện yêu đương nữa!

Đến khi cô gái ấy xuất hiện ở căn hộ đối diện thì Tuấn chủ động kể cho tôi nghe về những thứ liên quan đến rung động của trái tim anh. Người đàn ông ngoài bốn mươi tuổi tên Tuấn, là chủ một đại lý nước uống tinh khiết, là bạn của tôi đồng thời là chủ căn hộ tôi đang cư ngụ, kêu như rú vào tai tôi: “Ông biết không, tui yêu cô ấy vì đôi mắt to tròn, đôi mắt mỗi lần khẽ chớp thì như ẩn chứa bao nhiêu diệu kỳ!”. Tôi hỏi đã tìm hiểu chưa, cô ấy tên gì và làm gì? Tuấn khoác tay: “Anh hùng không hỏi xuất xứ, mỹ nhân không hỏi nghề nghiệp. Không nên điều tra người trong mộng như công an lấy khẩu cung!”. Thương bạn, tôi cảnh giác: “Tui để ý thấy cô ấy có ông bố nuôi đấy. Bố nuôi gì mỗi lần tới là lập tức đóng cửa kín mít!”. Tuấn tỏ vẻ nghiêm trang: “Ông cầm bút mà ý nghĩ tiêu cực quá. Bố nuôi với con nuôi cũng có những điều riêng tư chứ!”. Tôi chịu, không tranh luận thêm!

Cô gái căn hộ đối diện khiến tôi mỗi ngày phải chứng kiến hình ảnh hiếm thấy ở xã hội công nghiệp hóa. Buổi sáng trước khi đi làm, Tuấn giơ hai tay lên trời: “Ôi thành phố trong mắt em bạt ngàn mây trắng!”. Buổi tối trước khi đi ngủ, Tuấn lại giơ hai tay lên trời: “Ôi, vũ trụ trong mắt em muôn trùng tinh tú!”. Chưa hết, một hôm hình như cũng có nắng vàng đẹp đẽ, Tuấn chìa ra cho tôi một sản phẩm bất ngờ: “Ông xem giùm tui, chỗ nào lời ca chưa ổn thì chỉnh sửa giùm tui!”. Tôi cầm bản nhạc “Phiêu lãng tình hồng” thấy anh ký tên là tác giả và còn ghi nắn nót “tặng cô hàng xóm”. Tôi đọc lời ca, nửa giống Trịnh Công Sơn nửa giống Đoàn Chuẩn, nhưng không dám nói thật, sợ anh buồn. Tôi chỉ hỏi chừng nào hát cho người ta nghe? Tuấn cười khì khì: “Tui nhờ môn đệ Khang gửi giùm!”. Tôi lắc đầu và cam đoan với Tuấn, nếu tôi kể mối tình bây giờ của anh cho ai đó nghe, giữa những năm kinh tế thị trường sôi động này, có lẽ không có người nào chịu tin. Tuấn vẫn cười khì khì: “Mặc kệ! Chỉ có hai người yêu nhau mới nhận ra luồng xúc cảm rần rật trong mắt nhau!”. Tôi nghĩ, tôi và Tuấn phải đổi chỗ cho nhau, tôi ra ngồi ghế ông chủ đại lý nước uống tinh khiết tính toán thu chi, còn Tuấn đi làm phóng viên chuyên viết về nghệ sĩ trẻ hay ngôi sao mới, thì có lẽ cuộc đối thoại của chúng tôi sẽ dễ chấp nhận hơn!

Dù thâm tâm chẳng mấy thiện cảm với cô gái căn hộ đối diện và cũng tức cười kiểu biểu lộ sên sến “ôi mắt em… ôi mắt em…” của Tuấn, nhưng tôi vẫn thầm mong mối tình phía anh đang nhen nhóm sẽ có kết cục trọn vẹn, bởi anh là một người tốt. Tôi không thể nào phủ nhận Tuấn là một người tốt hiếm hoi mà tôi đã gặp trong suốt những năm xuôi ngược Sài Gòn mưu sinh. Mỗi lần nhắc lại nhiều nghĩa cử hào hiệp của Tuấn với bạn bè, kìm nén thế nào thì tôi vẫn rưng rưng. Ngay cả với cậu Khang cũng vậy. Tuấn gặp Khang tại một hội hè gì đấy, thấy Khang mê ghi-ta mà hoàn cảnh gieo neo, nên chủ nhật thường gọi đến nhà để dạy Khang chơi đàn. Tuấn không gọi Khang là học trò, mà gọi là môn đệ. Không chỉ truyền ngón nghề đánh ghi-ta cổ điển, thỉnh thoảng Tuấn còn dúi cho môn đệ Khang ít tiền tiêu vặt.

Cuối tuần, mấy ông điện lực vẫn cắt điện khu chung cư. Chọn thời điểm sập tối mà cắt điện mới khổ chứ! Tôi rủ Tuấn ra phố kiếm cái gì lót bụng. Tuấn hào hứng: “Được đấy, sẵn dịp ông mách giùm tui nhà hàng nào lịch sự, để mai mốt tui rủ cô hàng xóm đi ăn bữa cơm tình nhân!”. Cúp điện, thang máy trở thành cái lồng sắt bất di bất dịch, đành cuốc bộ cầu thang. Tôi mở điện thoại di động để có chút ánh sáng dẫn lối, vô tình hắt trúng hai người đang quấn quýt ở một góc khuất. Tôi vội vàng xin lỗi, một giọng nói quen quen: “Vô tư đi!”. Ai như cậu Khang đấy nhỉ? Đúng là cậu Khang. Ánh sáng lờ nhờ cũng đủ giúp tôi nhận ra thiếu nữ đang đứng trong vòng tay ôm của cậu Khang chính là cô gái căn hộ đối diện, đôi mắt to tròn ấy làm sao nhầm lẫn được. Và ánh sáng lờ nhờ cũng giúp tôi nhận ra Tuấn thoáng lúng túng rồi quay đầu bước ngược hướng cầu thang với đôi chân cuống cuồng như trốn chạy. Lách tách mở khóa nhà, Tuấn vào phòng riêng, đóng chặt cửa. Tôi biết, có gọi thật to, có gõ cành cạnh thì anh cũng không mở. Tôi đi ăn tối một mình và mua thêm một phần mang về!

Nửa đêm khó ngủ, vì cúp điện nóng bức, vì lo sóng gió trong lòng Tuấn, tôi trở dậy thấy phần ăn tối của anh vẫn còn nguyên trên bàn. Chưa kịp thở dài, tôi đã ghe bước chân lẹt xẹt sau lưng. Tuấn đang cầm cây đàn ghi-ta thân thuộc, vẫn cái hất hàm kiểu đàn anh, vẫn giọng khàn khàn cũ kỹ.

– Ông có rảnh rỗi không?

– Khuya khoắt không rảnh rỗi thì biết làm gì?

– Mời ông nghe tui hát một bài…

– Bài gì?

– Bài hát tui mới sáng tác có tên gọi “Dang dở với định mệnh”!

Lê Thiếu Nhơn/SGGP

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu