A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ bàn ghế của ông tôi

Đó chỉ là một chiếc bàn và một chiếc ghế đóng bằng gỗ mít. Khi tôi lớn lên - bấy giờ nhà tôi còn ở quê - đã thấy chiếc ghế ấy kê ở bên cửa sổ phía cuối giường ông tôi nằm.

 Trên bàn hầu như không bày một thứ gì, trừ chiếc ấm đất nung màu da lươn và bốn chiếc chén mắt trâu, họa hoằn có khách tâm đầu ý hợp mới thấy ông dùng. Hồi còn nhỏ ông tôi thế nào không biết, nhưng từ khi tôi lớn lên rất ít thấy ông ngồi vào chiếc ghế bên bàn kê cạnh cửa sổ nhìn ra vườn. Bộ bàn ghế ấy được dành hẳn cho ba chị em tôi, hết đứa lớn rồi đứa bé thay nhau ngồi học. Nghe đâu hồi bố và cô tôi còn nhỏ, họ cũng được ông tôi, bấy giờ tai còn thính, mắt còn tinh kèm học đánh vần, viết chữ trên cái bàn ghế ấy.

 Rồi cả nhà tôi chuyển từ quê vào thành phố, chả là bố tôi được cơ quan hóa giá cho gian nhà cấp bốn, nguyên là nhà tập thể của những người hộ A1. Bố gọi hai vợ chồng cô tôi ở xóm trong ra, bảo:

 - Cho cô chú bộ bàn ghế đấy, khênh về cho cháu nó ngồi học.

 Gần cả đời ở với bố chồng, mẹ hiểu ông tôi hơn cả bố, vội ngăn:

 - Anh không được làm thế! Phải hỏi ông đã.

 Dường như biết mình làm thế là lộng quyền, bố tôi vừa định quay vào thì ông tôi đã ở trong nhà đi ra:

 - Nhà ở ngoài đó chẳng lẽ lại chật đến nỗi không còn chỗ kê cái bàn cho trẻ học ư anh?

Là người nhanh hiểu, nhưng đơn giản, thậm chí thiếu cân nhắc, ít ra là trong trường hợp này, nên bố tôi vội nói:

 - Ôi dào, ngoài phố thiếu gì mà phải mang cái bàn ghế cũ ở quê ra ngoài cho chật xe!

 Ông tôi bỗng sa sầm nét mặt, lẳng lặng quay vào trong nhà, bỏ lại đằng sau tiếng thở dài. Mẹ tôi có lẽ vẫn là người hiểu ông tôi hơn bất cứ ai ở cái nhà này, vội quay sang dịu dàng nói với cô chú, và như với cả bố tôi nữa:

 - Anh chị không tiếc cô chú cái bàn ghế cũ. Nhưng đấy là thứ đã gắn bó với ông gần cả đời người. Ðể anh chị mang ra ngoài ấy cho hợp ý nguyện của ông.

 Dĩ nhiên là cô chú tôi vui vẻ nghe lời. Bởi ít nhiều thì cô và cả bố tôi nữa đều biết bộ bàn ghế kia không chỉ là loại gỗ tốt bây giờ ít thấy, mà còn là một phần đời của ông tôi hiện hữu ở đó. Chỉ có tôi, một cậu bé lớn lên hầu như đã có tất cả những thứ tối thiểu cần cho cuộc sống là không biết tý gì về chiếc bàn ghế mà mình tối tối vẫn ngồi học bài, nếu không có lần nhà tôi chuyển từ quê ra phố.

 Ông tôi là bộ đội chống thực dân Pháp, phục viên về quê giữa lúc đang có phong trào toàn dân xóa nạn mù chữ. Ông tôi nhận dạy một lớp bình dân học vụ cho những người phần đông ở lứa tuổi trung niên mà vào thời ấy, những người tham gia xóa nạn mù chữ đều được gọi bằng cụm từ rất vinh quang "Chiến sĩ diệt dốt". Theo lời ông tôi kể thì trước đó ông tôi chỉ đi cày thuê cuốc mướn, có biết đến quyển vở, cây bút là thế nào. Nhưng bảy năm ở bộ đội chủ lực, ông tôi học được khá nhiều chữ. Không những đọc thông viết thạo, cộng trừ nhân chia ngược xuôi trôi chảy mà chữ ông còn rất đẹp, đến nỗi bố tôi sau này thừa hưởng được hoa tay của ông cũng có nét chữ giống thế. Chỉ có tôi bây giờ lắm giấy vở, nhiều kiểu bút, lại học như ma đuổi là không còn viết được chữ đẹp như ông và bố tôi nữa. Nhưng tôi đang nói về ông tôi.

 Dường như ông tôi dạy học bằng nhiệt tình và sự cuốn hút của phong trào nhiều hơn là kiến thức sách vở. Những gần bốn mươi học viên, toàn là những người đáng tuổi anh chị thậm chí có người còn ở bậc cha chú nữa, trưa nào cũng sau bữa cơm nghe ba hồi kẻng là kéo nhau ra cái nhà họ ở giữa xóm, hạ cánh cửa xuống ghếch một đầu lên bậc cửa một đầu kê mấy hòn gạch, ngồi học. Có người phải ngồi xổm, ngồi bệt, nhưng dù sao vẫn là chỗ ngồi. Nhưng thầy giáo thì cả buổi chỉ có đứng, lúc mỏi chân quá thì ngồi ghé xuống bậc cửa từ đường chứ không có bàn ghế gì cả. Cứ thế ông tôi dạy bình dân học vụ được gần một năm, học viên đã thuộc mặt chữ cái, ghép được vần và nhiều người đã viết được những bài chính tả ngắn. Bỗng chẳng biết ai đó trong lớp, ngầm quyên góp học viên rồi đặt thợ mộc làng bên đóng một chiếc bàn và một chiếc ghế cho thầy giáo. Buổi ấy đến lớp nhìn chiếc bàn ghế kê gần tấm cánh cửa dựng lên làm bảng viết, ông tôi xúc động rơm rớm nước mắt. Ông không bao giờ nghĩ mình lại có lúc được ngồi trên chiếc ghế trước cái bàn xinh đẹp, ra dáng một thầy đồ thế này. Cụ kỵ nhà tôi, đến đời ông tôi chưa có ai biết một chữ bẻ đôi. Ông tôi nếu không có cách mạng, rồi kháng chiến chín năm chắc không thể nào biết nổi một chữ, chứ đừng nói đọc thông viết thạo rồi lại làm thầy giáo dạy lại cái chữ cho người làng như bây giờ. Bởi vậy niềm xúc động của ông tôi khi được ngồi vào cái bàn ghế ấy dạy học cho những người cùng trang lứa ngay ở làng quê mình, thật không thể nói hết được. Chỉ biết rằng ông tôi đã ngồi trên chiếc bàn ghế đó suốt những năm dạy bình dân học vụ. Ðến khi làng tôi được công nhận hoàn thành xóa nạn mù chữ thì chính những học viên của ông đã khênh chiếc bàn ghế ấy về nhà tôi biếu ông làm kỷ niệm. Từ ấy chiếc bàn ghế đóng bằng gỗ mít, không một nước sơn mà vẫn nổi màu vàng xộm rõ từng đường gân thớ gỗ, được kê bên cửa sổ ngay cuối giường ông tôi nằm, nhìn thẳng ra vườn cây um tùm bóng mát.

 Nhà tôi ở phố có hai gian, tiếng là chật hơn ở quê nhưng so với nhiều gia đình tập thể vẫn là rộng. Bộ bàn ghế của ông tôi vẫn được kê vào phía cuối giường ông tôi nằm, chỉ khác là không có cửa sổ nhìn ra vườn. Nhưng, vẫn như ở quê, mỗi khi có người tâm đầu ý hợp đến nhà, ông mời khách ngồi trên ghế, còn ông tôi ngồi giường. Không bao giờ ông tiếp người ở quê ra, hay bạn đồng niên trong khu tập thể đến chơi ở bộ bàn ghế salon đệm mút mà bố tôi mua mất gần bốn triệu đồng. Bố tôi không ít lần khó chịu về việc ông tôi cứ tiếp khách ở cái bàn ghế cũ kỹ kê ở góc nhà, rất không lịch sự dưới con mắt của người phố phường. Nhưng không thể nói gì hơn ngoài một câu: "Lần sau ông mời khách ra ghế salon ngồi cho đàng hoàng nhá". Ông tôi không nói gì, dường như sự nín nhịn ở ông không chỉ để cho riêng ông được thảnh thơi hay sao ấy. Ông không bao giờ tiếng bấc tiếng chì với bố mẹ và chị em tôi. Ngay cả cái lần tôi tưởng ông sẽ chửi mắng bố tôi thậm tệ, nhưng cũng không.

 Ấy là hôm gần ngày cưới vợ cho tôi. Bố đi làm về sau xe có buộc cái búa bổ củi. Mẹ tôi nhìn thấy liền cười:

 - Bố thằng Hồng hôm nay mượn búa về bổ củi thế này, khéo trời  bão.

 Bố tôi cởi chiếc búa khỏi sau xe vất bịch xuống vệ cửa:

 - Thì thỉnh thoảng cũng trở trời cho mát mẻ.

 Mẹ tôi đoán ra việc làm của bố tôi, nhưng chưa tiện nói thẳng:

 - Liệu có mát, hay lại oi nồng gay gắt đây?

 Bố tôi là người không bao giờ giữ kín cái gì lâu trong lòng, nên trong cách cư xử có phần thiếư tế nhị, ít ra là trong lần này. Bố tôi bảo:

 - Gay gắt cái nỗi gì. Không dùng đến thì phá ra làm củi. Cái bộ bàn ghế từ đời tám hoánh, để chỉ chật nhà!

 Thì ra bố tôi định phá bộ bàn ghế ra làm củi. Sao lại thế! Chẳng lẽ cuộc sống thị thành với những tiện nghi choáng lộn tủ đứng, tủ gương, salon, đệm mút kia đã thay thế tất tần tật giường bàn quê kiểng một thời rồi hay sao? Tôi còn ít tuổi, chưa nghĩ được điều gì sâu xa, nhưng nghe bố tôi nói vậy, cứ thấy tiêng tiếc. Chính bộ bàn ghế ấy đã cho tôi chỗ ngồi, điểm tỳ chai sạn cả hai khuỷ tay, trong những năm tôi tập đánh vần, học các phép tính, đến khi biết lập các phương trình với những ẩn số phức tạp. Và theo tôi biết, không chỉ tôi là cậu ấm nối dõi tông đường mà cả bố tôi, cô tôi rồi chị và em gái tôi nữa đều ít nhiều đã ngồi trên ghế kia, tỳ tay xuống chiếc bàn kia mà học hành nên người. Tôi là đứa con không mấy khi làm trái ý cha mẹ nhưng lần này cũng phải lên tiếng:

 - Bố ạ! Ðúng là con cưới vợ thì phải có thêm một cái giường, nhưng có nhất thiết phải phá bộ bàn ghế của ông không?

 - Không thì vợ chồng anh nằm đâu? Trên gác đã mẹ với em. Gian ngoài là chiếc giường một của bố, lại thêm bộ salon với xe pháo chật cả lối ra vào. Còn mỗi gian trong, không bỏ bộ bàn ghế cũ ấy đi sao kê nổi cái giường?

 Khi bố tôi nói câu ấy, ông tôi đang ngồi ở chiếc giường một gian ngoài vội đứng dậy đi vào gian trong, rất giống cái lần bố tôi bảo cho vợ chồng cô tôi bộ bàn ghế của ông. Nhưng tôi đã nghe tiếng mẹ:

 - Em tính thế này có được không? Tạm thời cứ đưa bộ bàn ghế lên gác lửng kê sát tường, chỗ hai mẹ con em nằm. Sách vở của mấy bố con đang vất ngổn ngang gầm giường, nóc tủ thì thu gom lại xếp cả lên bàn vừa gọn gàng vừa đỡ mối mọt lại giữ được bộ bàn ghế của ông. Em nghĩ, giữ lại được cái gì của ông sau này cũng đỡ ân hận anh ạ!

 Hôm sau mấy chú đến giúp dọn nhà, chuẩn bị cho ngày tôi cưới vợ. Bộ bàn ghế được đưa lên một góc gác lửng, ghế chồng lên bàn. Tuy không kê cạnh giường ông tôi như những năm qua, nhưng vẫn ở trong căn nhà tôi như bao thứ vật dụng quý hiếm của mọi người trong nhà. Từ khi để bộ bàn ghế trên gác, ông tôi hay leo cầu thang lên gác lửng, khi quét trần, lúc lau nền nhà, xếp các thứ đồ dùng vặt vãnh vào một chỗ. Nhưng tôi biết, ông lên gác không phải vì những việc đó, mà để được nhìn thấy bộ bàn ghế của ông. Một lần tôi có việc lên gác, thấy ông đang bần thần ngồi ôm chiếc chân bàn...

 Tôi cưới vợ chưa được ba tháng thì ông tôi mất, sau một cơn nhồi máu cơ tim. Lúc bàn việc tang lễ cho ông tôi, có một việc ngỡ đơn giản lại thành mối lo, ấy là việc bày bàn thờ để mọi người đến phúng viếng. Ở phố không thiếu gì bàn ghế, nhưng toàn là loại bàn dài hai ba mét, rộng không tới sáu mươi phân, nếu đưa vào trong nhà làm bàn thờ đặt trước linh cữu ông tôi thì chật hết cả nhà, không còn chỗ đi lại. Bố tôi cho người đi mấy hiệu đồ gỗ lùng mua một chiếc bàn cao và chắc để làm bàn thờ, nhưng không lùng được chiếc nào có thể gọi là bàn thờ theo đúng nghĩa. Chẳng lẽ lại đến cơ quan mượn bàn làm việc về làm bàn thờ, mà bây giờ có mấy cơ quan còn dùng bàn gỗ. Bố tôi lo quá, liền giục mấy chú khênh chiếc tủ búp-phê của nhà tôi cho quay ngang làm bàn thờ vậy. Nhưng tủ búp phê cũng không ngắn hơn là bao so với mấy chiếc bàn mới đi thuê về. Ở phố có đủ mọi thứ, nhưng có mỗi thứ mà đời người ai cũng phải có một lần thì lại chẳng mấy ai để tâm lo liệu trước: bàn thờ. Mẹ tôi vốn không thích ra ngoài phố, bà chán cái cảnh ra chạm cửa quay vào chạm giường, bây giờ có mỗi cái việc tưởng đơn giản với người nhà quê, lại hóa phức tạp với người thành phố, nên mẹ tôi sinh bẳn gắt:

 - Anh cứ bảo ngoài phố không thiếu thứ gì nữa đi. Bây giờ thì chỉ mỗi cái bàn thờ ông cho tử tế cũng không sao kiếm ra. Biết thế này cứ ở quê đâu đến nỗi, không những bàn thờ mà cả hương án, bài vị, lư đồng... đều có cả.

 Nghe mẹ nhắc tới quê, tôi sực nhớ ra bộ bàn ghế của ông tôi đang để trên gác lửng, liền buột miệng:

 - Hay đưa chiếc bàn trên gác xuống làm bàn thờ!

 Chỉ thiếu một chút thì bố tôi reo lên:

 - Có thế mà không nghĩ ra. Cái bàn ấy mà làm bàn thờ vong linh ông thì thật đẹp. Mấy đứa mau lên gác khênh xuống đây, nhớ mang cả các ghế nữa.

 Tôi cũng không ngờ, cái ý nghĩ vừa nảy ra ấy lại ý nghĩa đến thế. Bố tôi tự tay cầm giẻ ướt lau thật sạch mặt bàn, chân bàn, rồi ghế. Khi bốn người khênh chiếc bàn đặt trước linh cữu ông tôi, bố tôi đứng ngắm nghía mãi. Quả là cái bàn dài một mét tư, rộng chín mươi phân đặt làm bàn thờ vong linh ông tôi thật đúng kiểu bàn thờ, không rộng cũng không hẹp so với cái lòng nhà chỉ có ba mét hai của nhà tôi trong ngõ phố. Còn chiếc ghế được kê trên bàn, phủ tấm vải đen, đặt chiếc khung kính có lồng ảnh ông tôi để tựa vào thành ghế thật trang nghiêm, ai vào cũng nhìn thấy ông tôi như đang mỉm cười chào mọi người.

 Phía dưới bàn thờ trước linh cữu ông tôi, gia đình, họ hàng và khách gần xa đều cung kính khấn vái hương hồn ông, một người suốt đời lo trân trọng, giữ gìn từ những cái tưởng chừng như bình thường nhất, nhưng lại là một phần đời mình ở đó.

Cao Năm/ Theo Nhân Dân

 


 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu