A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng vọng

1

. Hương không tin vào mắt mình nữa, khi người trợ lý tổ chức dẫn cậu ấy lên “trình diện” chị. Cách đây hơn một tháng, trưởng phòng tổ chức báo cáo với chị rằng có một kỹ sư kinh tế mới ra trường, tốt nghiệp vào loại ưu, bằng C tiếng Anh và chứng chỉ vi tính. Chị hỏi thêm: “Gốc gác thế nào?”. Anh cán bộ tổ chức vui mừng trả lời: “Lý lịch thì khỏi phải bàn, con liệt sĩ, thành phần cơ bản”.

Đã lâu chị vẫn tin ở đề xuất của trưởng phòng tổ chức, một đồng đội cũ thời chiến tranh. Chị đồng ý ngay và sắp xếp thời gian để “nhìn mặt” người cán bộ tương lai thuộc quyền. Bây giờ cậu ấy đang đứng trước mặt chị. Dáng dong dỏng cao, tóc hớt ngắn, vầng trán rộng và đặc biệt đôi mắt, cái miệng thì không thể nào lẫn vào đâu được.

- Cháu chào cô ạ.
Chị bắt tay cậu kỹ sư trẻ. Đôi bàn tay nóng ấm làm sao. Nhìn vào mắt cậu ta, chị thoáng thấy bối rối:

- Cháu ngồi xuống đi!
Chị cố gắng trấn tĩnh lại, nhưng khi cầm ly trà đưa cho cậu ấy, bàn tay chị run run. Như nhận ra điều đó, cậu kỹ sư trẻ hỏi:

- Thưa cô, hôm nay, cô mệt phải không ạ? Vậy để bữa khác cháu lên trình cô cũng được.

Chị xua tay:
- Không sao? Đêm qua cô thức khuya để duyệt kế hoạch năm mới của công ty. Không sao đâu, cháu cứ ngồi đấy. Chị lấy từ trong ngăn bàn viên thuốc bỏ vào miệng và uống một hơi thật dài gần hết nửa ly nước lọc. Thấy khỏe ra, chị bình tĩnh hỏi:

- Cháu kể cho cô nghe đi, gia đình, công việc thế nào?

Cậu kỹ sư trẻ thấy thủ trưởng mới có vẻ thân tình, cởi mở, không ngần ngại kể cho chị nghe một mạch hoàn cảnh của mình. Cách đây 30 năm, bố cậu cũng tham gia chiến dịch Mậu Thân, giải phóng Sài Gòn. Ông bị thương được chuyển ra Bắc, sau đó trở lại miền Nam chiến đấu. Đất nước hoàn toàn thống nhất, bố cậu được cử đi học ở nước ngoài. Tốt nghiệp về nước, đúng lúc cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông được giao nhiệm vụ trung đoàn trưởng giúp bạn ở Campuchia và hy sinh trên đường rút quân về nước...

Dù đã xem kỹ bản hồ sơ xin việc của cậu kỹ sư trẻ, chị vẫn hỏi lại:
- Thế quê cháu ở đâu, bố cháu tên là gì?

- Thưa cô, quê cháu ở Nam Định, bố cháu tên là Cơ – Trần Ninh Cơ.

Chị bỗng thấy trái tim mình nhói lên. Điều dự cảm của chị ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên với cậu kỹ sư trẻ này có lẽ đã trở thành sự thật.

Hai cô cháu đang nói chuyện thì có khách. Chị hẹn sẽ giao việc cho cậu ta vào đầu giờ chiều.

2. Khi còn lại một mình trong căn phòng với tiếng máy điều hòa nhiệt độ nhè nhẹ chạy, chị mới có thời gian hồi tưởng lại những gì đã xảy ra cách đây vừa tròn 30 năm. Hồi ấy, chị là cô nữ sinh chưa đầy 20 tuổi của trường Gia Long nổi tiếng. Công việc học hành dường như cuốn hút hết thời gian, nhưng thỉnh thoảng chị vẫn dành được một tối đi hát với bạn bè. Hát cho đồng bào tôi nghe. Bây giờ, mỗi lần nghe lại cụm từ đó, trái tim chị cứ như bị rung lên bởi một nhịp đập mới lạ.

Quả thực, đi theo các bạn cho vui, cho có phong trào chứ lúc đầu chị đã có ý thức gì đâu. Hình ảnh người bộ đội giải phóng, đối với chị lúc ấy thật mờ nhạt. Nhưng rồi vào đúng Tết năm ấy, cả thành phố quê hương của chị sôi lên bởi tiếng súng, tiếng hò reo của Quân giải phóng, chị mới có dịp gặp trực tiếp người của “phía bên kia”. Và, như tiền định, anh chiến sĩ giải phóng quân có dáng người dỏng cao, tóc hớt ngắn, trán rộng, đôi mắt thật buồn và cái miệng mỗi khi cười như có sóng điện từ phát ra ấy đã làm trái tim chị rung lên nhịp lạ.

Chị nhớ lại, chiều hôm ấy, khi tiếng súng ngoài đường rộ lên chát chúa, chị len lén nhìn qua ô cửa. Bỗng nhiên chị thấy có tiếng gọi dồn dập:

- Có ai trong nhà không? Mở cửa, mở cửa!

Tiếng kêu thất thanh. Chị nghe rõ giọng đàn ông theo kiểu mấy người Bắc ở cùng khu phố. Chỉ còn lại một mình trong nhà, nên xử lý thế nào? Sáng nay khi chiến sự lan vào trung tâm thành phố, ba mẹ chị đã đưa cả gia đình sơ tán ra ngoại ô. Giữa trưa ngớt tiếng súng, chị ghé về nhà lấy ít đồ đạc sinh hoạt thì “dính” tại đây. Quân giải phóng lại mở một đợt tấn công mới.

- Có ai trong nhà, mở cửa giùm tôi.

Tiếng kêu thất thanh, có phần yếu dần. Chị chạy xuống gí sát người vào cánh cửa. Chị nghe rõ tiếng rên nho nhỏ của người đàn ông. Hình như anh ta bị thương nặng. Chị mông lung suy nghĩ, không biết có nên mở cửa không? Ông ta là ai, Việt cộng hay lính Cộng hòa? Tiếng súng cuối phố lại rộ lên, chị nghe rõ tiếng người hô: “Việt cộng, Việt cộng, bắt lấy nó”.

Chị lên tiếng:
- Ông là ai?

- Tôi là bộ đội giải phóng đây. Bà vui lòng mở cửa.

Không đành lòng được nữa, chị mở cửa. Người đàn ông mặc quân phục màu cỏ úa với chiếc nón tai bèo đẫm máu lết vào nhà. Chị vội cài cửa lại. Nhưng nghĩ đến vết máu, chị lại mở cửa ra, dùng khăn lau hết những giọt máu tươi còn đọng trên thềm.

Khi cánh cửa đã được gài chặt, chị mới có dịp nhìn kỹ người đàn ông. Anh có khuôn mặt chữ điền, đôi mắt sâu và hàm răng trắng đều. Đôi môi anh nhợt nhạt, máu trên đầu chảy xuống ướt sũng cả cổ áo.

- Anh bị thương nặng rồi. Để tôi băng vết thương lại cho.

Anh chiến sĩ giải phóng quân gần như đã kiệt sức. Anh nằm thiếp đi mặc cho chị chạy đi, chạy lại lấy cồn lau vết thương và băng bó cho anh. Khi việc sơ cứu đã xong xuôi, chị đặt anh nằm ngay ngắn trên bộ đi-văng trong phòng làm việc của ba. Chị đi ra phía ngoài nghe ngóng. Tiếng giày đinh của bọn lính nghe mỗi lúc một gần. Tim chị như thắt lại. Bây giờ tụi lính mà ập tới thì không biết sẽ ra sao?

- Nước, cho tôi uống nước.

Anh bộ độ giải phóng đã tỉnh. Chị chạy lại lấy chai nước lọc rót một ly thật đầy. Nhưng chị vội dừng lại. Có lần chị đã đọc ở đâu, người ta dạy rằng nếu bị thương mất máu nhiều mà cho uống nước là không tốt. Chị vội lấy chiếc ly uống trà của ba san nước sang.

- Anh. Anh uống ít thôi nhé!

Không biết chị đã thay đổi cách xưng hô tự lúc nào. Anh chiến sĩ dường như đã khỏe hơn, nhỏm người dậy, đỡ ly nước từ tay chị. Khi bàn tay của anh chạm vào tay chị, chị bỗng thấy như có một luồng điện cực mạnh chạy qua. Đôi môi anh nhợt nhạt, khô héo, nhưng anh cố gượng để có một nụ cười.

- Cám ơn. Cám ơn.

Lúc ấy trời đã bắt đầu tối. Mặc dù có chiến sự nhưng đèn đường vẫn bật sáng. Qua ô cửa, chị nhìn rõ khuôn mặt rất con trai của anh. Anh chiến sĩ ngồi dậy, ngơ ngác nhìn khắp lượt căn nhà. Anh cất tiếng hỏi:

- Ba mẹ em và gia đình đâu cả rồi?

Chị định bụng sẽ không trả lời câu hỏi ấy, nhưng rồi từ ánh mắt rất đỗi chân thành của anh, chị nói:

- Ba mẹ và gia đình em đi sơ tán cả rồi. Em về nhà lấy đồ, rồi cũng đi luôn bây giờ đây.

Chợt nhận ra điều gì đó, anh chiến sĩ nói:
- Cám ơn em đã cứu tôi. Thôi bây giờ tôi khỏe rồi. Tôi sẽ tự tìm đường về đơn vị. Em về khu sơ tán với ba mẹ em đi. Nói rồi anh gượng đứng dậy. Vừa đứng lên anh đã liêu xiêu chực ngã, người anh như một tàu lá xanh gặp lửa.

Chị vội đỡ anh dậy:
- Anh còn yếu lắm, không đi được đâu? Anh cứ ngồi đây để em ra ngoài coi mấy anh giải phóng có đi qua đây không.

Nghe hai tiếng giải phóng, anh chiến sĩ thấy lòng mình ấm lại. Anh nắm chặt tay cô gái:
- Nếu không tiện, em cứ cho tôi ra phố. Trời sắp tối rồi, tôi có thể tự tìm về đơn vị được.
Dù anh chiến sĩ nói vậy nhưng chị không nỡ bỏ mặc anh lúc này.

Một thoáng đắn đo, chị nói:
- Thôi được, đêm nay anh cứ ở lại đây. Em giao nhà cho anh đấy. Em về với ba mẹ, sớm mai em lên.

- Không được, em cứ đưa tôi ra phố, khóa cửa lại.
Anh vừa nói xong thì thấy người bị choáng, anh lại ngồi thụp xuống. Chị đến đỡ anh, làm chỗ dựa cho anh.

Đêm ấy, chị đã ở lại với người chiến sĩ giải phóng bởi tiếng súng lại tiếp tục nổ vang và tiếng xe xích sắt chạy như nghiến nát mặt đường. Biết ba mẹ lo lắng nhưng không còn cách nào khác. Khi anh chiến sĩ thiếp đi một lần nữa, chị lấy sữa pha cho anh.

Uống được ly sữa nóng, anh chiến sĩ mới tỉnh hẳn lại. Phố xá lúc ấy vắng tanh, đèn đường vẫn sáng nhưng các căn nhà tối om. Dưới ánh sáng của đèn đường, chị thấy nét mặt anh chiến sĩ có vẻ tươi tỉnh hơn. Anh đã đi lại được và bắt đầu cất tiếng nói chuyện với chị. Bây giờ chị mới nhận ra giọng anh thật trầm và ấm, mắt anh thật sâu, có lẽ một phần cũng do mất ngủ.

Lần đầu tiên chị ở bên cạnh một người đàn ông xa lạ ngay trong căn nhà của mình.

Đến bây giờ đã gần bước sang tuổi 50 chị vẫn không lý giải được tại sao ngày ấy mình tự tin đến thế. Công bằng mà nói, dù chiến sự diễn ra ác liệt, đêm ấy chị cũng có thể bỏ lại anh chiến sĩ giải phóng bị thương và đạp xe ra ngoại ô, nơi ba mẹ và các em của chị đang sơ tán. Nhưng không biết có sức mạnh nào đã níu kéo chị lại. Có phải khi nỗi sợ hãi qua đi là sự tò mò về một người lính “phía bên kia” mà chị chỉ nghe đồn chứ chưa bao giờ giáp mặt...

Đêm ấy chị và anh chiến sĩ giải phóng đã thức trắng đêm. Chị kể cho anh nghe về cuộc sống của bà con dân phố, còn anh thì kể cho chị về quê hương Nam Định của anh. Quê anh có dòng sông đẹp lắm. Dòng sông ấy không biết bắt nguồn từ đâu, nhưng lúc nào cũng chở nặng phù sa bồi đắp cho những cánh đồng thêm màu mỡ. Bố mẹ anh đã đến với nhau bên dòng sông ấy và lấy tên dòng sông để đặt cho người con trai đầu lòng của mình. Bằng giọng kể trầm ấm, rất đỗi chân thành của anh, chị thấy quê anh đẹp lắm.

Bất giác chị hỏi:
- Bao giờ thống nhất, anh Hai cho em về thăm quê anh, thăm dòng sông ấy nhé?

Anh chiến sĩ không còn rụt rè, ngại ngùng như lúc chiều nữa, anh kéo tay chị đến gần, vuốt nhẹ lên mái tóc con gái của chị:
- Nhất định! Khi nào đất nước hoàn toàn thống nhất, anh sẽ mời em về quê anh. Lúc ấy thì ba mẹ anh và gia đình vui lắm đó.

Chỉ thế thôi mà khoảng cách giữa hai người như thu ngắn lại. Chị càng tự tin hơn. Người như anh ấy không bao giờ làm điều xấu.

Cho đến tối hôm sau, khi vết thương trên người anh chiến sĩ đã bớt, chị lấy quần áo của ba cho anh mặc tạm và dùng xe máy đưa anh ra hướng Ngã Bảy để tìm đường về đơn vị. Trước khi chia tay, anh tặng chị tấm ảnh nhỏ của mình, còn chị thì lấy chiếc khăn mùi xoa đang dùng cho anh mang theo. Chị hứa sẽ chờ đợi anh để được anh đưa về Nam Định thăm dòng sông chở đầy phù sa ấy.

Anh đi rồi, chị thấy nhớ anh da diết. Điều ấy đến bây giờ chị cũng chẳng thể nào hiểu nổi. Và, có lẽ cũng chính thế, khi thành phố bước vào đợt 2 Mậu Thân chị đã trốn ba mẹ cùng các bạn vào chiến khu công tác. Chị vào “cứ”, ngoài sự thích thú được đi làm cách mạng, còn có một mục đích nữa: tìm anh.

Chị đã tìm anh suốt đoạn còn lại của cuộc chiến tranh và hơn mấy chục năm sau ngày thành phố giải phóng. Cả những ngày học đại học và khi lên biên giới tham gia chiến dịch, chị vẫn không quên mang theo bức ảnh của anh. Đi đâu chị cũng hỏi, cũng tìm anh nhưng vẫn “biệt vô âm tín”.

Là một phụ nữ có nhan sắc lại được đào tạo, học hành cơ bản, thông minh, chị là “đối tượng” của nhiều chàng trai, trong đó có cả những sĩ quan trẻ vừa ra trường. Nhưng không ai có thể hơn anh được. Chị không thể...

Bây giờ gặp lại hình ảnh của anh. Dù mái tóc chị đã bắt đầu điểm bạc, chị vẫn thấy trái tim mình nhói đau. Quả đất xoay tròn. Chị không ngờ cậu kỹ sư trẻ mới về công tác tại công ty của chị lại là con trai của anh.

3. Đúng giờ hẹn, cậu kỹ sư trẻ lên gặp chị. Chị đã tự hứa với mình sẽ không nói cho cậu ta biết điều gì đã xảy ra cách đây mấy chục năm. Khi cậu kỹ sư bước vào phòng làm việc, tự nhiên chị thấy căn phòng ấm cúng đến lạ kỳ.

Chị nhìn cậu kỹ sư với ánh mắt dịu dàng của một người mẹ. Chị nói:
- Thế này nhé, hôm nay cô giao nhiệm vụ cho cháu...

Dù đã chuẩn bị trước, nhưng khi nhìn vào đôi mắt cậu kỹ sư trẻ, chị không kìm lòng được. Chị bỏ mặc cậu ta, mở cửa bước ra ban công. Ngoài kia, một thoáng heo may. Trời Sài Gòn sắp sang Xuân mà vẫn có một đợt mưa lạ như rắc phấn. Chị nghe đâu đó tiếng vọng của dòng sông và giọng người đàn ông cách đây mấy chục năm trầm và ấm bên tai như hơi thở.

Trần Thế Tuyển/Theo SGGP


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu