A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lớp học hai người

Thằng Tâm vừa đúng 18 tuổi và một chữ cắn đôi cũng không biết.

Tôi phát hiện điều nầy trong đợt thăm nuôi vừa rồi. Cả phòng D1 chỉ vỏn vẹn bốn người với sáu mét vuông, bao gồm cả chỗ ngủ, hầm bô, bồn nước… nên tất cả đều đồng ý chung mâm, có gì ăn nấy.

Má thằng Tâm mỗi tháng mới vào thăm nó một lần. Sáng nầy, vừa mở mắt nó đã nói với tôi “bữa nay má em vô”. Và khi nó xách lệch vai cái giỏ nặng trĩu bước vào phòng, sau tiếng rít ken két của cánh cửa sắt, ba đứa tôi đã ồ lên: vô mánh.

Thằng Tiếu lanh chanh đón lấy giỏ đồ, cầm mảnh giấy ghi tên tuổi người thân. “Ủa! Người gởi: chị Nguyễn Thị Đào. Không phải má mầy vô sao Tâm?”. Đang cởi quần áo, thằng Tâm quay qua như cái lò xo. “Cái gì? Chị Đào nào! Chết mẹ! Lộn giỏ rồi”.

Tối hôm đó, nằm kế tôi thằng Tâm cứ trằn trọc không yên. Sực nhớ chuyện hồi sáng, tôi hỏi nó khi nhận giỏ sao mầy không đọc tên người gởi. Phải hồi lâu sau nó mới trả lời: “Em có biết chữ đâu mà đọc!”. Rồi nó kể cho tôi nghe…

Thằng Tâm không có cha. Nó được sinh ra và đương nhiên nhập hộ khẩu vào xóm rác. Một khu xóm lụp xụp nằm ven quốc lộ, gần bãi rác thành phố. Khi vừa biết đi, biết chạy thì chỗ nó lao đầu vào cũng là bãi rác, nơi hàng ngày mấy chiếc xe đầy ắp thứ đồ phế thải của con người đổ xuống. Má nó tiệt không nhắc một tiếng về người đàn ông đã kết hợp với mình, dù muốn hay không muốn, dù hân hoan hay đớn đau thì cũng đã cho ra đời một sinh linh là nó.

Nhiều bữa, chiều xuống vác bao “chiến lợi phẩm” về nhà, nó thấy hoài tụi học sinh cỡ tuổi nó, chạy xe đạp ngoài lộ, cười giỡn vang rân. Nó khoái được như vậy lắm, nhưng thổ lộ với má thì nó không dám. Mà nó cũng không có thời gian đâu mà đi học. Phải canh xe về ngoài bãi, mà phải công nhận nó có “khiếu” móc rác hay sao ấy. Cả một xe đổ ụp xuống hàng bao nhiêu tấn rác, cả một đám mười mấy con người già, trẻ lao vào. Vậy mà, lúc nào nó cũng kiếm được nhiều hơn những người khác.

Thằng Tâm mê đi xe đạp lắm, nó muốn được một lần mặc áo trắng, vừa chạy xe vừa cười giỡn như tụi nhỏ mỗi chiều. Má nó hứa: “Ừ! Con ráng kiếm tiền dành dụm. Khi nào biết chạy xe, má mua cho một chiếc”. Mọi việc chưa đâu vào đâu, giấc mơ đeo đuổi nó suốt một thời tuổi thơ nhọc nhằn vẫn chưa thực hiện được, thì nó lại vào đây.

Bữa đó, ra thị trấn mua đồ cho má. Trưa nắng gắt váng cả đầu. Không biết xe đạp của ai mà để khơi khơi, chẳng khóa mà cũng chẳng ai coi chừng. Ma xui quỷ khiến không biết, nó bước tới dắt đi tỉnh bơ. Đến khi nghe tiếng hô hoán: Ăn cắp xe! ăn cắp xe! Nó còn chưa biết người ta đang nói mình. Bị đòn thì đành rồi.

Cán bộ điều tra hỏi: “Sao lấy xe mà không chạy?”. Nó nói: “Con không biết chạy”. “Vậy mầy lấy làm gì?”. “Dạ! Con tính lấy về tập chạy…”. Cán bộ kêu trời rồi kết luận điều tra cái rụp.

Tôi tuyên bố với cả phòng: “Tao sẽ dạy thằng Tâm học”. Ít ra, nó cũng phải đọc được tên má nó khi nhận đồ thăm nuôi. Hàng ngày, tôi xếp từng con chữ ra dạy Tâm tập đọc, rồi ráp vần xuôi, vần ngược. Cái thằng coi vậy mà sáng dạ lạ lùng. Nhiều bữa, hai “thầy-trò” nằm bò ra mà đánh vần. Cái thằng, đọc được hứng chí hay sao mà cứ quác miệng lên gào: mờ..a..sắc..má! bờ..a..ba! Làm cán bộ quản giáo tưởng có chuyện gì, bước đến cửa, đứng nghe một hồi rồi bỏ đi.

***

Bẵng đi cũng đã tám, chín năm. Khi mà chuyện tù tội đã trở thành sợi khói mỏng manh trong ký ức thì tôi gặp lại thằng Tâm. Sáng đó, vừa trờ xe tới một ngã tư thì kẹt đèn đỏ, thì có tiếng gọi tên tôi, giọng mừng rỡ. Quay qua, một khuôn mặt rất quen nhưng tôi không nhớ đã gặp ở đâu, phía trước xe lại có một bé gái khoảng 5, 6 tuổi. “Anh không nhớ em sao? Thằng Tâm D1 nè!”.

Chắp nối những lời kể rời rạc của Tâm sau vài lần cà phê, thịt chuột tôi cũng hình dung được cuộc đời của nó sau ngày ra tù.

Xách bọc đồ về đến xóm rác, câu đầu tiên thằng Tâm nói với má nó là: “Con biết đọc rồi! Con muốn học nghề chớ không móc rác nữa đâu!”. Chuyện thằng Tâm ở tù mà biết đọc chữ khó tin giống như cái xóm lụp xụp đó hóa thành nhà lầu.

Phải đến khi nó cầm tờ báo lên đọc ro ro, mọi người mới tròn mắt. Má nó chẳng biết cậy cục sao đó, tháng sau thằng Tâm được theo học nghề thí công tại một cửa hàng sửa chữa xe gắn máy trong thành phố. Thấy nó sáng dạ lại chịu khó, chỉ gần năm trời ông chủ cho nó ăn ngủ luôn tại chỗ, còn ưu tiên cho nó nhận bơm, vá xe đạp lấy tiền bỏ túi.

Xéo xéo chỗ nó làm là một trung tâm dạy nghề. Mấy đứa con gái học may trong đó ghé chỗ nó mượn ống bơm hoài. Đồ hà tiện! Có năm trăm cũng tiếc. Chỉ có một đứa duy nhất khi xe xẹp bánh, không mượn mà kêu nó bơm rồi móc năm trăm ra đưa. Đồ làm phách! Đã vậy ta đây cũng không thèm, năm trăm mà nhằm nhò gì! Để đó đủ trăm ngàn lấy luôn. Bữa nọ, đã sắp đến giờ trung tâm đóng cửa, con bé “làm phách” hớt hơ hớt hải dắt xe tới nói: “Anh coi giùm em cái bánh xe, cho em gởi luôn nghe, tới giờ học rồi!”.

Nói xong nó tọt vô trỏng chẳng cần biết thằng Tâm có đồng ý hay không. Thiệt tình! Có cái “chân đi” mà cũng không “chăm sóc thuốc thang” tử tế. Tâm lầm bầm trong miệng rồi lui cui lấy đồ nghề mở bánh xe. Trời ạ! Cái ruột vá chằng vá đụp còn hơn trưởng lão tám túi. Kiểu nầy chỉ có thay ruột mới chớ vá nỗi gì! Thằng Tâm nói với tôi: “Chẳng biết lúc đó em nghĩ gì mà móc tiền túi ra mua cái ruột xe mới thay cho nó.

Đã vậy, lúc lấy xe nó hỏi bao nhiêu tiền, em còn nói trớ đi: Xì vòi, sửa chút xíu tiền bạc gì, để đó đủ trăm ngàn lấy luôn. Hai ngày sau con nhỏ ghé lại, không bơm, sửa gì cả mà đưa em cái bọc nhỏ, mỉm cười rồi chạy vô trường. Mở ra, một gói Hero và mảnh giấy ghi mấy chữ: “Em cảm ơn anh nhiều lắm!”.

May phước là em biết đọc, không thì chẳng biết ra sao! Tụi em quen nhau từ đó”. Suốt mấy năm trời thằng Tâm giấu biệt chuyện nó lớn lên ở xóm rác, chuyện tù tội và cả chuyện chỉ đọc được, chớ viết thì khó còn hơn lên trời! Mỗi lần nhận thư, đọc xong nó trả lời bằng miệng luôn, viện cớ sửa xe tay chân dầu mỡ, cầm mỏ lết quen rồi, viết thư lọng cọng.

“Cũng trắc trở trăm bề nhưng rồi tụi em cũng thành vợ thành chồng. Nhờ hai đứa cắc củm dành dụm, rồi người nầy người nọ giúp đỡ, tụi em mua được miếng đất nhỏ cất nhà, em sửa xe, vợ em may đồ loanh quanh trong xóm cũng sống được. Thiệt đúng là cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Khi đó vợ em có bầu chừng ba bốn tháng, một buổi trưa nọ vắng khách em đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng gọi: Anh ơi! Ra ghi giùm em… Thì ra có hai bà khách đến may đồ, họ đang gấp gáp chuyện gì đó mà hối thúc luôn miệng. Em vừa bước ra, thì vợ đã nhét vào tay cuốn sổ và cây viết.

Tay đo thoăn thoắt, miệng thì: Ngang… tay… nách… Em đứng đực người ra, lúng túng – cây viết trong tay nặng chịch như núi Ngũ Hành Sơn đè Tề Thiên. Lóng cóng chẳng biết làm gì, em bỏ đại cây viết, cuốn sổ lên bàn, tay vớ cái nón, chân bước ra cửa, miệng nói: Anh đi công chuyện! Tiếng một bà khách lầm bầm: Chồng con gì! Thiệt tình, nhờ chút xíu cũng không được! Thôi, đưa đây tui ghi cho… Đi tuốt ra quán cà phê bờ sông, em ngồi đó suốt cả buổi chiều, suy tới tính lui mà buồn não ruột”.

Khi thằng Tâm quay về nhà thì vợ nó đã chuẩn bị cơm nước xong xuôi. Đến lúc vào mùng ngủ con vợ nó mới thủ thỉ: Anh không biết viết phải không? “Trời lạnh mà em muốn đổ mồ hôi hột” - thằng Tâm nói - cuối cùng em đành nói thiệt. Em kể cho nó nghe hết mọi chuyện mà em còn giấu diếm. Con vợ em không nói gì cả mà ôm em khóc ròng. Mấy bữa sau nó nói: Anh phải tập viết chữ, để sau nầy còn viết tên con mình khi nó đến trường. Rồi nó kiếm ở đâu không biết lôi về nào mấy cuốn tập đồ, tập viết đủ cả… Tối xuống, đóng cửa, nó cầm tay em tập viết từng chữ, cứ như đang tập cho em bé.

Bây giờ thì em viết được rồi, tuy không đẹp như mấy người ăn học giỏi nhưng con vợ em vui lắm. Ngày con em đi học, mọi việc đều do vợ em lo liệu nhưng giấy nhãn bao tập nó nói em muốn anh ghi cho con. Không hiểu sao khi viết xong tên con bé lên tờ giấy nhãn, em cứ rưng rưng nước mắt. Con em nó học giỏi lắm, ngày nào về cũng khoe con tập viết được mười điểm.

Bữa nọ, chẳng biết moi móc thế nào nó cầm ngay quyển tập viết của em ra hỏi: Ba ơi! Cuốn tập viết nầy của ai vậy? Nhìn là phớt qua biết của ai rồi, em đáp đại: “Ờ! Của ba học hồi nhỏ đó con”. Nghe vậy, con bé lật ra xem rất chăm chú rồi bình luận: “Hồi nhỏ ba viết chữ xấu hơn con!”. Em chẳng biết nên khóc hay cười.

Đã vậy, nghiên cứu một hồi nó còn phát hiện: “Ba ơi! Sao cô giáo của ba không cho điểm?”. Đến đây thì em ngọng thật sự, gương mặt em lúc đó chắc giống y như hồi con vợ em nhờ ghi số đo cho khách.

Em giả lả chắc tại cô quên. Con bé vẫn chưa buông tha: “Sao cô lại quên vậy ba?”. Đến đây thì em thật sự đầu hàng, em “bán cái” cho vợ: “Cái đó thì con phải hỏi má con mới biết!”. Con bé đang ngồi trong lòng em tuột cái rột xuống đất, cầm quyển tập chạy ra nhà sau: “Má ơi! Sao cô giáo của ba quên cho điểm…”.

Em vớ cái nón, nói vọng ra sau: “Anh đi công chuyện!”. Rồi em trở lại đúng cái quán cà phê bờ sông, cũng đúng bàn đó, kêu cái đen ngồi nhâm nhi. Lần nầy em vui lắm. Niềm vui mênh mông như con nước đang tràn bờ, cũng chẳng biết vì lẽ gì!”.

Nguyễn Trung Nguyên


 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu