A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đêm trắng

Trăng đã lên, chênh chếch trên đầu cây xoan già trước ngõ. Ánh trăng vàng ươm như rơm đầu mùa ùa đầy vào khung cửa sổ, mơn man ve vuốt khuôn mặt dịu hiền đã vạch đầy những nếp nhăn của chị Bình. Ðêm làng Năng trong lành và yên ả, ru mọi người chìm vào giấc nồng sau một ngày lao động vất vả.

Riêng chị vẫn còn thức. Chị ngồi đó, dáng hình còm cõi, đơn chiếc như bức tượng dang dở của một họa sĩ tài ba nhưng bất lực trước tác phẩm nổi loạn không chịu quy phục đôi bàn tay của mình. 

Chị lần đốt ngón tay nhẩm tính: tròn hai năm, tám tháng, hai mươi ngày, như vậy là chị đã bao đêm gần như thức trắng để trở mình cho chồng. Gần một ngàn đêm giấc ngủ không tròn, chị chẳng hề than vãn về nỗi gian lao và bất hạnh quá lớn của mình, chỉ thương cho anh phải đương đầu với căn bệnh quái  ác. Chất độc mầu da cam đã cướp đi bộ não thông minh và tước đoạt cả thân hình vạm vỡ của anh; ngay cả trong giấc ngủ, anh cũng bị hành hạ đến tột cùng. Ðêm đêm, anh thường thức giấc, kêu rên bởi những cơn đau đớn, những lúc ấy chị phải chạy lại trở mình cho anh. 

Mệt quá, chị ngả mình nằm xuống. Ðôi mắt thâm quầng tầng tầng lớp lớp của chị chong chong nhìn lên đỉnh màn lờ mờ một mầu trắng. Chị nhớ lại những đêm đầu tiên phải khổ sở vì những cơn buồn ngủ. Ðể cưỡng lại, chị múc cả thau nước đặt ở đầu giường, vã lên mặt. Rồi trà đặc uống hết cả ấm. Nhưng vẫn vô hiệu. Hễ đặt mình xuống là chị lại thiếp đi. Không, không thể để anh phải vật vã đau đớn một mình, một đêm chị bật dậy quyết đánh lui bằng được cơn buồn ngủ. Chị bước ra hè, tựa lưng vào tường, nhìn lên bầu trời chi chít sao. Sực nhớ ngày xưa mẹ thường dạy chị tập đếm từ một đến mười, rồi một trăm... bằng cách đếm các vì sao. Và chị bắt đầu: Một ông, hai ông, ba ông... Một đêm, hai đêm... Ðến đêm thứ mười, chị chiến thắng. Những cơn buồn ngủ đã tháo chạy trước đôi mắt đầy nghị lực của chị.  

- Mẹ để con trông!... - Tiếng ú ớ của đứa con gái nằm bên làm chị bật cười: 

- Cha mẹ nhà cô, trông được hai đêm thì ngủ quên cả bố, lại còn mê với chả sảng! 

Chị xoay người, nhấc cánh tay con gái đang để trên ngực, khẽ đặt xuống giường. Chị ngắm nhìn khuôn mặt con như nhìn lại chính mình thuở thiếu nữ. Ngày ấy chị rực rỡ như bông hoa buổi sớm, những đêm trăng sáng, bao trai làng dập dìu trước ngõ. Rồi những cuộc dạm hỏi của đám con nhà có máu mặt ở xã, ở huyện. Chị từ chối tất cả, bởi chị đã nhận lời tỏ tình của anh. Hưng mồ côi, ngay từ bé đã phải một buổi cắp sách đến trường, một buổi vác dậm ra đồng nhặt nhạnh từng con tép, bán lấy tiền đong gạo, duy trì cái gia đình lúc nào cũng trong tình trạng đói ăn. Ðám cưới được tổ chức ngay sau khi anh có giấy gọi nhập ngũ. Tuần trăng mật tám ngày, bảy đêm vèo trôi, nhường lại những tháng năm xa cách với vẻn vẹn hai lần anh được về phép. Ròng rã mười hai năm, chị thay anh trông nom người bố chồng bị liệt, nuôi con, chống chọi với gã đội trưởng thường mò sang gạ gẫm. Có những lúc chị tưởng như gục ngã... 

Rồi chị quay sang đứa con trai nằm ở giường bên kia. Chỉ còn một tháng nữa nó thi hết cấp III, có nên bán con lợn nái đi để nó lên Hà Nội thi đại học hay đi vay nặng lãi đến mùa trả? Thằng bé mấy tháng nay mải mê học nên gầy quá, nó giống bố, siêng năng, cần mẫn... 

- Ối cha mẹ ơi, đau quá! - Tiếng rên của anh cắt đứt sự toan tính của chị. Chị vùng dậy vừa chạy vào buồng vừa nói: 

- Tôi đây, tôi đây! 

Khẽ vén cửa màn sang một bên, chị chui vào. Chị quỳ xuống, luồn một tay dưới cổ, một tay dưới hai chân anh rồi mím môi bế cái thân hình quắt queo của anh đặt nằm nghiêng ra ngoài. Anh không nằm ngửa được, chỉ nằm co quắp bên phải hoặc trái. Thân hình anh cứng ngắc, nên mỗi lần trở mình cho anh, chị như đánh vật với một tảng đá. 

Sau bảy lần trở mình cho anh, chị ém màn lại rồi ra giường mình. Như vậy chỉ còn một lần cuối cùng nhưng là lần nặng nhọc nhất nữa, nhiệm vụ một đêm của chị mới hoàn tất. Chị ngồi quay mặt ra cửa sổ, tiếp nối dòng suy nghĩ: "Nhỡ ngộ thằng Vinh thi đậu, lấy tiền đâu cho nó ăn học? Hay để nó ở nhà, cưới vợ cho nó! Không được, nó học giỏi, hơn nữa anh đã chẳng từng dặn mình, dù đói nghèo thế nào cũng phải cố cho nó học lên là gì! À phải rồi, nếu đỗ đại học, mình lên Hà Nội bảo cậu nó kiếm cho việc gì, một buổi đi học, một buổi làm thêm, ở nhà mình sẽ nuôi lợn; cải tạo lại cái ao, nuôi cá, gom góp tiền cho nó". Chị mỉm cười trong đêm, lòng thấy nhẹ nhõm... 

Một cơn gió ào vào cửa sổ, làm tung cánh màn. Chị nhô đầu ngắm nhìn những luống cải xanh ngắt dưới ánh trăng. Mảnh vườn mùa nào rau nấy đã trở thành nguồn cung cấp rau xanh quanh năm cho gia đình, bớt cho chị một khoản tiền, đủ cho chị lo chuyện ma chay, cưới xin trong làng. 

- Ối, ối! Ðau quá! Ối, ối! 

Tiếng rên của anh vang vọng đêm yên tĩnh. Chị bủn rủn chân tay: Anh ấy ra đi đêm nay sao? Không thể như thế được, chị lao vào buồng. Sầm! Chị vấp phải chiếc ghế, ngã sóng xoài trên mặt đất. Chân đau, đầu đau, chị cắn răng chịu đựng, nâng anh dậy, dìu anh lại chiếc ghế kê cạnh cửa sổ, chị nâng đầu anh dựa vào thành ghế, cầm chiếc quạt phe phảy, lâu lâu mới dừng tay, lấy khăn lau mặt cho anh. Khi đầu anh nghẹo sang một bên, chị buông quạt, nắm lấy hai bàn tay anh, lùi ra xa một chút, rất nhanh, lôi anh dậy, để anh đứng lom khom một lúc rồi từ từ nới tay để anh ngồi xuống. Sau mười lần, chị trả anh lại tư thế ban đầu, tiếp tục phe phẩy chiếc quạt cho đến khi anh hét lên: 

- Dẫn tao về nhà tao! 

Chị nâng anh đứng lên, đỡ anh ra ngoài, rồi nắm chặt lấy hai tay dắt anh đi vòng quanh sân. Chị đi giật lùi, anh bước liêu xiêu theo chị, tấm lưng anh rạp xuống, đầu chúi về trước. Ánh trăng tàn nhòe nhoẹt soi bóng hai người trên sân. Gió thổi bay đám tóc lòa xòa trước mặt chị, cảnh đêm quê với trăng, gió, tiếng cá quẫy ngoài ao, tiếng dế kêu... dễ làm con người lãng quên tất cả, nhưng với chị mọi cái đã quá quen thuộc. Chẳng cần phải đếm, chị biết chắc chắn đã đi xong vòng thứ mười lăm quanh sân, và đến lúc phải chuyển sang công đoạn khác. Chị dắt anh ra giữa sân, đẩy anh đi giật lùi một đoạn rồi kéo trở lại. Ðây là công việc khó khăn nhất. Nếu đẩy nhẹ, anh chỉ đứng trơ trơ, còn nếu chỉ cần mạnh tay một chút, anh sẽ ngã lăn kềnh. Ðể thành thục được như hôm nay, chị đã phải trải qua những ngày thần kinh tưởng như vỡ tung. Chị đã phải tập trung sức lực, tinh thần, cẩn trọng từng động tác nhỏ khi đẩy cũng như khi kéo về. 

Buổi thể dục chống lại sự đau đớn của anh kết thúc. Chị dìu anh vào buồng, đặt anh ngồi lên một chiếc ghế. Rồi chị ngồi lên chiếc ghế khác cách anh chưa đầy một tầm tay. 

Chị nhìn anh, không dám nhìn trực diện bởi sợ lại phát hiện thêm điều gì thay đổi trên khuôn mặt anh. Anh vẫn bất động, chị quyết định dìu anh vào buồng rồi bế anh lên giường, đặt anh nằm nghiêng bên trái. Chị dém màn, đoạn ra nằm bên cạnh con gái. 

- Chị Bình ơi! Chị Bình! - Từ ngoài sân, tiếng bà Liêm cùng tiếng dép lẹp xẹp vọng vào. Chị chạy ra đỡ bà Liêm ngồi xuống chiếc chiếu trải ở hiên nhà, rót nước chè xanh mời người hàng xóm tốt bụng, từng cho chị vay gạo, từng mang cho chị từ củ khoai luộc đến bát canh cua nấu rau mồng tơi. Uống xong bát nước, bà Liêm ái ngại nhìn chị nói: 

- Thấy anh ấy hét to quá, tôi chạy sang xem sao. Cứ thế này mãi, khéo mà chị gục mất thôi!  

Bà Liêm ngồi bó gối như đang nghĩ ngợi một điều gì hệ trọng. Chị định nói câu gì đó với bà, song lại thôi. Một nỗi buồn phủ lên khuôn mặt phúc hậu của bà Liêm... Chị Bình vấn an bà Liêm mà như tự vấn an mình: 

- Nhà cháu thế vẫn còn may, sinh được mấy mụn con rồi mới bị nhiễm chất độc da cam chứ không như bao gia đình khác, con cái sinh ra bị ảnh hưởng của bố, tội lắm... 

Bà Liêm như muốn nói điều gì mà không thể. Ngồi thêm một lúc, bà vội giục chị Bình cố mà nghỉ ngơi một chút, mai còn đi chợ. 

Nhưng làm sao chị có thể chợp mắt. Càng về sáng, ruột gan chị càng như có ai đào bới lên. Tại sao đêm nay anh lại như vậy? Lẽ nào anh sắp ra đi? Hay là do mình đã làm điều gì khiến anh phật lòng? "Lạy giời, đêm mai anh sẽ trở lại như mọi đêm", chị cầu khẩn. 

- Ðây là Ðài... truyền thanh... Tiếng loa công cộng ở đầu làng khọt khẹt vang lên. Chị vội ra cầu ao vo gạo rồi vào bếp nấu cơm. Ánh lửa bập bùng, hắt cái nóng như rang vào người, mồ hôi túa ra trên trán, sau lưng, ướt đầm chiếc áo gụ của chị. Nồi cơm lục bục sôi, chị với đôi đũa cả ghế cơm, đun thêm mấy nắm rạ nữa, đợi cho cơm hết nước, chị vùng đống rấm, vùi cơm. Quét dọn bếp xong, chị lên nhà, cầm cây đèn pin soi vào giường anh. Ðôi mắt chị ứa lệ khi nhìn thấy dáng ngủ co quắp, đôi môi thỉnh thoảng lại hớp hớp không khí của anh. Tất cả đã trở lại y hệt như mọi đêm. Ðài báo đang có áp thấp nhiệt đới, có lẽ sự thay đổi đêm nay của anh là do thời tiết! Lòng nhẹ nhõm, chị bước ra giếng đánh răng, rửa mặt, quay vào nhà thay quần áo, chải tóc rồi đi đến bên giường con gái lay gọi: 

- Thu, dậy đi con, dậy trông bố cho mẹ đi chợ. 

Cái Thu mở mắt ngồi dậy, ngáp ngắn ngáp dài. Dặn dò con thêm đôi điều, chị Bình đi lại góc nhà, xách chiếc xe đạp ra sân, quay vào bê tiếp thúng bún mà mấy mẹ con hì hục làm từ chiều hôm qua đặt lên sau xe đạp. Phía Ðông trời đã hưng hửng.

Vũ Đảm

 


 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu