A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đêm trung du

Cuộc họp gia đình kéo dài khá khuya. Chẳng là sáng sớm mai, thím tôi sẽ chuyển mộ cho chú Thái.

Chú Thái của tôi mất tính đến nay cũng đã gần ba chục năm rồi. Mộ chú để ở cánh đồng Ngang. Cánh đồng ấy nay làng phát triển, chuyển ruộng thành nhà. Thế là bao nhiêu mồ mả phải chuyển đi hết, trong đó có mộ của chú tôi, để quy tập vào nghĩa trang mới của làng ở mãi tận cánh đồng Gò.


Lúc chiều, khi từ thị xã về, tôi thấy thím tôi giục bố con thằng Thông đi mời họ hàng buổi tối đến nhà uống nước để xin ý kiến về công việc sáng sớm mai, tôi lại cứ nghĩ đơn giản. Việc gì mà phải bàn. Đã định rồi, 3 giờ sáng mai tập trung anh em lại rồi đào ngôi mộ lên, chuyển cái tiểu sành đựng hài cốt của chú tôi vào đồng Gò chôn cất, rồi thì xây lên đàng hoàng, thế là xong. Mà tôi nghĩ cũng chả cần phải nhiều người cho lắm. Mấy bố con tôi, thằng Thông và ba đứa con rể của chú tôi, có mà dư sức. Cần nữa thì bảo Thông gọi thêm cánh bạn thợ của nó… 

Ai dè tối ấy họp lâu thế. Ngồi nghe các ông chú, bà bác tôi bàn đi, tính lại về việc trọng này, tôi mới thấy "cái anh cán bộ là tôi" cũng chả hiểu gì mấy về những chuyện "ma chay, cúng giỗ, cưới hỏi…" ở làng. Hoá ra việc gì ở làng xã bây giờ cũng có những cái phức tạp ra phết, chẳng thể đơn giản như tôi nghĩ được. Đúng là "phú quý sinh lễ nghĩa". Chỉ riêng một giả định được đưa ra là khi đào mộ lên, cái tiểu vỡ hay không vỡ thì làm thế nào, cũng đã nhiều ý kiến lắm rồi… 

Xem chừng cuộc họp họ chưa thể kết thúc nhanh chóng được, tôi lẳng lặng đi lên tầng hai. Ngôi nhà hai tầng khá khang trang này là công sức của Thông, con trai duy nhất của chú tôi. Chú thím tôi có bốn người con. Ông bà lấy nhau đẻ liền ba cô con gái. May mắn thế nào, đứa thứ tư lại là trai, thằng Thông đấy, đúng nguyện vọng của hai ông bà. Cả bốn đứa con, chú tôi đều lấy vần chữ cái đầu tên ông để đặt tên cho chúng nó: Thanh, Thảo, Thiện, Thông. Ba đứa con gái lớn đều lấy chồng trong xã, nay cũng đã ổn định cả rồi. Thông học xong cấp ba thì đi bộ đội. Hết nghĩa vụ, tôi khuyên nó về nhà tôi ở dưới thị xã để ôn thi đại học. Nó bảo: nhà chỉ có một mẹ, một con, nó ở nhà bám vào mấy sào ruộng để nuôi mẹ, cũng đủ sống rồi. Cứ nghĩ lại theo bố bám đít trâu, thì khổ. Hoá ra chẳng phải thế. Ba năm quân ngũ, nó học được nghề mộc. Lại là đứa khéo tay, về nhà vài năm nó đã phất lên bằng cái nghề đục đẽo ấy, chứ có thèm đi lên bằng mấy sào ruộng đâu. Tiếng tăm của nó bây giờ lan ra cả vùng, đến tận thị xã. Nhiều người ở dưới thị xã dựng cửa dựng nhà, đã phải về tận đây vời đến cánh thợ làm đồ mộc của nó… 

Tầng hai của căn nhà là nơi Thông dành để đặt bàn thờ. Ba gian tầng hai để liên thông, không xây vách ngăn. Chính giữa nhà, áp tường phía Bắc là bàn thờ. Trên bàn thờ, ngọn đèn thờ lờ mờ nhưng vẫn đủ để soi rõ bức ảnh của chú tôi đặt trang trọng ở trên cao, giữa ban thờ. Tôi thắp ba nén hương. Dưới ánh hương, đèn, tôi như nhìn rõ chú Thái của tôi hơn. Bỗng thấy tiếc và thương cho chú. Cả cuộc đời vất vả. Đến lúc con cái trưởng thành, ăn nên làm ra thì lại không được hưởng. 

Tôi ngả lưng trên tấm phản gỗ gụ kê sát phía dưới bàn thờ. Phóng tầm mắt qua cửa chính, tôi thấy lờ mờ bóng cây trong vườn nhà Thông. Từ nhà dưới, tiếng các ông chú, ông bác bàn bạc công việc chuyển mộ cho chú Thái của tôi vẫn rôm rả lắm. Ký ức bỗng đưa tôi trở về những ngày thơ trẻ đầy gian nan, vất vả, đúng hơn là những đêm dài ở chính mảnh đất trung du quê cha đất tổ này, khi tôi được sống bên bà nội, bên chú Thái của tôi.

                                                            *

                                                *                       *           

Ấy là những năm sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc. Những năm ấy, bố tôi đi công tác từ hồi kháng chiến mà chẳng biết còn vướng công việc hệ trọng gì, vẫn xa nhà biền biệt, chưa thấy trở về. Ở nhà có bà nội, năm mẹ con tôi, chú Thái, cô Hiền và cô Dịu. Dẫu còn ít tuổi, nhưng có lẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên được những ngày tháng khó khăn hồi ấy. Bao nhiêu là chuyện lớn bé xảy ra trong làng, ngoài xóm khi quê tôi vừa chuyển mình từ rào làng kháng chiến sang thời bình. Chẳng còn phải lo nơm nớp hằng đêm, khi mà bọn giặc Pháp đóng đồn bốt bên kia sông Hồng bất cứ lúc nào cũng có thể ập sang càn quét. Chẳng còn phải trông chừng trâu bò ngoài đồng, ngoài bãi vì sợ đám tàu bay giặc vẫn rình mò, bắn giết cả những con vật hiền lành ấy. Ngày ấy, tuy còn bé nhưng tôi cũng đã được bầm tôi giao cho "đặc trách" chăm nom một con bò. Nhà ở cạnh đồng, nên chú Thái của tôi đã mở sẵn một lối thoát qua hàng rào ô-rô. Đêm đến, bất cứ là nửa đêm hay gà gáy, hễ cứ nghe tiếng súng "tắc, bọp" là hiệu lệnh bọn giặc càn qua sông, dù tôi có đang ngủ say cũng giật mình tỉnh dậy, hoặc là được bầm tôi hay chú Thái lay dậy. Mắt nhắm mắt mở lao xuống chuồng bò, tôi tháo cái văng chuồng và đánh bò qua lối thoát của hàng rào ô rô chạy ra đồng, rồi chạy thật xa vào làng đồi tránh giặc. Giờ hoà bình rồi, không còn cảnh chạy giặc đêm hôm nữa, cứ là ngủ đẫy giấc từ chập tối đến sáng, sướng nào bằng...  

Khốn thay, không khổ vì giặc giã, thì lại khổ vì nhiều chuyện khác. Đói. Cái đói cứ bám riết cả nhà tôi những năm ấy, mà giờ mỗi khi nhớ lại vẫn ghê cả người. Tôi nhớ những năm ấy làng xã cứ mải mê họp làng, họp xóm, chả mấy quan tâm đến ruộng đồng. Đã thế, lại còn bão lụt hoành hành. Mùa lũ lụt, trong đồng ngoài sông mênh mông những nước là nước. Cả làng phải chạy đôn chạy đáo lên đê, chia cái mặt đê vừa nhỏ vừa dài như một sợi chỉ nhỏ giữa hai bên trắng nước ra thành từng ô cho mỗi nhà sống tạm qua ngày chờ nước rút. Mùa cạn, thì đồng ruộng nào đã có mương phai, thuỷ lợi như bây giờ đâu. Đất ruộng gặp hạn hán lâu ngày nứt nẻ tuếch toác. Cây lúa mọc loi thoi, chó chạy hở đuôi. Thóc gạo không, tiền bạc không, cả nhà chỉ còn lần hồi kiếm con tôm, cái tép hay ngọn rau dại mà sống qua ngày. Một hôm, bầm tôi nấu cháo khoai. Chiều nhập nhoạng, bầm tôi vội vàng bê cái nồi đình nặng chĩu trên tay, đặt chính giữa hiên nhà, tranh thủ cái ánh sáng cuối ngày, chứ chút nữa tối rồi, lấy đâu ra đèn đóm mà ăn. Các em tôi vội vàng xúm lại, hau háu chờ bầm múc cháo cho ăn. Cái Miền, em gái kế tôi, cái con bé háu đói nhất nhà, láu táu vục đầu vào bát cháo rồi bật ngửa ra, kêu toáng lên. Bỏng. Bầm tôi xót con, đặt vội bát cháo của mình xuống vành cái mâm gỗ sứt mẻ lam nham, vớ lấy bát cháo của cái Miền rồi ra sức thổi cho bớt nóng. Rồi thì ai nấy cắm cúi, xì xụp với bát cháo loãng. Cháo khoai. Cả cái nồi đình to tướng, nhưng có lẽ bầm tôi vét thùng cũng chỉ còn được lưng bò gạo đem nấu lẫn với khoai. Mà là khoai nước, chứ chẳng phải là những củ khoai sọ thơm bùi trồng trên những luống đất khô thường được hầm với xương, ăn vào vừa ngọt, vừa bùi. Khoai nước của làng tôi từ hồi nào tới giờ vẫn được trồng trên những thẻo ruộng nước ven làng thiếu nắng hay ven bờ mương, bờ ruộng, là những nơi chẳng thể trồng được lúa. Cái giống khoai ấy chủ yếu là để nuôi lợn. Người ta cắt dọc khoai nấu cháo cho lợn. Bầm tôi lấy những củ khoai nước ấy, thậm chí lấy cả những cái đọt non, nấu với bò gạo thành món cháo chiều cho cả nhà. Cái Miền háu đói xụp xoạp húp bát cháo bầm tôi vừa thổi nguội. Bỗng nó vừa kêu ầm lên "Khoai ngứa lắm, con không ăn đâu", vừa gắp hai củ khoai bỏ ra vành mâm. Mẹ tôi nhìn nó, giọng nghẹn đi và nước mắt thì như đã rơm rớm quanh mi, "Khổ con tôi. Nhà hết nhẵn gạo rồi. Cố mà ăn đi con ạ, kẻo đêm đói không ngủ được đâu". Cái Miền húp nốt phần cháo còn lại trong bát, rồi chìa bát xin bầm xới thêm. Khốn khổ thay, làm gì còn cháo nữa, cái nồi đình đã rỗng không rồi. Cái Miền phụng phịu, hết nhìn bầm tôi rồi lại nhìn sang chúng tôi, cứ như là van xin, như là cầu cứu. Và rồi, có lẽ chính nó cũng hiểu ra mọi chuyện. Nó đưa cả hai tay ra, mỗi tay vơ vội lấy một củ khoai nước mà nó đã gắp bỏ xuống mâm. Rồi, nó lẳng lặng vừa nhăn mặt nhăn mày, vừa như cố sức mà ăn từng miếng cho tới khi hết cả hai củ khoai ngứa mà lúc đầu nó đã vứt bỏ. 

Những năm sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc ấy, người vất vả khổ sở nhất trong nhà tôi là chú Thái. Bố tôi vẫn đi công tác biền biệt chưa về. Ở nhà toàn là đàn bà và trẻ con, nên mọi việc đổ dồn lên đầu chú Thái. Thôi thì trăm thứ việc, từ đồng áng cấy cày cho đến việc làng, việc họ. Chú nhỏ người, nhưng được cái chắc khoẻ, mà dường như chẳng ngần ngại việc gì. Có những hôm, mới sáng sớm tinh sương, khi tôi vừa ngủ dậy, đã thấy chú tôi áo quần lấm lem bùn đất và ướt át, chắc là vừa từ ngoài đồng về. Chú đem cái giỏ ra bờ giếng, đổ mấy con tôm, con tép vừa kiếm được vào cái chậu sành. Mà lạ, chú cứ làm việc quần quật suốt ngày đến đêm thế, cứ lo cho cả nhà nhưng dường như lại ít nghĩ đến mình, cũng chả bao giờ thấy chú kêu ca, phàn nàn gì. Có miếng ngon, miếng sốt nào chú cũng chắt chiu cho bà tôi, cho mấy anh em chúng tôi. 

Tháng ba năm ấy, bà nội tôi mất. Bà tôi ốm liệt giường vài tháng rồi. Bắt đầu từ cái hôm bà tôi ra đồng, bị ngã. Năm ấy, đói kém thế, bà tôi già rồi mà cũng chẳng thể ngồi yên, vẫn cứ luôn chân luôn tay với đủ thứ việc không tên từ nhà ra đồng. Bầm tôi, chú Thái tôi có lần can ngăn thì bà tôi bảo: "Người già ngồi đâu ngồi đấy là chóng chết lắm. Cứ đề mẹ liệu sức, làm được cái gì hay cái nấy. Đói kém thế này..." Tôi nhớ những năm ấy dường như cả làng, cả xã chỉ mải mê với việc đấu đá gì gì đấy, nên chả mấy ai lo lắng đến chuyện đồng áng. Mùa gặt đến mà cây lúa loi thoi, chó chạy hở đuôi. Nhà tôi còn khổ hơn nhiều nhà khác vì đông miệng ăn, mà chú tôi là lao động chính, lại cứ phải họp làng, họp xóm liên miên, chả làm được mấy việc nhà. Bà tôi già rồi, lưng đã hơi còng, mà vẫn phải lần mò ra đồng, ra bãi kiếm cái tép, cái tôm, hái mớ rau dại mọc lẫn trong những luống ngô về ăn độn cho đỡ đói. Lần ấy, sau khi mò cua cá dưới mương lên, bà xuống mép ngòi rửa chân. Bà trượt chân, ngã ngồi xuống đất, thành bệnh từ đấy. Đã đói ăn, lại chả có thuốc men gì, bà cứ nằm lê lết thế, rồi đi. 

Buổi trưa tháng Ba nắng rãi đầy sân. Tôi đem mấy bó cây đậu tương mới nhổ ngoài đồng về, tãi trên sân, phơi nắng. Bà tôi nằm bệnh trong buồng. Bỗng nghe tiếng bà hổn hển gọi tôi. Tôi chạy vào. Bà bảo: "Bà chết đến chân rồi. Bà thấy nóng lắm, cháu lấy cái quạt mo cau quạt cho bà". Tôi đứng bên giường, ra sức quạt cho bà mát. Một chặp, bà lại bảo: "Bà chết đến đùi rồi. Sao mà nóng thế. Cháu lấy cái quạt lúa ấy mà quạt cho bà". Tôi bổ đi tìm cái quạt lúa. Đó là cái quạt hình vuông, làm bằng những nan tre, dán giấy mỏng rồi quét sơn ta cho chắc, dùng để quạt lúa. Tôi ra sức quạt cho bà. Tôi thương bà lắm. Từ tấm bé, tôi đã được bà chiều chuộng nhiều nhất. Đồng quà, tấm bánh, củ khoai, củ sắn… nghĩa là bất cứ cái gì ăn được mà bà có, bao giờ bà cũng cho tôi phần nhiều. Vì bà bảo tôi là cháu đích tôn, không chiều tôi thì còn chiều đứa nào! Tôi đứng quạt cho bà cho tới lúc tôi không thấy bà rên nữa. Dừng quạt, tôi gọi bà thất thanh. Không thấy bà thưa. Tôi sà xuống, lay gọi mãi mà bà cứ nằm im, không động cựa gì nữa. Tôi khóc thét lên, rồi chạy ra ngoài nhà, ngoài sân. Cả nhà vắng lặng. Tôi chạy ra ngõ, thấy bầm tôi hớt hải từ xa chạy về. Trên tay bầm là một bọc hương to tướng. Thì ra là bầm tôi đã biết bà không qua khỏi, nên lẳng lặng đi báo cho họ hàng. 

Buổi chiều, khi biết tin bà tôi mất, các ông cán bộ bảo nhà tôi phải đưa bà tôi ra đồng ngay trong buổi chiều hôm ấy, "không được để lâu trong nhà mất vệ sinh". Cán bộ còn bảo rằng, vì bây giờ là đời sống mới rồi, không được để cho những hủ tục thời phong kiến đế quốc ngóc đầu trở lại, nên không được làm ma chay, phúng viếng ầm ĩ xóm làng... Vậy là cả nhà tôi xúm vào, mỗi người mỗi việc lo đám tang của bà tôi. Quan tài thì đã có sẵn rồi. Chẳng là ở quê tôi, nhà nào có người già cả cũng đều lo tích sẵn áo quan, phòng khi các cụ đột ngột ra đi thì có mà dùng, chứ biết mua ở đâu, mà đã chắc lúc ấy có tiền bạc trong nhà. Chiếc quan tài bầm tôi và chú Thái lo sẵn cho bà được làm bằng gỗ gạo, lâu nay vẫn kê ở gian giữa, phía dưới bàn thờ. Mẹ tôi cùng mấy bà cô, bà thím lúi húi trong buồng tắm rửa và thay quần áo cho bà. Mấy ông chú, ông bác ra đồng đào huyệt trên thửa ruộng của nhà... Mọi việc lo cho bà xong thì chẳng ngờ cơn giông mùa hạ ầm ầm kéo đến. Trời mây đen kịt, giông gió, sấm chớp đùng đùng. Rồi thì cơn mưa rào đầu hạ ào ào đổ xuống, nước ngập trắng sân vườn. Cả nhà chẳng ai nói với ai câu nào, lặng lẽ đứng ngồi mỗi người mỗi góc, hết nhìn ra ngoài sân trắng xoá nước mưa, lại nhìn vào chiếc quan tài bà tôi giờ đã được kê ngay ngắn ở giữa nhà, khói hương nghi ngút. Chú Thái tôi chẳng nói chẳng rằng, vơ vội cái áo tơi chùm lên đầu, phóng ra khỏi nhà. Ông bác họ tôi bảo, chú đi báo cáo và xin phép cán bộ cho quàn bà tôi ở nhà, đến sáng mai mới đưa ra đồng...     

Đêm ấy, vẫn là một đêm lặng lẽ và đặc quánh như mọi đêm ở cái làng nhỏ ven sông Hồng sau ngày hoà bình lập lại. Nhưng với tôi, đó còn là một đêm rùng rợn và khủng khiếp. Không phải tôi sợ ma, mà sợ cái đêm nhà có tang mà vắng lặng quá. Tôi vốn đã quen với cảnh mỗi khi nhà ai trong làng có đám ma là tiếng kèn, tiếng trống, tiếng khóc lóc cất lên thâu đêm suốt sáng. Bà tôi vẫn bảo: Sống dầu đèn, chết kèn trống. Vậy mà, sao không có kèn trống cho bà tôi. Sao mà vắng lặng đến thê lương thế này. Chú Thái tôi bảo bây giờ hoà bình rồi, cán bộ nhắc không được quay lại những hủ tục thời phong kiến đế quốc. Với lại nghe nói phường bát âm cũng mỗi người mỗi ngả, chả ai còn dám bám vào cái nghề này mà kiếm miếng ăn. Quan tài bà tôi được kê ở gian nhà chính giữa, ngay phía dưới bàn thờ Tổ tiên. Các ông chú, bà bác hồi chiều đến lo việc cho bà tôi, chẳng ai dám ở lại đêm. Mẹ tôi lo lắng xong mọi việc cho bà, đã vào buồng trong ru cho mấy đứa em tôi ngủ. Nhà ngoài, trên cái phản gỗ ở gian liền chái, chú Thái, cô Hiền, cô Dịu và tôi ngồi co ro, túm tụm lại với nhau, chả ai nói với ai câu nào. Mùi hương toả ngát từ trên bàn thờ tổ tiên và trên nắp quan tài bà tôi. Ngọn đèn dầu trẩu leo lét, mờ tỏ bập bùng. Không gian tĩnh lặng đến ghê người. Chỉ có từ ngoài vườn, tiếng côn trùng sau mưa rỉ rả đến nẫu ruột, nẫu gan và rồi đôi lúc tiếng chó sủa râm ran đầu làng, cuối xóm. Thỉnh thoảng, chú Thái lại tụt xuống khỏi phản, sang thắp hương cho bà, rồi đi vòng quanh quan tài. Chú nói, như nhắc với mọi người, kiêng nhất là không để cho mèo nhảy qua quan tài người chết, nên phải nhớ trông nom cho kỹ. Tôi hoàn toàn mất cảm giác về thời gian. Mà lạ. Chả thấy buồn ngủ chút nào. Nước mắt từ đâu thỉnh thoảng lại ứ ra. Tôi thương bà. Không thể tưởng tượng được rằng bà đã mất. Nhiều lúc cứ nghĩ như bà đang ngủ. Sáng mai bà sẽ dậy sớm luộc khoai, rồi sẽ lại chọn cho tôi củ to nhất, ngon nhất… Ngồi mãi cũng mỏi, và như để xua đi cơn buồn ngủ, chú Thái bảo mấy cô tôi lôi bộ bài tam cúc ra chơi, chờ trời sáng… Tôi ngả người, gối đầu vào đùi cô Hiền. Và rồi tôi thiếp đi lúc nào chẳng biết. 

Trời còn chưa sáng rõ, các ông bà chú bác tôi đã gọi cổng. Mọi người phân công nhau đi tát nước ngoài huyệt mộ. Và rồi quan tài bà tôi được các chú, các bác khênh ra đồng khi trời vừa tang tảng sáng. Mây vẫn vần vũ trên trời. Trời đất kiểu này, chả biết rồi thì mưa giông lại ập xuống lúc nào... 

                                                                        *

                                                            *                       *      

                                       

Mải nghĩ chuyện ngày xưa, tôi giật mình khi chợt nhìn thấy Thông. Nó vừa từ nhà dưới đi lên. Tầng hai không sáng đèn, thành ra lúc nó đã đứng lù lù trước mặt, tôi mới nhận ra. Tôi hỏi:

- Thế nào. "Các cụ" đã bàn xong chưa ?

- Chưa bác ạ.

- Phức tạp quá. Có gì mà phải lắm ý kiến thế.

- Bác không ở nhà, không biết đấy thôi. Chuyện ở làng này là cứ phải thế. Hữu sự là cụ nào cũng to cả. Mà chả cứ mấy ông cả đời không ra khỏi làng đâu. Như cái ông Đỉnh đấy. Cán bộ về hưu vài năm nay thôi. Nhưng lệ tục làng cũng đã ngấm vào ông ấy rồi, thậm chí còn nặng hơn mấy ông đi cày nữa kia. Cứ muốn ta phải to hơn, oách hơn, có vai vế hơn người khác cơ. Cũng phải quen với lệ làng thôi bác ạ.

- Thế có gì phức tạp quá không?

- Về cơ bản là ổn. Có chuyện, mà bác biết rồi đấy, các cụ bàn đi bàn lại mãi là nếu đào lên, cái tiểu của cụ nhà em bị vỡ hay sứt mẻ thì làm thế nào…

- Thế sao chú không đi mua sẵn lấy một cái, có bao nhiêu tiền đâu.

- Đấy. Bác không hiểu lệ làng là thế đấy. Mua sẵn là nguy hiểm lắm. Phải kiêng. Vậy nên lúc nãy bố con em phải chạy xuống phố huyện, gõ cửa nhà ông hàng sành. Đặt trước cho ông ấy vài chục nghìn, hẹn nếu cần thì bốn giờ sáng bố con em đến lấy, còn không thì, coi như biếu ông ấy … Nhưng thôi, em đã bảo là mọi việc tốt cả thôi mà. Bác tranh thủ chợp mắt đi lấy một tý, ba giờ là phải dậy rồi đấy.                              

                                                                        *

                                                            *                       *

Đúng như Thông nói, tôi ít về quê, nên tục lệ làng thời bây giờ tôi không rành lắm. Lại thêm một đêm thức trắng ở làng, tôi như đứa trẻ vỡ ra nhiều thứ.

 

Sau bao nhiêu thủ tục rườm rà, với những khấn vái, lễ tạ, cầu xin, hương khói, rồi mộ chú tôi cũng được đào lên. Thông thở phào vì cái tiểu vẫn nguyên lành. Hai viên gạch bát đậy nắp tiểu còn nguyên vẹn. Nó nói thầm vào tai tôi: "Tiểu mà vỡ, thì chưa biết các ông còn phán những gì đây, chỉ khổ em thôi". Cái tiểu được các chú bác đưa lên rất cẩn trọng, rồi thì lồng vào hai sợi dây được làm bằng vải đỏ để trang trọng khiêng chú tôi vào đồng Gò. Lững thững đi phía sau các ông chú bà bác vai vế bề trên trong họ, tôi thoáng băn khoăn, lệ tục cứ phục hồi và phát triển thế này, liệu có cản trở con đường phát triển của làng tôi không ?  

Xong việc chuyển mộ cho chú tôi, tôi không theo đoàn người về làng bằng đường chính, mà lẳng lặng một mình băng qua cánh đồng. Lâu lắm rồi, tôi mới lại có dịp băng suốt cánh đồng làng bằng đôi chân trần, để cảm nhận cái mịn mát của bùn đất đồng làng thấm đến tận tâm can. Tôi ghé thăm mộ ông bà, mộ bố tôi. Tôi ngồi lặng bên mộ bà, người mà thời thơ trẻ tôi được gần gũi nhiều nhất, được chiều chuộng nhiều nhất. Lại nhớ những đêm dài thời kỳ hoà bình mới được lập lại ở miền Bắc. Nhớ nhất là cái đêm tôi gần như thức trắng bên quan tài bà nội tôi. Vậy mà thời gian trôi đi nhanh quá. Đã hơn năm mươi năm rồi, hơn một nửa thế kỷ rồi, gần hết một đời người rồi.  

Vừa nghĩ quẩn nghĩ quanh, tôi vừa nhặt bỏ những cây cỏ dại mọc đầy trên mộ bà tôi. Chợt nhìn sang những thửa ruộng bên cạnh. Bên ấy, những ngôi mộ của người làng tôi bây giờ được xây cất công phu, cầu kỳ và cũng không ít phần phù phiếm, khoe khoang. Ngôi to, ngôi nhỏ, ngôi được ốp gạch đỏ au, nhiều ngôi thì còn cầu kỳ hơn, với những mái cong uốn lượn hình rồng, hình phượng. Xanh đỏ loè loẹt cả. Kinh tế khá lên một chút, người ta đua nhau xây nhà, xây cửa đã đành, còn đua nhau xây cất phần mộ ông bà, cha chú sao cho to hơn, oách hơn phần mộ của nhà người khác. Mà chắc gì nhà ai cũng khá giả cả đâu. Làng tôi là một làng chỉ độc canh cây lúa, chẳng có nghề phụ gì đáng gọi là kiếm thêm được đồng tiền, bát gạo. Đua nhau xây mồ mả thế này, hẳn là lại khổ cho những nhà nào vẫn còn nghèo khó. Thì đấy, mới năm kia thôi chứ xa xôi gì. Ấy là hôm tôi về thăm nhà, đúng dịp ông bác họ có giỗ chạp gì đấy. Biết tin tôi về, ông cho đứa cháu vào bảo tôi đến ăn cơm. Bầm tôi đang lúi húi cùng mấy bà, mấy chị làm cỗ dưới bếp. Tôi lần xuống. Thấy bầm tôi đang chia phần cho một lũ trẻ con. Bầm tôi bảo, cháu nội cháu ngoại của bác tôi đấy. Nhà có cỗ to thế, lợn gà chả nói, riêng chó cũng phải giết mấy con, nhưng mỗi đứa cháu cũng chỉ được chia cho hai miếng thịt chó thôi. Lấy đâu ra, nhịn miệng đãi khách mà. Khổ thế...  

Đang nghĩ ngợi lan man, tôi chợt nghe tiếng "vắt, diệt" lùa trâu. Nhìn sang thửa ruộng xa xa. Một người đàn ông đang bừa. Quần áo lấm lem. Cái nón cũ tả tơi trên đầu. Người làng đấy, nhưng từ xa nên tôi chẳng nhận ra ai. Người đàn ông ấy, với cái bừa và con trâu ấy, cứ "vắt, diệt" quành đi, quẩn lại trong cái mảnh ruộng cỏn con kia. Chợt nhớ gần năm mươi năm trước tôi cũng đã "vắt, diệt" quẩn quanh như cái ông nông dân bây giờ đây. Đến bây giờ, cũng vẫn chỉ quẩn quanh, tù túng trong cái mảnh ruộng cỏn con ấy thôi ư?./.

Đình Khải/ Theo VOV

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu