A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nắng từ tâm

Bố à, bố thấy trong người thế nào? Hay để con báo hoãn? Chị Như đặt chiếc điện thoại xuống bàn, níu áo bố chồng hỏi nhỏ. Ông Ngọ rướn cổ lên nói rõ to: Ơ hay, cái cô này. Vé máy bay nhét túi đây rồi mà còn nói vậy. Bố bảo đi là đi. Bố còn khỏe chán, cả nhà không phải lo. Bố đi rồi sớm sớm bố về. - Thế bố nhớ lúc nào cũng phải để thuốc bên người nhé. Nhỡ ra…- ôi dào, ngày xưa, bà nội thằng Bim tiễn đi chiến trận cũng chẳng đến nỗi… Mà này, bà ấy điếc thế ở nhà nhớ trông chừng nghe chưa.- Bố cũng đã dặn con mãi còn gì. Vậy chứ, đâu phải mình con nói nhiều, bố nhỉ. - ờ, mà sao cái lão Nhận này lâu thế chứ?

Ông Ngọ đưa mắt nhìn đồng hồ rồi lại ngóng ra ngõ. Chị Như vội xách túi đồ. -Thôi bố, ta ra kẻo taxi đợi lâu, họ càu nhàu. Chắc ông Nhận.. đi sau. à, bố cầm điện thoại của con chưa? Bố nhớ, bấm vào hình điện thoại màu xanh là nghe, muốn tắt thì bấm vào hình điện thoại màu đỏ. Gọi về nhà thì bấm số 1, rồi bấm thêm điện thoại màu xanh…- Nhớ rồi!

Bà Ngọ ngồi trong nhà thẫn thờ nghe hai bố con nói chuyện câu được câu mất. 

*-*


Tiễn bố chồng xong, chị Như ra chợ, mua vội bó hoa thẻ hương rồi phóng xe đến nhà ông Nhận. Trong sân đã chật người. Vừa thấy Như, bà Nhận liền ôm chầm lấy: Ôi ông ơi, con nhà ông Ngọ đây. Hôm trước ông còn hăng hái lắm. Ông bảo tôi, tám mươi có là gì. Nhất định ông ấy phải đưa tôi đi cho biết, xem mấy chục năm nó thay đổi ra sao. Thế mà bây giờ ông nằm đấy, ông bỏ tôi lại một mình. Ông ơi là ông ơi ờ…- Bà ơi, cũng là cái số. Lúc bà gọi báo, bố cháu đã ra xe. Cháu xin được thay mặt bố cháu và gia đình đến chia buồn với bà, bà nhé. - Bà cảm ơn. Ông ấy đi nhanh lắm, như ngủ quên ấy...

Nhìn người già giơ tay quệt nước mắt, chị Như không cầm lòng nổi, nước mắt cũng tràn ra. Ông Nhận với ông Ngọ trước ở cùng đơn vị. Chỉ mấy ngày trước thôi, tối nào ông Nhận với ông Ngọ cũng nói chuyện qua điện thoại đến khuya. Nào là đặt vé máy bay chưa? Tôi nói rồi, bà nhà ông đi cũng chẳng sao. Ông đã hứa với bà ấy thì tôi cũng thấy như mình có trách nhiệm. Cứ hứa mãi hứa mãi để đến chót đời mới cố thực hiện. Nhưng dầu sao ông cũng còn hơn tôi, còn biết hứa, biết cho bà ấy hy vọng. Chứ tôi ý thì, chả biết nói thế nào. Mà bà ấy bây giờ điếc lắm, mắt mờ, ăng ten bắt kém rồi, có đi cũng chẳng thấy gì…

Trông các cụ tất bật chuẩn bị cho chuyến hành quân về với chiến trường xưa Như cứ tự hỏi, không biết ngày xưa khi các cụ vào chiến đấu thì thế nào nhỉ. Ngày ấy Như chưa ra đời. Chuyện bom đạn, chiến tranh đối với cô chỉ hiển hiện qua từng thước phim, từng lời kể, từng cuốn sách, và những di tích còn lại ở mỗi miền đất mà cô có dịp đến. ấn tượng bao giờ cũng thường bắt đầu bằng sự xót xa, ớn lạnh và cảm phục. Giờ thấy các cụ chộn rộn, người như khỏe hơn, trẻ ra, Như vừa vui vừa tò mò. Có lúc cô đứng nghe các cụ nói chuyện rồi cười. Còn Tùng, chồng Như, nghe thấy lại thả câu: Ôi xời ơi, các cụ cứ lắm chuyện. Đi thì cứ đi. Chơi chứ công cán gì mà làm gớm, ầm ĩ quá. Họ mời, họ khắc phải chuẩn bị chỗ ăn chỗ ngủ. Các cụ khỏi lo. Ông Ngọ ấn cái điện thoại xuống đùi, ngoái cổ quát: Bố cái thằng, để cho tao nói chuyện nhá, chả biết sâu sắc là gì! Như lại phải đẩy chồng lên tầng hai, miệng lẩm bẩm câu quen thuộc: Hay thật! Bố với con mà chả thấy nói được câu nào nhẹ nhàng. Vậy mà giờ đã khói hương thế kia. Cái chết chả bao giờ biết trước. Lần đầu tiên Như ý thức tuổi già sao thật mong manh. 

*-*


- Anh này, gọi điện cho ông nội cu Lim đi. - Như nhắc chồng. Tùng nhăn nhó. -Vẽ chuyện. Cụ đi có hai chục ngày, nhà vẫn thế, có sập nhà tốc mái hay họ mở đường, lấn vườn, mất nóc gì đâu mà gọi. Để cho cụ chơi thanh thản. Mấy chục năm giờ gặp lại nhau cứ là tít, nhớ gì nữa. - Anh này hay thật. Cụ tám mươi rồi, chả biết thế nào đâu. Em thấy lo lo. Nhỡ trái gió, lạ nước, khác bụng, rồi nhồi máu, rồi đột quỵ. Em thấy người già có nhiều cách để “đi” lắm. - Ơ hay, sao cứ gở thế? Mọi khi, có bao giờ mẹ Lim lo cho ông thế đâu. Có lần mẹ Lim còn bảo giá mà ở riêng, hay giá mà một sáng tỉnh dậy không thấy ông dồn gà quàng quạc còn gì. Mẹ Lim bảo ông lập làng giữa phố. Mùi cứt gà, mùi nước tiểu tưới rau, mùi ống điếu nó phá hết mùi nước hoa Pa-ri của mẹ Lim còn gì…

Như nâng cái vung lên lại đặt đánh quạch xuống, thần mặt ra nhìn chồng. Muốn cãi lắm mà không cãi được. Tùng nói chả bịa chỗ nào. Ngay từ ngày mới về làm dâu, Như đã được “cảnh báo”: Bố mẹ em trẻ không nói làm gì, nhưng anh - cha già con cọc, ông cụ lại từng là bộ đội. Bôn lắm, liêm khiết lắm. Cách tốt nhất là cứ để tùy ý ông cụ, đừng có can thiệp, phân tích, giảng giải cái gì. Càng nói càng nát đấy. Thấy sắp có nguy cơ to tiếng là em phải tìm cách phân tán mục tiêu ngay. Chúng ta là con một, nhiệm vụ ở với bố mẹ là chung thân, đừng có tìm cách tách ra mà ráng chấp nhận và thích nghi em nhé.

Và đúng là Tùng làm như thế thật, dần dần Như cũng theo, thành ra nhà có tiếng là êm ấm, ba thế hệ mà không có điều tiếng gì. Đi thì chớ về đến nhà là Tùng tọt vào phòng đọc báo, xem ti vi hay chơi với con, đến bữa mới xuống ăn. Mẩu đối thoại hai bố con hay nói với nhau nhất là: “Con mời bố ăn cơm.- ừ”. Hàng ngày, lúc ông Ngọ uống trà thì Tùng chưa dậy. Lúc Tùng dậy thì ông đã đi chợ. Ông Ngọ có thói quen đi dạo chợ buổi sáng, thay cho đi tập thể dục, bắt đầu từ khi mẹ chồng Như bị nghễng ngãng, mắt mờ. Từ ngày có Như về làm dâu ông đi chợ để thư giãn, để ngắm, để vẫn thấy đời sinh sôi là chính. Thích thì mới thi thoảng mua vài quả chuối, mớ rau, lạng cá … Tất cả thường tươi và ngon.

Như với cái điện thoại, mặc chồng còn xì mặt liếc xéo. - Ông đấy ạ, con, Như đây. Ông ngủ rồi ư? - Đã ngủ được đâu. - Tiếng ông Ngọ đầu kia nói vẻ mừng rỡ. - Vừa ngồi nói chuyện với anh em, mới về phòng đây. Bà thế nào? - Ông yên tâm, bà ngủ lâu rồi. Cơm ăn vẫn thế ạ. - Xem ra chả ngủ được mất. Ai cũng nhắc, lại nằm ở chính nơi ngày xưa mình vác súng tấn công vào giải phóng cứ thấy nao nao. Mà ông bà Nhận để lỡ mất chuyến đi phí quá con ạ. Gặp lại nhiều người lắm, tình cảm… Có điều, nhiều thứ thay đổi. Những chỗ rất ý nghĩa, ghi dấu bao chiến công có khi lại không còn, hoặc họ tân trang lạ quá, chả nhận ra. Nhung dự sao, di được chuyến này về có chết cũng đành. - ấy bố đừng nói thế. Có thuốc ngủ con để trong ví ấy. - Không, ai lại uống? Ngộ nhỡ dậy muộn, anh em họ cười cho. Thủ trưởng, ai…- Bố ơi, mình nghỉ hưu rồi, à con xin lỗi, nhưng bố phải ngủ mới đảm bảo sức khỏe. - Như quay sang ra hiệu cho chồng. Tùng lắc đầu. - Bố à, thôi bố ngủ đi, con sang xem cháu Lim thế nào.
Khi Như buông máy thì cũng là lúc Tùng bắt đầu vào cơn ngáy. Tùng thừa hưởng trọn vẹn cái “khả năng gáy rung mạng nhện” của bố. Vừa nhìn chồng mới đó mà đã ngáy vừa nghĩ đến bố chồng đang ở nửa kia đất nước với những hồi tưởng không sao ngủ được, Như cười một mình, cô thấy yêu gia đình của mình hơn, với những cảm xúc thật dễ chịu. Tựa như những tia nắng cuối đông bất chợt rọi chiếu vào gáy, trong một ngày thư thả...  

*-*


- Ơ, anh không dậy đi làm à. - Như lay chồng.- Không, em cũng thế. - Tùng è à. Như đấm bụp vào lưng chồng. - Vớ vẩn, dậy đi, em còn cho con đi học. - Anh báo cáo với xếp em rồi. Em ốm. - Anh hâm à? - Hâm đấy, hâm cái chỗ này này. - Tùng vùng dậy - Chúng mình sẽ sửa nhà. Chả mấy khi ông đi vắng, ta dọn hết, nhất là cái phòng của ông. Gớm toàn mùi thuốc lào với các thứ đồ kỷ niệm, bí xì xì, không dọn nó đi thì ho lao mất. - Nhưng ông dặn không được dọn phòng ông. Ông để đâu cứ giữ nguyên chỗ đó cho ông dễ tìm. Về ông chửi cho à. - Thì chúng ta cũng lại để nguyên chỗ đấy nhưng dọn cho nó sạch đi. Anh muốn quét sơn lại hết. - Nhưng mấy lần nói sửa nhà, ông bà có đồng ý đâu? - Đồng ý hay không là ở ông, ông ngại thay đổi. Giờ mình làm ông không phải bận tâm, ông cứ thoải mái với những chuyến thăm chiến trường xưa, với hội thảo, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, khi về thì tất cả đã đâu vào đấy, đảm bảo là ông mừng lắm chứ chả mắng gì đâu. Nhà sạch hơn, mới hơn, ai chả thích. Còn không, một mình anh chịu trận! - Định thế mà chả nói với em một câu.- Như nói dỗi. - Thì chứ, anh cũng vừa mới có ý tưởng hôm qua. Cho anh ăn sáng đi, anh đói quá. - Gọi cho bố đã. - Hả, đã bảo rồi, cứ lặng lẽ làm. - Tùng gắt. - Không. ý em là hỏi xem cụ thế nào. - Lại ăn sáng, diện bộ lễ phục, đeo huân huy chương, đồng đội vây quanh, lính trẻ ngưỡng mộ, các cụ thì tự hào và rưng rưng… thế chứ sao nữa. - Em lo, sợ như cụ Nhận ấy. Hôm qua em chưa kịp kể thì anh đã ngủ à.

Tùng nhíu mày. Như nói cho chồng chuyện nhận tin ông Nhận chết trước khi tiễn ông Ngọ ra xe, và cô đã giấu để bố đi mà không bận lòng. Tùng thừ người ra, hết nhìn điện thoại rồi nhìn vợ. Hiểu ý chồng, Như bấm điện thoại. Chuông reo một hồi vẫn không thấy tín hiệu mở máy. - Hay là ông không biết dùng? - Tùng sốt ruột. - Có hướng dẫn mà lị, em viết để sẵn trong ví của bố. à đây, ông mở máy rồi. Anh này… Tùng ngập ngừng. Như nhoai người dúi ống nghe vào tay chồng. Như không biết hai bố con nói những gì mà chỉ thấy Tùng hỏi được một câu: Bố có khỏe không rồi gật gật, vâng vâng mấy câu là cúp máy, vội tụt khỏi giường đi vào phòng vệ sinh, một lúc sau mới thò cổ ra nói bâng quơ: Ông bảo, ông nhớ cái mùi chợ sớm. Bà Ngọ ngồi ăn sáng, mỉm cười gật gật đầu.  

*-*

- Hả, ông nói cái gì, tôi chả nghe thấy gì cả. - Bà Ngọ dí sát cái điện thoại vào tai, gào lên rõ to làm Như giật mình choàng tỉnh dậy. - Bà ơi, sao bà gọi điện sớm thế, ông con khéo chưa dậy. Đưa con nghe hộ cho. Ôi, ông cúp máy rồi còn đâu mà thấy với không. - ừ, trời không dưng đã nắng đấy. Ông ấy sắp ra máy bay. Có phải như trước, đánh giặc xong còn phải ở lại giải quyết hậu quả, khôi phục thành phố đâu mà không về ngay. Này mùi sơn mới khó ngủ nhỉ. Như buồn cười cho cái tai của mẹ chồng. Nhiều lúc như thế lại hóa hay, bà không bị kéo vào các cuộc đôi co, thoát được những câu dễ gây bực mình. Nhưng mà bà cũng nhớ thật, đúng là theo giấy mời, cuộc gặp mặt những người tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh của đơn vị ông Ngọ sẽ kết thúc vào ngày hôm nay.

Ngày ông ấy theo quân đoàn thần tốc vào Nam, tao mới sắp sinh bố cu Lim. Ngày ông ấy ra, con đã biết bò. Nghe tin Sài Gòn giải phóng mà vừa mừng vừa lo. Mừng vì đất nước đã giải phóng. Lo nhỡ ông ấy không còn trở về. Mới tháng tư trời đã hè đâu mà sao tao thấy nắng thế. Nắng từ tâm nắng ra. Như ôm lấy người mẹ chồng gầy gò, lòng nghĩ lại quãng thời gian mấy chục năm chờ chồng đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, thoát chết ở Khe Sanh, ra bắc chưa kịp sinh con lại vào trận. Hơn bốn mươi tuổi mới có được mụn con. Đời bà là những tháng ngày chờ đợi mỏi mòn như người ta vẫn nhắc tới mỗi khi nói về chiến tranh. Nhưng bà đã sống được là nhờ hy vọng, nhờ nỗi mừng vui trong những khoảnh khắc đón ông trở về.


Ngày hôm nay sẽ qua nhanh thôi, bà sắp lại có thể lần lần với cho ông cái tăm sau mỗi bữa, pha cho ông chậu nước muối ngâm chân, nhưng… Như chợt lo, nỗi lo theo cơn gió đưa mùi sơn, mùi nước hoa xịt phòng ập vào mặt chị. Liệu ông sẽ nói gì về những thay đổi trong nhà mà suốt tuần qua vợ chồng Như đã cật lực thuê thợ, sắm đồ, dọn dẹp, có khi làm thâu đêm. Vợ chồng cô đã rất hài lòng, bé Lim thì nhảy cẫng lên khi thấy tường nền xanh đỏ rực rỡ. Tùng bảo, mẹ ơi, màu sắc cho cháu nó thông minh. Bà Ngọ cười, tao có nhìn rõ gì đâu, ông cháu bay ưng là được. Vui với chồng vì những gì vừa tranh thủ làm được, Như cứ cố gạt đi dự cảm không hay khi ông trở về. Ngày đó đã đến đây. Như không thấy sợ cho mình, vì cô chỉ là đàn bà, mà đàn bà thì nghe chồng…

Nhưng còn bà Ngọ, niềm hạnh phúc từ nỗi chờ đợi bao nhiêu năm qua đang trở về với bà kia sẽ được ông đáp lại thế nào? Sao lúc Tùng nói sửa nhà Như không nghĩ ra nhỉ. Lúc này khi nhìn người mẹ chồng lọ mọ dậy, ngóng chồng từ hai giờ sáng Như mới thật sự ân hận. Nhớ lần ông đã hất đổ cả mâm cơm vì món lòng thiếu mắm tôm. Ông nhắc mà bà lãng tai không nghe thấy cứ nói không đâu về giàn bầu trên mái nhà. Lại còn trách ông mãi không hái hộ. Lại cái bữa bà lặng lẽ dắt cu Lim bán lên chùa. Ông biết chuyện ra chùa tìm, thấy cu Lim đang ngồi ăn oản mồm đỏ choe choét, cạnh bên bà vái lấy vái để. Thế là cả tháng ông không nói chuyện với bà. Bà thì than, ông mà biết còn lâu mới bán được.

Giá mà bàn trước với bố, biết đâu… Như nhấc chiếc điện thoại, ngập ngừng một lúc rồi gọi cho ông Ngọ. Chị xin lỗi ông và nói một lèo về những thay đổi mà ông sẽ cho là rất nhanh ấy. Từ cái chuồng gà bằng gỗ tự tay ông đóng lúc mới về hưu đã được thay bằng chuồng nhôm khung kính, cho đến từng cái cây, từng khóm húng láng của ông đã được trồng vào bồn, còn sân đã được lát gạch cho dễ quét, tấm đệm cỏ của ông đã được thay bằng đệm bông trắng, đan cườm, cái điếu cày thì gác lên làm kỷ niệm. Như ra phố Hàng Bạc đặt thay cho ông một chiếc tẩu bằng bạc. Lại còn cả những căn phòng nhiều màu… Mãi không thấy ông Ngọ trả lời, một lúc thì chỉ thấy những tiếng tít…tít... Như thừ người, loanh quanh một lúc và xin phép bà Ngọ về nhà ngoại.  

*-*


“Con đừng lo, bố cũng đang mong trở về nhà lắm, thế nào đó cũng là gia đình, tất cả nếu muốn làm lại vẫn có thể làm. Cái gì cần làm vẫn có thể sửa. Lần trước, ông ngăn các con sửa nhà vì không muốn cu Lim còn nhỏ phải ngửi mùi vôi vữa mới, có hại lắm… Con biết không, khi bố về với chiến trường cũ tất cả cũng đã thay đổi. Cứ tủi tủi e không ai còn nhận ra mình, lo không còn dấu vết cũ như một vật chứng cho những chiến công mà thời bố bao người đã đổ xương dốc máu. Nhưng tất cả đã trở về trong ánh mắt của những người mới gặp, nhất là những người sinh ra sau chiến tranh như con. Ông nhà báo cùng đoàn bố cứ bảo: Quá khứ đẹp cứ như là nắng ấy, sẽ rọi soi không vì lời thỉnh cầu. Chỗ nào nắng đến thì rạng rỡ, nẩy nở, chỗ còn khuất lấp ẩm ướt thì còn có thể đợi ngày sau, bởi nắng đâu có hết bao giờ, chỉ hết đời hết mệnh mà thôi…” Ông Ngọ muốn trả lời con như thế mà sao lúc nghĩ ra được điện thoại mất sóng. Ông cứ bứt rứt trong người, sợ chúng nó không hiểu lại vừa đợi ông về vừa lo.

Mấy tia nắng rọi qua ô cửa sổ máy bay, lóe lên trên màn hình điện thoại. Ông Ngọ nhét chiếc điện thoại vào cặp, cố nhắm mắt. Đành vậy... Nắng thế kìa, nhanh về tới nhà thôi./.

Theo VOV


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu