A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thôi đừng hát nữa sông ơi!

Tôi đã cất giấu tình yêu đầu tiên của mình trên bến sông. Thời đó là nơi gặp gỡ, trò chuyện, hóng mát của mọi người dân trong làng. Là nơi tắm mát tuổi thơ của chúng tôi. Chứ không như bây giờ, khi quê tôi có điện, nước sạch, bến sông quê thành một bến rác, không còn như xưa nữa.

Ngày ấy cứ chiều chiều, tôi thường cùng chị ra bến sông này ngồi chơi. Dáng người chị mảnh mai. Sống trong vườn chè nên nước da chị rất trắng, và giọng nói của chị cũng ngọt lịm như dòng nước Hưng Bình quê tôi. Con gái quê tôi đẹp nết đẹp người. Do đó, ca dao có câu "Xứ Truồi mít ngọt thơm dâu. Anh đi làm rể ở lâu không về".

Đặc biệt, chị được ông trời cho một giọng hát rất hay. Chị hay hát nhạc Trịnh. Tôi nghe nói nhạc Trịnh hay, nên cũng tập tành hát theo, chứ tuổi nhỏ như tôi làm sao "thấm" được ca từ của Trịnh. 

Vì dễ thương nên hồi đó chị được rất nhiều người để ý. Những người đến với chị toàn là trai làng tôi mà thôi. Lúc ấy trai làng nào "ngự trị” gái làng ấy. Nếu ai muốn cưới vợ khác làng thì sẽ có chiến tranh tình yêu xảy ra. Khổ nỗi, làng tôi ngày ấy đời sống phụ thuộc vào ruộng vườn, hiểu biết hạn chế. Nên mỗi gia đình trong làng sinh con trai nhiều hơn con gái. Không như bây giờ, sách vở gối đầu rất nhiều, ăn uống dư thừa. Nên trong làng mỗi gia đình sinh con trai, con gái có phần cân bằng và có khi con gái lại nhiều hơn con trai!? Vì vậy ngày đó tôi rất sợ ế.

Chị hơn tôi hai tuổi. Ông cha ta có câu "nhất gái hơn hai...". Tôi và chị được xếp vào hạng nhất còn gì. Tôi nghĩ thầm trong bụng.

Chiều chiều tôi hay cùng chị đi ra bến sông. Mỗi lần đi như vậy tôi luôn cầm tay chị. Xem chị là nơi dựa dẫm, níu gửi đời mình.

Bọn trẻ cùng lứa tuổi với tôi, thấy thế, chúng nó luôn miệng đọc: "Chị chị em em nghĩ cũng tình. Em cầm tay chị chị lặng thinh". Khi đó nhìn gương mặt chị ửng hồng, như tô thêm nét duyên trên má chị. Đó chính là điều làm tôi thích thú. Đêm về mỗi khi học bài xong, tôi lại ngồi tập tành viết thơ. Những bài thơ "con cóc" viết về chị,  đều được chị ngâm cho tôi nghe. Để rồi tôi tưởng chị và tôi sẽ mãi như thế.

Hôm sinh nhật chị, tôi mặc bộ quần áo đẹp nhất, trên tay cầm đóa hoa ngắt trộm ở nhà hàng xóm, đến tặng chị. Vừa đi tôi vừa nhảy chân sáo. Trong bụng chuẩn bị một câu nói rất thơ mộng để chúc mừng chị. Nhưng trong nhà chị đã có một người đang trò chuyện. Đó là anh Nghĩa, người cùng xóm. Chị giòn giã hỏi:

- Nhóc của chị đến đó à? Vào đây chị giới thiệu nào - Giọng chị vui hơn mấy ngày trước - Đây là anh Nghĩa bạn trai của chị vừa đi bộ đội về.

Tôi sững cả người và muốn chạy thật xa. Bao nhiêu suy nghĩ cứ hiện về trong đầu tôi, nào là: Chị yêu anh ấy, vì anh ấy vừa đi bộ đội về. Anh sẽ có một mảnh đất xã cấp cho anh. Anh vừa già vừa cà kheo. Đúng là "nghĩa không ngờ".

Tôi bỗng thấy mình vừa thừa, vừa quê. Thôi, tôi đành phải quên chị. Chưa qua tuổi 18 mà đã chịu "mồ côi" chị mất rồi.

Thời gian trôi qua chậm rãi như con nước trên sông vào mùa hạn hán. Bến quê không còn đầy đặn, mà dòng nước đã khô cạn, xuống tận đáy lòng sông. Chị bước lên "đường hoa" về nhà anh Nghĩa. Trong khi đó tôi cũng nhận được giấy báo thi đỗ đại học. Đi học tôi sẽ ít về quê. Vì tôi sợ nghe tiếng chị ru con lắm. Người lớn trong làng tôi bảo: "Khổ nhất là lấy chồng xa. Đau nhất là nghe người ta ru hời...".

oOo

Bốn năm học đại học, đôi lúc nhớ quê nhà  và gia đình, tôi cũng có về. Nhưng tôi đã biến mình thành người điếc, không để ý chi về chị. Mỗi khi nghe ai nhắc đến gia đình chị là tôi bỏ đi ngay.

Ngày rời xa giảng đường, tôi chọn vào giờ tối mới về quê. Tôi sợ phải thấy lại bến xưa và gặp lại chị.

Bỏ túi sách lên bàn. Tôi đã nghe tiếng chị. Nhưng không phải là lời chị ru con  mà tôi hay lo.

- Giấy ly dị em đã viết, anh cứ ra tòa để lập gia đình khác - Giọng chị nghẹn ngào.

- Tôi không ký - Anh Nghĩa nói to.

Lấy nhau đã hơn bốn năm mà anh chị không có đứa con nào. Bác sĩ bảo chị không thể làm mẹ. Đó là tin khiến chị và anh sống càng ngày càng lạnh nhạt. Nhiều lần chị bàn với chồng xin đứa con nuôi. Nhưng anh không chịu. Chị đành viết đơn ly dị để anh đi lấy vợ, có cháu cho ông bà nội bồng. Anh cũng không ký. Cũng chỉ vì chị quá nết na và hiền dịu, dáng người vẫn còn độ lúa trổ đòng nên anh Nghĩa không muốn rời xa. Anh chỉ muốn sống chung với chị, nhưng chị phải để anh đi kiếm lẻ một đứa con.

Trời ạ! Đời chị sao cứ quẩn quanh với bến quê lúc cạn lúc đầy vậy chứ?

Ra trường cầm tấm bằng trên tay, bao nhiêu ngày xin đi dạy không được, tôi trở thành người "mất dạy vô lương" trong mắt người châm biếm chơi chữ. Những ngày ở nhà đôi lúc tôi cũng gặp được chị. Nhưng sự gặp gỡ ấy đều có sự cách ngăn của một khoảng vườn rộng. Những lúc như thế, ánh mắt của chúng tôi nhìn nhau thật bối rối.

Rồi một đêm dưới ánh trăng. Sau bao tiếng cãi vã của gia đình chị, là tiếng xe máy rồ ga phóng ra khỏi nhà rất nhanh của anh Nghĩa. Ánh mắt yếu đuối của chị gặp tôi trong những ngày qua và những kỷ niệm của một thời đã thôi thúc tôi. Tôi lách vườn, rẽ lối đi nhanh qua vườn nhà chị. Cây cối vẫn dịu dàng dưới ánh trăng. Hòa vào ánh trăng đầy lãng mạn ấy, là một giọng ngâm thơ thật tha thiết và day dứt của chị:

Cũng đành là thế chị ơi
Câu thơ em viết bên trời Huế mưa
Khúc ca xưa đã lỗi mùa
Về thôi kẻo muộn nẻo chờ phù du.

Tóc xưa rối đến bây chừ
Bến yêu thương cỏ tương tư giăng đầy
Phù sa hay màu mắt cay
Em toan bỏ hết những ngày bồng bênh.

Cũng đành thôi chị em quên
Co ro nằm vỗ giấc mềm chiêm bao
Ngày mai lỗi hẹn cau trầu
Em về ngủ phía sông sâu một mình.

Bài thơ tôi viết gửi chị cách đây đã lâu, đêm nay bỗng dưng chị ngâm lên.Tiếng ngâm thơ nồng nàn, day dứt, càng lúc càng nhỏ dần. Tôi gục đầu vào gốc đa trên bến sông, nghe khuyết lở một bến yêu thương... 

Ngô Công Tấn


 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu