A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xóm đêm

Nghỉ phép, tôi về quê xả hơi thư giãn, vui không khí yên lành, yên tĩnh. Làng về đêm sương giăng kín dày, rơi lộp độp trên những tàu lá chuối.Tiếng côn trùng rả rích, hòa thành bản đồng ca ru tôi nhớ về thời thơ ấu. Mới hơn tám giờ mà đêm tưởng chừng như khuya lắm. Bật ngọn đèn nê-ông, ánh sáng hắt qua cửa sổ soi rõ khoảng sân nhà ông anh tôi là thôn trưởng tên Sang. Tôi tiếp tục hoàn thành bản thảo truyện ngắn đang viết dang dở để còn kịp dự thi.

Mẹ tôi nghỉ sớm, thi thoảng cựa mình ngái ngủ. Nhìn qua khung cửa, đám thanh niên cùng con gái ông anh tôi tán dóc lại còn bày vẽ đàn hát, nhì nhằng. Giọng khô khan, nặng nề âm sắc địa phương, nhưng nghe thật có hồn. Hình như trong bản nhạc tình, anh chàng nào đó muốn lấy lời hát để gởi gắm tình cảm của mình, nên cố trau chuốt thật mượt mà: “Sao em không về thăm lại miền Trung? Về thăm quê mẹ em theo về cùng...”. Tiếng đàn, giọng hát lùng bùng, sai nhịp nghe tức anh ách, thế nhưng đám trẻ cứ tiếp tục vô tư tán thưởng. Trong nhà ti vi đang phát chương trình thời sự. Trưởng thôn ngồi loay hoay bên đống giấy tờ dày cộm. Mẹ và vợ anh rì rầm điều gì đó nghe tiếng được tiếng mất.

Rầm! Quẳng chiếc xe đạp ngã chúi vào chậu hoa, một người đàn ông và một người đàn bà vội vã bước vào. Tôi dừng bút lắng nghe.

- Chào chú Hai Sang!

- Chào anh chị Trí! Có việc gì mà hai ông bà luống cuống thế kia?

- Dạ! Báo cáo chú. Trí bình tĩnh: Từ sáu giờ chiều đến tám giờ tối, hai vợ chồng đi vắng chỉ có ba mươi phút, không biết kẻ nào đột nhập vào nhà cuỗm mất chiếc Cub 81.

- Dạ đúng vậy! Người vợ bật khóc nức nở: Có cách nào tìm đuợc không chú Hai, cả đời vợ chồng chị góp nhặt mới mua nổi chiếc xe, làm sao bây giờ?...

Trưởng thôn mặc thêm chiếc quần dài, động viên ông bà Trí rồi tức tốc đến hiện trường xem xét. Mười phút sau trở về, anh lắc đầu với tờ biên bản. Chẳng có dấu vết gì để lại, anh nói thật to: Ngày mai báo cáo công an xã!

Anh Sang thay quần áo, bật chiếc quạt bàn hết cỡ, uống ly nước đá lạnh. Chưa kịp ráo mồ hôi có mấy bác nông dân kéo đến đầu ngõ, rôm rả la ó:

- Có ông Sang ở nhà không?

- Có! Mời các bác vào.

Anh Sang tắt ti vi. Nghe ồn, đám thanh niên ngừng hát. Bác Sáu Dậu, ông Tám Đực, bác Tư Vân, và mấy chị sồn sồn bước qua thềm sân.

- Thưa ông Trưởng thôn! Ngày mai công trình đường liên thôn sẽ thi công, nhà tôi hàng tre chưa chặt hết, đám đất hoa màu chưa kịp thu hoạch, nếu ủi đường không còn giếng nước sử dụng, đề nghị ủi lách ra...!

Lời người này xen lời người kia hỗn loạn. Họ giành nhau nói.

- Đề nghị các bác, các chị im lặng ! Anh Sang từ tốn: Đây là nghị quyết, lấy từ ý kiến của nhân dân, đã nhất trí cao ai cũng phải chấp hành.

- Nhưng hàng tre mấy mươi năm là nguồn sống của gia đình, của tuổi già, chặt hết tôi lấy gì mà sống! Bà Sáu Dậu dậm chân múa tay.

- Hoa màu chưa đúng ngày thu hoạch, tôi nhất quyết không cho ủi. Bà bác họ của trưởng thôn cương quyết, thách thức.

- Cái giếng nhà tôi có cách nào ủi né ra, để gia đình còn có nước sử dụng. Nếu lấp giếng, tôi sẽ sống chết cùng với nó!

Anh Sang đang ngồi bệt dưới nền nhà rít hơi thuốc thật dài, phà khói, bật dậy la lớn:

- Các người làm gì thế? Đây là nhà riêng chứ không phải nơi công cộng ! Đảng, nhà nước chủ trương phát triển nông thôn, ở ta mở con đường huyết mạch, ý hợp lòng dân, tiền của nhân dân đóng góp, không khiếu nại gì cả. Riêng giếng nước nhà bác Tám sẽ có kế hoạch để lại sử dụng, nghe rõ chưa ? Yêu cầu bà con giải tán cho tôi nhờ.

Anh Sang vuốt lại mái tóc, chưa kịp định thần, vợ của lão Sâm lưu linh từ đâu không biết chạy đến, mặt mày tím bầm, tóc tai rũ rượi thở hổn hển :

- Trưởng thôn ơi ! Cứu giúp giùm tôi, lão già nhà tôi lại say nữa rồi. Lần này lão tệ quá, đánh tôi không còn manh giáp, ông có cách nào bỏ tù giúp tôi... Kiểu này hết chịu nổi!!

Mọi người đang có mặt tại nhà anh Sang xì xào lên tiếng trề môi, dửng dưng trước lời than vãn của người đàn bà.

- Chồng bà đã mấy lượt vi phạm được bà con thương tình nâng đỡ, tha thứ nếu không, phải đi tập trung cải tạo vài lần. Chứng nào tật ấy! Bà về làm đơn gửi cho tôi, tôi sẽ cho lão trắng mắt. Nhưng nói trước, lần này khi có quyết định cải tạo không có khóc lóc, xin xỏ gì nữa đâu nghen!

- Dạ! Cám ơn ông trưởng thôn.

- Ơn nghĩa gì bà về đi.

 Đám người cùng bà vợ lão Sâm lần lượt ra về. Tiếng chó sủa râm ran xa dần theo những bước chân vào từng lối nhỏ. Truyện ngắn của tôi đang đến hồi vợ chồng tiễn nhau tận bến tàu, bịn rịn. Người vợ nhìn theo làn khói mờ nhạt, vẫy tay dưới nắng chiều xa vắng mênh mông. Phía bên kia bức tường bác bảy Hoa xuýt xoa vui mừng như mở hội sau vụ vay hai triệu đồng từ quỹ xóa đói giảm nghèo nuôi heo lứa.

Tôi kéo chiếc ghế, với tay cầm ly nước tợp một ngụm, đứng dậy bước ra ngoài hiên. Đêm như giãn ra. Trời đầy sao, dải ngân hà sáng nhấp nháy. Một vệt sao băng kéo dài, xa tít vô tận. Bất thần phía nhà anh Sáu Mỗ vang lên tiếng tru tréo của vợ anh ta:

- Con ơi là con! Hai con gà mái đẻ, một con heo đất hơn trăm nghìn chứ ít đâu! Sao con đưa người ta ăn hết. Sao mày không chết đi cho rảnh nợ, cho bố mẹ mày nhờ. Đồ ăn hại! Số đề! Bida! Tiếng roi đập bình bịch, tiếng thét lên của thằng bé, tiếng rên rỉ, đứt quãng, ngắt lịm...

Dòng ý nghĩ của cốt truyện đan xen, chồng chéo với hiện thực làm tôi thấy đăng đắng nơi cổ họng. Đêm đã khuya, các cô cậu thanh niên vác đàn lục đục kéo nhau về.

Hình như anh Sang đang thả mùng chuẩn bị ngủ. Con gái anh kéo cánh cửa khép hờ quay xuống bếp. Chị Phượng ở xóm trước, bà con xa với anh Sang không biết từ đâu hớt hải:

- Anh Hai ơi! Con gái em nó tự tử bằng thuốc trừ sâu. Mọi người đang đưa cấp cứu bệnh viện... Lỡ có chuyện gì em làm sao sống nổi. Trời ơi là trời!

- Trời đất! Anh Sang bật đèn hốt hoảng. Lý do làm sao nó tự tử?

- Nó yêu thằng Tam ở xóm Đồng. Bố nó chê nhà Tam nghèo nên ngăn cản, nhạo báng, đánh đập, kết cục là thế đấy!

- Bậy! Bậy hết chỗ nói. Sang đập tay xuống đùi: Không còn cách dạy con cái hay sao dạy bằng cách đó. Thôi cô về đi, khi nào súc ruột xong, xem tình hình ra sao tính sau. Anh Sang ngao ngán, thở dài.

Truyện ngắn đã sang trang thứ ba, đang hồi gay cấn. Tôi cố vắt óc viết nhanh, kết thúc để còn đi ngủ nhưng không tài nào dứt điểm được. Ngoài kia gà cũng bắt đầu gáy. Mẹ tôi thức giấc lần nữa nhắc nhở, tôi ầm ừ cho qua chuyện. Gia đình anh Sang cũng đều ngủ cả.

- Cạch, cạch, cạch! Anh Hai! Anh Hai!!!

- Ai đấy? Bà Mười, mẹ anh Sang hỏi.

- Dạ! Con là thằng Hạnh máy gạo đây bác.

Bà Mười trở mình, anh Sang đã dậy mở cửa. Hạnh bỏ dép đứng trên bậc tam cấp mình dính đầy dầu mỡ, mặt tái mét run lên:

- Chiếc máy nổ hiệu KUBOTA của Nhật kéo dàn xay xát, bọn trộm tháo dỡ khiêng đi không biết từ lúc nào, phiền anh đến xem xét lập biên bản hiện trường giùm em!

- Mẹ kiếp ! Anh Sang chửi thề: Cái máy nặng chí ít gần nửa tấn, đâu phải trái bí, con gà muốn lấy lúc nào thì lấy. Hơn nữa vặn bằng ốc vít – bù loong, không biết vợ chồng mày ăn ngủ thế nào mà không hay biết nhỉ?

- Dạ! Tại em uống say quá, vợ lo con nhỏ bệnh, mệt, ngủ sâu nên chẳng để ý.

- Còn may đấy em ạ! Nếu không bọn trộm khiêng luôn vợ mày đi thì toi đời.

Đến nước này mà anh Sang vẫn còn hài hước. Tôi bật cười! Anh ngồi lên xe Hạnh chở đi, rồi chở về. Sau tiếng xe nổ, đêm lại yên tĩnh trong cõi mơ hồ. Chị Yến lầm bầm: làm trưởng thôn chẳng được cái quái gì, hết chuyện này đến chuyện khác...

Gà gáy lần thứ tư, truyện đến hồi kết thúc. Vợ ở nhà rửng mỡ ngoại tình, chồng đột nhiên trở về bắt gặp, Rổn! Tiếng tách vỡ tan.

- Con Hằng Ni đâu? Anh Sang hằn học chị Yến: Con hư tại mẹ. Bà nuông chiều nó quá đâm ra đổ đốn, có thân mà không biết giữ. Đã mấy tháng rồi? Anh hét đứa con gái!

- Dạ... Dạ... Ba tháng. Tiếng con bé nhỏ nhẹ.

- Với thằng nào?

- Dạ !...Dạ !...

- Thằng nào?!? Bốp!

- Có gì từ từ giải quyết, ông đánh nó lợi lộc gì đâu người ta cười cho! Chị Yến hạ giọng.

- Bà bôi tro, trác trấu vào mặt tôi rồi đấy bà biết không? Anh Sang tức điên người đi đi lại lại cố kìm nén cơn giận. Tôi đi tuyên truyền, răn dạy, giải quyết công chuyện của thiên hạ, bà con chòm xóm, giờ xảy ra chính trong gia đình mình người ta sẽ nghĩ sao về tôi. Ngày mai bà với nó đi bệnh viện, tôi mệt mỏi lắm rồi cần phải ngủ đây, ngủ lấy sức để còn tiếp tục lao động...

Nói thế nhưng Sang không ngủ được, anh mở cửa bước ra sân, phía Đông xa xa một vầng thái dương đỏ thắm ẩn hiện, như báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu.

Một số người đi làm sớm, trò chuyện râm ran dọc đường. Sang đến bên giếng múc nước rửa mặt. Một cô bé không biết từ đâu lù lù xuất hiện khệ nệ một bao bắp tươi mới hái đặt xuống sân láu lỉnh:

- Chào chú Hai! Bà nội gửi chú bao bắp làm quà, bà nói cám ơn chú đă giúp đỡ hai bà cháu trong những ngày qua. Thôi! Cháu phải ra chợ để còn kịp bán bắp.

Anh Sang lắc đầu, mỉm cười thầm nghĩ: Có lẽ má Tám trả ơn mình vì đã vận động quyên góp, đề nghị chính quyền xây cho má- Mẹ Việt Nam anh hùng ngôi nhà tình nghĩa. Rõ khổ ! Đã vậy còn bày vẽ quà cáp.

Tuy món quà chẳng đáng vào đâu, nhưng anh Sang cảm thấy vơi đi phần nào nỗi nhọc nhằn của một đêm dài đầy biến cố. Anh phấn chấn vào nhà đốt điếu thuốc, châm bình trà ngồi uống nghĩ ngợi lung tung.

Gió Nam non mang theo hơi sương se lạnh. Tôi ao ước có phép màu nào đó phút chốc biến thành ông lão thần tiên giúp anh Sang điều tra, xử lý trả lại sự yên bình cho những người nông dân cần cù nghèo khó. Hai mắt díp lại, tôi cố ghi những hàng chữ cuối cùng của câu chuyện xong thả bút gục đầu lên bàn thiếp đi trong niềm vui buồn lẫn lộn.

Hải Sơn/ Theo SGGP


 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu