A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giỗ mẹ!!

Chiều mau xuống, những cơn gió Nam lùa trên ngọn dừa làm đám lá rối tung, gió ào ào chạy trên mái tôn như có ai cầm cây chổi chà quơ hết bầu không khí oi nồng. Hơi gió mát rượi thấm vào từng góc sân, mảnh vườn. Lũ con nít í ới gọi nhau ra tắm sông, chúng đùa giỡn át cả tiếng mấy con gà mẹ gọi con về chuồng. Tiếng gà mẹ cục cục vừa thúc hối vừa van nài mà bầy gà con vẫn hồn nhiên bới rác, tranh giành những con kiến, con trùn, con mối…

 Bà Chín nhổ ngụm nước súc miệng ra sau hè, chút xíu trúng con Hiền đang xớ rớ đứng chờ. Nó khoanh tay: “Thưa bà Chín, cha con mời ngày mốt bà qua nhà con chơi, cha con cúng cơm bà nội”. Bà Chín ừ hữ trong họng: “Về biểu cha mày, nếu rảnh tao qua”. Nói thì nói vậy, chứ năm nào đám giỗ bà Giáo mà bà vắng mặt đâu.

Là xóm giềng từ ngày về làm dâu xứ này, bà Chín với bà nội con Hiền còn là đồng hương. Ngày trước, mỗi lúc rảnh, hai chị em ngồi kể chuyện xứ muối quê nhà, nước mắt nhớ thương vẫn tuôn trào. Từ ngày bà Giáo mất, bà Chín như thể chết nửa phần hồn, mỗi năm tới ngày giỗ, bà thức trọn hai ngày, hai đêm điều khiển bếp núc.

Bà tự tay nấu những món mà lúc sinh thời bà Giáo thích ăn và không quên trộn một chén ba khía, món ăn ruột của người xứ muối, bày lên mâm cơm cúng. Con Hiền về rồi bà Chín mới chợt nghĩ: Ủa, nó là gái lớn của thằng Tư sao lại nói cha nó cúng cơm bà Giáo?  Không lẽ năm nay thằng Tư giành cúng mẹ?

Miệt này nhà nào cũng đông bà con, nhà nào cũng dăm bảy anh chị em nên phải phân chia người đã khuất để ai cũng có một ngày giỗ cho đàng hoàng, tươm tất...  Bà Giáo có tới năm thằng con trai. Thằng Hai là du kích hy sinh ngay xã nhà, thằng Ba đi quân dịch chết trận Bình Giã, thằng Tư, thằng Năm, thằng Sáu bây giờ đứa nào cũng vợ con đuề huề.

Ti vi vừa hết thời sự, đài tỉnh sắp chiếu phim Đài Loan, vợ thằng Sáu bước vô nhà bà Chín. Con nhỏ này khéo miệng, ngày về làm vợ thằng Sáu mẹ chồng đã mất, biết bà Chín là chỗ thân thiết nó kêu bà bằng má từ đó tới giờ.

Ngồi xuống vạt cạnh bà Chín, nó thỏ thẻ: “Sớm mai má đi chợ cùng với con nghe má, chồng con nói mốt cúng cơm bà nội lũ nhỏ mà con không rành phải mua những gì, má bày cho con nghen?”. Bà Chín giật mình: “Thằng Tư  mới cho hay ngày mốt nó cúng cơm má chồng con mà. Sao kỳ vậy?...”.

Bữa cơm chiều bà Chín ráng ăn hết khứa cá nên giờ sớm buồn ngủ. Vừa đặt lưng xuống giường bà đã mơ mơ màng màng, hình như có ai đang chạy vô. Cố nhướng cặp mi nặng trĩu lên không nổi, bà Chín nặng nhọc thiếp đi...

Người đàn bà tất tả chạy vô cửa măc đồ lụa đen, tóc búi cao khiến làn da càng thêm trắng, khuôn mặt thanh tú mà đầy vẻ âu lo. Vén vạt áo, người đàn bà ngồi ghé ngay nơi bà Chín nằm, đôi bàn tay lạnh giá nắm lấy tay bà Chín vuốt ve. Không nói một lời, cặp chân mày dài, đậm của con gái xứ muối nhướng lên, hạ xuống càng làm cặp mắt đen thêm sâu thẳm, nhìn thẳng mặt bà Chín, ánh mắt như van nài, cầu khẩn...

Cố trở mình ngồi dậy mà không được, bà Chín tính hỏi cũng không nói thành lời cứ ú ớ trong họng... Chợt có người lay mạnh vào vai, la lớn: “Dậy đi dì Chín. Ngủ mớ hả?”. Mồ hôi tươm ra đầm đìa trên mặt, bà Chín nhổm dậy ngơ ngác: “Thằng Năm đó hả? Trời đất, tao mới thấy má mày về. Kiếm cho tao cái hộp quẹt coi”.

Vuốt lại mấy sợi tóc dính trên mặt, thắp nén nhang thơm cắm ngay thềm cửa, bà Chín  lầm rầm khấn vái: “Bà Giáo ơi, tôi biết bà muốn nói gì rồi. Cả năm nay tôi xót xa trong dạ lắm, con chị cũng như con tôi, nhưng giờ chúng đã có vợ con, đâu còn con nít con nôi để uốn nắn cho đặng. Tôi cũng nói hết lời mà tụi nó  đâu có nghe; những tưởng có tiền là làm gì cũng được, chúng nó đâu thấu hiểu một giọt máu đào hơn ao nước lã”.

Thằng Năm ngồi chờ nhấp nhổm muốn về, biết điều nó sắp nói ra không làm vừa lòng bà Chín, nhưng đã tới mức này rút lại đâu được. Bà Chín vừa quay vô nó thưa liền: “Con biết lâu nay dì thương con nhất và hiện giờ dì cũng ghét con nhất, nhưng dù sao con đã coi dì như má con rồi. Ngày mốt cúng cơm má con, dì qua nhà con sớm một chút nghe”.

Thấy bà Chín ngần ngừ nó tiếp: “Không phải nấu nướng gì đâu, cứ qua sớm rồi dì muốn đi đâu nữa tùy ý”. Bà Chín khoát tay: “Thôi, mày về đi, sao tao khổ  tâm vì mấy anh em tụi bay quá vầy nè”.

Bụng dạ bà Chín rối bời, như có ai lấy cối đá dằn lên lồng ngực, đầu óc mông lung giống người mất phương hướng giữa đồng không mông quạnh... Thằng Năm nói đúng, bà thương nó nhất, lúc mới sinh, thằng Năm nhỏ như cái bình thủy nửa lít, mẹ nó lại bệnh mất sữa, thế là bà bồng nó khắp nơi xin bú nhờ. Thằng Năm lớn lên bằng sữa thiên hạ và nước cơm.

Nó lên ba thì bà Giáo mất sau khi sanh thằng Sáu. Ngày hạ huyệt, thằng Năm cứ lao xuống ôm chặt cái hòm không cho lấp đất. Nó vừa gào má ơi vừa chửi mấy người cầm xẻng hất đất xuống mộ, bà phải ôm thốc nó chạy qua xóm bên dỗ dành, dọa nạt thế nào nó vẫn không thôi khóc, cứ lăn ra đất giẫy giụa.

Chồng bà Chín mất sớm, có mỗi đứa con gái lấy chồng xa, sống đơn chiếc, nhà lại sát vách, bà lấy việc cùng bà Giáo chăm nom lũ con làm niềm vui. Khi ông Giáo còn sống, thằng Năm xin cha cho nhận phần cúng giỗ anh Hai, nên ông Giáo chia cho nó thêm năm công đất vườn. Gặp thời nhà nước quy hoạch khu công nghiệp lấy hết năm công đất nọ, thằng Năm được đền bù, giàu lên cấp kỳ. Cảm thấy thua thiệt, anh em nó bắt đầu gấu ó.

Người ta giàu đổi bạn, thằng Năm không đổi bạn mà xa lánh anh em ruột. Năm ngoái ăn Tết xong, ông Giáo buồn rầu cũng đi theo bà Giáo, mấy đứa con trai ông bà coi nhau như người dưng. Ngôi nhà cũ, nơi ông bà Giáo gây dựng và nuôi nấng mấy anh em nó bị bán cho người ta lấy tiền chia nhau. Hơn kém thế nào mà phải đưa ra tòa giải quyết, rồi chẳng thèm nhìn mặt nhau.

Bà Chín nghĩ thằng Sáu là út, bữa bán nhà cha mẹ, nó ôm cả hai bát nhang đem về, nó cúng cơm là phải đạo, sao bây giờ cả ba đứa làm giỗ mẹ riêng? Suốt đêm bà mất ngủ, trở mình hoài mà trời không chịu sáng. Đồng hồ bên nhà thằng Năm gõ chuông bốn tiếng, vợ thằng Sáu đã kêu cửa: “Má Chín ơi! dậy đi chợ với con”.

Bởi đứa nào bà cũng coi như con mình, nên dù bận rộn cùng mấy bà con chòm xóm nấu nướng bên nhà thằng Sáu, bà Chín vẫn tranh thủ chạy qua coi vợ chồng thằng Tư chợ búa, làm món ra sao. Nhà thằng Năm, chỉ có mấy đứa nhỏ mở máy hát karaoke om sòm; mãi xế chiều vợ chồng thằng Năm mới về với một xe lôi chở đầy nhóc đồ.

Tối đến, nhà thằng Tư, thằng Sáu im ắng, còn nhà thằng Năm dựng rạp xanh xanh đỏ đỏ bày tiệc nhậu. Trong ánh đèn chớp tắt, loe hoe vài đứa ngồi nhậu cùng tiếng hát karaoke nhạc sến giống như tiệm nhậu ế khách hơn là bữa giỗ mẹ…

Suốt mấy ngày hôm trước, vợ chồng con cái cả ba nhà chạy mời hết bà con lối xóm, họ hàng thân tộc. Mười giờ sáng ngày chính giỗ, khách khứa vẫn chưa thấy ai. Thằng Tư cho con ra đứng mãi ngoài ngã ba đón khách, nó dặn con: “Thấy ai tới là đưa ngay về nhà mình”. Thằng Năm sai con chạy xe đến từng nhà nhắc lại lời mời.

Riêng thằng Sáu cùng vợ con cắm cúi nấu nướng, bày biện, sắp mâm cúng, lâu lâu lại ngóng cổ nhìn ra ngoài ngõ khi có tiếng xe chạy qua... Bà Chín giục thằng Sáu: “Thay đồ cho đàng hoàng lên nhà thắp nhang. Trưa trật rồi Sáu ơi”.

Bưng chén ba khía đặt lên mâm cúng, bà Chín nước mắt lưng tròng, thắp nhang xong bà bỏ về nhà nằm nghỉ lưng và cũng để khỏi phải trả lời thắc mắc của mọi người. Mâm cơm cúng nguội ngắt, ngoài đồng mặt trời đã lên cao, nắng gắt. Con lộ trước nhà tung bụi mịt mù mỗi khi có xe chạy qua.

Vẫn không có xe nào quẹo vô ngả nhà ông Giáo. Nhà thằng Tư chỉ thấy cha mẹ vợ với mấy đứa em bên vợ ngồi uống nước. Nhà thằng Năm đám bạn ngoài chợ thấy kỳ đã về từ khuya, lui cui mấy người thợ nấu tiệc, phục vụ bàn đang xếp ghế, bày thức ăn rồi thay nhau đuổi ruồi. Bọn nhỏ vừa mở máy hát, thằng Năm đã gầm lên: “Cúp máy đi! kẻo tao đập nát bây giờ”.

Hàng xóm mang trái cây tới thắp nhang ai cũng lúng túng: ba nhà liền kề, ba đám giỗ, cúng cơm cho một người... Không biết xử trí ra sao, họ vin cớ ra ruộng tát nước, phun thuốc sâu để rút lui.

Xế trưa, cậu Ba mới tới. Bối rối, không biết vô nhà nào, cậu tìm gặp bà Chín. “Sao lại như vầy? Chị Chín ơi!”. “Cậu là cậu ruột tụi nó, cậu hỏi tôi thì tôi hỏi ai?”. “Có mình chị Hai tôi mà tới ba đám giỗ, trời ơi là trời!”. Bà Chín biểu cậu qua thắp nhang ở cả ba nhà, cậu Ba thở dài: “Chúng nó giỗ mẹ kiểu này ai mà thèm tới”. Cậu nhớ lúc sinh thời ông Giáo cúng cơm bà Giáo lớn lắm. Làm thầy giáo tiểu học có vài năm, nhưng hầu hết người lớn biết chữ ở miệt này đều là học trò của ông.

Thương vợ chết trẻ lúc mới ba mươi ngoài, đám giỗ nào ông cũng cúng vài chục mâm mới đủ tiếp khách; có người ở xa cả trăm cây số cũng nhớ ngày về dự. Đám thanh niên tổ chức đờn ca tài tử sáng đêm. Mấy bà sồn sồn đua nhau trổ tài nấu những món ăn khi xưa bà Giáo đã từng ngỏ lời khen ngon. Cánh đàn ông vừa chơi cờ tướng, xì dzách, vừa lai rai, nhắc chuyện bà Giáo khi xưa đẹp nết, đẹp người...

Chờ khách không nổi, bên nhà thằng Tư bày một bàn, cha mẹ, anh em bên vợ nó ngồi ăn, không ai nói với ai một lời. Dưới bếp nhà thằng Sáu, mấy đứa con gái hàng xóm qua phụ nấu đói bụng, tụi nó lấy bánh mì kẹp thịt heo quay mỗi đứa một ổ, tìm chỗ đứng ăn.

Cậu Ba qua nhà bà Chín ngồi uống trà. Nhìn những mâm cỗ của ba thằng con cúng mẹ ở ba nơi không người ăn đang ườn mình nằm phơi trong cái nóng oi ả trưa hè, mặc cho lũ ruồi quần đảo… cậu ngao ngán lắc đầu: “Năm tới em cúng cơm chị Hai tại nhà, không qua đây nữa đâu. Chị Chín đừng trách em nghe?”.

Chiều mau xuống, những cơn gió Nam lùa trên ngọn dừa làm đám lá rối tung, gió ào ào chạy trên mái tôn như có ai cầm cây chổi chà quơ hết bầu không khí oi nồng. Hơi gió mát rượi thấm vào từng  góc sân, mảnh vườn. Lũ con nít í ới gọi nhau ra tắm sông, chúng đùa giỡn át cả tiếng mấy con gà mẹ gọi con về chuồng. Tiếng gà mẹ cục cục vừa thúc hối vừa van nài mà bầy gà con vẫn hồn nhiên bới rác, tranh giành những con kiến, con trùn, con mối…

Thế Hải/ Theo SGGP


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu