A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhật ký một chuyến đi

Chuyến đi “Thăm chiến trường xưa” trên đất bạn Lào chào mừng 35 năm Quốc khánh nước CHDCND Lào và 450 năm Thủ đô Viêng Chăn của Đoàn đại biểu các thế hệ cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân liệt sỹ và người có công do Trung tâm Giáo dục Truyền thống Lịch sử Việt Nam tổ chức từ 24/11-1/12/2010.

- Anh ơi! Anh hành quân chuyến này nhé!

- ...

- Đây là một chuyến đi về nguồn nhằm góp phần bồi đắp tình cảm “Uống nước - Nhớ nguồn” và tôn vinh tình đoàn kết quốc tế đặc biệt Việt – Lào, đồng thời khơi dậy và làm sáng lên giá trị truyền thống, giá trị nhân văn và đức hy sinh của các thế hệ người Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh với Cách mạng Lào trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược và xây dựng đất nước.

Em thao thao bất tuyệt thuyết trình một mạch như thể chính em đang là người trong cuộc, như thể chính em đang sống trong những ngày tháng hào hùng khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… Phải chăng lòng tự hào dân tộc trong em đang bừng lên… Phải chăng mục đích và ý nghĩa của chuyến đi đã và đang ngấm vào máu thịt em ngay trước giờ phút lên đường…

Ngày thứ nhất, các đại biểu từ khắp nơi tập trung về Hà Nội. Một không khí náo nức, hồ hởi bao trùm lên tất cả. Những khuôn mặt xinh tươi, những nụ cười rạng rỡ, nhiều nhiều những bàn tay nồng ấm siết chặt, nhiều nhiều những cái ôm hôn thắm thiết… và có cả những giọt nước mắt, những dòng lệ nóng bỏng tuôn tràn từ những đôi mắt long lanh thấm ướt đẫm bờ vai đồng chí, đồng đội. Và có cả những giây phút xúc động không thốt nên lời, những giây phút nghẹn ngào của những chiến hữu đã từng đồng sinh cộng tử… Hơn 700 đại biểu về từ các tỉnh thành đã làm sống dậy không khí của một quãng đời oanh liệt, hào hùng khiến cho buổi họp Đoàn trước ngày lên đường trở thành buổi giao lưu nồng ấm tình thân. Vinh dự và tự hào được hòa trong không khí ấy, em thấy mình đang lớn lên.

Ngày thứ hai, trước khi rời Thủ đô Hà Nội, Đoàn đại biểu theo nghi thức trọng thể đã lên dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài Liệt sỹ Bắc Sơn và vào Lăng viếng Bác. Hơn 700 đại biểu nghiêm trang thành kính trước anh linh của những người đã xả thân vì nước, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống hôm nay. Bầu trời Hà Nội cao xanh vời vợi.

Đoàn đại biểu “hành quân” trên 16 xe ô tô, trật tự tiếp bước nhau trên quốc lộ 1A theo hướng Bắc – Nam. Những câu chuyện của ngày hôm qua, của ngày xưa vẫn còn nóng hổi, như mới nguyên, lại tiếp tục làm ấm thêm tình thân hữu, tình đồng chí.

Ngày thứ ba, Đoàn đại biểu dừng lại ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Dấu vết của lũ lụt vẫn còn đây. Tàn tích của lũ lụt là đây. Đau buồn nhất không phải của cảnh hoang tàn của đồng ruộng, làng mạc, không phải ở cảnh đất sụt, cỏ úa, cây đổ, nhà nghiêng… mà hiển hiện trên từng khuôn mặt người dân quê. Dù cho lũ lụt đã đi qua, dù cho đã nhiều lần được trực tiếp nhận hàng cứu trợ ủng hộ của nhiều cơ quan đoàn thể trong và ngoài nước, vậy mà khi quà tặng của Đoàn lần lượt được trao, trên nét mặt của các cụ già và trẻ thơ vẫn còn ngơ ngác, ngỡ ngàng, vẫn còn chưa hết vẻ kinh hoàng với những điều đã xảy ra. Mưa phùn lại rơi, không khí se lạnh. Các mẹ, các chị không cầm được xúc động. Những đôi mắt đỏ hoe sau cửa kính.

Đoàn xe lại tiếp tục lên đường. Khung cảnh Trường Sơn hùng vĩ dữ dội. Vang lên nhiều tiếng trầm trồ kinh ngạc. Em như mê mẩn trước bức tranh thiên nhiên với trập trùng dốc đứng, đèo cao liên tiếp nối nhau gập ghềnh khúc khuỷu như những hơi thở dồn dập, hối hả, giục giã. Văng vẳng câu thơ của Quang Dũng trong bài Tây Tiến:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời”.

Cả một dải dài, cả một diện rộng ngút ngàn tầm mắt mưa phùn giăng giăng, mây mù che phủ, đỉnh núi như gần như xa, hư hư thực thực, cảnh vật huyền ảo, ngây ngất lòng người.

Tiếng thơ ai đó ngân nga:

Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau…
(1)

Không khí chợt như chùng xuống. Các con số hiện lên: Trường Sơn, núi rừng Trường Sơn đã chở che cho hơn một triệu chiến sỹ giải phóng quân, thời điểm đông nhất là trên 20 vạn người; Núi rừng Trường Sơn đã phải chịu hơn 3 triệu tấn bom đạn và chất độc hoá học các loại, trong đó có chất độc màu da cam; gần 3 vạn cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn ở lại với Trường Sơn, hơn 10 vạn cán bộ chiến sỹ đã gửi lại một phần xương máu ở Trường Sơn…

Tiếng hát ca lên với sức truyền cảm mãnh liệt lan nhanh, vang vang…

“Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn
Đá mòn mà đôi gót không mòn…”
(2)

Tiếng hát lại vang lên với sức truyền cảm mãnh liệt lan nhanh, vang vang…

“Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca
Đát nước chan hoà mênh mông, rừng xanh chiến luỹ điệp trùng…”
(3)

“Muôn dặm Trường Sơn, ta lại chia tuyến đường đi đánh Mỹ
Đi giải phóng quê nhà tới chiến trường xa.
Mỗi bước tôi đi lòng càng nhớ bao đồng chí
Những người chiến sỹ yêu nước Lào…”
(4)

Đoàn đại biểu vượt qua cửa khẩu Cầu Treo, đặt chân sang đất bạn Lào. Kinh ngạc! Một thảm nắng vàng óng ánh phủ lên những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn.

Các bác cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong vui sướng, rạng rỡ như mấy chục năm nay mới tìm lại được chính mình. Các bài ca Lào lại vang lên. Cả Đoàn đại biểu giơ tay vẫy chào nước bạn. Nắng tươi tiếp tục trải thảm vàng ong dọc quốc lộ 13 Lào đưa Đoàn về đến Viêng Chăn.

Đêm giao lưu “Thắm tình hữu nghị Việt – Lào” tại Cung Văn hoá quốc gia Lào diễn ra trong không khí đoàn kết, thân thuộc, đầm ấm. Những con người đã từng đồng cam cộng khổ, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa tâm trạng bổi hổi bồi hồi, nhìn nhau rưng rưng xúc động, những cái ôm hôn thắm thiết, những cái bắt tay siết chặt càng làm sâu đậm thêm tình nghĩa đồng chí keo sơn son sắt như lời Bác Hồ đã dạy:

“Việt – Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”



Khải Hoàn Môn Patuxay



Đại Phật tích Thạt Luổng

Ngày thứ tư, bình minh trên đất Lào thật đặc biệt. Thanh bình. Yên ả. Em có cảm giác thư thái đến lạ lùng. Trời sáng rất sớm, em vẫn giữ thói quen dậy sớm. Đường vắng tanh, lác đác có một vài chiếc xe máy điềm tĩnh chạy qua, một vài người dân đang tập thể dục. Em thả bộ ra Khải Hoàn Môn Patuxay. Một nhóm thợ ảnh đang đứng ở một góc, máy ảnh đã sẵn sàng. Họ im lặng, kiên nhẫn đợi chờ khoảnh khắc mặt trời bừng lên soi rọi những tia nắng vàng đầu tiên phủ lên đỉnh Patuxay. Nghiêm trang. Kính cẩn.

Viêng Chăn bắt đầu vào giờ làm việc. Trên đường phố đã xuất hiện đủ các loại xe: lớn có, nhỏ có, có cả người đi bộ sang ngang đường. Nhưng tuyệt đối không hề có một tiếng còi xe. Các xe lưu thông nối tiếp nhau rất trật tự, rất có ý thức, người người nhìn nhau mà đi, tự giác dừng lại nhường đường mà không cần sử dụng đến một loại tín hiệu nào.

Đoàn đến dâng hoa tưởng niệm cố Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Kay Sone Phonvihan, tham quan Bảo tàng Quân đội - Bộ Quốc phòng Lào, tham quan Đại Phật tích Thạt Luổng, Khải Hoàn Môn Patuxay (Tượng đài chiến thắng) và chùa cổ Sisaket. Nơi nào cũng in đậm vẻ đẹp nguy nga tráng lệ, mang nặng những tình cảm thân thương, đằm thắm.

Ngày thứ năm, Đoàn khởi hành đi thăm Làng Hữu nghị Việt – Thái. Vượt sông Mê Kông trên cầu Hữu Nghị Lào – Thái I, qua cửa khẩu Noọng Khai, đoàn xe chạy thẳng hướng tỉnh Nakhonphanom.



Bà con kiều bào cùng các đại biểu bên Khu lưu niệm Hồ Chí Minh

Làng Hữu nghị Việt – Thái được gọi thân mật là Làng Bác Hồ toạ lạc tại bản Na Choọc (BANNA JOG), huyện Mương, tỉnh Nakhonphanom. Làng có khoảng 150 hộ người gốc Việt. Khi nghe tin có Đoàn đại biểu tới thăm, bà con đã tập trung đến rất đông, nghẹn ngào nói giọng quê, xúc động nhận đồng hương và trỗi dậy khao khát, ước mơ một lần được đặt chân về đất Mẹ Việt Nam. Khu lưu niệm Hồ Chí Minh có khuôn viên rộng rãi, Bảo tàng được xây dựng theo kiến trúc Thái là một ngôi nhà hai tầng. Ở mặt trước toà nhà, cờ tổ quốc Việt Nam được treo trang trọng, bên cạnh là cờ Thái Lan. Trong bảo tàng trưng bày rất nhiều các hiện vật về Bác Hồ, có đầy đủ các mô hình mô phỏng quê nội, quê ngoại Bác, Lăng Bác và hình ảnh hoạt động của Bác qua các thời kỳ. Ai nấy đều không giấu được xúc động, trong lòng trào lên những tình cảm thân thương vô bờ và niềm tự hào lớn lao về Người con ưu tú kiệt xuất của dân tộc.

 



Tham quan mô hình mô phỏng quê Bác

Đoàn đại biểu đi bộ dọc theo đường làng sang bản Mảy (bản mới tách ra từ bản Na Choọc) đến thăm “nhà Bác Hồ”. Đó là nhà cụ Võ Trọng Tiêu. Thời gian Bác sinh sống và hoạt động tại đây, cụ Tiêu mới 8 tuổi. Bây giờ cụ đã 88 tuổi, cụ vẫn nhớ như in từng ngày tháng năm xưa, cụ gìn giữ nâng niu và trau chuốt thận trọng từng hình ảnh, từng kỷ vật. Bằng tâm trạng náo nức, phấn khởi, cụ nồng nhiệt giới thiệu với các đại biểu về hai cây dừa và cây khế do chính Bác trồng. Được thưởng thức những quả khế ngọt lịch sử, ai ai cũng thấm thía đạo lý "uống nước nhớ nguồn", “ăn quả nhớ người trồng cây”. Và thêm một lần mọi người được cảm nhận sâu sắc tầm vĩ đại của Bác Hồ kính yêu: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Em còn nhớ câu chuyện Bác Hồ hoạt động cách mạng khi ấy, có một lần bị địch truy đuổi gắt gao, Bác đã chạy vào nhà một Việt kiều ở tỉnh Nakhonphanom đúng lúc một cậu bé đang dắt trâu đi ra, cậu bé đã nhanh trí dúi dây thừng vào tay Bác và bảo: “Chú đi chăn trâu đi không ông bà mắng đó!”, nhờ vậy mà Bác đã được cứu thoát.



Cụ Võ Trọng Tiêu (giữa)



Các đại  biểu bên cây khế Bác trồng 

Ngày thứ sáu, Đoàn đại biểu trở về nước bạn Lào qua cầu Hữu Nghị Lào – Thái II. Ấn tượng sâu sắc nhất là ở Quán cơm Việt Nam trên đất thị xã Sa Vằn, tỉnh Savanakhẹt. Chị chủ quán Võ Thị Huyền Anh, người Việt, còn rất trẻ, ngày đầu bế con mới hai tuổi đến đây sống dựa vào tình yêu thương đùm bọc của cộng đồng bà con Việt kiều. Bao năm qua từng bước lập nghiệp trong tình đồng hương, đồng cảnh, giờ đây chị đã có 6 người làm cùng và đã chuẩn bị tươm tất được bữa cơm cho hơn 700 đại biểu hội ngộ hôm nay - một bữa cơm tình cảm thắm thiết thương yêu ấm lòng những người con xa xứ.



Chị chủ quán cơm Việt Nam Võ Thị Huyền Anh

Ngày thứ bảy, Đoàn đại biểu qua cửa khẩu Lao Bảo trở về Việt Nam.

“Nhà mình đây rồi!” Một đại biểu buột miệng. Hàng chục, hàng trăm đại biểu ồ lên, bật ra một cách bột phát hồn nhiên: Nhà mình đây rồi! Thế mới biết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn...” (5)

Đoàn đại biểu hành quân theo đường 9 về viếng các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ đường 9 Quảng Trị. Núi rừng Trường Sơn hôm nay hửng nắng. Những tia nắng vàng sưởi ấm từng nấm mộ liệt sĩ, mang cái cảm giác se se lòng len lỏi vào tâm can mỗi người. Hàng hàng lớp lớp bia mộ trắng xoá viết lên nền trời xanh thăm thẳm những hàng chữ thắm đỏ màu máu: “LIỆT SỸ!”, “LIỆT SỸ!”, “LIỆT SỸ!”… Còn nhiều lắm những “LIỆT SỸ CHƯA BIẾT TÊN…”

Hơn 700 con người nhỏ bé nghiêm trang kính cẩn cúi đầu tưởng nhớ các anh. Từng hồi chuông ngân lên…

“Muôn dặm từng vang đường số chín
Ngàn thu còn mãi tuổi hai mươi…”

“Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sỹ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình…”
(6)

Em ngẩn ngơ giữa rừng bia mộ, lặng lặng nhìn tượng liệt sỹ vô danh:

“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá nguỵ trang reo với gió đèo…”
(7)

Một chị chạy ra ôm chầm lấy em: “Em ơi! Em ơi! Chị tìm được mộ cậu rồi, chị tìm được cậu rồi!!! Em ơi…” Chị gục đầu trên vai em nức nở, nước mắt như mưa ướt đẫm vai em, những dòng thương nhớ nóng hổi nén chặt nỗi đợi chờ, mong ngóng, kiếm tìm từ mấy chục năm…

Lại thêm một mẹ chạy ra từ rừng bia mộ ghì chặt em vào lòng mà thổn thức: “Con ơi! Mẹ tìm thấy anh trai của mẹ rồi! Anh ơi! Anh ơi! Anh em ta xa nhau 47 năm rồi, 46 năm em khắc khoải… Anh ơi!" Giọng mẹ nghẹn ngào lặng xuống…

Ngàn lá Trường Sơn nghiêng nghiêng chia sẻ.
Ngàn lá Trường Sơn ấm áp vỗ về che chở các anh…

Đêm. Cả Đoàn nghỉ lại ở thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.

Đêm. Em lặng lẽ ra ngồi dưới tượng đài Mẹ Suốt bên dòng sông Nhật Lệ:

“Ngẩng đầu mái tóc Mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung trắng bờ…”
(8)

Đất nước Việt Nam có thể chưa xây dựng một Khải Hoàn Môn nguy nga tráng lệ. Nhưng đất nước Việt Nam có hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu tượng đài chiến thắng. Đã có nhiều tượng đài chiến thắng hiển hiện. Còn có nhiều tượng đài chiến thắng in sâu trong tâm trí mỗi người con đất Việt. Đó chính là động lực to lớn thúc đẩy chúng ta đi lên. Nào, hãy thắp lửa lên!

Ngày thứ 8, Đoàn đại biểu “hành quân” về Hà Nội, tiếp tục được ngắm nhìn những dãy núi hùng vĩ, những cánh đồng phì nhiêu, những thành phố đang trên đà phát triển… và được gặp những con người nhân hậu.

Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn…”

Anh ơi! Anh lại tiếp tục tham gia những cuộc hành quân nữa chứ???

Phương Hồng

----------------------

Chú thích:

(1) Thơ Nguyễn Đình Thi
(2) Nhạc Vũ Trọng Hối
(3) Nhạc Huy Du
(4) Nhạc Hoàng Hà
(5) Thơ Chế Lan Viên
(6) Trích từ: “Trường Sơn máu lửa vạn đại anh hùng” – GS Vũ Khiêu.
(7), (8): Thơ Tố Hữu


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu