A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bưởi quê

Một chiều, mây đen vần vũ trên bầu trời báo hiệu một cơn mưa lớn sắp ập xuống. Dòng xe cộ vẫn ken đặc, nối dài trên phố, ai cũng cố chen một chút để mau được trở về nhà.

Khác với sự vận động hối hả của mọi người, nơi  góc phố, bà cụ già với rổ bưởi dường như vẫn rất bình chân với những thay đổi của thời tiết, của con người. “Bưởi quê tôi đấy, hơi rôn rốt, mà đậm lắm... Bác mua đi!” - bà cụ mời chào khi có chiếc xe máy xịch đỗ cạnh hàng. Chị khách hàng khó tính: “Bưởi bé thế này ăn sao được”, nguýt dài một cái, rồi chị rồ ga, vụt đi để lại sau lưng tiếng thở dài của bà cụ bán bưởi.


Mưa bắt đầu lộp độp trên mái hiên những cửa hàng trên phố. Giờ hình như mới cảm nhận được cơn mưa lớn đang ào đến, bà cụ  vội vàng kéo rổ bưởi vào dưới hiên một cửa hàng, vừa khi cánh cửa sắt lạnh lùng kéo xuống. Cùng trú mưa với bà còn có đến dăm bảy người nữa. Kéo cái túi dứa dưới đáy rổ, bà lão rút ra con dao bổ cau chuôi gỗ rồi lặng lẽ chọn một quả bưởi, thoăn thoắt gọt vỏ, cẩn thận tách từng múi. “Bác xơi múi bưởi trong lúc chờ mưa, bưởi của nhà tôi đấy, chẳng buôn bán gì đâu”, bà lão mời từng người một. Chà, bưởi trông bé mà ngon quá! Không hẹn mà cả mấy người khách cùng ồ lên như vậy. Bà lão bán bưởi mặt tươi rói, hồ hởi: “-đấy, tôi bảo mà, bưởi nhà tôi cây nào cũng thế đấy, ngon lắm, gì chứ ăn đứt mấy cái anh da xanh hay năm roi gì đó là cái chắc. Năm nay có sớm chứ mọi năm phải cữ rằm tháng Tám mới hái bói”, vậy mà, giọng bà lão chợt chùng xuống, buồn đến tái tê: “Thằng con trai tôi đang dọa bỏ cả vườn bưởi đi  đấy, chuyến này đưa bưởi ra phố có lẽ là chuyến cuối cùng...”.

Bà kể, quê bà ở Vĩnh Phúc. Vườn bưởi với gần hai chục cây là “gia bảo” của bố mẹ chồng ngày bà mới về làm dâu. Cũng nhờ vườn bưởi mà vợ chồng bà đã nuôi các con khôn lớn, trưởng thành, giờ đứa nào cũng có gia đình và cơ ngơi riêng. Khí hậu thổ nhưỡng tốt cộng với công chăm bón nên năm nào vườn bưởi cũng trĩu quả, lúc lỉu từ trên cành xuống tận gốc. Bưởi nhà bà ngon nổi tiếng, đặc trưng của thứ bưởi Bắc. Năm nào cũng vậy, cữ gần rằm tháng Bảy, tháng Tám là thương lái quanh vùng đổ đến mua buôn cả vườn.

Vậy mà cậu con trai nghe người ta nói có giống bưởi gì mới, chỉ trồng 2,3 năm là bói quả, mà quả nào cũng to đến cả 1-2kg. Cũng theo lời cậu, sẽ có cả cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn chiết cành, lai ghép và cách chăm bón khoa học chứ không như những cách làm của ông bà ngày xưa...Kể đến đây bà lão chẹp miệng, đưa tay lên quệt trầu, giọng sũng buồn: “Bây giờ cái gì cũng lai ghép, cũng giống mới thay thế giống cũ, tôi chả biết năng suất ở đâu nhưng cái quả gì mà lai ghép, mà năng suất nhiều hơn chất lượng tôi ăn đều thấy nhạt thếch. Chả còn vị ngọt đậm đà, hương thơm quả chín...Tôi nói có sách, mách có chứng, giờ có tìm đỏ mắt cũng chẳng bói  được cái thứ bưởi như nhà tôi đâu”.

Mưa đã tạnh từ lúc nào, vậy mà câu chuyện của bà lão vẫn cuốn hút mấy người chúng tôi ngồi lại dưới mái hiên nơi góc phố. Tự dưng lúc ấy tôi lại muốn mưa đừng có tạnh, để được ngồi nghe bà lão kể chuyện, những câu chuyện ướp đầy hương quả chín. Cuộc sống nơi thị thành với bao bon chen, giành giật khiến con người hình như càng ngày càng thực dụng hơn, người ta làm  gì, tính gì cũng phải đặt cái lợi của cá nhân lên hàng đầu...Và họ thanh minh rằng, cuộc sống phải thế. Vâng, cuộc sống buộc phải thế, nên những người hoài cổ luôn như tôi luôn trăn trở, liệu mai này Hà Nội có còn những gánh hàng rong, những quả chín theo mùa nựng hương thơm khắp phố phường...và cả những bà cụ bán bưởi mà tôi đã gặp trong một buổi chiều mưa.

Nguyên Hà (Đại đoàn kết)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu