A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dẫn con về xứ

Dẫn con về xứ, thấy mừng vì sự đổi mới và phát triển của “xứ mình”, chắc ba má cũng vui lòng nơi chín suối. Nhưng, lại buồn vì mục đích chuyến đi bị phá sản hoàn toàn!

Lúc còn nhỏ, tôi nghe những khi ba má nói chuyện với nhau, thường bắt đầu bằng câu: “Ở dưới xứ mình...”.

Ngộ một điều, ba má tôi đều gốc gác ở Rạch Giá. Vậy mà gặp, rồi cưới nhau ở Tây Ninh, sinh ra chị em tôi ở Sài Gòn. Nhưng, cái “xứ mình” mà ba má hay kể là miền sông nước lắm tôm nhiều cá. Lại cũng ngộ một điều nữa, má tôi ở ngay Rạch Giá, quanh năm ăn cá biển, thèm con cá đồng muốn chết! Vậy mà ba tôi ở trong Rạch Sỏi, cách chỉ vài mươi cây số, quanh năm chỉ biết con cá đồng, nghĩ tới con cá biển, cũng thèm muốn chết! Ngày xưa ghe cộ khó khăn, có ai nghĩ tới chuyện chèo xuồng vô ruộng để bán cá biển hay từ ruộng chèo xuồng ra chợ để bán cá đồng đâu!



 Xứ mình giờ thay đổi quá nhiều...

Nhớ cội thương quê thì ngồi nhắc với nhau cho đỡ nhớ! Hoàn cảnh của ba má tôi cũng khác nhau một trời một vực, nên với má tôi thì: “Tới mùa nước lụt, dưới xứ mình vui lắm con! Cá lội ngờ ngờ theo dòng nước xiết. Nhà ông bà ngoại thềm cao tới ngực, mà nước lên lấp xấp bộ ván gõ, má ngồi trên bộ ván gõ, “thò tay bắt cá, một hồi được cả thau”. Còn ba tôi thì khác: “Nước lụt, củi trên rừng trôi xuống lềnh khênh. Ba chèo xuồng đi vớt củi, bán kiếm tiền. Có tiền mua gạo rồi, củi cũng sẵn, mà ướt nhẹp, nấu nồi cơm cả buổi chưa chín. Tới lúc có cơm, tay run tới nỗi vừa bưng chén cơm lên là bị đổ xuống nước. Chỉ còn nước... khóc!”.

Hồi nhỏ tôi nghe, thấy cái “xứ mình” sao khó hình dung quá, nước lụt, mà người vui kẻ khổ! Lớn lên mới biết vì sao. Nhưng, nghe ba má nhắc hoài vậy, chớ có mấy khi được về thăm cái “xứ mình”? Quanh năm ba má lo cơm áo gạo tiền nuôi bốn chị em tôi thiếu lên hụt xuống, làm sao có tiền để dẫn con về xứ, thăm quê?

Rồi tôi lớn lên, lại nối tiếp những tháng ngày khó khăn, gian khổ. Tới hồi khấm khá, tôi mới có cơ hội dẫn con về xứ. Con tôi lại đã lập gia đình, có con rồi, vậy là đại gia đình ba thế hệ dắt díu nhau về xứ, cái “xứ mình” thân thương của ba má tôi. Tới Rạch Giá, thấy toàn nhà cao tầng, khu đô thị lấn biển thanh bình, sang trọng. Ghé chợ thì trăm thứ ăn chơi, ăn thiệt đều đủ, không thiếu thứ gì, y như chợ Sài Gòn. Đi vô Rạch Sỏi, ngay ngã ba có trung tâm thương mại, đại lộ vòng xoay. Rẽ vô cầu Ván đã thành cầu xi măng, xe hơi vào tận nhà ông bà nội. Mảnh đất ruộng đầy ắp cá cua, rau má, rau hẹ, ba khía... thường được hái chấm mắm kho, rồi rau mương, rau nhút “hôi rình, hổng ai ăn” của ông bà nội ngày nào, giờ đã quy hoạch, đang xây trường đại học của tỉnh. Các cô chú tôi nhanh chóng đón đầu thời cơ, mỗi người cất mấy chục căn nhà trọ.

Đứng giữa “xứ mình” của ba má tôi, cháu ngoại tôi hỏi lia hỏi lịa: “Ao, đìa là cái gì đâu hả ngoại?”. Rồi: “Ruộng, mương là cái gì đâu hả ngoại?”. Cháu hỏi, vì bà lỡ khoe: “Về xứ, có ao, đìa, ruộng, mương... nhiều tôm cá lắm. Cho tụi con tha hồ lội bắt!”.

Cũng may, dọc đường đi còn nhiều ruộng đồng để chỉ cho cháu ngoại thấy. Có những thứ tôi “tham vọng” muốn cho con cháu mình mắt thấy tai nghe để phân biệt cho rạch ròi như ao, đìa, mương, ruộng, lung, hồ... khác nhau ra sao, thì không thể được, vì mặt bằng đã san lấp phẳng phiu, nhà nhà xây tường cao rào kín.

Dẫn con về xứ, thấy mừng vì sự đổi mới và phát triển của “xứ mình”, chắc ba má cũng vui lòng nơi chín suối. Nhưng, lại buồn vì mục đích chuyến đi bị phá sản hoàn toàn!

Theo Phụ Nữ TP HCM


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu