A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa nấm rơm

Một mùa nấm nữa lại đến, không khí trong làng càng trở nên náo nức, nhà nhà được no đủ sum họp và những luống nấm sau khi thu hoạch cũng hứa hẹn một vụ mùa tốt tươi....

Tôi về thăm quê đúng dịp những người nông dân áo vá, chân trần đang vật lộn với những cơn mưa dai dẳng của miền sông nước để thu hoạch vụ lúa hè thu, nhìn nụ cười tươi tắn trên môi của họ bởi những ngày tháng cần cù trong nắng sương giờ đã được bù đắp và hơn hết là vụ lúa năm nay giá cao, lòng tôi dâng lên niềm vui đến lạ kỳ. Đâu đó thoang thoảng trong tôi mùi lúa mới, mùi khăng khẳng nước ruộng và cả mùi rơm vàng, mùi mà khiến tôi nhớ da diết trong những ngày xa quê, cũng chính những sợi rơm vàng ấy cùng với bàn tay cần cù của người nông dân đã tạo nên mùa nấm rơm, góp phần đem lại sự sung túc cho người dân quê tôi trong những ngày nông nhàn.


Để trồng được nấm người dân quê tôi thường cùng nhau chất rơm thành đống, người thì tưới nước cho rơm thấm đều, người thì dùng chân dậm vào cho dẽ để vài ngày sau rơm nóng lên chết các mầm nấm dại và phân hủy chất hữu cơ giúp nấm dễ hấp thu. Sau đó họ nghỉ ngơi khoảng 10 đến 12 ngày, đấy cũng là  lúc rơm xẹp xuống, người dân lại đem rơm ra chất luống, rơm đã ủ được cuộn thành từng bó xếp dẽ đặt từng lớp nối tiếp nhau tạo thành luống, chiều rộng và chiều dài của luống tùy vào kích cỡ cuộn rơm, sau đó tưới nước đè dẽ, vuốt mặt ngoài cho mô láng gọn, sau đó rải meo giống ở hai bên luống và phủ luống bởi một lớp rơm áo, chọn meo giống là khâu quan trọng nhất, quyết định đến năng suất và chất lượng nấm, nên phải chọn meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn. Tiếp đến là chăm sóc luống nấm khoảng hai tuần sau thì thu hoạch nấm.

Ngày ấy, tôi rất thích được cùng cả nhà đi hái nấm, nghe những câu chuyện, những tiếng hỏi thăm, cười đùa của người hái nấm náo nhiệt không kém gì mùa gặt, hái nấm phải cẩn thận, kỹ lưỡng, xoay nhẹ cây nấm tách ra khỏi mô và các nấm con khác không để sót chân trên mô nấm, hái xong phải đậy kỹ mô áo.

Nấm hái mang về có thể cân tươi cho mối lái hoặc để tận dụng thời gian nhàn rỗi, nên nấm được luộc lên để các cô, các chị quây quần bên nhau bóc vỏ nấm xen lẫn vào đó là biết bao câu chuyện tâm tình ... Trẻ con thì cũng học đòi bóc vỏ nấm, nhiều lúc lấy que tre xiên qua những chiếc nấm tươi nướng trên than rồi cùng nhau đùa nghịch đợi nấm chín, vị ngọt của nấm nướng cùng mùi thơm đã trở thành nỗi nhớ da diết của những người khi  đi xa. Nấm sau khi bóc vỏ được ướp với muối cho vào thùng để đem đi cân cho lái buôn, nấm muối bao giờ giá cũng cao hơn nấm tươi rất nhiều.

Một mùa nấm nữa lại đến, không khí trong làng càng trở nên náo nức, nhà nhà được no đủ sum họp và những luống nấm sau khi thu hoạch cũng hứa hẹn một vụ mùa tốt tươi....

Cẩm Vân (Đại đoàn kết) 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu