Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số chủ trương và sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trong công tác tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Tiếng Việt là phương tiện truyền tải và lưu giữ những giá trị về bản sắc truyền thống dân tộc, đồng thời cũng là động lực để đồng bào ta ở nước ngoài gìn giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống Việt Nam. Với quan niệm nhất quán “cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam”, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề này và luôn coi đây là một trong những trọng tâm của công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài.


Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn tặng Tạp chí Quê Hương
và sách Tiếng Việt cho Trường 282, LB Nga

Khi nghiên cứu về việc duy trì, truyền bá tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chúng ta thấy một số vấn đề thực tiễn sau.

Trước hết đó là sự xuất hiện những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc trong nhận thức về mối quan hệ giữa đa dạng văn hóa và phát triển. Trong bối cảnh đó, với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng lên giữa cộng đồng bản địa với cộng đồng nhập cư và những cơ hội ngày càng lớn hơn về kinh tế - văn hóa - xã hội trong giao lưu hai chiều giữa các nước có dân di cư với nhập cư, nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về giá trị bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, trong đó có tiếng Việt ngày càng được nâng cao.

Trong những năm gần đây chúng ta cũng thường gặp, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, câu hỏi của giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài, nhất là những người sinh ra và lớn lên ở ngoài Việt Nam, về cội nguồn, bản ngã của mình.

Một thực tế khác là phần đông những người Việt Nam ở nước ngoài sử dụng tiếng Việt tốt hoặc khá đang dần già đi trong khi thế hệ trẻ, nhất là những người sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, không biết, biết ít hoặc không quan tâm đến tiếng Việt có xu hướng tăng lên, tạo ra nguy cơ mai một ngôn ngữ của dân tộc trong cộng đồng.


Bế giảng Lớp học tiếng Việt tại UBNVNONN dành cho sinh viên kiều bào tại Mỹ

 

Cùng với nguy cơ đó là các bất cập hiện nay của các chương trình phổ biến, truyền bá, trong đó có việc dạy và học tiếng Việt, như phương pháp tiếp cận, phương pháp sư phạm, ngôn ngữ chuẩn và phương ngữ, giáo trình dạy tiếng.... Sự tranh giành ảnh hưởng giữa các cơ sở dạy tiếng Việt ở bên ngoài và việc còn nhiều tổ chức, cá nhân đang khống chế, lợi dụng việc dạy và học tiếng Việt vì các mục tiêu chống đất nước, chống dân tộc là những vấn đề nhức nhối khác.

Mặt khác, chúng ta cũng chứng kiến việc thiếu sự phối hợp đồng bộ, thống nhất trong các nỗ lực hỗ trợ về tiếng Việt cho kiều bào trên cơ sở một đề án toàn diện, có tính chiến lược từ trong nước...

Trong khi đó chúng ta cũng nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò của tiếng Việt trong công tác truyền thông thông tin đối ngoại nói chung và với công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, không chỉ trong việc thông tin tới bà con, để bà con nắm bắt, hiểu được tình hình trong nước, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta mà còn áp dụng một cách hiệu quả, sáng tạo kinh nghiệm truyền bá chữ quốc ngữ của cha ông ta trong việc xây dựng, củng cố và phát triển các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vững mạnh, đoàn kết, thành đạt và hướng về quê hương.


Sinh viên kiều bào tại Mỹ học tiếng Việt tại UBNVNONN

 

Theo tinh thần đổi mới, Đảng và Nhà nước đã xác định rõ công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị. Ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đánh dấu một giai đoạn mới trong nhận thức và thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết. Đây được coi là các văn bản quan trọng nhất về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có vấn đề tiếng Việt (Nhiệm vụ 5 của Nghị quyết và Nhiệm vụ 7 của Chương trình hành động). Trên cơ sở đó, nhiều chương trình, kế hoạch và hoạt động thiết thực hướng tới kiều bào, tích cực hỗ trợ bà con duy trì tiếng Việt trong tổng thể các chính sách dành cho “bộ phận không tách rời” này của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã ra đời và phát huy hiệu quả.

Trong những năm qua, chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ bà con trong việc dạy, học, sử dụng và duy trì tiếng Việt. Ngay từ tháng 8/1998, tạp chí Quê Hương điện tử của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã mở trang học tiếng Việt. Ủy ban đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ xây dựng trường, lớp cho cộng đồng tại nhiều nước, hỗ trợ gửi sách giáo khoa, giáo trình tiếng Việt, tổ chức hội thảo về việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng trong đó kết hợp bồi dưỡng giáo viên, tổ chức nhiều chương trình học tiếng Việt dành cho thanh niên kiều bào về nước tìm hiểu đất nước kết hợp học tiếng Việt. Bộ Giáo Dục và Đào tạo, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều cơ quan tổ chức ở trung ương và địa phương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ bà con dạy và học tiếng Việt như cử giáo viên, hỗ trợ xây dựng trường lớp, cung cấp trang thiết bị, sách giáo khoa và đồ dùng học tập….


Thiếu nhi Việt kiều học tiếng Việt

 

Từ năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì xây dựng và phối hợp triển khai Đề án “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”. Đến nay, Đề án đã cho ra đời bộ sách giáo khoa “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”, đang xây dựng và hoàn tất các dự án chương trình dạy tiếng Việt trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và trên Internet. Đây là các giáo trình được các chuyên gia giáo dục và ngôn ngữ xây dựng công phu, bài bản. Đề án được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện đến năm 2010.

Các chương trình, kế hoạch và hoạt động đó được đông đảo bà con trong cộng đồng người Việt Nam ở các nước nhiệt liệt đón nhận và hưởng ứng tích cực. Các chương trình, dự án đó đã góp phần vào việc củng cố và đẩy mạnh hoạt động dạy và học tiếng Việt cho bà con và thế hệ trẻ kiều bào theo những hình thức và quy mô khác nhau đối với từng nước, từng địa bàn, cộng đồng khác nhau.

Nhằm đáp ứng những yêu cầu của tình hình trong giai đoạn mới, ngày 6/6/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 19/2008/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Chương trình Hành động của Chính phủ về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài. Riêng về vấn đề tiếng Việt cho kiều bào, Chỉ thị yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc chủ trương “tích cực đáp ứng các nhu cầu về thông tin, dạy và học  tiếng Việt…” và chỉ thị rõ: “Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh triển khai việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, với các bước đi cụ thể và thiết thực”.


Múa hát chào mừng Lễ Khai giảng Chương trình tiếng Việt cơ bản
tại Magdeburg, CHLB Đức
 

 

Về phần mình, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã xác định rõ: hỗ trợ kiều bào giữ gìn tiếng Việt là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa lâu dài trong công tác cộng đồng; đối với các thế hệ trẻ kiều bào, đó còn là một nhiệm vụ mang tính chất “trồng người” có ý nghĩa chiến lược. Ủy ban đã quán triệt tinh thần và nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của việc duy trì và truyền bá tiếng Việt đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc cũng như đối với chính sự tồn tại của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 19/2008/CT-TTg và Quyết định số 102/2008/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, và với trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban đã xây dựng Đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ nay đến năm 2020” nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết và ngày càng lớn của đồng bào ở nước ngoài cũng như yêu cầu  ngày càng cao của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.


Lớp học tiếng Việt tại Trung tâm Lạc Hồng, Bungary 

 

Đề án đã đưa ra khái niệm “công tác tiếng Việt” với mục tiêu là làm sao để đồng bào ở nước ngoài duy trì, sử dụng được tiếng Việt cả về nghe, nói, đọc và viết, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, tăng tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng, xây dựng cộng đồng ổn định, phát triển thành đạt ở sở tại và luôn hướng về quê hương. Đồng thời, công tác tiếng Việt phải góp phần vào việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho những người Việt Nam sống xa quê hương, duy trì tình cảm thiêng liêng của đồng bào với cội nguồn và góp phần tạo thêm các cơ hội đa chiều và nhiều mặt trong mối quan hệ giữa đồng bào với quê hương. Chất lượng, chiều sâu của công tác tiếng Việt là mục tiêu chủ yếu và lâu dài của Đề án. Trong quá trình thực hiện, Đề án sẽ được liên tục mở rộng với phạm vi, mức độ và qui mô ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước.

Công tác tiếng Việt được xác định với 3 nội dung chính: xây dựng, củng cố và phát triển các phong trào truyền bá, duy trì tiếng Việt trong cộng đồng; xây dựng, củng cố, phát triển các tổ chức về tiếng Việt trong cộng đồng, nhằm mục tiêu phổ biến tiếng Việt và các mục tiêu khác của công tác cộng đồng; đổi mới và đẩy mạnh các nội dung và loại hình hoạt động liên quan đến dạy và học tiếng Việt, tạo môi trường thuận lợi cho việc học tập và sử dụng tiếng Việt và tạo không gian văn hoá-tiếng Việt.


Lễ Khai giảng Lớp tiếng Việt tại TTTM Thái Bình Dương, Berlin, CHLB Đức 

 

Đến nay, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm và Ủy ban đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan để có thể triển khai tại Lào, Campuchia, Nga, Séc, Mỹ và Canada trong năm 2009-2010.

Tiếng Việt là phương tiện truyền tải và lưu giữ những giá trị về bản sắc truyền thống dân tộc, đồng thời cũng là động lực để đồng bào ta ở nước ngoài gìn giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống Việt Nam. Với quan niệm nhất quán “cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam”, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề này và luôn coi đây là một trong những trọng tâm của công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài.

Vũ Bình
Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài


Các tin khác

Tin tiêu điểm