Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với kiều bào

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao đã có cuộc phỏng vấn với Mekong ASEAN để làm rõ hơn về công tác triển khai Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình Xuân Quê hương 2023, ngày 14/1/2023

Chăm lo cho cộng đồng NVNONN

PV: Xin ông cho biết về tình hình triển khai công tác về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) kể từ khi Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị (Kết luận 12) được ban hành?

Ông Mai Phan Dũng: Sau khi Kết luận 12 được ban hành, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ trong công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026. Sau gần 2 năm thực hiện Kết luận 12 và Nghị quyết 169, công tác NVNONN đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Thứ nhất, việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với NVNONN tiếp tục có những bước chuyển biến mạnh mẽ.

Qua các chương trình do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức như Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào về dự Giỗ Tổ Hùng Vương, Đoàn kiều bào thăm quân dân huyện đảo Trường Sa…, bà con được tận mắt chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của đất nước, cảm nhận rõ hơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Qua đó, gắn kết kiều bào với đất nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhiều người trước đây còn có tư tưởng định kiến, nay đã có chuyển biến về nhận thức, tin tưởng và công khai ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trực tiếp phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái về tình hình đất nước.

Thứ hai, việc hỗ trợ NVNONN có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở sở tại tiếp tục được quan tâm. Trong các hoạt động đối ngoại, lãnh đạo ta luôn đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào ta ở sở tại. Các cơ quan trong nước cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên trao đổi và phối hợp với các cơ quan liên quan của sở tại trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới đời sống và công ăn việc làm của bà con. Có thể nói, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Khó khăn về địa vị pháp lý của kiều bào tại một số địa bàn dần được tháo gỡ. Đại bộ phận kiều bào đã có địa vị pháp lý ổn định và hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. Ngay cả cộng đồng được cho là khó khăn nhất trên thế giới là cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia cũng đã cơ bản có giấy tờ pháp lý của sở tại, dần ổn định cuộc sống.

Thứ ba, công tác phát huy nguồn lực của NVNONN đóng góp cho sự phát triển đất nước ngày càng được chú trọng.

Các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn doanh nghiệp, thành lập mạng lưới liên kết trí thức, doanh nhân NVNONN, thành lập các cơ chế để NVNONN tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho kiều bào khi về nước đầu tư, kinh doanh, làm việc…; triển khai huy động NVNONN tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài. Những nỗ lực trên đã khích lệ, động viên kiều bào có những đóng góp thiết thực, hướng về quê hương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt bà con kiều bào dự chương trình Xuân Quê hương 2023

Thứ tư, công tác duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng có bước tiến mới. Đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030” đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Theo đó, ngày 08/9 hàng năm được chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng NVNONN, giúp lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc trong cộng đồng NVNONN.

Ủy ban Nhà nước về NVNONN đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động cho Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2023. Đồng thời, chúng tôi duy trì đều việc tổ chức hàng năm các khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào; nhiều bộ giáo trình, chương trình dạy tiếng Việt online… cũng được các cơ quan liên quan thiết kế để đáp ứng nhu cầu học tập của các đối tượng khác nhau.

Thứ năm, công tác thông tin tới cộng đồng NVNONN tiếp tục được đẩy mạnh và đổi mới về nội dung, hình thức. Các chương trình truyền hình dành cho kiều bào có nội dung ngày càng phong phú, nhiều báo viết và báo điện tử tiếng Việt có chuyên trang, chuyên mục về các vấn đề liên quan đến NVNONN và những vấn đề bà con quan tâm như tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, chủ quyền biển đảo, nhân quyền…

Phương thức thông tin cho cộng đồng NVNONN được thực hiện đồng bộ, sâu rộng qua nhiều hình thức, nhiều loại ngôn ngữ, chú trọng việc phát triển nội dung trên nền tảng số để đồng bào ta trên toàn thế giới có thể dễ dàng tiếp cận. Đáng chú ý, ngày càng nhiều phóng viên kiều bào về nước tác nghiệp, đưa tin, góp phần giúp cộng đồng nắm được những thông tin chính xác, khách quan về tình hình trong nước.

PV: Xin ông nói rõ hơn về việc đổi mới về nội dung, phương thức, tư duy của công tác thông tin đối ngoại đối với NVNONN trong tình hình mới?

Ông Mai Phan Dũng: Một trong những nhiệm vụ quan trọng và được nhấn mạnh tại Kết luận 12 của Bộ Chính trị là “đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại tới cộng đồng NVNONN”.

Về tư duy, Đảng và Nhà nước đánh giá công tác thông tin đối ngoại với cộng đồng NVNONN là một bộ phận rất quan trọng trong công tác truyền thông và công tác tư tưởng của Đảng.

NVNONN vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của công tác thông tin đối ngoại. Mỗi NVNONN giữ vai trò như một “kênh thông tin” của Việt Nam ở nước ngoài, giúp lan tỏa những thông tin, hình ảnh tích cực về đất nước, con người và những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam tới rộng rãi cộng đồng ở sở tại và bạn bè quốc tế. Qua đó, NVNONN trở thành lực lượng góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho các kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình Xuân Quê hương 2023

Về nội dung, thông tin đối ngoại với cộng đồng NVNONN ngày càng toàn diện và đổi mới theo hướng thuyết phục và đa chiều. Trong đó, nội dung về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các sự kiện lớn, quan trọng và thành tựu phát triển của đất nước được chủ động cung cấp chính xác, cụ thể, thể hiện phương châm “đi trước mở đường”, góp phần quan trọng giúp đồng bào ta ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về chính sách, quan điểm của Việt Nam.

Thông tin đối ngoại còn là kênh giúp truyền tải những ý kiến đóng góp, tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào tới nhân dân trong nước, từ đó nâng cao tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia, đùm bọc của dân tộc ta ở cả trong và ngoài nước, góp phần gắn kết chặt chẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Về hình thức, công tác thông tin đối ngoại với NVNONN được đa dạng hóa về dạng thức, ngôn ngữ, phương tiện và lực lượng. Nhiều dạng thức truyền thông mới được áp dụng, như tạp chí điện tử, video clip, triển lãm trực tuyến… góp phần chia sẻ thông tin và hình ảnh Việt Nam toàn diện, sinh động, hấp dẫn, gần gũi hơn.

Công tác thông tin tới sở tại còn được triển khai thực hiện phù hợp với từng địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm, như các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Anh, Pháp…; đồng thời được sản xuất bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, để lan tỏa tới đông đảo hơn nữa bà con và bạn bè quốc tế.

Các kênh truyền thông mới như mạng xã hội Facebook, Youtube, Tik Tok… được sử dụng thường xuyên, góp phần thể hiện phương châm tích cực trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới nhằm thúc đẩy sự lan tỏa và mức độ tương tác của thông tin chính thống tới NVNONN.
 

 Kiều bào Việt Nam từ 22 nước thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2023

Song song với đó, các phương tiện truyền thông cộng đồng cũng được phát huy. Trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí, phóng viên kiều bào thường xuyên được tạo điều kiện trực tiếp tham gia tác nghiệp và đưa tin về tình hình, sự kiện trong nước thông qua các chuyến đi thực tế, trong đó có chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DKI do Ủy ban tổ chức thường niên. Sau mỗi chuyến đi, các kênh truyền thông của kiều bào đã có những bài viết, hình ảnh… phản ánh khách quan, trung thực về Việt Nam, góp phần đáng kể trong việc phản bác và đẩy lùi các luận điệu tuyên truyền sai trái.

Trong công tác thường xuyên, trong nước luôn tích cực phối hợp với các kênh truyền thông cộng đồng, về lâu dài hướng tới hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh trước các thông tin sai trái về đất nước.

Vai trò tích cực của Báo chí

PV: Xin ông đánh giá về vai trò của báo chí trong công tác thông tin truyền thông đối với NVNONN, nhằm giúp kiều bào ta hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam?

Ông Mai Phan Dũng: Thời gian qua, báo chí đã phát huy vai trò tích cực trong cung cấp các thông tin chính thống một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, giúp bà con kiều bào hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đối với cộng đồng NVNONN.

Báo chí đã phản ánh tình hình phát triển, thành tựu mọi mặt của đất nước; đồng thời góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, lòng tự hào dân tộc, tăng cường đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, giữ gìn bản sắc dân tộc, kết nối đồng bào hướng về quê hương, đất nước.
 

Báo chí còn phát huy vai trò là cầu nối, phản ánh tâm tư, nguyện vọng cũng như nhu cầu của kiều bào. Thông qua báo chí, kiều bào được tự do bày tỏ tâm tư, ý kiến, nguyện vọng chính đáng của mình, góp phần tham gia vào giải quyết các vấn đề của đất nước và quá trình xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN…

Có thể dễ dàng nhận thấy, cộng đồng NVNONN cũng được các cơ quan báo chí quan tâm hơn. Ngày càng có nhiều cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, đa dạng hóa nội dung, hình thức cung cấp thông tin hướng tới cộng đồng NVNONN, góp phần tích cực trong công tác thông tin đối với NVNONN.

Nằm trong tổng thể của công tác về NVNONN, công tác thông tin đối với NVNONN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị ở trong và ngoài nước. Các cơ quan, tổ chức trong nước luôn tăng cường phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hội đoàn NVNONN để tích cực, kịp thời truyền tải thông tin chính thống tới nước sở tại; đồng thời vận động, hỗ trợ NVNONN có ảnh hưởng đẩy mạnh thông tin tích cực về Việt Nam trong cộng đồng sở tại và với bạn bè quốc tế.

PV: Hiện nay, mạng xã hội (MXH) - với khả năng kết nối và lan tỏa thông tin nhanh chóng, đang được nhiều Chính phủ lựa chọn làm phương thức truyền tải thông điệp đến công chúng. Theo ông, MXH đặt ra những thách thức và cơ hội gì trong công tác thông tin đối ngoại đối với NVNONN?

Ông Mai Phan Dũng: Cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và xu thế phát triển của MXH trên thế giới, tại Việt Nam, MXH cũng phát triển nhanh chóng về số lượng và thu hút ngày càng đông đảo người sử dụng. Sự phát triển của MXH mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác thông tin nói chung và công tác thông tin đối ngoại đối với NVNONN nói riêng.

Trước hết, MXH mở ra rất nhiều cơ hội cho công tác thông tin đối với NVNONN. Nếu trước đây, công tác này chủ yếu là một chiều, thì nay - với sự ra đời của MXH - đã không còn đơn điệu mà có sự tương tác tích cực từ kiều bào. Nhờ vậy, công tác thông tin đối với NVNONN có thể đáp ứng “đúng”, “trúng” hơn nhu cầu, nguyện vọng của bà con kiều bào.

Bên cạnh đó, tốc độ đưa tin nhanh, đa dạng, sáng tạo của truyền thông MXH cũng là động lực để các cơ quan chuyên trách về công tác thông tin đối ngoại phải không ngừng đổi mới, đón đầu xu thế, ứng dụng công nghệ mới. Chỉ có như vậy thì thông tin chính thống mới có thể là dòng chủ lưu, lan tỏa rộng hơn, nhanh chóng hơn, hấp dẫn hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của NVNONN, không bị “lép vế” trong mặt trận dư luận.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh chung với kiều bào tiêu biểu dự chương trình Xuân Quê hương 2023

Ngoài ra, đặc tính “tức thì”, “mở” của MXH giúp các cơ quan chuyên trách về công tác thông tin đối ngoại có thể nhanh chóng phát hiện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch “từ sớm, từ xa”, từ đó triển khai đấu tranh, phản bác kịp thời. MXH cũng là kênh hữu hiệu để nắm bắt dư luận đối với các vấn đề, lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm và phức tạp mà kiều bào quan tâm, qua đó dự báo tình hình, xu hướng để chủ động có biện pháp truyền thông phù hợp.

Nhận thức được điều này, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã triển khai xây dựng hai trang MXH của mình trên nền tảng Facebook và Youtube, thường xuyên chia sẻ các thông tin về đất nước, con người Việt Nam, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hoạt động của Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN, các hoạt động, sự kiện nổi bật trong cộng đồng kiều bào. Hai trang MXH này đã trở thành địa chỉ cung cấp thông tin uy tín và hiệu quả, nhận được sự quan tâm, tương tác tích cực của NVNONN.

Ở chiều ngược lại, với đặc tính “ảo”, dễ ẩn danh, lan truyền chóng mặt, MXH đã và đang trở thành môi trường phát tán tin giả, tin xấu-độc, nhiều khi “lấn át” các nguồn thông tin chính thống. Đây là vấn đề “đau đầu” không chỉ riêng với Việt Nam, mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Cùng với đó, sự đa dạng và cập nhật liên tục, nhanh chóng của thông tin trên MXH cũng là một yếu tố làm thay đổi thói quen tiếp cận truyền thông chính thống của độc giả, trong đó có NVNONN.

Đặc biệt, lợi dụng MXH và các loại hình truyền thông mới trên internet, các thế lực thù địch, phản động đã phát tán nhiều thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc tình hình đất nước, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, bôi nhọ, phá hoại hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Tạo điều kiện để doanh nhân kiều bào đầu tư trong nước

PV: Cùng với sự phát triển của đất nước, cộng đồng doanh nhân NVNONN đang ngày càng lớn mạnh và hướng về quê hương. Xin ông cho biết cần làm gì để tiếp tục thúc đẩy hoạt động kết nối doanh nghiệp, hợp tác đầu tư giữa cộng đồng này với doanh nghiệp trong nước?

Ông Mai Phan Dũng: Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến hết năm 2022 đã có 385 dự án đầu tư tại Việt Nam của NVNONN từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 1,718 tỷ USD.

Đầu tư của kiều bào chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 146 dự án, vốn đăng ký 839,2 triệu USD; tiếp đến là hoạt động kinh doanh bất động sản với số vốn trên 298 triệu USD; còn lại thuộc về các ngành, lĩnh vực khác.

Các dự án của kiều bào hoạt động khá hiệu quả, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Bên cạnh những đóng góp trực tiếp, kiều bào ta ở nước ngoài còn có những đóng góp cho công tác thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc kết nối, giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam, kết nối nhà đầu tư nước ngoài với các đối tác trong nước; đồng thời góp phần quảng bá, xúc tiến, làm tăng uy tín, tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Nhằm thu hút, tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nhân NVNONN về nước đầu tư, kinh doanh, kết nối doanh nghiệp, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp trong nước, cần tiếp tục triển khai một số biện pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm bảo hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân kiều bào về nước làm việc, đầu tư kinh doanh; xem xét các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thích hợp.

Thứ hai, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nhất là ở khâu thực thi, triển khai tại địa phương theo hướng minh bạch, thuận tiện, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

Thứ ba, tăng cường tổ chức các hoạt động, sự kiện, tạo diễn đàn để các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước có cơ hội gặp gỡ, kết nối, trao đổi thông tin, tìm kiếm bạn hàng, hợp tác đầu tư; thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa cơ quan chức năng địa phương với cộng đồng doanh nghiệp kiều bào đang đầu tư, kinh doanh tại tỉnh để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.

Thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu về kiều bào cũng như người Việt Nam đầu tư ở nước ngoài để giúp nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích kiều bào đầu tư phát triển đất nước, cũng như đảm bảo hoạt động đầu tư của NVNONN, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ trong những trường hợp cần thiết.
 

 Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, phát biểu tại họp báo công bố chương trình “Dấu ấn Việt Nam”

PV: Vừa qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN giới thiệu đề án “Dấu ấn Việt Nam” nhằm khích lệ tình yêu quê hương đất nước, đồng thời quảng bá giá trị Việt ra toàn cầu. Xin ông chia sẻ thêm thông tin về Đề án này?

Ông Mai Phan Dũng: Đề án “Dấu ấn Việt Nam” đã được thông tin rộng rãi trên báo chí. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng, đây là một trong những hoạt động quan trọng, bước đầu cho thấy sự tham gia và hưởng ứng tích cực của xã hội đối với Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030”.

Đề án nhằm khích lệ lòng tự tôn dân tộc, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tôn vinh trí tuệ Việt, bản sắc Việt qua các thời đại; nâng cao năng lực ngôn ngữ Việt, đặc biệt với thế hệ trẻ NVNONN.

Về lâu dài, chúng tôi mong muốn rằng, hoạt động tôn vinh ngôn ngữ và văn hóa dân tộc sẽ ngày càng được xã hội, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước quan tâm và tham gia rộng rãi. Về phần mình, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ cùng các cơ quan liên quan hết sức hỗ trợ cho các hoạt động ý nghĩa này của cộng đồng.

Chương trình “Dấu ấn Việt Nam” được phát sóng từ tháng 5/2023 trên kênh VTV4, với các chủ đề đa dạng, đậm nét Việt, góp phần tôn vinh giá trị nhân văn của Việt Nam, quảng bá, giới thiệu thành tựu tiêu biểu, đặc sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Việt Nam trong quá trình phát triển của đất nước. Tôi tin rằng chương trình sẽ không chỉ thu hút sự quan tâm của khán giả là người Việt Nam trong và ngoài nước, mà còn hấp dẫn cả khán giả nước ngoài - những người yêu mến tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

Hy vọng rằng, chương trình “Dấu ấn Việt Nam” sẽ đi vào đời sống, thói quen của cộng đồng NVNONN, góp phần xây dựng ý thức và thôi thúc mỗi người Việt ở nước ngoài tích cực và tự hào mang giá trị Việt đến với thế giới, khẳng định ngôn ngữ Việt, bản sắc Việt, trí tuệ Việt, hình ảnh Việt trong hội nhập.

PV: Xin cảm ơn ông!

(Bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí Mekong ASEAN)


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm