A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Môi trường tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

Xin gửi đến TCQH vài suy nghĩ để trao đổi với các Chị, các Anh, Em Việt kiều tham gia Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài tại Hà Nội tháng 11/2009. Mong rằng đây là một Diễn đàn rộng rãi để trao đổi, thu thập ý kiến đánh giá toàn diện về tình hình đất nước. Trên cơ sở chủ đề chung, tôi xin góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước với bài Môi trường tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Hai vấn đề "Công lý và môi trường" và "Môi trường xanh tại Việt Nam" có thể đã có nhiều ý kiến đóng góp, trong bài viết này, tôi chỉ xin nêu ra vài thông tin và ý kiến để cùng với các bạn chọn một giải pháp (résolution finale) có thể góp cái nhìn "ngoài nước" chú ý đến môi trường tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Công lý và Môi trường

Tại Hà Nội, tham gia Ủy ban số 6, Đại hội lần thứ 17 của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (AIJD) từ 6-10/06/2009, tôi có phát biểu về Đền bù cho nạn nhân chất độc da cam/dioxine - Công lý và Môi trường”, đưa kết luận phán quyết của Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế về nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) Việt Nam (Paris 15-16 /05/2009).


Nạn nhân chất độc da cam dioxin 


Một bản tường trình và tố cáo do tòa án công bố được gửi cho Chính phủ Mỹ và các Công ty hóa chất đã sản xuất chất da cam. Bất chấp việc nhận được thông báo này, chính phủ Mỹ và các công ty đã không có phản hồi.

Phiên tòa được AIJD tổ chức[1] đã tiếp nhận bằng chứng và lời chứng của 27 người trong đó có cả các nạn nhân và nhân chứng, chuyên gia. Sau khi kiểm tra các bằng chứng, tòa ra phán quyết nêu rõ việc Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất hiểu được thực tế là Dioxin, một trong những hóa chất độc hại nhất con người từng biết, là một phần trong cấu phần tạo nên chất da cam. Họ tiếp tục sử dụng và trên thực tế đã áp chế một nghiên cứu năm 1965 chứng minh là chất Dioxin gây ra tình trạng quái thai trong rất nhiều động vật khi đó được thí nghiệm. Cho tới khi những kết quả nghiên cứu được một công dân có lương tâm công bố, khi đó chất da cam mới được ngừng sử dụng. 

Cân nhắc tới yếu tố này Tòa ra phán quyết:

1) Bằng chứng được trình bày tại phiên tòa đã khẳng định trong chiến tranh Mỹ chống phá Việt Nam, từ năm 1961 tới năm 1971, các lực lượng quân sự của Mỹ đã rải chất hóa học có chứa hàm lượng lớn chất Dioxin nhằm diệt cỏ và lá cây vì các mục đích quân sự;

2) Các sản phẩm hóa chất được rải gây ra thiệt hại về người, đất đai, nước, rừng, hệ sinh thái và nền kinh tế của Việt Nam, phiên tòa này có thể phân loại như sau:           

            a. Thiệt hại trực tiếp đối với con người: những căn bệnh trực tiếp gây ra cho những người tiếp xúc với chất Dioxin là ung thư, rối loạn da, hại thận, các bệnh tim, phổi, mất khả năng sinh nở cũng như rối loạn thần kinh;

            b. Thiệt hại gián tiếp đối với trẻ em tiếp xúc với chất Dioxin là tình trạng khuyết tật bào thai nghiêm trọng, khuyến tật cơ thể và thần kinh và vòng đời ngắn;

            c. Thiệt hại đối với đất đai, rừng, nguồn nước và cộng đồng. Diện tích rừng và rừng nguyên sinh tại phần lớn miền Nam Việt Nam đã bị phá hủy và có thể không bao giờ được phục hồi hoặc phải mất từ 50 tới 200 năm để phục hồi. Các loài thú sống trong rừng trở nên tuyệt chủng, gây rối loạn các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng. Các dòng sông và nước ngầm tại một số vùng bị ô nhiễm. Chất Dioxine tiếp tục hiện diện trong môi trường trong nhiều năm nữa;

            d. Gây xói mòn, hoang hóa từ đó làm thay đổi môi trường, góp phần vào hiện tượng nóng lên của trái đất và làm mất môi trường sống của các loài sinh vật hoang dã và canh tác nông nghiệp.

Cân nhắc các yếu tố này, Tòa án cũng phán quyết:

1) Cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam là một cuộc chiến gây thù địch bất hợp pháp chống lại một quốc gia đang tìm kiếm tự do dân tộc: tính bất hợp pháp dựa trên cơ sở Điều 2(3) và 2(4) của Hiến chương Liên hiệp quốc trong đó yêu cầu các quốc gia phải giải quyết những tranh chấp của mình bằng phương pháp hòa bình. Việc rải CĐDC/dioxin tại miền Nam Việt Nam và đánh bom trên diện rộng miền Bắc Việt Nam cho thấy là Mỹ đã vi phạm các qui định của Hiến chương Liên hiệp quốc, đó là kiềm chế việc sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế;

2) Các nguyên tắc của tòa án tội phạm quốc tế tại Nuremberg định nghĩa chiến tranh thù địch là một tội ác chống lại hòa bình và có thể bị xử phạt theo luật pháp quốc tế;

3) Việc sử dụng chất độc Dioxin là một tội ác chiến tranh do đây là loại vũ khí chất độc không được chấp nhận trong các điều luật thông dụng quốc tế và theo công ước Hague thông qua năm 1907. [Công ước Hague 23(a)]. Những vi phạm các qui tắc và luật chiến tranh được coi là tội ác chiến tranh theo nguyên tắc VI b, Nguyên tắc Nuremberg. Bằng hành động cung cấp vũ khí chất độc, các công ty cũng là đồng phạm với chính phủ Mỹ trong việc thực hiện;

4) Việc sử dụng chất độc Dioxin là một tội ác chống nhân loại như định nghĩa tại Nguyên tắc VI (c) của Nguyên tắc Nuremberg, do việc sử dụng chất độc này tạo nên hành động vô nhân đạo chống lại người dân bình thường và liên hệ với tội ác chống lại hòa bình và các tội ác chiến tranh;

5) Việc sử dụng vũ khí bất hợp pháp trong một cuộc chiến bất hợp pháp đã gây ra những thiệt hại miêu tả ở trên. Các tội ác này đã gây ra sự đau đớn, bất công và thống khổ cho ít nhất 3 tới 4 triệu người và gia đình của họ;

6) Đây là thời điểm đúng đắn để đưa ra một giải pháp phù hợp cho các nạn nhân CĐDC của Việt Nam và gia đình họ cũng như giải quyết ở mức cao nhất những hậu quả về môi trường của Việt Nam.

Các kết luận: Tòa án ra phán quyết:

1) Chính phủ Mỹ phạm phải những tội ác liệt kê ở trên và mức độ thiệt hại đối với môi trường của Việt Nam có thể được định nghĩa ở mức “sinh thái bị hủy diệt”;

2) Các công ty hóa chất bị tố cáo như trên phạm tội đồng lõa tham gia các tội ác liệt kê ở trên;

3) Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất đã sản xuất và cung cấp chất da cam phải đền bù toàn bộ cho các nạn nhân CĐDC và gia đình của họ. Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất phải sửa chữa những thiệt hại môi trường bằng cách gỡ bỏ các chất Dioxin gây ô nhiễm đất và nguồn nước, đặc biệt tại “các điểm nóng” xung quanh các vùng căn cứ quân sự của Mỹ trước đây.

Để hoàn thành công việc đền bù và sửa chữa trên đây, Tòa án khuyến nghị thành lập một Ủy ban CĐDC nhằm đánh giá mức độ đền bù có thể thực hiện đối với từng nạn nhân, gia đình và cộng đồng của họ. Ủy ban CĐDC sẽ xác định nhu cầu cần thiết để cung cấp trang thiết bị y tế chuyên dụng, các trung tâm phục hồi chức năng và dịch vụ trị liệu cho các nạn nhân và gia đình họ; sẽ đánh giá chi phí cần thiết cho các nghiên cứu tại những khu vực bị ô nhiễm và chi phí phục hồi môi trường trong tương lai; sẽ xác định mức độ cần phải đền bù cho chính phủ Việt Nam để bù lại những chi phí đã sử dụng hỗ trợ cho các nạn nhân và phục hồi môi trường Việt Nam.

 


Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam dioxin 

Tòa án kêu gọi Chính phủ Việt Nam thành lập Ủy ban CĐDC có những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực y tế, khoa học, kỹ thuật, dịch tễ, nông nghiệp, chất độc, sinh thái, quản lý nhà nước và đại diện các tổ chức xã hội dân sự. Ủy ban sẽ đưa ra các khuyến nghị về giải pháp trong năm đầu tiên sau khi thành lập. Sau khi Ủy ban CĐDC được thành lập và ước lượng nguồn lực cần thiết, toàn bộ số tiền này sẽ do Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất cùng chi trả vào một quĩ chỉ dành cho các nạn nhân hiện tại và trong tương lai, gia đình của họ và việc phục hồi môi trường. Số tiền 1,52 tỉ đô la Mỹ một năm do Chính phủ Mỹ trả thông qua Quỹ cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam là nạn nhân CĐDC có thể được sử dụng để định hướng cho việc tính toán do Ủy ban CĐDC tiến hành.

Báo cáo đầy đủ về phiên tòa cùng với phần tóm tắt tổng hợp này, bà Jeanne Mirer, Chủ tịch AIJD, đã trình cho ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 10/06/2009. Báo cáo đã  được xuất bản, công bố rộng rãi trong cộng đồng quốc tế[2].

Môi trường xanh tại Việt Nam

Hiện nay trên thế giới, môi trường xanh trở thành một vấn đề mà các quốc gia phải có trách nhiệm và giải quyết trong bối cảnh toàn cầu hóa[3].

Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường là một chủ đề "nóng", đặc biệt là khi doanh nghiệp bị phát hiện xả nước thải hay xử lý rác thải, chưa qua xử lý đúng luật, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường. Việt Nam đã thực hiện luật "đa dạng sinh học" (loi sur la biodiversité) từ 1/07/2009 cho nên các công ty phải được Sở Tài nguyên và Môi trường các thành phố chấp thuận cho giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định. Cũng có một số công ty đã tiến hành phân loại các chất ô nhiễm và trong thời gian qua đem lại tăng trưởng trong kinh doanh với trang thiết bị hiện đại của Đức, Nhật Bản, Pháp và Tây Ban Nha[4]. Về vấn đề xử lý rác thải bằng phương pháp sinh học, chôn lấp rác, hay biến chế rác vẫn có khả năng sinh lợi kinh tế có nhiều công ty chú ý đến, như một ví dụ tại Thừa Thiên-Huế, có một nhà máy xử lý rác công nghệ made in Vietnam có đến 90% rác được tái chế, 10% rác còn lại được nhà máy tận dụng sản xuất đại trà gạch block[5]. TPHCM đã xây dựng nhà máy chế rác thành phân compost. Vả lại, TPHCM tận dụng diện tích đất tại bãi chôn lấp để trồng cây vừa có giá trị kinh tế cao, vừa giúp tận dụng xử lý nước rỉ rác để làm nguồn nước dinh dưỡng cho cây. Khi vào thực tế, có công ty bị Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM xử phạt vì đã có hành vi vi phạm xả thải và khai thác nước ngầm, bị phạt 11,5 triệu đồng vì xả thải vượt tiêu chuẩn[6]. Nhưng, khi lạc giữa rừng tràm U Minh Hạ lại có những yêu cầu "xin đừng làm đau rừng" vì biến rừng thành điểm du lịch[7]; hoặc tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam lâm tặc thả sức giết rừng[8], rừng hầu như vô chủ, lâm tặc thoải mái chặt phá đến mức khó hình dung và sự bất lực đến "cười ra nước mắt" trong bảo vệ rừng là quá nhiều bất cập trong chính sách bảo vệ rừng. 

Suy nghĩ và Đề xuất

Trong hai khía cạnh trình bày trên, suy nghĩ và đề xuất của tôi là cần có cuộc tọa đàm giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý Nhà nước và đại diện các tổ chức xã hội dân sự, góp phần giúp Ủy ban về CĐDC, để phục hồi môi trường xanh cho Việt Nam và công lý cho nạn nhân CĐDC. Đây là một cuộc chiến tranh dư luận quốc tế, phải đi đến cùng, cần sự tham gia của trí thức Việt kiều cùng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Tôi xin đề nghị vấn đề da cam/dioxin được chú ý đến tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (nhóm hóa Việt kiều), việc này là một trách nhiệm chung của chúng ta muốn giúp Việt Nam để có tác động lớn sau "Tòa án dư luận quốc tế" Paris 15-16/05/2009. Đối với nạn nhân CĐDC và Hội VAVA[9], chúng ta có thể giúp trong các lĩnh vực nói trên và tham gia trong Ủy ban CĐDC.

Về vấn đề bảo vệ môi trường xanh, các nhà quản lý Nhà nước cần phân tích rõ lợi hại trong việc khai thác nguồn vốn quý của quốc gia. Cần có quy chế quản lý và sử dụng rừng trước khi đi vào khai thác du lịch và kinh tế rừng. Tuy nhiên, du lịch thực sự sẽ góp phần lớn vào việc xóa đói giảm nghèo.

Ts Nguyễn Đắc Như-Mai
Ủy viên Ban Tư vấn HNVNTP
Ủy viên Thường trú VAVA tại Pháp & Liên minh Châu Âu

 

[1] Các thẩm phán của phiên tòa tới từ nhiều quốc gia:  Ông Jitendra Sharma, Ấn Độ; Ông Juan Guzman, Chi lê; Bà Claudia Morcom, Mỹ; Bà Marjorie Cohn, Mỹ; Ông Gavril Chiuzbaian, Rumani; Ông Adda Bekkouche, Algeria; Ông Shoji Umeda, Nhật Bản. Hai luật sư bào chữa là Ông Roland Weyl, Pháp và Bà Jeanne Mirer, Mỹ.

[2] President applauds new lawyers' association head  in Viet Nam News vol XIX N°6386 June 11,2009 p.1 &4

[3] Nguyễn Đắc Như-mai: "Le réchauffement climatique, les ressources limitées en énergies fossiles, la préservation de l’eau, le traitement des déchets, les modes de déplacement et d’habitat, l’écotourisme, les conditions sanitaires dans le monde, autant d’enjeux planétaires à vérifier, expliquer, illustrer et tenter de faire vivre une conception dynamique du développement durable". in "Impact de la déclaration de Hanoi: le droit au service de la paix" Congrès AIJD Hanoi 6-10/06-2009-  OVSCLUB

[4] Con đường hướng ô nhiễm  tới thương hiệu "Xanh" (Thời báo Kinh Tế, số 81-82, ngày 4-6/4-2009, tr 9)

[5] Nhà máy xử lý rác made in VN (Tuổi Trẻ 8-4-2009)

[6] Đây là Công ty Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hoàn Thành (SGGP 26-6-2009)

[7] Xây dựng tuyến du lịch sinh thái rừng ngập mặn (Thời báo Kinh Tế Việt Nam 30-5-2009)

[8] Lâm tặc thả sức giết rừng (Lao Đọng 3-7-2009)

[9] VAVA: 205-208 B17 Lương Định Của-Đống Đa-Hà Nội;  ww.vava.org.vn


Các tin khác

Tin tiêu điểm