Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đời sống văn hóa, tinh thần và việc giữ gìn bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Suốt hàng ngàn năm lịch sử, văn hóa nước ta là một dòng chảy liên tục, phản ánh quá trình dựng nước và giữ nước. Đó là sự kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông ta và là kết quả của sự giao lưu, tiếp thu tinh hoa của các nền văn minh, văn hóa thế giới để có nền văn hóa vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa tiên tiến hiện đại hiện nay.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu kiều bào
tham dự Hội thi Chung khảo toàn quốc “kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 

Người Việt Nam ta được đánh giá là hiếu học, cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu. Đó là những đức tính hết sức quý báu giúp cho dân tộc ta tồn tại được cho đến ngày nay. Trải qua không ít thăng trầm của lịch sử, những giá trị đó không chỉ được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng 54 dân tộc anh em đang sinh sống trong nước mà nó mà còn được cộng đồng gần 4 triệu đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài nâng niu, gìn giữ.


Thiếu nhi Việt kiều ở CHLB Đức trong trang phục truyền thống dân tộc Việt Nam 

Đời sống văn hóa, tinh thần và bản sắc văn hóa dân tộc được coi là tấm giấy thông hành để mỗi con người bước ra với cộng đồng nhân loại mà không bị trộn lẫn. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi chúng ta phát triển một nền kinh tế thị trường, giao lưu và hội nhập với thế giới trong xu thế toàn cầu hóa với định hướng của ta. Cộng đồng người Việt Nam sinh sống và định cư ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có thể ra đi trong nhiều giai đoạn khác nhau, vì nhiều lý do khác nhau, nhưng đều chung một cội nguồn dân tộc, do đó đại đa số bà con đều hướng về Tổ quốc và chia sẻ nguyện vọng gìn giữ phong tục, tập quán tốt đẹp, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin nêu một số ví dụ cụ thể về những nỗ lực của những người con xa xứ luôn tự hào là con cháu Rồng Tiên, gắn bó với cội nguồn văn hóa dân tộc.

Cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan, sống tập trung ở các tỉnh Đông Bắc và khá thành công với công việc kinh doanh buôn bán, họ đã mở những phố kinh doanh các sản phẩm mang đặc trưng văn hóa ẩm thực Việt Nam như khu phố bán phở, bún, chả giò, bánh chưng, bánh tét… Trong cộng đồng cũng có một số người trở thành công chức có vị trí ở Thái Lan. Hằng năm, trong các dịp lễ lớn của dân tộc như Tết cổ truyền, Quốc khánh, kỷ niệm ngày sinh nhật Bác…, người Việt ở đây cùng hội tụ về một số địa điểm để giao lưu, sinh hoạt và mời những đoàn nghệ thuật sang biểu diễn phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, sáng ngày 17/5/2008 tại tỉnh Khỏn Kèn đã diễn ra lễ khánh thành Chùa Một Cột theo nguyên bản ở Hà Nội được đặt tại Công viên Hữu nghị Thái Lan – Việt Nam. Đây là một biểu tượng của đất nước và là nơi sinh hoạt văn hóa và các lễ hội tâm linh trong các dịp truyền thống của dân tộc.


Đón Tết Kỷ Sửu tại CH Czech 


Thi hoa hậu Việt Nam 2007 ở Berlin, CHLB Đức

Cộng đồng ta tại Lào hình thành từ khá sớm, hiện có khoảng 20.000 người, phần lớn sống tại Thủ đô và thành phố lớn thuộc các tỉnh Vientiane, Champasac, Savannakhet và Khammuon… Được sự giúp đỡ, quan tâm và tạo điều kiện của Chính phủ Lào, sự hỗ trợ từ trong nước, bà con ta đã chủ động phát huy được những thế mạnh của mình trong kinh tế, xã hội và có nhiều hoạt động văn hóa-xã hội giúp xóa đói, giảm nghèo, duy trì bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.

Tổng Hội người Việt Nam tại Lào và các Hội người Việt Nam tại các địa phương đã tổ chức khá tốt việc dạy và học tiếng Việt cho con em; những hoạt động văn hóa, nghệ thuật hướng về đất nước luôn được duy trì thường xuyên. Nhiều đội văn nghệ, câu lạc bộ thể thao của các hội đoàn đã tổ chức được các hoạt động giao lưu với nhau, trong phạm vi tỉnh, thành và cả nước Lào cũng như với một số địa phương của Việt Nam.


Đón Tết ở Nhật 

Tại Nhật Bản, cộng đồng cũng thường xuyên tham gia vào các hoạt động do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức nhằm kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, quảng bá về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Nổi bật nhất trong các hoạt động đó là “Tuần lễ Việt Nam” được tổ chức trong tháng 9/2009 vừa qua tại công viên Yoyogi, với 40 quầy hàng đồ ăn Việt và 20 gian hàng giới thiệu sản phẩm Việt Nam đã thu hút được trên 80.000 khách đến tham dự. Nhiều gia đình Nhật và bà con Việt Nam đã đến tham dự, nhiều bạn bè lưu học sinh, tu nghiệp sinh Việt Nam vui mừng và xúc động khi biết Lễ hội Việt Nam sẽ được tổ chức thường niên ở Tokyo. Trên đất nước mà đạo Phật rất được coi trọng này, cộng đồng cũng thường xuyên tham gia các hoạt động Phật pháp do nhà chùa tổ chức. Mới đây, nhân dịp lễ khánh thành chùa Nisshinkutsu, bà con trong cộng đồng đã tặng Chùa một số tượng và đồ thờ do nghệ nhân Việt Nam chế tác, được nhà Chùa và các Phật tử Nhật Bản đánh giá cao về mặt nghệ thuật.


Màn múa lân của người Việt tại Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam
ở đại học California, Mỹ
 

Tại Châu Âu, người Việt Nam có mặt ở hầu hết các nước châu Âu nhưng tập trung đông ở một số nước như Pháp, Đức, Nga, Séc, Ba Lan... Đa số bà con gắn bó với quê hương và có nhiều đóng góp xây dựng quê hương. Cộng đồng có cuộc sống tương đối ổn định, đã thành lập các hiệp hội, trung tâm giao lưu văn hóa, triển lãm tranh, biểu diễn các hình thức nghệ thuật dân tộc, tổ chức các lớp, các khóa dạy và học tiếng Việt để hỗ trợ nhau, thường xuyên sinh hoạt cộng đồng để gắn kết với nhau và giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Ở nhiều nơi, bà con vận động quyên tiền xây chùa, lập Hội Phật tử, mời tăng sĩ trong nước sang hỗ trợ các hoạt động Phật sự nhân dịp lễ, tết ngày càng tăng. Ở một số nước, đã hình thành những “làng Việt Nam” mang đậm bản sắc dân tộc, như ngày 22/10 vừa qua, sau làng Thời Đại, thêm một Làng Việt nữa đã chính thức khánh thành tại Ukraina – Làng Sen được xây dựng và đưa vào sử dụng với ước mong nơi đây sẽ trở thành một trong những điển hình của nền văn hóa Việt Nam tại Ucraina.


Chị Hoe Nguyen chuẩn bị lá chuối để gói bánh chưng ăn Tết tại Memphis,
Tennessee, Mỹ

Ở Mỹ, nơi có đông người Việt Nam ở nước ngoài nhất, trong những năm qua bà con ta đã tạo dựng được một vị trí nhất định, với tư cách là một cộng đồng nhập cư mới duy trì được bản sắc văn hóa dân tộc trong xã hội Mỹ. Bà con ta đã tổ chức thành công và duy trì được nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, gắn kết cộng đồng trong các dịp lễ, tết của dân tộc.

California là nơi được hơn một nửa số người Việt Nam tại Mỹ chọn làm nơi sinh sống. Tại đây, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, dạy và học tiếng Việt, các lễ hội của người Việt diễn ra thường xuyên, liên tục. Bà con ta đã tạo lập được cả một khu vực, gần như một lãnh địa riêng của người Việt với tên gọi là “Sài gòn nhỏ” (Little Saigon), mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam với nhiều đường phố, tòa nhà, cửa hàng, cửa hiệu được đặt tên thuần Việt.


Sinh viên Việt Nam tại New Zealand biểu diễn văn nghệ 

Dù sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới, dù có sự khác biệt về khoảng cách và điều kiện địa lý, kinh tế, chịu ảnh hưởng khác nhau về ngôn ngữ, lối sống, phong tục tập quán… của nước sở tại thì ngoài việc nhanh chóng tìm cách hòa nhập với cộng đồng sở tại, tạo dựng cuộc sống ổn định và thành đạt tại vùng đất mới, đại đa số bà con ta vẫn luôn tự hào về cội nguồn của mình, coi trọng, mong muốn cuộc sống của mình mang đậm bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Phạm Kim Hoa
Trợ lý Vụ trưởng Vụ Thông tin – Văn hóa
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài

 


Các tin khác

Tin tiêu điểm