Thúc đẩy chính sách thu hút trí thức kiều bào: Mong muốn đóng góp thiết thực cho sự phát triển đất nước
Chiều 21/7, tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tiếp tục có buổi gặp gỡ thân mật với các nhà khoa học trẻ, trí thức kiều bào tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. Buổi gặp gỡ là dịp để lắng nghe những ý kiến đóng góp cụ thể, thiết thực nhằm hoàn thiện chính sách thu hút nguồn lực chất lượng cao từ cộng đồng NVNONN.
Phát biểu tại buổi gặp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam cần phát huy tối đa các nguồn lực, trong đó nguồn lực tri thức – đặc biệt là từ cộng đồng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài – đóng vai trò then chốt. Nhiều học giả quốc tế đánh giá Việt Nam đang ở vào thời kỳ được ví như một “cuộc Đổi mới lần thứ hai”, với quyết tâm thúc đẩy cải cách toàn diện, ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại nhằm bứt phá về kinh tế, giáo dục và đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp cụ thể về chính sách đãi ngộ, cơ chế thu hút cũng như mô hình hợp tác hiệu quả để huy động sự tham gia sâu rộng của đội ngũ trí thức kiều bào, nhất là giới khoa học trẻ – những người có năng lực chuyên môn cao, nhạy bén với xu thế công nghệ toàn cầu và giàu khát vọng cống hiến.
Trong không khí trao đổi cởi mở, các đại biểu là nhà khoa học trẻ người Việt đang sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia đã tích cực chia sẻ các đề xuất cụ thể như việc tiếp cận Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia; có đặt hàng cụ thể, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn; xây dựng hệ sinh thái thu hút trí thức kiều bào toàn diện, bao gồm: chế độ đãi ngộ cạnh tranh (lương, hỗ trợ nhà ở, giáo dục cho con em), hệ thống tuyển dụng công khai, minh bạch, gắn với yêu cầu cụ thể về chuyên môn, cũng như bảo đảm môi trường làm việc chuyên nghiệp, có không gian sáng tạo và tự chủ trong nghiên cứu; tích hợp vai trò nghiên cứu của trường đại học với các viện nghiên cứu, lấy trường đại học làm vai trò trung tâm; thúc đẩy ngoại giao khoa học đi vào thực chất... Ngoài ra còn có ý kiến cho rằng cần hình thành một đầu mối quốc gia chuyên trách trong việc kết nối, tuyển dụng và hỗ trợ đội ngũ trí thức kiều bào, qua đó tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch và có cơ chế bảo vệ quyền lợi cho nhà khoa học.
Đáng chú ý, nhiều nhà khoa học trẻ cho rằng, trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc “góp trí tuệ từ xa” hoàn toàn khả thi thông qua các hình thức như: tư vấn chiến lược, tham gia hội đồng chuyên môn, hợp tác nghiên cứu đa quốc gia, giảng dạy và cố vấn trực tuyến cho các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước.
Kết thúc buổi gặp mặt, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến sâu sắc, trách nhiệm và tâm huyết của các đại biểu. Thứ trưởng khẳng định Bộ Ngoại giao, thông qua Ủy ban Nhà nước về NVNONN, sẽ tiếp tục là cầu nối để lắng nghe và kiến nghị với các cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng trí thức Việt Nam ở nước ngoài phát huy năng lực, đóng góp trí tuệ cho sự phát triển bền vững của Tổ quốc.
Thanh Thảo