Tự hào là người Việt Nam
Thành lập Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cũng như việc tổ chức Hội nghị, đánh dấu sự khởi đầu quan trọng cho quá trình hoạt động của Hiệp hội trong tương lai.
|
Như đa số những doanh nhân Việt kiều ở các nước, tôi sinh sống ở phương Tây trong một thời gian dài, và được học tập tại các trường đại học và tiếp cận với nền công nghệ hiện đại của phương Tây. Trong những năm tháng xa quê hương, qua sự cố gắng tận dụng mọi cơ hội xung quanh và phấn đấu với tất cả khả năng của mình, tôi đã phần nào tạo dựng được sự nghiệp. Đó là một nhóm công ty ở New Zealand và một công ty chi nhánh đặt tại TPHCM, Việt Nam.
Tôi cũng như các doanh nghiệp Việt kiều khác ra đi khỏi đất nước trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tình cảm và trái tim vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc. Tôi không bao giờ quên nguồn gốc và quê hương mình – tôi là người Việt Nam và luôn tự hào mình là người Việt Nam. Chính vì vậy, một phần không nhỏ trong lịch làm việc thường nhật của tôi là những chương trình liên quan đến việc quảng bá về Việt Nam với các đơn vị và các tổ chức kinh tế, chính phủ hay các cộng đồng cư dân khác nhau tại New Zealand. Tuy ở xa quê hương nhưng tôi vẫn chăm chú theo dõi từng bước đi và sự phát triển của đất nước, và rất vui mừng trước những thành quả to lớn của công cuộc Đổi mới mà Đảng và Nhà nước ta khởi xướng. Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đã tạo ra thế và lực mới, và đang đứng trước những vận hội lớn. Chỉ cần qua số liệu đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào trong những năm gần đây sẽ thấy sự quan tâm của thế giới đối với Việt Nam, một đất nước đầy tiềm năng.
Ở New Zealand, tôi là thành viên chính thức của Nhóm Tư vấn “Hành động Châu Á”. Nhóm này tư vấn cho Chính phủ New Zealand về việc phát triển kinh doanh và các mối quan hệ kinh tế với Châu Á. Tôi đã phát biểu về Việt Nam nhiều lần tại Quốc hội New Zealand, và cũng đã có nhiều cuộc thảo luận với các Thủ tướng và các Bộ trưởng ở New Zealand về Việt Nam. Tôi quảng bá về Việt Nam tại nhiều sự kiện kinh doanh, hội thảo và hội nghị vòng quanh nước New Zealand, và thông qua các mạng lưới và sự kiện kinh doanh ở Malaysia, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản và Philippines. Tôi còn tổ chức nhiều buổi tiệc ở New Zealand để giới thiệu về ẩm thực, văn hoá, nghệ thuật, thời trang, du lịch, và nhận thức chung về đất nước và con người Việt Nam. Những buổi tiệc này đã trở nên quen thuộc và có nhiều hiệu quả cao với người dân New Zealand. Tôi đã nói nhiều về Việt Nam trên những kênh thông tin đại chúng ở New Zealand, bao gồm: báo chí, tạp chí, phát thanh và truyền hình. Tôi cũng khuyến khích và giúp đỡ các doanh nhân và sinh viên VN ở New Zealand làm nhiều hoạt động khác nhau để quảng bá Việt Nam với người New Zealand.
Có nhiều việc tuy nhỏ nhưng nếu nhiều người thực hiện qua thời gian sẽ đem đến kết quả to lớn. Tuy nhiên, cũng có những việc khác to lớn và quan trọng hơn mà doanh nhân Việt kiều có thể và cần phải làm. Tôi thấy rằng có nhiều ngành công nghiệp mới đầy triển vọng mà ta có thể xây dựng được ở Việt Nam. Doanh nhân Việt kiều chúng ta có rất nhiều khả năng và trách nhiệm tham gia, vì chúng ta có kinh nghiệm và có thể tiếp cận những nguồn lực và các mối quan hệ bên ngoài. Tôi nhận thấy Công nghệ và sự Sáng tạo là 2 nhân tố rất quan trọng để góp phần tạo dựng các ngành công nghiệp tương lai ở Việt Nam. Đây cũng là 2 lĩnh vực mà tôi rất đam mê trong nghề nghiệp cũng như đối với cá nhân.
Ngoài ra, New Zealand cũng là một trong những quốc gia có tỉ lệ sáng tạo công nghệ đầu người cao nhất thế giới. Đặc biệt là trong các công nghệ thông tin và truyền thông, sinh học và nông nghiệp, năng lượng sạch và các công nghệ xanh về môi trường. Những yếu tố này đã tạo nên một cơ hội đặc biệt cho sự phát triển và phồn vinh của 2 nước Việt Nam và New Zealand.
Bên cạnh đó, tôi tin rằng cũng sẽ có rất nhiều cơ hội giữa Việt Nam và các nước khác. Ở những nơi có người Việt sinh sống, Việt kiều chúng ta là những tác nhân hỗ trợ chính trong việc xác định những cơ hội giữa các nước. Thông qua các mối quan hệ và khả năng của mình, chúng ta sẽ là cầu nối giữa các đối tác để biến cơ hội thành hiện thực.
Người Việt ta sinh sống gần như ở khắp nơi trên thế giới. Đây là một nguồn lực rất to lớn, nhưng hiện nay nó đang bị phân tán rải rác, chưa xâu chuỗi và đan kết lại thành sức mạnh cộng đồng. Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ sự thành lập Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Tôi hy vọng mạng lưới này sẽ đóng vai trò chiến lược, chủ chốt trong việc thu hút sự tham gia của Việt kiều ở mọi nơi. Chúng ta cần tạo nên mối liên kết giữa các thành viên, phát huy khả năng của từng thành viên trong việc thực hiện những hoạt động nhỏ và lớn, để quảng bá Việt Nam ra thế giới, để xây dựng và phát triển trong mọi lĩnh vực và thành phần kinh tế xã hội.
Phạm Đăng Khoa (New Zealand)