A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sau ngày hồi hương

TS Nguyễn Chánh Khê GĐKH Trung tâm R&D, Khu Công Nghệ Cao TP HCM chia xẻ với bạn những cảm nghĩ cá nhân sau hơn bốn năm hồi hương.

Ai xa quê cũng thấy nhớ và mong đợi ngày trở lại với biết bao nôn nóng, xôn xao! Nhưng nếu ngày về đó để bắt đầu cho một cuộc hồi hương thì không những chỉ có náo nức nhưng sẽ còn cần thêm những băn khoăn cho chặng đường sắp tới. Trong những ngày giờ phải suy nghĩ để làm cái quyết định đó, tôi cũng đã có những trăn trở với chính mình rằng tại sao phải từ bỏ một môi trường làm khoa học thú vị như ở nước Mỹ này? Không biết về nước rồi, mình có làm được việc gì tốt trong điều kiện hiện tại cho đất nước không? Dù ngày nay, nước ta không còn nghèo như 34 năm trước đây, nhưng bối cảnh đầu tư trong nước chắc chắn sẽ vẫn còn khác với thế giới rất nhiều; cần phải triển khai công việc gì để mang lại sự hứng thú cho chính mình mà vẫn hội nhập được vào môi trường chung quanh?

Ngày xưa, lần đầu trong đời, khi rời Việt Nam sang Nhật du học, tuổi ấu thơ của tôi cũng đã có những nỗi lo âu, làm sao để sinh sống và học tập ở một nơi có cái ngôn ngữ phức tạp như Nhật Bản với tiếng Hán nhiều nét ngoằn ngoèo và cú pháp thì không xuôn xẻ như tiếng mẹ đẻ hay tiếng Latin? Chuyến di dời thứ hai trong đời lại xảy ra từ Nhật sang Mỹ để làm việc cho Trung tâm nghiên cứu triển khai của công ty Eastman Kodak ở Rochester New York, nơi có rất nhiều nhà khoa học lỗi lạc khắp năm châu, có bầu trời lúc nào cũng u ám và lạnh lẽo hơn Tokyo và tuyết thường phủ kín mặt đất suốt 6 tháng mùa đông, nơi thiếu vắng cái không khí ồn ào và náo nhiệt của Sài Gòn và Tokyo và cũng là nơi sẽ tạo cho mình cái hoang mang, lo sợ vẩn vơ rằng không biết mình có thành công như mình đã từng thành công ở hãng Nhật không?

Hãng Dai Nippon ở Nhật rất tốt với tôi, xứng đáng với những cống hiến khoa học mà tôi đã mang lại cho họ. Họ đã níu kéo và thuyết phục không muốn cho tôi rời Nhật sang Mỹ. Tuy nhiên, tuổi trẻ thời ấy của tôi cũng đã thôi thúc mình phải lao vào những thử thách mới trong môi trường khoa học của thế giới. Và cuối cùng, thì mọi việc cũng đã bình thản đi qua, mang lại nhiều tự tin, và bớt lo âu trước những thay đổi mới về nghề nghiệp .

Đã có câu hỏi vì sao tôi lại trở về quê hương để sinh sống trong khi nhiều người trong nước vẫn tiếp tục rời bỏ quê nhà để dấn thân vào cuộc đời bôn ba? Câu trả lời của tôi cho câu hỏi ấy đã quá cũ hôm nay mà tôi không muốn nhắc lại hơn là chia xẻ với bạn những cảm nghĩ cá nhân sau hơn bốn năm hồi hương.

Có nhiều động cơ thôi thúc tôi trở về, nhất là khi được mời lên làm việc tại Ủy ban Nhân dân TPHCM về dự án Khu Công nghệ cao, tôi đã có những linh cảm và những niềm vui khó tả, giống như thưở còn bé được mẹ sai làm một việc gì nho nhỏ. Hồi hợp và hứng thú vì hy vọng sẽ có được một cơ hội tham gia một công trình của đất nước liên quan đến tổ chức sản xuất sản phẩm công nghệ cao có khả năng mang về siêu lợi nhuận cho đất nước. Thế rồi, theo lời kêu gọi của đồng chí Năm Nghị, tôi đã quyết định trở về để tham gia xây dựng đất nước qua dự án trên.

Sau khi hồi hương, với bản lĩnh thích chịu đựng, thích được thử thách và với tư duy đi trước, tôi đã lao đầu vào công việc mà thủ trưởng đã giao, bất kể phải làm quen với những thủ tục hành chính rườm rà còn tồn đọng trong cơ chế quản lý nhà nước, bỏ ngoài tai hết tất cả những ý kiến thị phi như “Làm việc tại Khu Công nghệ cao TP HCM chán chết vì toàn là ngồi bàn giấy!”. Quả thật như vậy, nhiều giấy tờ đến phát khiếp! Tờ trình, báo cáo sơ kết, tổng kết, kế hoạch nửa năm, kế hoạch hàng năm, tiếp nhận và thi hành các quyết định nhà nước, họp giao ban hàng tuần để nghe những công việc chưa trực tiếp dính dáng đến phân công của mình như tổ chức và xây dựng Khu, các đáp án cho vướng mắc trong đền bù giải tỏa, tái định cư, xây dựng hạ tầng cơ sở, quy chế tổ chức hoạt động, tham gia góp ý kiến xây dựng Pháp lệnh Công nghệ cao... Tuy nhiên, tôi lại thấy rất thích thú với các buổi họp này vì được biết thêm những cái khác với những điều mình đã có kinh nghiệm từ trước đến nay trong thời gian làm việc hơn 20 năm trong các công ty đa quốc gia có tầm vóc quốc tế ở Mỹ và Nhật. Tôi say sưa tham gia và học hỏi các cách vận hành quản lý nhà nước qua các dịp cố vấn cho thành phố về các dự án đặc biệt như vấn đề cải thiện chính sách giáo dục, vấn đề tổ chức và xây dựng các khu công nghệ cao, những buổi họp tại văn phòng quốc hội trong khu vực phía nam về chính sách Việt kiều, những buổi họp tại văn phòng Mặt trận Tổ quốc, tại Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, để từ đó khám phá ra rằng mỗi một nền nếp đều giải quyết được những nhu cầu của từng địa phương đó và tham gia không phải để trở thành nhà quản lý nhà nước về hành chánh!

Dầu vậy tôi vẫn không bỏ quên công việc nghiên cứu đi tìm công nghệ nguồn cho Việt Nam và đào tạo nhân lực công nghệ cao nội sinh. Trung tâm nghiên cứu phát triển KCNC TPHCM đã có quyết định thành lập tháng 3/2004 và dự án xây dựng cơ sở vật chất cho 2 phòng thí nghiệm bán dẫn vi mạch và phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghệ nano đã được duyệt vào tháng 9/2004. Quy trình đấu thầu xây dựng phòng sạch và mua sắm thiết bị đã được duyệt và hy vọng chúng tôi sẽ có một nơi chốn nghiên cứu khang trang hơn vào giữa năm 2007. Hiện nay, chúng tôi có được 20 nhân viên đang làm việc trong một diện tích khoảng 100m2 tại 35 Nguyễn Thông bằng một ngân sách dành cho nghiên cứu khả thi khoảng 150 ngàn đô la Mỹ đã và đang được sử dụng một cách tiết kiệm suốt 4 năm nay, trong đó gồm cả khoản mua hóa chất, vật tư và ngân sách tham dự hội thảo quốc tế cũng như đăng ký sở hữu trí tuệ quốc tế. Trong thời gian chờ đợi đầu tư và giải ngân, tôi đã huy động các bạn trẻ tự chế tạo thiết bị, nguyên liệu, hóa chất - những thứ khan hiếm và đắt đỏ ở Việt Nam. Và thú thật, làm nghiên cứu khoa học ở nước ngoài tuy sướng thật vì hạ tầng cơ sở đầy đủ, nhưng làm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nước lại có những say mê khác: đó là thách thức làm ra những công nghệ tầm cỡ thế giới bây giờ chỉ bằng “tầm vông” và “gậy gộc” nhưng với sức mạnh lớn nhất là sự sáng tạo và mối quan tâm thị trường. Có một nguyên tắc mà thầy dạy ở Nhật đã gửi gắm và nhắn nhủ chúng tôi hơn 20 năm trước đây: “Hãy tưởng tượng rồi sáng tạo ra những gì mà xã hội sẽ phải cần đến, đó là đầu ra đi đến thị trường vì không có nhu cầu thị trường thì nghiên cứu khoa học trở thành vô vị!”

Khi công bố trước công luận trong nước về than nano “lỏng”, đã có ý kiến đánh giá rằng “chắc là công nghệ nano “dzởm”!” vì đầu tư nghiên cứu công nghệ nano trên thế giới tốn rất nhiều tiền, vì sao chúng tôi chưa có ngân sách mà làm được những thành tựu về nano? Ngày nay công nghệ than nano “lỏng” của chúng tôi sử dụng nguyên liệu trong nước như xơ dừa Bến Tre, phế liệu cao su, dầu cặn … đã tìm được nhiều ứng dụng trong mực in kỹ thuật số, trong chế tạo vi mạch, trong pin thay xăng, đã được các hội thảo quốc tế lớn nhất về Nano trên thế giới công nhận, được các công ty Nhật, Âu Châu, Mỹ quan tâm và đón mời và không còn “dzởm” nữa! Các công ty đa quốc gia mà tôi đã có dịp tham gia như Eastman Kodak, Hewlett-Packard không bao giờ đầu tư ồ ạt cho một cá nhân nào cả dù người đó đã từng được biết là một khoa học gia lỗi lạc trên thế giới. Họ sẽ đầu tư từng đợt cho những đề tài nghiên cứu có triển vọng mang lại đột phá công nghệ bằng những phương tiện thô sơ nhất!! Thành quả công nghệ được hình thành bằng sự thôi thúc của thị trường, bằng sự tư tin và những hứng thú vô tư và bằng năng lực sáng tạo triền miên của nhà nghiên cứu. Chúng tôi cũng không để tốn một tí thì giờ nào để ngồi đó phàn nàn các thủ tục hành chính còn rườm rà mà tiếp tục lao vào công việc, tiếp tục tìm vướng mắc và giải quyết vướng mắc. Chúng tôi tiếp tục những hoạt động nghiên cứu ngày đêm về công nghệ nano, để Việt Nam tìm được những công nghệ nguồn như Mỹ, Nhật và Âu Châu đã chiếm lĩnh trước đây về lĩnh vực bán dẫn vi mạch. Công nghệ nano đang mở ra những nguồn hy vọng mới trên toàn cầu, một sân chơi bình đẳng hơn về thị trường mà chúng ta không được quyền làm mất những cơ hội quý báu này của đất nước. Trong nghiên cứu ứng dụng tìm thị trường cho công nghệ nano, tôi đã tận dụng hết mọi cơ hội để sử dụng các phương tiện nghiên cứu đã có ở trường viện: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học quốc gia, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm. Hàng năm, tôi chỉ nhận từ 2- 3 em sinh viên làm luận văn Tiến sĩ, Thạc sỹ và luận văn tốt nghiệp đại học. Phương pháp giáo dục của tôi nghiêm túc và nghiêm khắc, thiên về thực nghiệm rất nhiều, với mục đích tạo cho các nhà nghiên cứu trẻ những khái niệm về trách nhiệm của mình trong sự đột phá kinh tế, trong sự an toàn của công nghệ và sáng tạo, không sao chép, có lẽ đã khiến nhiều bậc thầy và bậc phụ huynh không hoàn toàn tán đồng, nhưng tôi vẫn không nản chí, miễn làm sao khai sinh được những lớp trẻ có năng lực đứng mũi chịu sào để gánh vác được những dự án lớn hơn. Những công việc này đã mang đến cho chúng tôi những niềm say mê vô tận vì quá bận bịu không còn thời gian để nghĩ đến những trò giải trí trong các phòng trà ca nhạc, không có thời giờ để tham dự các đám cưới, hội hè vì bị đợi quá lâu… Đó là những niềm vui hồi hương mà ai cũng có thể có được vì ai cũng đều có những tình cảm cho quê hương, vì “dẫu có khi giận hờn thì tình quê vẫn là tình quê!”

 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu