A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học giả Việt kiều muốn góp phần phát triển giáo dục

Giáo sư kinh tế, nhà giáo Phó Bá Long, Việt kiều Mỹ, cho biết nhiều học giả Việt kiều tại Mỹ rất muốn có cơ hội về Việt Nam đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Nói chuyện với phóng viên tại nhà riêng ở bang Virginia nhân dịp Tết Đinh Hợi, vị giáo sư từng giữ đến chức Bộ trưởng Lao động trong chế độ Sài Gòn trước đây nói: “Rất nhiều người trong số học sinh của tôi nay đang ở độ tuổi 50-60 rất muốn có cơ hội về Việt Nam để góp sức”.

Bản thân Giáo sư Long, người đã từng mở các lớp học tại chức miễn phí dành cho Việt kiều về các kiến thức cơ bản liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, cũng rất mong muốn đem những kinh nghiệm của mình về giảng dạy và trao đổi với các đồng nghiệp ở Việt Nam. Ông đã từng về nước tham gia giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) và trường Đại học Cần Thơ trong năm 1990 và 1992.|

Theo giáo sư, những người có tâm huyết mong muốn về nước làm việc trong ngành giáo dục không đòi hỏi nhiều về việc đãi ngộ tiền lương. Ông nói: “Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy những Việt kiều khi muốn về nước đóng góp trong lĩnh vực giảng dạy đại học thì họ không tính toán gì đến việc được trả lương cao hay thấp. Lãnh đạo ngành giáo dục có thể áp dụng chính sách cho họ dạy thử trong khoảng 3 tháng, nếu cả hai phía đều mong muốn tiếp tục hợp tác, phía Việt Nam có thể trả lương theo qui định của chính phủ Việt Nam”.

Bên cạnh đó, theo giáo sư, chính sách cho phép Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam và khả năng cho phép Việt kiều mang quốc tịch Việt Nam song song với quốc tịch đang có, cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các học giả nói trên.

Tuy nhiên, giáo sư cũng cho rằng để Việt kiều nói chung và giới học giả nói riêng có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, Chính phủ cần tiếp tục có những cơ chế thông thoáng và thuận lợi hơn.

Nhân dịp Xuân Đinh Hợi, giáo sư đã tâm sự về việc giữ gìn cái “gốc Việt” trong cộng đồng Việt kiều Mỹ. Ông cho biết đại đa số mọi người đều có ý thức và mong muốn giữ gìn nguồn gốc dân tộc của mình và việc đón Tết cổ truyền là một trong những việc làm như vậy. Gia đình ông luôn duy trì và mong muốn con cháu giữ gìn truyền thống này./.

(TTXVN)

 

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu