A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiến sĩ Cao Minh Thái: "Tôi không muốn trở về bằng hai bàn tay trắng"

Là Tiến sĩ Hoá tốt nghiệp tại Nhật Bản, hiện là chuyên viên nghiên cứu cao cấp của tập đoàn Toshiba, phụ trách về vật liệu và môi trường với mức lương cao nhưng giữa năm 2006, tiến sĩ Cao Minh Thái trở về Việt Nam đầu tư công nghệ, máy móc để sản xuất món ăn Tàu hủ lụa, một món ăn dân dã của người Việt. Anh bảo: "Có thể tôi sẽ trở về Việt Nam bắt đầu từ món ăn này".

Con đường của cậu bé bán xôi 

Sinh ra và lớn lên ở Long Xuyên, trong cả dòng họ chỉ có cậu bé Cao Minh Thái nổi tiếng thông minh và học giỏi. Nhiều người quen biết với gia đình đùa bảo: "Bao nhiêu trí thông minh của anh chị em, ông trời dồn hết cho thằng Thái rồi". Có điều, mỗi ngày từ bốn giờ sáng, Thái phải thức dậy đi bán xôi, bánh mì ở các bến xe, bệnh viện, đến 7 giờ sáng giao lại cho mẹ (cũng đi bán cháo) để đi học. Vậy mà cậu bé Thái vẫn nổi tiếng học giỏi và luôn dẫn đầu lớp.  

Năm 1972, anh đậu Đại học Phú Thọ (ĐH Bách Khoa hiện nay) và chỉ vài tháng sau, Cao Minh Thái là một trong bốn sinh viên của Việt Nam đoạt học bổng sang Nhật du học. Ngay từ những ngày đặt chân đến nước bạn, Cao Minh Thái đã đặt mục tiêu ngày thành tài trở về phải đem một cái gì đó về cho quê hương, miễn là đem lợi cho dân cho nước, nhất định không về tay không.  

Những ngày ở Nhật, anh cùng những người bạn là du học sinh Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động để phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, kêu gọi quốc tế ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam. Anh từng là Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Nhật bản.

Năm 1980, lần đầu tiên Tiến sĩ Cao Minh Thái về thăm quê hương. "Đó là những năm chưa đổi mới, cuộc sống người dân trong nước còn qúa khó khăn, cái nghèo, cái đói nhất là ở những vùng nông thôn như hiển hiện trên từng khuôn mặt khắc khổ của người dân. Quê hương nghèo qúa sẽ bỏ đi hay sẽ quay về giúp? Đó cũng là thực tế mà những người trong hoàn cảnh tôi đã dằn vặt tự hỏi. Về lại Nhật, tôi luôn tự vấn mình: làm như thế có được không? Tại sao ta không xông vào để làm cho tốt hơn? Bỏ chạy hay xông vào? Và rồi cuối cùng tôi đã chọn con đường của mình, dù khó khăn cách mấy cũng phải vượt qua: xông vào mà làm! Tôi quyết định lên gặp Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật để xin về nước nhưng các anh không cho với lời khuyên rất chân thành: ngành tôi học chưa thể ứng dụng trong nước. Về nước hiện tại sẽ không giúp được gì mà có thể thất nghiệp", Tiến sĩ Thái nhớ lại. 

Không giúp được cách này thì có thể bằng cách khác, anh cùng nhóm bạn người Việt khoảng 7 người viết sách tìm hiểu vì sao nền kinh tế Nhật Bản thành công? Vì sao Việt Nam nghèo? Quyển sách đến tay nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt rồi cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, những người có công lớn trong việc cải cách kinh tế, đổi mới đất nước. 

Tàu hủ lụa và sự quay về của Tiến sĩ Thái 

Anh cho biết: "Tôi sống ở Nhật, nhận thấy người Nhật khi đi ra nước ngoài thường mang cái gì đó mới lạ về cho đất nước họ. Do đó, tôi cũng mong muốn làm được điều đó như người Nhật. Người VN ta khi đi ra nước ngoài nên đem về một cái gì đó mới mẽ cho đất nước mình, mỗi người một cái, chỉ một cái thôi, cũng đủ làm cho đất nước mình ngày càng tốt đẹp hơn. Anh Khê (Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê) về nước mang về công nghệ Nano, thì tôi cũng phải mang về một cái gì đó, đối với tôi đó là Tàu hủ lụa, một công nghệ mới có thể làm thay đổi công nghệ đậu hủ hiện nay của đất nước mình". 

Là bạn học cùng trường, cùng lớp với Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê (Giám đốc Khu Công nghệ cao TP.HCM), trong những lần về nước, TS Thái được người bạn thuở nào "rủ rê" về nước làm việc. TS Thái nhiều lần trăn trở trước đề nghị của TS Khê nhưng cũng không ít lần do dự: "Thú thật tôi rất muốn về và sớm muộn gì cũng sẽ về, nhưng thực tế đến nay nghề nghiệp của tôi vẫn chưa thể áp dụng trong nước. Nếu về Việt Nam với mức lương một vài ngàn USD sẽ không đủ để tôi nuôi hai con đang ăn học tại Nhật. Mặt khác, tôi cũng không thể quay về với hai bàn tay trắng mà muốn phải có một cái gì đó thật ý nghĩa, miễn là đem lợi cho nước, cho dân".

Và thật tình cờ trong những lần về nước, món ăn dân dã tàu hủ ngày nào vẫn là sở thích của anh dù đã trải qua bao năm tháng, và món tàu hủ của Nhật Bản đã làm anh "ghiền" bởi hương vị và cách chế biến đã khác xa Việt Nam và món ăn này của Nhật đã được xuất khẩu sang nhiều nước, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho Nhật Bản. Anh tự hỏi: "Tại sao Nhật Bản làm được món tàu hủ ngon đến vậy, thành công đến vậy trong khi Việt Nam cũng có nhiều điều kiện nhưng món tàu hủ của chúng ta chưa ngon?". Ý tưởng đến và Tiến sĩ Thái quyết tâm biến nó thành hiện thực.  

Anh mày mò tìm hiểu, nghiên cứu công nghệ chế biến tàu hủ của Nhật Bản. Về Việt Nam tìm hiểu thị trường, lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh. Quả là không đơn giản chút nào bởi anh phải lặn lội khắp nơi để tìm nguồn đậu nành ngon, đi nhiều nơi để đào giếng thử và xử lý nguồn nước theo đúng tiêu chuẩn với yêu cầu cho ra miếng tàu hủ ngon và đạt chuẩn quốc tế. Khó khăn bước đầu đã vượt qua khi anh sản xuất thành công loại tàu hủ lụa có thể dùng để chiên, xào, ăn lạnh, làm bánh với giá trị dinh dưỡng cao, hợp vệ sinh an toàn và giá thành rẻ. Thành công bước khởi đầu làm anh mạnh dạn mua máy móc về đầu tư, mở xưởng sản xuất và thành lập công ty. Tuy mới ra đời chưa đầy năm tháng nhưng công ty Vị Nguyên của anh đã tung ra thị trường một sản phẩm ngon, lạ và đã có mặt tại một số nhà hàng, siêu thị trong thành phố.  

Tiến sĩ Thái tự tin cho biết: "Khi đã ổn định thị trường trong nước, tôi sẽ tìm đường xuất khẩu. Đó cũng là con đường để tôi về nước và gắn bó lâu dài". "Nhưng nếu thất bại thì sao?", tôi hỏi. "Tôi đã nhìn thấy đường đi thì không còn sợ, ngại cái gì cả. Tôi rất tự tin với sản phẩm của mình nhưng nếu có thất bại thì mình chỉ mất tiền, còn con người, còn trí tuệ, mình sẽ đi tiếp". Rồi anh nói tiếp như tâm sự với chính mình: "Dù thế nào đi nữa, tôi cũng muốn vượt qua. Tôi kinh doanh ngành đậu hủ này không hẳn vì tiền, dĩ nhiên kinh doanh lỗ lã, không có tiền thì không làm được gì cả, nhưng đối với tôi hình như nó là một sứ mạng, cũng là niềm nhức nhối của chính bản thân tôi. Tôi sống ở Nhật hơn nửa đời người và thấy rằng hầu hết mọi công ty đều của chính người Nhật, nhưng khi về VN thì thấy các công ty nước ngoài đang chi phối thị trường Việt Nam. Hãy nhìn lên bàn của một nhà hàng, ta sẽ thấy rượu bia là của nước ngoài, ngay món phở truyền thống của ta, cũng đã xuất hiện những cửa hàng do người nước ngoài chi phối. Tại sao ta không có nhiều cà phê Trung Nguyên hơn, nó là của ta, do ta, vì ta ? Tôi muốn trong ngành đậu hủ này, phải do ta, chính ta, và vì ta. Tôi sẽ dùng đậu nành do chính nông dân ta trồng, tôi sẽ dùng công nghệ của chính tôi khai thác hết năng lực của hạt đậu, biến thành những món ăn ngon và đầy dinh dưỡng, làm phong phú bữa cơm cho chính người Việt ta. Do ta, của ta và vì ta là thế đấy! Nhân đây tôi cũng muốn nói với các bạn trẻ: nhiều em mơ ước làm cho các công ty nước ngoài, dĩ nhiên, đây không phải là việc gì đáng chê trách. Tuy nhiên tôi muốn nhắc nhở rằng chúng ta đừng quên việc phải có trách nhiệm để làm cái gì đó giành lại quyền kinh doanh cho chính chúng ta". 

Trăn trở, hoài bão quay về giúp ích cho quê hương vẫn tràn đầy, Tiến sĩ Cao Minh Thái đang chuẩn bị hành trình cho ngày trở về ấy bằng chính món ăn Việt dân dã: Tàu hủ lụa! 

(Theo Hồ Duyên - Người Viễn xứ)

 

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu