A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mang con cá Việt Nam sang Anh

Chị tự nhận mình có “nghĩa vụ” giúp dân Anh và thế giới biết đến các mặt hàng thủy sản của VN.

Bảy năm kinh doanh mặt hàng này, từ một người vốn thuộc ngành may mặc, đến nay chị Đỗ Kim Trang đã là chủ một công ty được biết đến là nơi duy nhất tại Anh chỉ nhập hàng thủy sản VN: Công ty Kim Sơn. Chị khẳng định cái thời mà “không ai muốn biết đến con cá VN” đã qua rồi.

18 tháng cho một lời chào hàng



 Chị Trang tại kho hàng của Công ty Kim Sơn
ở tại London

Năm 1999, ở nước Anh hầu như không ai biết đến con cá của VN. Nhận thấy thị trường Anh đang bỏ ngỏ mặt hàng thủy sản của VN, chị Đỗ Kim Trang quyết định “ngoặt bánh lái” ở tuổi 35. Chị muốn nhiều người biết đến con cá rô, cá bông lau, cá sặt rằn...

Nhưng bắt tay vào việc mới thấy khó. Là công ty đầu tiên mang nguồn hàng này sang Anh bán, không ai biết VN có cá như vậy, và họ cũng không “thèm” biết. “Người ta tưởng hàng VN không có chất lượng. Hơn nữa, hàng VN khi đó bị cả những người buôn của châu Á tại Anh coi thường” - chị Trang nói.

Khi đó hàng Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Anh, một số hàng thủy sản VN cũng được người Trung Quốc nhập vào Anh nhưng số lượng không đáng kể. Thời gian đầu chị phải mang hàng đến ký gửi ở từng nơi bán chứ không ai đồng ý mua hàng của chị ngay.

Dần dần, sau một thời gian “cầm lên, đặt xuống”, người Trung Quốc và người Thái biết đến con cá VN, bên cạnh cộng đồng người Việt ít ỏi tại đây.

“Chả cá thát lát có cả trăm loại khác nhau. Có người làm cá nguyên chất, có người pha mấy chục phần trăm, mình không biết vì không có kinh nghiệm”, chị cười nhớ lại thời đầu khó khăn. Khoảng một năm đầu hàng của chị nhập vào Anh hầu như bỏ đi hết vì không đạt chất lượng như khách yêu cầu. “Khi thất bại thì càng phải tìm hiểu coi mình thất bại ở chỗ nào để từ từ giải quyết - chị nói - Nếu mình nóng vội thì không làm được việc”. Chị mất một năm rưỡi để thuyết phục một công ty mua hàng của chị.

Được bên Anh thì lại khó bên Việt. Bên cung cấp hàng từ VN cho chị chưa có nhiều kinh nghiệm làm hàng thủy sản xuất khẩu. “Họ vẫn còn cách làm việc chụp giật, bán được đợt nào hay đợt đó, không nghĩ đến tương lai lâu dài”.

Từ lúc chỉ bán bảy mặt hàng, đến nay Kim Sơn đã nhập từ VN hơn 300 mặt hàng. Năm đầu tiên nhập 10 container, đến nay chị nhập khoảng 100 container mỗi năm.

Bà chủ Công ty Kim Sơn khẳng định không có ý định nhập hàng thủy sản từ các nước khác dù giá cả rẻ hơn. “Chẳng thà giảm bớt chút lời để mua tôm từ VN chứ không mua từ nước khác. Mình là người VN. Mình phải cố gắng làm sao để phát triển mặt hàng của nước mình chứ, tại sao lại đi bán hàng cho những người khác”, người con đất Vũng Tàu bộc bạch.

Hậu phương

  Nhận xét về chị Đỗ Kim Trang, các đối tác ở VN đều khen ngợi đó là một nữ doanh nhân nhanh nhẹn, đáng tin cậy. Anh Võ Minh Triết, trưởng phòng kinh doanh Công ty Kisimex (tỉnh Kiên Giang), cho biết Kisimex bắt đầu hợp tác với Công ty Kim Sơn của chị Trang từ năm 1999. Anh đã có dịp tham quan cơ sở, nhà xưởng của Công ty Kim Sơn tại Anh. “Chúng tôi rất yên tâm khi làm việc với chị Trang vì chị có tác phong nhanh nhẹn, luôn thanh toán đơn hàng đúng hạn và đưa ra những điều kiện làm ăn có lợi cho cả đôi bên!” - anh Triết nói. 
Rời Vũng Tàu từ năm 1982, là mẹ của bốn đứa con, chị Trang đang tiếp tục xây từng viên gạch nhỏ để đưa Kim Sơn - tên lấy theo tên của cha chị - trở thành một thương hiệu thủy hải sản VN tại Anh và châu Âu.

Chị đang có kế hoạch chuyển tới một địa điểm mới, rộng hơn để thành lập trung tâm bán hàng của Kim Sơn, nơi khách có thể mua hàng sỉ và hàng lẻ. Chị đang muốn tiếp cận khách hàng thuộc các sắc dân khác tại Anh trước khi chuẩn bị đầy đủ để vào các siêu thị của Anh vốn rất khó khăn với nhiều qui định nghiêm ngặt về sản phẩm hàng hóa.

Nói về thành công bước đầu của mình, chị Kim Trang không giấu tự hào khi kể về ông xã của mình, một người làm việc trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng. “Anh ấy luôn hỗ trợ mình về ý tưởng chuyên doanh mặt hàng thủy sản VN”. Ngẫm câu “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn” chẳng sai chút nào.

Hạnh Nguyên (Tuổi trẻ)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu