A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xin đừng gọi tôi là người nước ngoài!

Golden Bridge - một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu Hàn Quốc-do Lý Tường Tuấn, hậu duệ vua Lý Thái Tổ làm Chủ tịch, vừa chính thức thành lập công ty tại Việt Nam. Ông Lý Tường Tuấn cho biết, sự có mặt của Golden Bridge tại Việt Nam không đơn giản chỉ là việc mở rộng kinh doanh mà còn là sự khởi đầu cho hành trình trở lại cội nguồn mà các thế hệ dòng họ Lý của ông ở Hàn Quốc luôn khao khát.

PV: Ông có ý định đầu tư về Việt Nam từ khi nào? 

Ông Lý Tường Tuấn: Tôi có ý định đầu tư về quê hương cách đây 4 năm. Suốt 4 năm qua tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu về Việt Nam rất nhiều. Tôi đã đi đi lại lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc tới khoảng 30 lần. Cách đây 9 tháng, chúng tôi thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và trong tháng 9 này, văn phòng đại diện đó đã được nâng lên thành công ty.

Tổ tiên của chúng tôi đã rời Việt Nam gần 800 năm, tuy vậy, các thế hệ trong gia đình luôn lưu truyền sẽ có lúc quay về Việt Nam. Và hôm nay tôi đã trở về. Tôi là một trong những Việt kiều lâu đời nhất.

Tuy nhiên trước đó, từ năm 1992 sau khi hai nước Việt-Hàn  thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, hàng năm tổng hội dòng họ Lý chúng tôi tại Hàn Quốc thường về Đình Bảng để làm giỗ tổ vua Lý.

P.V: Ông đã thuyết phục đồng nghiệp, các thành viên ban lãnh đạo công ty như thế nào khi đầu tư vào Việt Nam?

Ông Lý Tường Tuấn: Là chủ tịch tập đoàn nên tôi có quyền quyết định đầu tư hay không nhưng khi đầu tư về Việt Nam, tôi vẫn phải bàn thảo, thậm chí cả thuyết phục ban lãnh đạo. Tôi đã thuyết phục họ bằng nhiều lý lẽ. Điều đầu tiên là nếu đầu tư vào Việt Nam hai bên sẽ đạt được nhiều lợi ích. Từ năm 2000, Hàn Quốc và Việt Nam đã coi nhau là đối tác đồng hành chiến lược, chính vì vậy nếu đầu tư vào Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi. Việt Nam trong hơn 20 năm đổi mới đã thực hiện rất tốt các chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Nền kinh tế luôn phát triển ở tốc độ cao; vị thế của Việt Nam bây giờ rất khác so với xưa, Việt Nam sắp gia nhập WTO, đang tổ chức các sự kiện của APEC. Điều đó khẳng định Việt Nam đã đưa vị thế của mình trên trường quốc tế lên rất nhanh. Đến bây giờ tôi càng thấy vững tin hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Tất cả các thành viên trong ban giám đốc đều đồng ý. Ngoài ra, tôi cũng thuyết phục họ rằng Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng, đó là: lịch sử, lòng tự tôn dân tộc rất cao…

P.V: Ông có đưa ra lý do Việt Nam là quê hương của mình khi thuyết phục các thành viên trong ban giám đốc tập đoàn không.?

Ông Lý Tường Tuấn: Quả thật tôi cũng nói như vậy. Tuy nhiên, đối với ban lãnh đạo và toàn thể tập đoàn, lợi nhuận vẫn là ưu tiên hàng đầu. Còn với bản thân mình, khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, tôi luôn nghĩ đến thân thế của mình: là con cháu vua Lý Thái Tổ, hoàng tử Lý Long Tường. Tôi luôn mong muốn trở thành cầu nối đưa nguồn vốn từ Hàn Quốc vào Việt Nam, tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với các doanh nghiệp Hàn Quốc.

P.V: Là hậu duệ của vua Lý Thái Tổ, điều đó có tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ông khi đến các cơ quan công quyền của Việt Nam đăng ký các thủ tục đầu tư?

Ông Lý Tường Tuấn: Khi thành lập công ty, chúng tôi làm thủ tục bình thường như các công ty nước ngoài khác. Và chúng tôi cũng nhận được sự đối xử từ các cơ quan hành chính của Việt Nam bình thường như những gì mà họ dành cho các công ty khác. Nếu như sau này có gì khó khăn thì có thể tôi sẽ nhờ sự giúp đỡ, còn hiện giờ cũng chưa có gì khó khăn cả. Tuy nhiên, hiện tại tôi cũng có băn khoăn về vấn đề mua nhà cửa ở Việt Nam. Tôi được biết hiện nay nhiều đối tượng Việt kiều được quyền sở hữu bất động sản, nhà cửa ở Việt Nam. Thế nhưng đối với trường hợp của tôi chưa được quyền đó. Tôi biết tôi khác với những Việt kiều khác, nhưng quả thật, tôi rất mong muốn được sở hữu nhà cửa ở Việt Nam để có thể đưa con em về Việt Nam nhiều hơn, sống ở đây nhiều hơn, giúp chúng hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.

P.V: Nhìn bề ngoài ông hoàn toàn là một người Hàn Quốc, nói tiếng Hàn Quốc, theo ông, ông có điểm gì của người Việt Nam?

Ông Lý Tường Tuấn: Điều đầu tiên tôi giống người Việt Nam là chịu nóng rất giỏi! Người Hàn Quốc sang Việt Nam thấy khó chịu với cái nóng Việt Nam, nhưng tôi cảm thấy bình thường. Trong 4 năm qua, tôi đã đi thăm các tỉnh, thành và tôi đều thấy có gì đó rất gần gũi. Tôi tìm thấy những kỷ niệm tuổi thơ của mình ở đây. Có lần tôi đùa nhân viên của tôi rằng tôi là người Việt Nam mang khuôn mặt Hàn Quốc và họ đều công nhận như vậy. Tôi không thích ai coi tôi là người nước ngoài. Xin đừng gọi tôi là người ngoại quốc.

P.V: Ông có dự định sẽ học tiếng Việt không?

Ông Lý Tường Tuấn: Chắc chắn tôi sẽ học tiếng Việt bởi tôi xác định sau này sẽ sống ở Việt Nam, thế nhưng công việc hiện nay bận rộn nên không có thời gian học. Hiện tại, tôi chỉ nói được vài câu tiếng Việt thông dụng thôi.

P.V: Xin cảm ơn ông.

  Ông Lý Tường Tuấn sinh năm 1957 tại thủ đô Seoul. Năm 2000 sau khi rời khỏi cơ quan nhà nước, Lý Tường Tuấn thành lập công ty Golden Bridge. Hiện nay, Golden Bridge là một tập đoàn tài chính có tài sản trị giá khoảng 300 tỷ won. Công ty Golden Bridge Việt Nam có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 triệu USD, hoạt động trong các lĩnh vực: quản lý tài sản, đầu tư công nghệ, bất động sản, tư vấn đầu tư-kinh doanh…

 Nguyễn Mạnh Hùng (VOV)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu