A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TS Huỳnh Phước Đương (Việt kiều Mỹ): Cậu bé chăn trâu trở thành Tiến sĩ

Năm 11 tuổi, cậu bé Huỳnh Phước Đương ở vùng quê Hội An, Đà Nẵng trở thành nạn nhân của chiến tranh do một viên đạn vô tình cướp đi đôi chân. Hơn 20 năm sau, tên tuổi của tiến sĩ Huỳnh Phước Đương được nhắc nhiều tại các hội thảo khoa học quốc tế nhưng ít ai biết đoạn đường gian truân để anh vượt lên chính mình…

Tuổi thơ của cậu bé chăn trâu



 TS Huỳnh Phước Đương: "Tôi sẽ về nhưng không phải đầu tư để kinh doanh mà nơi nào cần, ai cần, tôi sẽ
cố gắng giúp…”

“Đó là những ngày vui nhất, hạnh phúc nhất!”, tiến sĩ Huỳnh Phước Đương cười thật tươi, thật sảng khoái khi nhắc đến những ngày “chăn trâu”, “bắt bướm bờ ao…” của mình. Anh bảo: “Nhạc sĩ Phạm Duy viết: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ” là rất chính xác, rất hiểu đời chăn trâu của lũ trẻ”. Rồi anh lại kể những ngày đi đào trộm khoai “vì đói và cả vì vui nữa”. Tuổi thơ với đói khát, với cơ cực nhưng tràn đầy niềm vui, hạnh phúc như vẫn in đậm trong ký ức dù giờ đây anh đã là một tiến sĩ tên tuổi ở Mỹ.

Cha mất sớm, người mẹ tảo tần nuôi bốn người con với những bữa cháo trắng, cá kho, mắm quẹt cùng với tình hình lộn xộn do chiến tranh nên đến năm 11 tuổi, cậu bé Đương cũng chỉ mới học xong lớp Một. Một  đêm khuya, khi đang ngủ, bé Đương bỗng nghe có tiếng nổ gần, toàn thân đau nhói, máu me đầy người và lịm đi. Khi Đương tỉnh lại, cậu bé thấy mình nằm trong bệnh viện và hai chân thì mất cảm giác.

Những ngày tiếp theo cậu phải chịu cảnh di chuyển vô các bệnh viện Đà Nẵng, Sài Gòn với những ca phẫu thuật kéo dài để chữa vết thương. Biết mình đã tàn phế và sợ trở về nhà sẽ thành gánh nặng cho mẹ nên Đương đành phải khai không có gia đình để các tổ chức y tế nhận nuôi. Rồi cậu được một người đàn ông Mỹ nhận làm con nuôi cùng với những đứa bé bị tật nguyền do chiến tranh như cậu. Đương được dạy nghề đan áo. Đến nay anh vẫn còn nhớ chiếc áo mình đan được đầu tiên với niềm vui lâng lâng, khó tả… Năm 1975, Đương theo cha nuôi đến Mỹ bắt đầu những ngày tháng mới của cuộc đời…

Một năm học 9 lớp

Đó là thời gian khó khăn nhất của Đương. Làm sao để học lại khi những mặt chữ a, b, c hồi học hết lớp 1 ở Việt Nam đã bị quên; giờ đây lại phải đối mặt với những con chữ lạ hoắc, những bài toán phức tạp. Anh được các tổ chức giúp đỡ người khuyết tật tại Mỹ tạo mọi điều kiện để học lại. Thời gian này, Đương được giáo sư người Việt nhận dạy toán và một cô giáo dạy tiếng Anh. Không ngờ anh thanh niên khuyết tật với tố chất thông minh đã nhanh chóng hoàn tất chương trình bậc tiểu học chỉ trong vòng 6 tháng. Anh được đưa đến trường High schoole để hòa nhập với những người bạn nhỏ tuổi. Nửa năm sau đó, Đương hoàn thành tiếp chương trình của lớp 6,7,8,9 và được đưa vào học tiếp nửa học kỳ 2 của lớp 10.

Nói về bí quyết để hoàn thành chương trình một cách xuất sắc, Đương cho biết: “Có lẽ lúc đó mình đã lớn tuổi nên phải cố gắng. Lúc đầu cũng khó khăn nhưng mình chỉ có việc học, không phải lo nghĩ điều gì nên tiếp thu nhanh. Nhưng lí do để mình quyết tâm nhiều nhất là vì mình nghĩ chỉ có cố gắng học thật giỏi mới có điều kiện để trở về Việt Nam sau này”.

Giấc mơ được về Việt Nam, được gặp lại người mẹ hiền, các em nhỏ, được thăm lại vùng quê nghèo mà chứa chan kỷ niệm và có điều kiện giúp đỡ cho những đứa bé có hoàn cảnh khuyết tật như mình cứ in sâu và trở thành động lực để Đương quên đi nghịch cảnh, vượt lên chính mình để trở thành một nhà khoa học nổi tiếng.

Có lẽ vì thế mà trong những ngày tháng đi học anh luôn là học sinh ưu tú với những thứ hạng cao. Huỳnh Phước Đương còn tham gia vào đội học sinh giỏi toán của trường để thi đấu với các trường khác và dành hạng 3.

Hết bậc phổ thông, anh ghi danh vào trường Đại học California, khoa Công nghệ sinh học. Giải thích cho việc chọn ngành học của mình, anh cho biết: “Có lẽ hình ảnh ruộng lúa, con trâu hồi trẻ thơ đã ăn sâu trong đầu nên tôi đã chọn ngành học này để sau này trở về Việt Nam, có điều kiện giúp đỡ cho quê hương. Nhưng sau đó thấy ngành học này không phù hợp với hoàn cảnh của mình nên tôi chuyển hướng sang nghiên cứu về thần kinh học”. Với sự trợ giúp của chính phủ Mỹ dành cho những người khuyết tật, anh theo học tiếp chương trình Tiến sĩ ngành Sinh hóa, thần kinh và trở thành Giáo sư tại Đại học UCLA California.

SAP- VN và những mảnh đời bất hạnh tại quê hương

Giờ đây, tại các hội thảo về thần kinh học, các trường Đại học Y khoa trong và ngoài nước không còn xa lạ với hình ảnh một giáo sư người Việt trên chiếc xe lăn thuyết trình các đề tài mới về các bệnh liên quan đến thần kinh. Anh có mặt tại nhiều quốc gia để tham gia hội thảo, thuyết trình nhưng vui nhất, hạnh phúc nhất với anh là được trở về Việt Nam để tham gia các chương trình từ thiện. Không phải khi thành danh TS Huỳnh Phước Đương mới nghĩ về quê hương mà từ khi đặt chân đến Mỹ, anh khao khát được chia sẻ khó khăn, nỗi bất hạnh với trẻ khuyết tật tại quê hương mình.

Năm 1992, anh cùng nhóm bạn tâm huyết thành lập hội từ thiện SAP-VN với mục đích thực hiện các chương trình: Phẫu thuật cho trẻ khuyết tật, vá môi hở hàm ếch; Xây trường học cho các vùng sâu cùng xa; Khám chữa bệnh miễn phí; Trao tặng xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật. Sau một thời gian hoạt động, hội SAP- VN đã kết nối được những tấm lòng hảo tâm trong cộng đồng người Việt tại Mỹ và chuyển về giúp đỡ cho những người khuyết tật, nghèo khó tại VN. Khắp mọi miền đất nước, nơi nào cũng có dấu chân của hội từ thiện SAP-VN. Mới đây, khi cơn bão Xangsane tàn phá miền Trung, SAP-VN lại quyên góp tiền gởi về giúp đỡ. Một nhóm bạn trẻ của SAP-VN đã lên kế hoạch, tự bỏ tiền túi để thực hiện chuyến trở về VN khảo sát, lên danh sách những trường hợp, địa phương cần được giúp đỡ để xây lại nhà, trường học.

Nói về hội từ thiện của mình, TS Đương cho biết: “Đó là một tổ chức từ thiện vì những đứa trẻ khuyết tật tại Việt Nam nên hoạt động tự nguyện và không được trả lương. Những người đến với SAP trước hết là những người có tấm lòng, yêu thích công việc từ thiện nên mới gắn bó được lâu dài. Trẻ em khuyết tật VN hiện có đời sống rất khó khăn nên tôi và các bạn trong hội SAP tự nguyện tổ chức chương trình phẫu thuật, chỉnh hình, tặng xe lăn, xe lắc cho trẻ khuyết tật trong nước. Khuyết tật không phải là gánh nặng và tôi muốn thông qua những việc mình làm để giúp cho các em có cuộc sống tươi sáng hơn”.

Những chuyến về nước như thế đã đem lại hạnh phúc, niềm vui cho TS Đương. Anh tâm sự: “Đó là công việc đem lại niềm vui và hạnh phúc duy nhất cho tôi. Vào năm 1993, tôi về Việt Nam thăm gia đình. Một trong những vấn đề làm cho tôi suy tư nhiều nhất là hầu như tất cả những người khuyết tật chân tại Việt Nam đều bị giam lỏng trong căn nhà của họ.Tôi đi từ miền Nam ra miền Bắc nhưng không hề thấy một người nào dùng xe lăn hay xe lắc tay trên đường. Về đến nhà, đi thăm một vài gia đình có con em bị khuyết tật thì mới biết phần đông họ không có khả năng tài chính để mua những chiếc xe đó. Vì thế, khi về Mỹ, tôi vận động và chương trình tặng xe lăn/xe lắc được thành lập để giúp đỡ những trường hợp này”. Nhìn thấy những đứa trẻ được đi trên những chiếc xe do SAP gởi về tặng, trong anh dậy lên những hạnh phúc vô biên.

TS Đương kể: “Trong một dịp phát xe lăn tại tỉnh Đồng Tháp, tôi mục kích cảnh một bà cụ cõng cháu đi lãnh xe lăn. Hay như trường hợp của em Lê Thị Hạnh ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bị tật hai chân. Em làm nghề thêu, mỗi ngày phải nhờ người đi nhận và giao hàng. Khi có được chiếc xe lăn, Hạnh không phải thuê người đi lãnh và giao hàng như xưa nữa và cảm thấy hãnh diện là một người tự lập để mưu sinh. Đó chính là mong mỏi của tôi và các thành viên trong SAP-VN”.

Cứ thế, SAP-VN lớn dần cùng những dự án dành cho Việt Nam và niềm hạnh phúc trong anh cũng tăng lên theo những niềm vui của người khuyết tật trong nước. Hỏi anh có dự tính về VN sinh sống? Với nụ cười tự tin và nhân hậu, TS Đương khẳng định: “Tôi sẽ về nhưng chưa phải là bây giờ. Tôi sẽ về nhưng không phải đầu tư để kinh doanh mà nơi nào cần, ai cần, tôi sẽ cố gắng giúp…”.

 (Người Viễn Xứ)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu