A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyễn Thảo Nguyên - Cựu Chủ tịch Hội SVVN tại ĐH Oxford: Chiếc cầu nối giữa sinh viên VN với sinh viên quốc tế

Bước sang tuổi 24, cô sinh viên người Anh gốc Việt Thao Nguyen Nguyen (tên Việt Nam: Nguyễn Thảo Nguyên) vừa hoàn tất chương trình Thạc sĩ tại Đại học danh tiếng Oxford (Anh) đã dành tiếp học bổng Tiến sĩ tại trường Đại học Southampton. "Bù đầu" với việc học nhưng cô gái nhỏ nhắn này luôn "quậy tưng bừng" mỗi khi có dịp nhằm kết nối sinh viên Việt Nam với bạn bè quốc tế và giới thiệu văn hoá Việt Nam.

Thảo Nguyên và hội sinh viên VN tại ĐH Oxford

Vừa "từ chức" Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Oxford (VOX) năm học 2005-2006 để theo học tiếp chương trình Tiến sĩ tại Southampton University,Thảo Nguyên bộc bạch: "Mặc dù chịu nhiều áp lực của việc học nhưng hoạt động xã hội là một phần không thể thiếu được trong con người tôi". 

Năm 14 tuổi, Thảo Nguyên rời Việt Nam đến Scotland để đoàn tụ gia đình. "Đó là những ngày nhớ không chịu nổi từng con đường ở Sài Gòn, món ăn, góc phố, bạn bè, người thân…", Thảo Nguyên nhớ lại. Đó cũng là những ngày cô bé 14 tuổi thấm thía sự bơ vơ, đơn độc nơi xứ người bởi sự khác xa về văn hoá, màu da, ngôn ngữ. Nguyên cho biết: "Lúc đầu không hiểu nên thấy người dân Scotland rất lạnh lùng, xa cách, không thân thiện như người dân Việt Nam mình nên Nguyên rất buồn, nỗi nhớ nhà càng tăng. Sau vài năm "hội nhập", thấu hiểu văn hoá Scotland mới thấy họ cũng thân thiện, dễ mến lắm, lạnh lùng chỉ là tính cách bề ngoài, đó là sự tôn trọng tự do, một nét văn hoá của người dân Scotland". 

Rồi Nguyên đến Anh và thi đỗ vào trường Đại học Oxford. Ngay khi bước vào năm nhất, hoạt động của Hội Sinh viên VN tại ĐH Oxford đã thu hút cô. Thảo Nguyên nhanh chóng trở thành hội viên tích cực nhất của hội. Các chương trình giao lưu văn hoá, tư vấn cho sinh viên từ Việt Nam mới sang, nhất là những "Đêm hội Văn hoá Việt Nam"…Nguyên luôn xung phong với vai trò khi là M.C, khi là ca sĩ nổi tiếng với bài hát "Lý quạ kêu". Dù vai trò nào Nguyên cũng hết mình vì thấy vui, thấy phù hợp với tính cách mình và vì muốn làm chiếc cầu nối để bạn bè quốc tế hiểu hơn về con người, đất nước và văn hoá Việt Nam. Niên khoá 2005-2006 Nguyên được các bạn tín nhiệm bầu làm hội trưởng của VOX.

Trong vai trò mới, Nguyên cho biết: "Mục đích của VOX là giao lưu văn hoá thông qua các hoạt động như: kết bạn, đêm hội văn hoá VN, tiệc trà, các bữa tiệc, ca múa hát… Một hoạt động quan trọng của Hội và được nêu ra trong Điều lệ là tham gia vào các hoạt động từ thiện nhằm giúp đỡ những đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam. Chúng tôi đã làm hoạt động này từ lâu, ngay cả trước khi Hội được chính thức thành lập. Thời gian đầu, các hoạt động từ thiện tại Oxford bắt đầu bằng cách đáp lại lời kêu gọi của những đồng bào bị thiên tai, đặc biệt là bão và lũ lụt. Trong những năm gần đây, các hoạt động được tổ chức tốt hơn, VOX quyết định mục tiêu hàng năm một cách cụ thể để kêu gọi đóng góp và nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội. Từ năm 2001-2003, chúng tôi giúp các trẻ em nghèo và khuyết tật. Trong đó, năm 2006 hội đã quyên góp gởi về VN 1.000 USD để giúp một em bé bị bệnh thận". 

Cứ thế, từ những vở kịch Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Tấm Cám, Nghêu Sò Ốc Hến, kịch câm Trạng Quỳnh đến những màn múa quạt, múa nón, những làn chèo, điệu hò, dân ca đều lần lượt được hội giới thiệu với sinh viên các nước và gây quỹ từ thiện. Chính những hoạt động tưởng chừng rất “sinh viên” này đã giúp VOX nâng tầm và những thành viên của hội cũng trưởng thành hơn khi ý nghĩa của việc họ làm thật khó đo lường hết giá trị.

“Tôi sẽ dành nhiều thời gian cho hoạt động xã hội”

Đang theo học năm nhất bậc học Tiến sĩ nhưng Thảo Nguyên đã vạch ra con đường đi cho mình: “Từ nhỏ, hoạt động xã hội là sự đam mê và yêu thích của tôi. Trong những lần vác balô về Việt Nam hoạt động tình nguyện đã giúp tôi nhận ra rất nhiều ý nghĩa của cuộc sống, kinh nghiệm. Tôi vẫn thấy đóng góp của mình còn rất nhỏ bé so với nhiều người. Tôi muốn dành thời gian cho hoạt động tình nguyện nhiều hơn trong suốt quãng đời của mình. Tuy nhiên tôi dự định sau khi học xong tiến sĩ, tôi không làm gì hết mà dành hẳn một năm để hoạt động xã hội không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á. Dĩ nhiên, quê hương mình vẫn là lựa chọn số một của tôi. Công việc tôi cảm thấy yêu thích và phù hợp với mình nhất là tham gia dạy hoặc dịch tài liệu tiếng Anh, hoặc có thể cùng các đoàn y bác sĩ quốc tế đi khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu vùng xa. Tôi có thể làm tư vấn, phiên dịch cho người dân mình".

Trước đó, trong những mùa nghỉ hè, một mình Thảo Nguyên đã vác balô tự đi liên hệ với các tổ chức để về Việt Nam dạy học. Cô cho biết: "Cái khó nhất là tụi mình không có đầu mối, rất muốn làm nhiều việc nhưng không biết bắt đầu từ đâu, với ai nên cứ đi gõ cửa hết nơi này đến nơi khác. Cuối cùng thì mình cũng gặp may khi Hội đồng Anh đồng ý sắp xếp cho mình cùng 6 bạn sinh viên quốc tế do mình "móc nối" về dạy tiếng Anh cho các trường Trung học ở TP.HCM". 

Những lần đó, tranh thủ ngày nghỉ, Thảo Nguyên lại đưa các bạn về nhà nấu món ăn Việt Nam, đưa đến các vùng quê để các bạn tìm hiểu thêm về đất nước, con người, phong cảnh Việt Nam. Năm 2004, một mình Nguyên xin đến trường Đại học An Giang, một đại học non trẻ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long để dịch tài liệu cho các thầy cô. Nhìn cuộc sống cơ cực của các bạn sinh viên trong kí túc xá, Nguyên càng thông cảm, chia sẻ khó khăn với sinh viên trong nước: "Nhìn các bạn, tôi thấy mình rất may mắn và muốn chia sẻ thật nhiều những gì mà mình đã học hỏi được từ xứ người và cũng nhờ đó mình học hỏi được thật nhiều từ thầy cô và các bạn sinh viên".

Giờ đây, gia đình lập nghiệp bên Mỹ, cô sinh viên nhỏ nhắn một mình ở lại Anh thuê nhà tiếp tục việc học của mình. Nguyên cho biết: "Dường như mình không còn thời gian rảnh. Mình muốn tranh thủ hết thời gian cho việc học và các hoạt động tình nguyện một phần để vơi đi nỗi nhớ Việt Nam. Mình muốn trở thành chiếc cầu nối để đưa sinh viên quốc tế đến Việt Nam và giới thiệu hình ảnh của quê hương đến với sinh viên quốc tế".

Những ngày đầu năm 2007, tôi gặp Nguyên tại Việt Nam, Nguyên khoe: "Nguyên đang học đàn tranh và đã đàn được bài "Dạ cổ hoài lang". Nguyên đang luyện cho thành thạo để có dịp sẽ biểu diễn cho bạn bè bên Anh nghe ngay".

Và cô lại cuốn hút vào những hoạt động tình nguyện của mình trên mảnh đất quê nhà…

(Theo Minh Diệu - Người viễn xứ)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu