A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiến sĩ Võ Đình Tuấn: Nhà tiên phong của ngành lượng tử ánh

Tốt nghiệp trung học ở Việt Nam rồi sang nước ngoài du học, sinh sống và làm việc, Võ Đình Tuấn đã liên tục đạt được những thành tựu to lớn trong nghiên cứu khoa học. Ông hiện là viện trưởng một viện nghiên cứu ở Mỹ và là tác giả của nhiều bằng phát minh, sáng chế.

Từ năm 2003, tiến sĩ Võ Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Lượng tử ánh sáng y sinh học của Viện Thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (ORNL) ở bang Tennessee đã chính thức giữ chức Viện trưởng Viện Lượng tử ánh sáng Fitzpatrick của trường Đại học Duke ở Bắc Carolina, Mỹ. Với mong muốn biến Đại học Duke thành một trung tâm nghiên cứu quốc gia về lượng tử ánh sáng, ông Tuấn cho biết: "Lượng tử ánh sáng là một ngành khoa học quan trọng về sự tương tác giữa những vật thể ánh sáng. Lượng tử ánh sáng là trung tâm của cuộc cách mạng công nghệ thông tin và có ảnh hưởng rất lớn đến những lĩnh vực như chẩn đoán bệnh, sản xuất phân tử, quốc phòng và y tế toàn cầu".



 Tiến sĩ Võ Đình Tuấn

George Truskey, chủ nhiệm khoa Kỹ thuật Y sinh của Trường Kỹ thuật Pratt thuộc Đại học Duke đánh giá tiến sĩ Võ Đình Tuấn là nhà tiên phong trong lĩnh vực lượng tử ánh sáng và công nghệ sinh học na-nô. Ông nói: "Chúng tôi rất may mắn có được sự cộng tác của Võ Đình Tuấn tại Duke. Anh ấy quan tâm sâu sắc đến cuộc sống con người và rất có khả năng để đạt được những bước tiến mới trong khoa học. Anh ấy sẽ giúp chúng tôi xây dựng những công nghệ tiên tiến nhằm giải quyết một số trong những vấn đề mà thế giới đang quan tâm".

Võ Đình Tuấn là người có trên 30 bằng phát minh, sáng chế. Năm 17 tuổi, Võ Đình Tuấn sang Thụy Sĩ du học và lấy bằng Cử nhân Vật lý vào năm 1971. Bốn năm sau, Võ Đình Tuấn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hóa lý tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH) ở Zurich. Năm 1975, ông sang định cư tại Hoa Kỳ. Hai năm sau, ông là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ORNL. 

Trong thời gian ở ORNL, tiến sĩ Võ Đình Tuấn đã phát minh ra nhiều công cụ và thiết bị có công dụng phát hiện bệnh tiểu đường, ung thư, thương tổn tế bào di truyền và tình trạng nhiễm độc ở người. Ông cũng là tác giả của những phát minh, sáng chế trong những lĩnh vực như: kiểm soát, phân tích và cảm ứng môi trường; phân tích dấu vết bằng kỹ thuật laser kết hợp với ứng dụng quang học; chẩn đoán y sinh học; cảm ứng y sinh học và môi trường.

  Ngoài chức vụ Viện trưởng Viện Fitzpatrick, tiến sĩ Võ Đình Tuấn còn là viện sĩ Viện Hóa học Mỹ và là biên tập viên cũng như cố vấn của nhiều tạp chí quốc tế chuyên ngành. Ông đã đoạt 5 giải thưởng Nghiên cứu & Phát triển (R&D) vào các năm 1981, 1987, 1992, 1994 và 1996. Ngoài ra, năm 1988, ông vinh dự được Hiệp hội Quang phổ học ứng dụng trao tặng Huy chương Vàng; năm 1992, Hiệp hội Câu lạc bộ Sáng chế Mỹ trao tặng ông giải International Hall of Fame. Ông cũng là người 2 lần đoạt giải Chuyển giao công nghệ của Federal Laboratory Consortium (năm 1986 và 1995). Năm 1996, ông được Câu lạc bộ Sáng chế Mỹ và Hiệp hội Sáng chế Tennessee bình chọn là nhà phát minh giỏi nhất trong năm; năm 1997, ông được Bộ Năng lượng Mỹ trao giải Nghiên cứu công nghệ và môi trường...
Hiện nay, nhà khoa học tài năng này đang nghiên cứu cải tiến những công nghệ mới để sản xuất những thiết bị y khoa hiện đại, có kích thước nhỏ và giá thành thấp, nhằm góp phần nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Theo ông, "sự phát triển về công nghệ quang học sẽ dẫn đến sự ra đời của những công cụ chẩn đoán hữu hiệu và an toàn hơn cho tế bào con người. Điều đó có thể giúp bác sĩ có thể nhanh chóng phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu mà không cần phải dùng đến kỹ thuật sinh thiết". 

Những công nghệ như thế bao gồm: bộ phận cảm ứng quang học na-nô có khả năng phát hiện những thay đổi phân tử ở cấp độ tế bào; công nghệ mạch điện tử sinh - quang học siêu nhỏ ("chip" sinh - quang học) giúp việc thí nghiệm hóa học trở nên dễ dàng hơn và ít tốn kém hơn; và quang học lượng tử giúp cho việc truyền những dữ liệu y khoa cá nhân trở nên an toàn hơn.

Ôn lại quá trình tạo dựng sự nghiệp của mình, tiến sĩ Võ Đình Tuấn tâm sự: "Từ khi tôi còn học ở Việt Nam, cha mẹ tôi đã giúp tôi nhận thức rõ về giá trị của sự học và đã khơi dậy trong tôi niềm say mê khoa học. Thời đó, cha tôi thường bảo: "Của cải vật chất có thể mất đi bất cứ lúc nào; chỉ có trí tuệ mới theo con đến suốt cuộc đời".

(Thanh Niên)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu