A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bây giờ nên cười nhiều hơn

25 người di dân gốc Việt này đã tốt nghiệp Cử nhân về Y khoa, Nha khoa và Quản trị Kinh doanh, có công việc ổn định, và họ đã làm cuộc hội ngộ tại Trường cao đẳng Claremore, bang Oklahoma, Hoa Kỳ nhằm hồi tưởng những gian khổ đã trải qua để có được thành công bước đầu trên xứ người.

Tưởng như phải bỏ dở việc học


 Từ trái qua: John Bui, Hanh Nguyen, Xuan Pham, Tammy Le, Nam Le, và Trung Pham 

Rời khỏi khu dành cho người tạm cư của người Việt Nam vào năm 1975, 25 người trong độ tuổi từ 18-25, đã nhận Trường cao đẳng Claremore là ngôi nhà Hoa Kỳ đầu tiên của họ.  

Sau 30 năm học trong ngôi trường mà ngày nay đã trở thành Trường đại học Rogers của bang Arkansas, Hoa Kỳ, 10 người trong số họ cùng với một ít di dân khác (những người đã đến ngôi trường nói trên sau họ) đã đoàn tụ cùng nhau lần đầu tiên vào ngày thứ bảy, nửa đầu tháng 09.2007 vừa qua. Tất cả những người này đã tốt nghiệp Cử nhân về Y khoa, Nha khoa và Quản trị Kinh doanh, nhưng điều mà mọi người quan tâm chính là cuộc đoàn tụ của họ tại trường. 

Vào năm 1975 khi rời khỏi Việt Nam, họ nghĩ là sẽ phải bỏ dở việc học và đi tìm việc làm. Thế nhưng ông hiệu trưởng Richard Mosier của Trường Clarmore lúc bấy giờ đã có mặt ở khu dành cho người tạm cư tại Ford Chaffee, bang Arkansas. Ông Richard Mosier đã phỏng vấn 300 người và chọn ra 25 người đưa về trường cao đẳng. Những sinh viên này đã nhận được các công việc vừa làm vừa học, được tài trợ và được bảo lãnh bởi những người mà về sau trở thành như cha mẹ của họ và giúp họ thích nghi với nền văn hóa mới và học tiếng Anh. Anh Nam Le, một kỹ sư sinh sống tại quận Cam, bang California, cho biết  cơ hội được tiếp tục việc học quả là “thiên đàng”. Giáo dục rất là quan trọng đối với người Việt Nam vì “gia đình có thể hy sinh mọi thứ để cho đứa trẻ được đến trường”, đó là lời nói của anh John Bui, một sinh viên đã tốt nghiệp từ trường này và hiện nay là môt kế toán viên sinh sống tại thành phố Anaheim, bang California. 

Cả 25 sinh viên đã trở thành bạn hữu của nhau ngay tức thì. Tại Trường cao đẳng Claremore, các sinh viên nam đi câu cá với nhau tại cái hồ trong trường và các nữ sinh viên thì trò chuyện và may vá. “Các bạn còn nhớ bữa ăn đầu tiên của chúng ta tại trường này không?” - anh John Bui hỏi vài người bạn tại ngôi nhà ở Tulsa của cô Xuan Pham, người tổ chức buổi họp mặt này. “Gà chiên” - cô Hanh Nguyen cười, trả lời như vậy. Cô Hanh Nguyen hiện là nhà phân tích tài chính sinh sống tại San Jose, bang Califiornia. “Gà chiên cùng với bắp và khoai tây tán” - anh John Bui nói và cho biết là rất ngon. 

Đau đáu nỗi nhớ người thân, gia đình 

Anh Nam Le nhớ lại khoảng thời gian được đối xử rất tốt trong nhà trường và anh rất nhớ những thân nhân còn ở tại Việt Nam. Anh Nam Le cho biết sau bữa ăn, anh nhìn lên bầu trời, hình dung lại ngôi nhà của anh nơi chốn xa xôi và không biết gia đình anh có mạnh khỏe hay không... Rất nhiều sinh viên đã không gặp được thân nhân trong 5, 10 hay 15 năm.  

Họp mặt cùng bạn bè, cô Hanh Nguyen hỏi: “Các bạn có còn nhớ lúc chúng ta đi xem cuộc tranh tài cưỡi ngựa chứng hoặc bò điên, chúng ta đã buộc phải đứng lên để chào quốc kỳ và nghe quốc ca Hoa Kỳ hay không?”. “Chúng ta đã khóc” - cô Hanh Nguyen nghẹn lời, nói – “Chúng ta ý thức được là đã xa quê hương”.

Những người bảo lãnh cho các sinh viên đã đem lại cho họ sự an toàn và niềm hy vọng, cô Xuan Pham nói như thế. Hiện nay cô Xuan Pham cùng với chồng làm việc trong một bệnh viện tại Tulsa. Người bảo lãnh cho cô còn tiến xa hơn là giúp cô bảo lãnh cha mẹ và người em đến Hoa Kỳ. Khi cô Xuan Pham còn là một sinh viên thì tiếng Anh của cô chỉ vừa đủ để nói “thank you” với người bảo lãnh của cô, nhưng ngày nay, trong buổi họp mặt, cô sinh viên đã tốt nghiệp này đã lưu loát bày tỏ lòng biết ơn với các người bảo lãnh, các thầy cô giáo và những người khác đã giúp đỡ họ. 

Các sinh viên đã học tập chuyên cần tại Trường cao đẳng Claremore để nắm lấy cơ hội may mắn mà họ có được. Trước khi buổi họp mặt bắt đầu, các bạn đồng học đã lên kế hoạch cho buổi họp mặt lần tới – có lẽ tại bang California hoặc ở một khu nghỉ dưỡng nào đó. Anh Nam Le đề nghị mọi người hãy giữ liên lạc với nhau. Anh Nam Le nói: “Bây giờ thì nên cười nhiều hơn là để rơi những giọt nước mắt”.

(Người viễn xứ) 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu