A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

50 năm, vẫn một tình yêu

Đó là câu chuyện tình yêu của hai vợ chồng Giáo sư Việt kiều Đặng Quốc Kỳ và Vũ Thị Ngọc Bích. Cả hai ông bà đều cho rằng, chuyện tình của họ là mối lương duyên, như duyên nợ với quê hương, đất nước

50 năm hạnh phúc

Đến tận bây giờ, bà Vũ Thị Ngọc Bích vẫn tin rằng, chuyện tình của vợ chồng bà là định mệnh. Bởi, trước khi kết hôn với Giáo sư Đặng Quốc Kỳ, bà chưa bao giờ có ý định lấy chồng và lại càng không phải là người Việt Nam. Bà Bích nhớ lại: “Mẹ tôi mất năm mới 29 tuổi, để lại 6 đứa con nheo nhóc. Tuổi thơ của tôi luôn chứng kiến những trận đòn kinh hoàng của người cha ham mê cờ bạc giáng xuống người của mẹ. Ông bỏ vợ con theo những người đàn bà khác. Đã vậy, ông còn đánh đập, hành hạ mẹ tôi đến tận lúc chết. Đến khi vợ mất, ông cũng chôn cất bà một cách qua loa. Đến giờ, mộ mẹ tôi bị thất lạc, không biết tìm ở đâu. Những hình ảnh đó luôn ám ảnh tôi. Tôi căm ghét tất cả đàn ông và luôn tìm cách trả thù”.

Lớn hơn một chút, bà và các em may mắn được người chị gái sớm thoát ly gia đình đưa sang Pháp nuôi cho ăn học. Bà theo học về nhạc hoạ. Học khá, đàn hay hát giỏi, lại có chút nhan sắc, không ít đàn ông vây quanh bà.

Năm cô nữ sinh Vũ Thị Ngọc Bích 23 tuổi, trong một lần sinh hoạt văn nghệ của trường, chàng sinh viên 21 tuổi Đặng Quốc Kỳ đã đánh đàn cho cô hát. Khi ấy cô vẫn không có chút ấn tượng về chàng trai này. Rồi như duyên số, hai người lại được Hội sinh viên nhà trường cử tham gia màn Thạch Sanh cứu công chúa. Từ đó, chàng trai Đặng Quốc Kỳ hay gọi điện cho cô và thường xuyên đứng hàng giờ dưới chân cầu thang chờ cô cùng đi học. Được các bạn cùng học vun vào, cô đã dần để ý đến chàng trai nghèo, chân thật này.

Công việc của một giảng viên âm nhạc khá bận rộn, bà Bích thường ra khỏi nhà từ sáng sớm và trở về khi trời đã tối. Công việc gia đình thường được GS Kỳ quán xuyến mỗi lúc bà về muộn. GS Đặng Quốc Kỳ tâm sự: “Đối với người Việt Nam, bữa cơm gia đình rất quan trọng. Công việc nghiên cứu của tôi cũng khá bận rộn nhưng về đến nhà lúc nào là tôi thu xếp để làm việc nhà giúp vợ. Bên Pháp, chuyện đó rất bình thường, không thể vin cớ mình là đàn ông để vợ phải làm tất cả các việc nội trợ”.

Theo GS Kỳ, cuộc sống gia đình của ông bà trong 50 năm qua không phải là không gặp sóng gió, nhưng trong cuộc sống lứa đôi, ông bà vừa phải vừa là vợ chồng, vừa là người đồng hành, đồng chí nên đã vượt qua được tất cả những khó khăn. Và theo ông bà, điều quan trọng nhất là hai người có cùng quan điểm, cùng có một điểm chung luôn cháy bỏng trong tâm hồn là tình yêu đối với quê hương,Tổ quốc.

Bà Vũ Thị Ngọc Bích còn tiết lộ, bí quyết để bà “ở lâu” được với chồng đến vậy là do ông đã thuyết phục bà bằng sức làm việc không mệt mỏi, bằng cả tâm huyết đối với quê hương. Trong cuộc sống gia đình, ông luôn tôn trọng bà, không nề hà bất kỳ công việc gia đình nào, dù lớn, dù bé.

“Đóng góp cho đất nước là lẽ sống của chúng tôi”

 Trong những năm 1960, Giáo sư  Đặng Quốc Kỳ là một trong những chuyên gia phần mềm hệ thống hàng đầu ở nước Pháp. Ông tham gia vào chương trình siêu tính cho Chính phủ Pháp và được tuyển vào đội ngũ mũi nhọn trong kế hoạch phát triển máy tính điện tử của Pháp.

GS Đặng Quốc Kỳ tâm sự, năm 1984, lần đầu tiên hai vợ chồng ông trở về thăm quê hương sau hơn 30 năm xa cách. Đến giờ ông vẫn không quên được cảm xúc của lần trở về ấy. Năm đó, Hà Nội còn nghèo lắm nhưng tình người đầy ắp. Ông đã khóc khi được nghe những tiếng nói thân thương ngay ở quê hương của mình. Cũng từ lần về ấy, ông cảm thấy day dứt là chưa đóng góp được gì cho Tổ quốc. Đầu năm 1990, ông và Viện trưởng cơ Đại học Marseille Dufresne, cũng là người gốc Việt đứng ra lập một chương trình giúp đỡ Việt Nam, trong đó có nhiều chương chương trình đang phát huy hiệu quả tốt như: Hỗ trợ trường kỹ thuật công nghệ Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu về công nhân công nghiệp cho thành phố Hải Phòng và các vùng lân cận; hỗ trợ trường đại học Thái Nguyên, tìm học bổng cho sinh viên và đưa một số chuyên gia của trường sang học tập tại Đại học Marseille Dufresne; thành lập hệ thống làm việc qua mạng internet…

Còn vợ ông, bà Vũ Thị Ngọc Bích, cũng thường cùng chồng trong những chuyến trở về Việt Nam để làm công việc mà theo bà: “Sẽ làm đến hơi thở cuối cùng”. Đó là giúp những phụ nữ nghèo có chút vốn để làm ăn, giúp những cháu bé gặp nhiều khó khăn được đến trường. Bà đã bỏ tiền túi hàng ngàn euro để giúp các phụ nữ nghèo, bất hạnh tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng… vốn để làm ăn. Trong chuyến đi thăm an toàn khu Thái Nguyên cùng chồng, bà đã giúp hàng chục gia đình khó khăn mỗi gia đình 200 uero dưới hình thức cho vay không lãi trong 2 năm để mua giống bò, lợn về chăn nuôi. Đúng 2 năm sau, các gia đình này đã hoàn lại số vốn cho ông bà. Số tiền này lại được chuyển tới các gia đình khó khăn khác… Cứ thế, đến nay đã có hàng chục gia đình nghèo ở Thái Nguyên đã ổn định được cuộc sống từ nguồn vốn vay này. Bà Vũ Thị Ngọc Bích tâm sự: “Ngoài giờ dạy ở trường, tôi còn đi dạy thêm đàn đáy, đàn bầu cho bà con người Việt ở Pháp, vừa để bà con không quên được nền văn hóa dân tộc, vừa tích cóp được vốn về nước giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nghèo”.

Giờ đây, cả hai vợ chồng Giáo sự Đặng Quốc Kỳ đều đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng nhìn cách họ chăm sóc và chiều chuộng nhau, nhiều người sẽ không nghi ngại về sức mạnh của tình yêu. Tình yêu vợ chồng của họ hoà quyện với tình yêu quê hương, đất nước đã tạo nên sức sống mãnh liệt, bất chấp mọi thời gian./. (VOV)


 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu