A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội họa Kết nối - phát minh của một người Việt ở Mỹ

“Tranh tròn” cho phép hàng trăm người cùng lúc được sáng tạo nghệ thuật và hưởng những lợi ích tinh thần từ sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo ra nó là Nguyễn Hiệp - họa sĩ người Việt ở Mỹ. Anh vừa đem Hội họa Kết nối về nơi sinh ra nó: Việt Nam.


 Nguyễn Hiệp bên cạnh phát minh của mình

Circle Painting/Hội họa Kết nối (dịch nguyên nghĩa là “vẽ vòng tròn”) - Đây là một “trường phái” vẽ mới đang làm thế giới phải chú ý. Một lối vẽ đúng nghĩa sáng tạo tập thể.

Cùng nhau... vẽ vui quay tròn

Có múa hát tập thể tại sao không thể có vẽ tập thể? Thử nghĩ xem, một ngày đẹp trời, cả nhà bạn hoặc cả cơ quan nơi bạn làm việc, cả khu dân cư nơi bạn đang sống... quyết định cùng vẽ một bức tranh. Hiệp Nguyễn sẽ được mời tới. 

Trước hết, anh sẽ cho mọi người cùng múa một điệu để khởi động, cũng nhằm nói lên mối liên quan giữa âm nhạc, múa và vẽ. Các động tác đều gợi nên rằng cơ thể của chúng ta được cấu trúc theo khuôn tròn.  

Hình cơ bản trong tự nhiên là hình tròn. Cuộc sống của chúng ta theo một cách nào đấy cũng đang quay vòng. Không hình nào có tác dụng kết nối mọi người bằng hình tròn.  

Vì thế chúng ta hãy xoay tròn quanh tấm vải và vẽ... Họa sĩ diễn giải: “Thí dụ anh vẽ một hình tròn, tôi sẽ cộng vào đó một nét để hình của anh thêm thú vị, màu sắc đẹp hơn, người khác lại cộng thêm một nét nữa.  

Mỗi người cộng một nét. Bắt đầu bức tranh chỉ là một cái chấm, dần dần nó lan tỏa, mở rộng, càng ngày càng chi tiết, tinh vi, càng nhiều lớp rực rỡ hơn”.  

Xong xuôi, người vẽ có thể trả tiền cho người hướng dẫn để “mua” tranh, hoặc anh sẽ giữ nó lại để mang đi triển lãm. 

Nguyễn Hiệp vừa mang hội họa tròn của mình tới 5 nước Đông Nam Á: Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Philippines, Indonesia.

Chiều 1/8, anh có cuộc nói chuyện về nghệ thuật cộng đồng (public arts) và vẽ tranh tròn cùng khoảng 30 người trong giới mỹ thuật TPHCM tại cà phê Himiko.  

Trước đó, anh về nhà người bạn thân ở Củ Chi tính nghỉ ngơi cho yên tĩnh. Nhưng bệnh nghề nghiệp nổi lên. Kết quả, một tác phẩm 2,5 x 3m ra đời. Tác giả là các bác hàng xóm làm ruộng và làm mộc lần đầu tiên cầm bút vẽ. 

Trung bình một tháng, Hiệp lại làm vài ba tranh “cho mọi người”. Trong 8 năm qua, nhờ anh mà hàng chục bức tranh tròn khổ lớn và hàng trăm bức cỡ 1-2m ra đời. 

Chuẩn bị chương trình vẽ cho Hội nghị ASEAN ở Singapore với các nguyên thủ quốc gia và Ngoại trưởng, Hiệp chỉ huy một “dàn vẽ” gồm 1.500 “họa sĩ” từ thường dân đến các vị chức sắc trong thành phố thực hiện 4 bức tranh (khổ 3 x 4m và 6 x 8m) nhân khánh thành Geat Park - công viên lớn nhất quận Cam. 

“Ba người là có thể sáng tác được rồi”, Hiệp cho hay. Luôn hồi hộp mỗi khi nét bút của... người khác đặt xuống và không thể biết cuối cùng bức tranh sẽ ra sao - là cảm giác lạ của những người vẽ tranh tròn. 

Một số nguyên tắc phải tuân thủ: Không giẫm lên sơn của người khác, không đụng vào người khác, vẽ trong yên lặng.  

Ngoài tác dụng thư giãn, tranh tròn còn như một liệu pháp mang tính thiền. “Một nét vừa đủ một hơi thở. Rất đơn giản thôi, bạn sẽ có khả năng tập trung” - Hiệp nói.  

Tranh tròn là một biểu tượng mỹ thuật của tinh thần tập thể: “Vẽ tranh cũng là học cách lãnh đạo, cách cộng tác, làm việc theo nhóm” - Anh tâm sự. 

Thời điểm sau vụ 11/9, ở Mỹ nảy sinh những hiềm khích về tôn giáo. Hiệp và đồng sự đã mời 30 người từ các tôn giáo khác nhau tới cùng trò chuyện, rồi vẽ tranh.  

“Họ rất cảm động khi có cơ hội chia sẻ với nhau”, Hiệp cho hay. “Khi người ta ngồi lại với nhau cùng làm việc trên tinh thần cởi mở, thông hiểu vì mục tiêu chung, thì nguy cơ xảy ra những xích mích về tôn giáo, chính trị, kể cả chiến tranh cũng bớt đi”, Hiệp nói. 

9 năm và 10 ngày 

Từng đỗ ĐH Mỹ thuật TPHCM nhưng không có điều kiện theo học. Sang Mỹ năm 1991, Hiệp lấy bằng Cử nhân Mỹ học lúc đã ngoài 30 tuổi.  

Anh học tiếp Cao học về Sư phạm Mỹ thuật với suy nghĩ có thể tác động tích cực đến cộng đồng hơn. 

“Cái quan trọng làm sao chia sẻ niềm vui sáng tác cho thế hệ trẻ. Chỉ những người có năng khiếu mới theo đuổi hội họa, nhưng nghệ thuật thì mênh mông, có thể ứng dụng vào mọi thứ”.  

Nghiên cứu cho thấy, khả năng thành công của người có cơ hội được tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ cao hơn những người khác nhiều.  

Theo Hiệp: “Không nhất thiết làm họa sĩ nhưng có cơ hội học vẽ chẳng hạn, cách giải quyết vấn đề của người ta sẽ tốt hơn. Tóm lại âm nhạc, văn chương, hội họa hay kinh doanh... - các lĩnh vực trong cuộc sống đều nối kết với nhau”.

“Trước giờ tôi vẫn là họa sĩ, nhưng thời gian ở Mỹ, đời sống khó khăn, cũng đi làm”,  Hiệp tâm sự. Cũng phải mất đến 9 năm, thẩm mỹ viện của anh mới làm nên ăn ra. Cho đến khi, anh dự một lớp thiền.  

“Trong 10 ngày học thiền, không nói chuyện, không tiếp xúc với ai, tự nhiên mình thấy sự việc rõ ràng hơn, đầu óc thông thoáng hơn. Tôi quyết định bán tiệm, theo ước mơ của mình về hội họa”.  

Sau đó, Hiệp về Việt Nam, lên Đà Lạt thuê xưởng, vẽ một mình. “Vẽ người vẽ cảnh cũng đã chán, tôi bắt đầu vẽ một vòng tròn, rồi hai vòng... thấy cũng thích thích”.  

Bốn tháng anh đi sâu vào vẽ vòng tròn và thấy mọi sự đều xoay vòng như vậy... Một lần dừng tay, nhìn ra cửa sổ thấy bọn trẻ đang chơi, dùng que đẩy những bánh xe tròn.  

“Ồ cũng là vòng tròn... Tại sao không mời những em này vô cùng vẽ với mình!”. Nghĩ là làm... Hôm sau, bọn trẻ dẫn bạn của chúng tới. Hôm sau nữa, bạn của bạn chúng tới.  

Rồi chúng đem cả ba mẹ tới để khoe tác phẩm... Như vậy Việt Nam chính là “cái nôi” của tranh tròn và bọn trẻ ở Đà Lạt là những người đầu tiên tham dự kiểu vẽ này. 

Nghĩ ra được một kiểu vẽ mới, nhưng Hiệp không nghĩ đến chuyện đăng ký bản quyền.  

“Người ta vẫn nói, dưới ánh mặt trời này không có gì mới lạ hết. Mọi cái đều từng được làm. Đúng vào lúc hiện đại hóa, bùng nổ thông tin - tưởng gắn con người với nhau hơn, thực ra làm chúng ta càng tách biệt hơn - circle painting tôi nghĩ ra đem con người ta lại gần với nhau. Tất nhiên không thể vẽ tranh qua computer hay mobile được rồi...”.  

Ở Mỹ, Hiệp đang hướng dẫn một số họa sĩ và giáo viên hội họa để họ về hướng dẫn lại nhóm, cộng đồng của mình lối vẽ tròn.  

(Tiền phong online)


 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu