A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò của các doanh nghiệp Việt kiều trong quan hệ doanh nghiệp hai nước Đức –Việt

Có thể có nhiều con đường và cách thức tiếp cận thông tin nơi thị trường mình muốn xâm nhập, qua thương vụ đại sứ quán tại nước sở tại, tìm kiếm thông tin trên trang web của VCCI, trang web của Ủy ban công thương nước đối tác, nhưng con đường thông qua doanh nghiệp người Việt ở Đức, mang tính cụ thể, người thực việc thực, sẽ nhanh chóng hơn nhiều, bởi họ có quan hệ, từng trải nghiệm kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực môi giới, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ, họ năng nổ hăng hái vì chính sự tồn tại của doanh nghiệp họ.


 Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chụp cùng các doanh nhân người Việt tại Berlin

Có lẽ chưa bao giờ mối quan hệ doanh nghiệp hai  nước Đức-Việt lại được các doanh nghiệp hai nước quan tâm và thật sự sôi động như vào thời điểm này. Về phía Đức, sự kiện này được thể hiện thông qua việc các doanh nghiệp Đức tham dự các cuộc hội thảo Wirtschaftstag Vietnam tại Đức. Về phía Việt Nam nó được thể hiện bởi sự xuất hiện của hơn 50 doanh nhân Việt Nam ở CHLB  Đức trong chuyến tháp tùng Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nhân dịp bà sang Berlin tham dự hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu từ ngày 14-16.06.2007.

Ngày Kinh tế Việt Nam "Wirtschaftstag Vietnam" tại Đức 


 Các đại biểu thảo luận bên lề hội thảo tại
Ngày kinh tế Việt Nam ở Wiesbaden

Tiếp theo các cuộc hội thảo Ngày kinh tế Việt Nam (Wirtschaftstag Vietnam) ở Leipzig và Mainz với trên 50 doanh nghiệp Đức tham gia, ngày 13.06.2007 Hiệp hội Kinh tế Đức - Châu Á - Thái Bình Dương (OAV) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Wiesbaden (IHK Wiesbaden) đã tổ chức cuộc hội thảo có cùng chủ đề tại Wiesbaden - thủ phủ Tiểu bang Hessen - Trung tâm kinh tế, tài chính và thị trường chứng khoán của CHLB Đức và đã thu hút trên 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ của  Đức thuộc các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xử lý rác thải, cơ khí, điện lạnh, năng lượng tham dự... Tại cuộc hội thảo lần này ở Wiesbaden, các vị khách mời đã trình bày nhiều chủ đề khác nhau như: Việt Nam – điểm đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp Đức, do Hiệp hội OAV báo cáo; hành lang pháp lý dành cho nhà đầu tư nước ngoài của Văn phòng Tư vấn Luật Roedl & Partner Ltd Saigon; sự phát triển của lĩnh vực Ngân hàng và Tài chính ở Việt Nam của tập đoàn  Ngân hàng Bayerische HypoVereinsbank AG; dùng các hội chợ triển lãm làm công cụ để xâm nhập vào thị trường Việt Nam của Công ty Hội chợ Triển lãm Hannover GmbH... Bên cạnh đó, khách tham dự hội thảo cũng đã thu thập được nhiều thông tin do chính các nhà đầu tư Đức đang hoạt động tại Việt Nam cung cấp về tình hình đầu tư tại Việt Nam. Ngày Kinh tế Việt Nam sẽ còn được tiếp tục được tổ chức tại các thành phố lớn khác ở CHLB Đức trong thời gian tới.

Diễn đàn doanh nghiệp Đức- Việt  (Vietnamesisch-Deutches Unternemerforum)

Nhân dịp Phó Chủ tịch nước Việt Nam, bà Trương Mỹ Hoa tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Berlin từ ngày 14-16.06.2007, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Đức- Việt (Vietnamesisch-Deutches Unternemerforum) vào ngày 4.06.2007 tại Berlin và 18.06.2007 tại Muenchen, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hai nước Đức- Việt có điều kiện gặp gỡ, giao lưu và tìm kiếm đối tác. Tháp tùng Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa là hơn 50 doanh nhân tiêu biểu, đại diện cho các doanh nghiệp nữ hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam nào cũng mang theo hoài bão, mong muốn có cơ hội được trực tiếp gặp gỡ các doanh nhân Đức, tìm hiểu, xây dựng các mối quan hệ hợp tác làm ăn, hy vọng thành công trên con đường hội nhập toàn cầu.

Vai trò của các doanh nghiệp người Việt ở Đức 



 Các đại biểu tham dự
Diễn đàn doanh nghiệp Đức - Việt ở Muenchen

Tại Diễn đàn ở Muenchen, ai cũng tiếc là có quá ít doanh nghiệp Đức và người Đức tham gia. Đếm không đủ đầu ngón tay, chỉ vẻn vẹn 5 người Đức (trong đó có cả doanh nghiệp và cả quan chức) bị áp đảo bởi hơn 50 doanh nhân từ Việt Nam sang cùng đông đảo khách mời là người Việt sống tại Đức. Trong khi các doanh nghiệp Đức đã phải "móc túi" tới nhiều chục đồng Euro để được vào tham dự những cuộc hội thảo Wirtschaftstag Vietnam ở Đức, tìm cơ hội quan hệ với các doanh nghiệp Việt Nam không hiện diện và họ đang ở tận bên kia bán cầu, thì ngược lại, khi đích thân doanh nghiệp Việt Nam sang Đức tìm đối tác thì lại "kiếm không ra doanh nghiệp Đức".

Ông Minh, một kỹ sư kinh tế, lập nghiệp ở Đức hơn 20 năm, là người tha thiết với các doanh nghiệp trong nước, có mặt trong buổi diễn đàn đã chia sẻ: “Đã có không ít doanh nghiệp trong nước tới diễn đàn này, quy mô lớn tới vài ngàn cán bộ công nhân viên, hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, trước khi lên đường họ mong ước có được những bạn hàng, đối tác và cả những hợp đồng mới,  nhưng với số lượng doanh nghiệp Đức tham dự diễn đàn quá ít như vậy, thì ngay đến việc để có được địa chỉ liên lạc với đối tác Đức còn khó chứ nói gì đến hợp đồng". Có thể khắc phục điều đó, nếu như phía Việt Nam huy động được nội lực của chính doanh nghiệp người Việt mình tại Đức làm cánh tay nối dài cho mình. Có thể có nhiều con đường và cách thức tiếp cận thông tin nơi thị trường mình muốn xâm nhập, qua thương vụ đại sứ quán tại nước sở tại, tìm kiếm thông tin trên trang web của VCCI, trang web của Ủy ban công thương nước đối tác, nhưng con đường thông qua doanh nghiệp người Việt ở Đức, mang tính cụ thể, người thực việc thực, sẽ nhanh chóng hơn nhiều, bởi họ có quan hệ, từng trải nghiệm kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực môi giới, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ, họ năng nổ hăng hái vì chính sự tồn tại của doanh nghiệp họ. Một tháng sôi động vừa qua đã chứng minh vai trò làm cầu nối rất quan trọng của lực lượng này.

Doanh nghiệp hỗ trợ xúc tiến thương mại

Tại các cuộc Hội thảo Ngày Kinh tế Việt Nam "Wirtschaftstag Vietnam" ở Leipzig, Mainz, Wiesbaden luôn luôn có các doanh nghiệp người Việt tại Đức tham gia, trong đó phải kể đến Viet Trade Center Ltd có địa chỉ website tại www.viettradecenter.de. Là công ty được thành lập chỉ chuyên đáp ứng nhu cầu thông tin cho các doanh nghiệp Đức muốn hợp tác với Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác tại Đức. Những công ty chuyên cung cấp dịch vụ như Viet Trade Center Ltd luôn luôn có khả năng tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa cho Việt Nam. Họ có thể cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước tổng  thể các dịch vụ liên quan: từ điều tra thị trường theo từng ngành nghề, tra cứu cung cấp danh sách và đánh giá đối tác, làm thư mời, bố trí gặp mặt, trợ giúp doanh nghiệp tham gia triển lãm, đưa đón tại sân bay, đi làm việc cùng, đến những dịch vụ cụ thể khác khi doanh nghiệp yêu cầu. Để thoả mãn đòi hỏi của cả hai phiá, Viet Trade Center Ltd từng tổ chức không ít chương trình quảng bá chung cho phía Việt Nam, lẫn Đức. Tìm hiểu các dự án, chế độ chính sách của phía Đức và Việt Nam liên quan đến quan hệ kinh tế 2 nước, cập nhật thông tin thị trường, lưu trữ phục vụ cho chức năng của mình, tham gia các cuộc hội nghị chuyên đề về Việt Nam, hội thảo và dự các diễn đàn, như Diễn đàn Ngày Kinh tế Việt Nam "Wirtschaftstag Vietnam", "diễn đàn Doanh nghiệp Đức-Việt".  Viet Trade Center Ltd còn tập hợp hàng mẫu, catalogs của các doanh nghiệp từ Việt Nam sang Đức để mang đến giới thiệu tại các diễn đàn trên, tiếp thị trực tiếp đến từng đối tác Đức; tổ chức bình chọn hàng Việt Nam ưa thích trên thị trường Đức, thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong nước.

Cộng đồng các doanh nghiệp liên kết

Không phải ngẫu nhiên mà Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã bố trí hẳn lịch riêng để tiếp đón đoàn đại biểu cộng đồng doanh nghiệp của Trung tâm thương mại ITC Berlin, Marzahnerstr. 17, gồm có 8 doanh nhân đại diện, do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc trung tâm, bà Trịnh Thị Mùi dẫn đầu. Bởi người Việt ở Đức có 1 lực lượng đông đảo chừng 7-10 nghìn doanh nghiệp phân bố khắp Liên bang, nhưng được hình thành nên 1 trung tâm, thuộc quyền sở hữu của chính người Việt, thu hút vào nó cả trăm doanh nghiệp người Việt đứng hàng đầu về xuất nhập khẩu, bán buôn, chuyển giao công nghệ, với đủ mọi ngành hàng, và hình thành nên một cộng đồng doanh nghiệp người Việt liên kết chặt chẽ với nhau, thì ITC là hình mẫu đầu tiên của người Việt trên toàn nước Đức. Nếu coi các doanh nghiệp chuyên hỗ trợ xúc tiến thương mại, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm quan hệ thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp 2 nước, thì Trung tâm Thương mại ITC là một mô hình, một đầu mối đảm bảo cơ sở thực tế cho các mối quan hệ đó được thực hiện nhanh chóng. Tại đây, bên cạnh dòng lưu chuyển hàng hoá từ Đông Âu, Tiệp, Ba Lan, Hungari, từ các nước Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, chuyển đến, thì một khối lượng lớn hàng hoá Việt Nam nhập khẩu được tập trung về đây rồi toả đi khắp nơi chính là nhờ mối liên kết giữa các doanh nghiệp hàng đầu ở đây với các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu trong nước. Mối liên kết đó có thể mở rộng đến vô hạn, không chỉ trong hợp tác tiêu thụ, mà cả trưng bày hàng mẫu chào mời các doanh nghiệp Đức khắp toàn Liên bang đến thăm, như một hội chợ đa ngành, nếu các doanh nghiệp trong nước chủ động tìm đến trung tâm, và thực sự muốn hợp tác để phát triển và khai thác trung tâm này như một trung tâm thương mại của những hãng xuất nhập khẩu lớn thuộc người Việt cả ở Đức và ở Việt Nam. Dự án liên kết mở rộng trên đang được Trung tâm chuẩn bị và hy vọng sẽ thành công, khi mà mối giao lưu giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp ở Đức rầm rộ và sôi động như hiện nay.

Nguyễn Sỹ Phương
Tổng biên tập Thời Báo Việt Đức
 CHLB Đức


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu