A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về với quê hương

Từ câu hát đưa nôi ru các em ngủ bên bờ sông cầu Cả Ðài, Phong Dinh, Cần Thơ, cô bé Kim Loan đã được một nghệ nhân đờn ca tài tử phát hiện, để từ đó bước chân vào thế giới màn nhung...

Trở về quê hương sau 18 năm theo chồng định cư tại Pháp, nghệ sĩ Mộng Tuyền (trước đây từng có nghệ danh là Kim Loan) đã ôn lại những kỷ niệm của ngày đầu đi hát bằng những sự kiện gắn chặt với tuổi thơ. 

Chị bồi hồi kể: "Nhà tôi nghèo lắm. Ba má tôi có đến tám người con, tôi là chị thứ ba nên thường được mẹ giao việc hát đưa em ngủ. Thuở nhỏ, không hiểu sao tôi mê những bài vọng cổ qua giọng ca của các nghệ sĩ như: Hữu Phước (Ông giáo làng), Út Trà Ôn (Gánh nước đêm trăng), Thanh Sơn (Trái gùi Bến Cát), Thanh Hương (Cô bán đèn giấy hồng)... Nghe và tập ca theo. Bất ngờ một hôm có thầy đờn tên là Ba Cứ ở Tân Quới sang làng tôi chơi, nghe tôi hát ru em, ông hỏi thăm người bạn là láng giềng của gia đình tôi, người này thuật lại hoàn cảnh của tôi, ông thương tình ngỏ lời xin tôi làm con nuôi, rồi đem về Tân Quới dạy ca theo đờn. Ông rất giỏi về đờn kìm và vi-ô-lông nên sau hai năm tôi đã ca rành ba nam, sáu bắc, biết ca theo nhịp đờn 20 câu vọng cổ. Năm chín tuổi, tôi về lại Cần Thơ, ba tôi lập ban đờn ca tài tử mang tên Kim Loan, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần biểu diễn phục vụ bà con nông dân những bài bản cải lương do ba tôi viết lời. Năm tôi 12 tuổi, một sự kiện xảy ra trong đời tôi, đó là gánh hát Thủ Ðô của ông bầu Ba Bản về rạp Minh Châu - Cần Thơ biểu diễn, ông bầu nghe tôi ca hay đã tìm đến nhà xin ba tôi cho theo đoàn hát. Sau một năm thử sức, năm 1963 tôi về đoàn Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao, bất ngờ nghệ sĩ Diệu Hiền - đào chính của Hoa Sen - nghỉ hát để về đoàn Thống Nhất, tôi từ vai phụ được đôn lên đóng vai chính và nhờ vai Huyền trong vở Nhà chợ một đêm mưa của soạn giả Hoàng Hiệp, tôi được ban tuyển chọn Giải Thanh Tâm trao HCV năm 1963 cùng với 5 nghệ sĩ: Diệp Lang, Bạch Tuyết, Trương Ánh Loan, Thanh Tú và Tấn Tài. Và từ sau vở Mùa xuân còn mãi, tôi được khán giả thương mến qua vai sơn nữ Mộng Tuyền, ba tôi quyết định đổi nghệ danh cho tôi là Mộng Tuyền. Lúc đó tôi không chịu, vì nghĩ khán giả đã quen với tên Kim Loan, nhưng ba tôi nhất quyết bảo phải đổi. Ba tôi nói: "Dễ gì con đi hát mà có một vai tuồng được khán giả thương, nên ba quyết định cúng tổ đổi tên lại cho con"... 

Sau khi đoạt HCV Giải Thanh Tâm, Kim Loan (Mộng Tuyền) bước sang một địa hạt mới, đó là tham gia đóng phim. Năm 17 tuổi, chị đã sáng giá bên cạnh diễn viên Lê Huỳnh (phim Mười một giờ ba mươi của đạo diễn Lê Hoàng Hoa), sau đó là hàng loạt các phim: Thương muộn, Bẫy ngầm, Còn gì cho nhau, Gánh hàng hoa... Năm 1972, chị được trao giải Ảnh hậu xuất sắc qua bộ phim Chân trời tím. Sau ngày hòa bình, chị đi diễn ở các đoàn: Trúc Giang, Phước Chung, Thanh Nga. Chị đã tham gia nhiều phim và sân khấu cải lương, hai vai diễn ở hai lĩnh vực nghệ thuật cách mạng mà chị nhớ nhất đó là: Vân (vở Bóng tối và ánh sáng - HCV Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980 tại Hải Phòng) và vai bác sĩ Mai Trân - nói về bác sĩ Ngọc Phượng - Bệnh viện Từ Dũ (phim Tình yêu của em - đoạt giải Bông sen vàng năm 1982).

Trở về sân khấu dân tộc 

Năm 1988, chị sang Pháp định cư, tạm gác chuyện hát xướng để làm một người vợ chăm sóc cho chồng. Nhưng trong thâm tâm, chị không bao giờ quên được nghề diễn, dù đã nhiều lần về thăm quê hương trong suốt 18 năm qua, nhưng không lần nào chị nhận thấy nỗi khao khát được biểu diễn lại cháy bỏng trong lòng như lần này. Trong chương trình live show NSƯT Thanh Sang, chị đã bất ngờ xuất hiện trên sân khấu, được khán giả cổ vũ nồng nhiệt, bởi Mộng Tuyền vẫn còn duyên và ca diễn hết sức ấn tượng. Chị khoe với chúng tôi: "Sắp tới trong suất tái diễn Ðêm Thanh Sang, tôi sẽ đóng vai Trưng Trắc - trích đoạn Tiếng trống Mê Linh. Lần này được thể hiện vai chị Thanh Nga, tôi mừng vui và hạnh phúc lắm. Từ đây, tôi sẽ ở lại với sân khấu, chọn quê hương là nơi quay về để được gần gũi với khán giả. Nếu không có gì thay đổi thì cuối năm nay, tôi sẽ làm một live show Mộng Tuyền Về với quê hương, để tri ân tình thương của khán giả dành cho một cô đào đã 60 tuổi đời vẫn còn được chấp nhận khi quay về với chiếc nôi nghệ thuật dân tộc".

 

Thanh Hiệp (Nhân Dân)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu