A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một nghị lực phi thường thiết tha vì sự nghiệp giải phóng dân tộc

Nhiều người biết đến Nguyễn Khắc Viện, một nhà văn hoá lớn giàu lòng yêu nước, nhà báo, nhà tâm lý học, thầy đồ già, một học giả, nhà thơ, nhà sử học một sĩ phu hiện đại... Nhưng có thể còn ít người biết tường tận về Nguyễn Khắc Viện, bác sĩ nhi khoa, bác sĩ về các bệnh nhiệt đới đã từng vật lộn với bệnh tật của chính mình vươn lên giành sự sống, làm chủ tri thức, thiết tha với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Một nghị lực phi thường

Nguyễn Khắc Viện sinh ngày 05 tháng 02 năm 1913 tại làng Gôi Vỵ, xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông học trung học ở Collège Vinh rồi chuyển vào Quốc học Huế để thi lấy bằng Thành chung vào năm 1931. Sau khi đỗ xuất sắc ba bằng tú tài ở Trường Bưởi (1934) và học hết năm thứ hai ở trường đại học Y Hà Nội (1937), ông du học tại Pháp và đã giành thêm hai bằng bác sĩ nhi khoa và bác sĩ về các bệnh nhiệt đới vào năm 1941. 

Trong thời gian học nội trú rồi làm việc tại Bệnh viện Trẻ em Trousseau ở Paris, do ít người, nhiều việc, ban ngày làm việc liên tục lại cứ hai đêm phải trực một ca nên một buổi sáng tháng giêng năm 1942, ngủ dậy, ông khạc ra máu. Thời bấy giờ bệnh lao xem là một trong tứ chứng nan y. Tuy nhiên, mặc dầu chưa có thuốc đặc trị, nhưng nhờ được nghỉ ngơi tại viện điều dưỡng ở thành phố Grenoble suốt hơn một năm trời, nhờ luyện tập dưỡng sinh kiên trì, trên cơ sở vốn có thể trạng tốt, đầu năm 1943 sức khỏe của ông tạm thời ổn định. Ra viện, ông lao vào công tác Việt kiều trong hoàn cảnh vật chất thiếu thốn nên cuối năm 1943, bệnh lại tái phát nặng hơn trước. Lần này, cả một thùy bên phổi phải bị xơ hóa, đờm khạc ra đầy vi khuẩn BK. Vì vẫn chưa có thuốc đặc trị, thầy thuốc đề ra biện pháp là phải giữ tư thế gần như bất động và cấm khẩu. Suốt một năm trời nằm im trong phòng một mình và hầu như không nói một câu nào với bất cứ ai, sức khỏe tương đối được nâng lên, nhưng vi khuẩn vẫn còn tràn ngập. Bệnh viện lại yêu cầu phải phẫu thuật mà trước hết là cắt sườn. Lần thứ nhất cắt 2 xương sườn với điều kiện chỉ được dùng thuốc tê chứ không được gây mê: Kéo cắt sườn giống chiếc kéo cắt sắt được chọc xuyên vào xương giữa cột sống. Cắt xong khâu lại, chờ một thời gian sau lại mổ ra để cắt tiếp 2 cái nữa. Riêng việc cắt 8 xương sườn đã phải mổ tất cả 3 lần,ròng rã trong một năm.  

Năm 1946, ông được chuyển sang làm việc lại một viện điều dưỡng ở thành phố Lourdre, vùng Pyrénées. Được gần một năm, sức khỏe có đỡ hơn, nhưng vẫn khạc ra đờm có BK. Lại phải phẫu thuật. Lần này ông bị khoét một lỗ lớn sau lưng. Hàng ngày bác sĩ nhét đầy gạc vào trong phổi để hút hết đờm và các phần phổi đã hư nát ra ngoài. Chỗ phổi nào thấy bắt đầu có sẹo  thì dùng nitrat bạc để đốt cháy. Qua 4 năm trời liên tục như vậy, những miếng phổi hư nát bị tống hết ra ngoài. Đầu năm 1957, ông lại phải lên bàn mổ để vá vết thương lưng, cắt 2 cơ lớn sau lưng, ép nó vào cái lỗ, bịt lại, khâu da. Ít lâu sau, phần màng phổi bên phải, ở chỗ cơ hoành bị tê liệt, phát mủ và tuôn sang bên trái làm cho phổi trái bị nặng hơn. Phần màng phổi bị xứ lý trong giải phẫu nhiều lần đã dày lên rất nhiều, thuốc không vào được nên lại phải giải phẫu. 

Sau tất cả 7 lần mổ, toàn bộ lá phổi phải và một nửa lá phổi trái bị cắt bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể ông. Ông phải chủ động vận dụng phần 1/2 cơ hoành còn lại là chính, kết hợp với phần cơ bụng để nâng cao hiệu suất thở, cung cấp nhiều o xy cho cơ thể để sức khỏe phục hồi nhanh.  

Đối với Nguyễn Khắc Viện, để duy trì cuộc sống, vấn đề quan trọng nhất là câu chuyện dưỡng sinh.  

Luyện tập dưỡng sinh đã có từ xa xưa ở Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, đọc lại những sách xưa và nay về khí công, yoga ta cảm thấy rất nhiêu khê, phức tạp,lẫn lộn giữa chuyện đời thường với chuyện thần bí rất khó hiểu. Nguyễn Khắc Viện đã tham khảo tất cả và trình bày rõ thêm về các vấn đề như: có đi được vào khoa học cơ bản hay không? Nguyên lý nằm ở đâu? Giữa hai cách: tập luyện thể dục thể thao như châu Âu và cách tập cổ truyền Á Đông khác nhau thế nào? Cách nào để giữ gìn sức khỏe, để giải quyết bệnh tật? Ông đã đúc kết thành bà vè dễ nhớ dễ thuộc về cách tập thở cho đúng cách  và đạt hiệu quả: 

Thót bụng thở ra 
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Mặt Phật ung dung
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khí gấp qua mồm
Êm chậm, sâu, đều
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được 

Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa: “Sức khoẻ là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất tinh thần và xã hội, chứ không phải chỉ là một tình trạng không có bệnh tật hay tàn tật, Nguyễn Khắc Viện định hghĩa: “Có sức khỏe tốt là cơ thể con người có thể tự điều chỉnh để thích ứng, thích nghi với những đòi hỏi của cuộc sống, của môi trường”.    

Hồi mới từ Pháp về nước nhận công tác, Cục Bảo vệ Sức khỏe xếp ông vào loại mất sức lao động 100% không được làm việc. Vậy mà sau đó 30 năm, cho đến tuổi 80, ông chỉ phải vào bệnh viện một lần. Cho đến khi biết mình sắp phải ra đi, ông chủ động viết sẵn lời thỉnh cầu: “Tôi đã già, lạl bị thiếu thớ trầm trọng từ hơn 40 năm nay, sắp tới, giả thử có tai biến gì hoặc mắc thêm các chứng bệnh khác thì xin các cơ sở y tế đừng khám nghiệm, đừng phẫu thuật, truyền máu hoặc bơm oxy gì thêm. Xin  để tôi ra đi nhẹ nhàng, đỡ khổ cho vợ con, bạn bè và cả bản thân tôi. Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về tôi”.  

Tuy là một người có thể xem là tàn phế nhưng hồi ở viện lao Saint Hillaire du Touvet, trong điều kiện chữa bệnh, Nguyễn Khắc Viện vẫn miệt mài đọc và học. Nhờ có thư viện lớn tại đây với nhiều sách của các ngành khoa học, đặc biệt là y học và triết học, ông không những nghiền ngẫm được nhiều sách triết học của Trung Quốc, Ấn Độ, Phật giáo, Nho giáo... mà còn học chữ Hán với một giáo sư Trung Quốc cũng nằm viện. 

Nói là học với giáo sư Trung Quốc nhưng thật ra ông tự học theo cái “nghiệp” khổ học của thầy đồ Nghệ. Gần nửa thế kỷ sau người ta còn tìm được một quyển vở học chữ Hán của Nguyễn Khắc Viện. Đấy là loại vở đóng sẵn như sách in, 120 tờ giấy kẻ carô, bìa dày, gáy bọc vải. Vở chia hai nửa, viết từ hai phía vào. Một nửa ghi học Bạch thoại (tức tiếng Trung Quốc hiện đại). Lật nửa bên kia là phần ghi học chữ Hán. 

Ông đã chép bằng chữ Hán toàn bộ cuốn Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, toàn bộ tập Thiên tự văn là sách vừa dạy kiến thức, vừa dạy từ bằng văn vần để dễ thuộc, toàn bộ Sở từ, Hạc lấu và tiền hậu Xích bích cùng rất nhiều thơ của các nhà thơ Đường, Tống tiêu biểu. Phần trích kiến thức từ Tứ thư, Ngũ kinh lại càng phong phú. Từ Luận ngữ, Mạnh tử, Trung dung, Đại học đến Kinh thi, Kinh thư, Lễ ký, Nhạc ký, Nam Hoa kinh. Kể cả Hán thư, Chiến Quốc sách, Sử ký, Thanh nang thư... 

Và sinh hoạt trong chi bộ của bệnh viện. 

Một hôm có vị nghị sỹ chủ tịch Ủy ban về Đông Dương của quốc hội Pháp đến nói chuyện tại bệnh viện tuyên truyền rằng Bảo Đại là đại diện cho dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh chỉ là một nhóm phiến loạn.  

Vị nghị sĩ pháp vừa diễn thuyết xong, Nguyễn Khắc Viện liền xin đăng đàn. Ông nói rất hùng hồn trong hơn 15 phút. Bằng những thực tế đã nắm được qua nhiều nguồn thông tin, dẫn chứng cả báo cáo mật của tướng Revers (tướng chỉ huy quân sự ở Đông Dương), mà anh em Việt kiều thu được qua các nguồn rò rỉ, ông đã chứng minh rằng, 90% nhân dân Việt Nam đều đi theo chính phủ Hồ Chí Minh. 

Mấy hôm sau, một người thuộc phái phát xít cực đoan viết kiến nghị lên ban giám đốc bệnh viện: Nguyễn Khắc Viện là phần tử chống chính phủ Pháp. Ta không thể chăm sóc nuôi dưỡng anh ta như nuôi ong tay áo, cần đuổi anh ta đi. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không đồng tình với ý kiến của kẻ phát xít cực đoan kia. Họ lập luận: “Ông Viện làm bác sĩ ở bệnh viện Paris vào đây điều trị là từ phần phúc lợi của người lao động, không thể nào vì ý kiến chính trị, mà tước bỏ quyền lợi đó được”. 

Thiết tha với sự nghiệp giải phóng dàn tộc 

Năm 1941, sau khi bảo vệ thành công luận án bác sĩ y khoa, Nguyễn Khắc Viện chuẩn bị về nước thì đúng vào dịp quân Đồng Minh chặn đường biển, không có tầu thủy về Việt Nam. Ông bị mắc kẹt và đành ở lại Pháp tiếp tục làm việc tại bệnh viện Trousseau. Trong kháng chiến chống Đức, đảng Cộng sản Pháp là những người cầm đầu. Sau khi Liên Xô đánh thắng Đức, uy tín của Liên Xô và của đảng Cộng sản Pháp lên cao: Không chỉ công nhân, mà nhiều trí thức lớn như Pierre Curie (giải thưởng Nobel về Vật lý), danh họa Picasso, nhà thơ lớn Aragon cũng tham gia đảng Cộng sản. Năm 1949, Nguyễn Khắc Viện cũng xin gia nhập và được kết nạp vào đảng Cộng sản Pháp. 

Ngay từ đầu năm 1943, sức khỏe chỉ mới tạm ổn định, ông đã lao vào hoạt động bí mật chống thực dân Pháp trong các trại tập trung công binh và chiến binh Việt Nam bị bắt đi làm bia đỡ đạn cho Pháp. Ông dạy học, giác ngộ chính trị cho anh em, đẩy mạnh phong trào đòi chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh xâm lược tại Việt Nam.

Cuối năm 1943, ông lại phải nhập viện trở lại cho đến năm 1951, ra viện và hoạt động tại thành phố Grenoble Saihbat trong chi bộ Ile Verte. Chi bộ này có 5 người: Viện, 1 kế toán, 1 bà nghỉ hưu và 2 công nhân xí nghiệp. Chi bộ chia nhau đi bán báo và rải truyền đơn. Đêm đêm còn bí mật đi kẻ khẩu hiệu ở các nơi công cộng “Phải ngừng chiến đấu ở Việt Nam, phải rút quân đội viễn chinh về...”.

Hoạt động của tổ chức Việt kiều sôi nổi và hữu hiệu đến mức một người cũng xứ thuộc địa Pháp khác đã so sánh: “Ở Grenoble cộng đồng Việt Nam chỉ có 30 người, thế mà làm được bao nhiêu việc: mít tinh, văn nghệ, viết báo, được nhân dân Pháp ủng hộ và yêu mến, trong lúc đó hàng ngàn người chúng ta cũng kháng chiến chống thực dân nhưng làm được gì, chỉ biết có dao găm!”. 

Để hạn chế tác dụng của phong trào Việt kiều ngày càng lớn mạnh, chính phủ Pháp ra tay đàn áp. Cuối năm 1952, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam chuyển mạnh sang tổng phản công, nhằm ngăn cản tổ chức Việt kiều liên hệ với Đảng cộng sản và các tổ chức tiến bộ Pháp để vận động ủng hộ kháng chiến và chính phủ Hồ Chí Minh, họ càng truy lùng ráo riết. Năm giờ sáng một sớm tháng 12 năm 1952, học ập vào bắt 12 người. Sau khi hỏi cung, họ trục xuất ông Phạm Huy Thông ra khỏi Pháp, đưa về giam ở Sài Gòn cho đến khi ký kết Hiệp định Genève mới thả. Sau khi ông Phạm Huy Thông bị trục xuất, ông Trần Thanh Xuân cũng bị cảnh sát vây hãm chặt vì đã từng liên hệ với chính phủ và Đảng cộng sản Pháp nên trong nước đành gọi về. Nguyễn Khắc Viện phải lên Paris đứng ra phụ trách anh em để cùng nhau khôi phục lại tổ chức hoạt động Việt kiều trong hoàn caản bí mật. Nguyễn Khắc Viện trốn thoát về ở trong nhà một bà công nhân làm bảo vệ ở một trường tiểu học ngoại ô Paris. Cảnh sát đến tra hỏi: “Tại sao bà dám chứa chấp một anh Việt Minh chống chính phủ Pháp?”.  Bà trả lời: “Đấy là quyền của tôi. Nếu tôi chứa chấp một thằng ăn trộm, ăn cướp, thì tôi phạm tội, còn mời một người ở nhà tôi, ý kiến chính trị của người ấy như thế nào, chuyện này không có tội gì cả”. 

Sau Hiệu định Genève tháng 7 năm 1954, sự truy nã của chính phủ Pháp giảm bớt. Tuy nhiên, lệnh trục xuất đối với Nguyễn Khắc Viện vẫn duy trì, cho nên ông vẫn là người sống bất hợp pháp và nguy cơbị cảnh sát bắt là thường trực. 

Mãi đến năm 1956, nhà cầm quyền Pháp mới cho tổ chức Việt kiều ra hoạt động công khai, đồng thời Nguyễn Khắc Viện cũng được cấp phép cư trú. 

Nguyễn Khắc Viện, tổ chức hoạt động Việt kiều ra công khai lấy tên là Hội Liên hiệp Việt kiều vì hòa bình, nhằm xây dựng tình hữu nghị Pháp - Việt” (UNION des Vietnamiens pour la paix au Vietnam et pour l’Amitié Franco - Vietnamienne). Trụ sở đóng tại số 4 Git de Coeur xóm La tinh, nơi có nhiều công nhân Việt kiều ở. Phòng trên là văn phòng của Hội, phòng dưới có thể họp được 50-60 người, đồng thời là căng tin. Một mặt để anh em đến đây vừa ăn uống, vừa trao đổi. Mặt, khác bán cho khách ngoài, lấy tiền đóng quỹ hội. Ông được bầu là Tổng thư ký Hội. 

Phương thức hoạt động của Hội ngày càng đa dạng, quy mô ngày càng lớn, đặc biệt là hai dịp biểu dương lực lượng hàng năm: ngày hội báo Nhân đạo (L’Humanité) vào đầu tháng 9, trùng với Ngày Quốc khánh của ta, và Tết Nguyên đán. Ngày hội của báo Nhân Đạo tổ chức tại công viên Vincennes, ngay sát cửa ô thủ đô París, có khi thu hút đến một triệu người. Các bạn Pháp dành cho Việt kiều một khu rộng để triển lãm, cờ đỏ sao vàng kéo lên bay phần phật giữa thủ đô nước Pháp. Hàng vạn người đi qua, ký tên vào kiến nghị đòi chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Mỗi lần như vậy, cửa hàng ăn Việt Nam bán ra hàng chục nghìn chiếc chả giò (nem rán) và hàng ngàn bát phở.  

Năm 1962, do sự điều chỉnh giữa chính quyền Ngô Đình Diệm với nhà chức trách Pháp, chính phủ Pháp lại ký lệnh trục xuất Nguyễn Khắc Viện. Ông nán lại một thời gian để làm báo cáo công tác và giúp đỡ đoàn chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Mai Văn Bộ làm đại diện tại Paris. Ngày 27 tháng 4 năm 1963, ông được Đảng và Nhà nước ta đưa về nước qua đường Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc.  Buổi ông rời Pháp lên đường, kiều bào và các bạn Pháp kéo đến tiễn chân đông như một cuộc biểu tình. 

Về nước, ông được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ làm ủy viên Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, trực tiếp phụ trách công tác tuyên truyền quốc tế. Ông là người sáng lập kiêm tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam và tạp chí Etudes Vietnamiennes. Từ năm 1970 ông làm giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, trong đó có hai tờ báo trên. Hàng trăm bài báo và đầu sách ông viết bằng tiếng Pháp gửi các báo nước ngoài và cho ba cơ quan trên ở Hà Nội đã có một tác dụng lớn lao, giúp cho bạn đọc Pháp và những người nói tiếng Pháp hiểu rõ và thêm yêu mến đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, cảm thông chia sẻ với cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của nhân dân Việt Nam.   

Giáo sư Hoàng Như Mai nhận xét là: “Văn phong của anh Viện - khi viết Pháp văn - giản dị, trong sáng, khúc triết. Tôi nghĩ rằng anh Viện viết thứ văn Jules Michelet, Ernest Renan, một thứ văn thuần Pháp”...   

 Theo “Nửa thế kỷ quảng bá đất nước với thế giới” - Kỷ yếu của NXB Thế Giới

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu